Home / Chia Sẻ / Thảm Kịch Paris Thứ Sáu ngày 13 và Ơn Gọi con Người

Thảm Kịch Paris Thứ Sáu ngày 13 và Ơn Gọi con Người

(Icon created by Julien after the attacks in Paris November 13)

Với tất cả lòng thành và cảm nhận món quà cuộc sống và tình liên đới nhân loại, xin chia sẻ cùng Paris-Nước Pháp – Cộng đồng nhân loại và đặc biệt gia đình các nạn nhân nỗi đau khổ mất mát và cảm nghiệm đau thương này. Xin cùng sát cánh cầu nguyện và chia s niềm tin cuộc sống để vượt qua thử thách này.

Trước một thảm kịch do chính con người gây cho nhau như ở Paris ngày hôm qua, một câu hỏi muôn thuở như bóng ma lại ám ảnh tâm thức chúng ta: “Còn dã tâm thế này, con người sẽ muốn thế giới đi về đâu?” Dù sợ hãi và bối rối, nhưng chúng ta không cho phép một mối đe dọa nào hay nỗi sợ hãi nào ăn trộm hay ăn cướp mất niềm vui, niềm hy vọng và niềm tin vào cuộc sống của mỗi chúng ta, vì chúng ta chỉ có một lần để sống và bản chất của cuộc sống là chia sẻ tình yêu. “Thảm kịch Paris thứ 6 ngày 13” vừa rồi như đụng chạm vào danh dự sống và sứ vụ đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Danh dự sống chính là món quà cuộc sống mỗi con người chúng ta đáng được nhận khi ta sinh ra vào đời, và kèm theo đó là sứ vụ của mỗi chúng ta làm gì để bảo vệ và làm cho món quà đó đẹp hơn và đẹp mãi.

Bất cônggiết chócchiến tranh là một kẻ thù lớn của cuộc sống. Danh sự sống và sứ vụ sống của mỗi con người dù muốn dù không phải điểm mặt và vượt qua kẻ thù lớn này. Trong những lý do chính dẫn đến chiến tranh phải kể đến lý do kinh tế, chiến tranh sắc tộc, lý do tôn giáo… Xem ra rất vô lý khi những lý do này lại khiến con người gây tổn hại và thậm chí giết chóc lẫn nhau – làm những việc ngược lại với bản chất người của mình. Tài nguyên và vật chất không lẽ không đủ cho ta chia sẻ, vậy tại sao ta phải tranh giành như bầy thú hoang? Ta định nghĩa con người thế nào khi ta nhìn anh chị em sắc tộc khác như kẻ thù và nỡ lòng giết chóc nhau? Tôn giáo là để giúp con người biết mình cao quý vươn tầm “xác đất phận hèn,” không lẽ lại là lý do để con người giết chóc có tổ chức để tự biến mình thấp hơn cả muông thú thảo mộc? Nhìn lại thảm kịch xảy ra ở Paris, ta có thể liên tưởng lý do của nó đến vấn đề tôn giáo. Đây không phải là cuộc chiến giữa hai tôn giáo hoặc giữa các tôn giáo lớn, mà đây là vấn đề của tôn giáo nói chung trong thời kỳ hiện tại này.

Các triết gia và nhà tư tưởng xếp thời đại ta đang sống vào một giai đoạn gọi là hậu hiện đại. Đặc tính của thời kỳ hậu hiện đại này là “bứng rễ nền tảng” và “trồng cây tương đối.” Trên bình diện quốc tế, tâm thức người đương thời đang theo một xu hướng không để cho một nền văn hóa, tư tưởng hay một lối sống nào, dù cho nó cổ xưa truyền thống, làm chủ nữa. Mỗi nền văn hóa, mỗi cá nhân đều có quyền ngang hàng với nhau trên bình diện thể hiện đặc tính, bộc lộ suy nghĩ và lối sống. Tất cả những giá trị trước kia là truyền thống, là tuyệt đối, ngày nay chỉ còn là tương đối. Ý tưởng – thực ra chủ yếu chỉ là những ý tưởng vay mượn chồng chéo hoặc tái chế pha tạp của nhau – được hình thành một cách nhanh chóng. Và tiến trình từ ý tưởng tới hiện thực cũng rất nhanh chóng. Tiến trình lượng giá ý tưởng, trước này cần thiết, giờ đây chỉ còn là sự xa xỉ mất giờ. Vì lẽ đó, hệ thống giá trị truyền thống bị nghi ngờ, đào thải, hoặc bỏ qua; trong khi đó, những thứ mới mẻ khó trở thành giá trị thực sự hoặc nếu có cũng chỉ ở mức độ tương đối. Trong một chiều kích như vậy, tôn giáo cũng bị ảnh hưởng, và khi tôn giáo bị ảnh hưởng, suy nghĩ và hành động của con người cũng bị ảnh hưởng.

Trong tôn giáo, hình ảnh của Thượng đế- tâm điểm của tôn giáo- đã thay đổi. Trong thời tiền hiện đạihiện đại, hình ảnh của Thượng đế mang tính vững bền, trật tự, thánh thiêng…. Con người dựa trên hình ảnh này để điều tiết cuộc sống của mình. Ở những thời kỳ đó, có nền văn hóa chủ đạo và có tôn giáo chủ đạo. Thời kỳ hậu hiện đại này thì khác: hình ảnh Thượng đế không còn được gói ghém trọn vẹn trong nghi lễ và phụng tự nữa. Thượng đế dường như đã bay ra khỏi tượng ảnh và rời khỏi đền thờ để vào với thế giới phong phú và bầu trời tự do. Hình ảnh Thượng đế dễ nhận thấy bị quy về hai chiều kích: một chiều kích tích cực, có thể được gọi là “một hình ảnh Thượng đế tự do – liberating image of God,” và ở chiều kích tiêu cực là “một hình ảnh Thượng đế trốn thoát – escaping image of God”.

Một Thượng đế đúng nghĩa luôn ở với con người, nhưng luôn vĩ đại hơn tất cả những gì con người nghĩ về, quy về, biết và viết về Ngài. Ngài mạc khải để con người mô tả hình ảnh của Ngài qua thần tượng, trong nghi lễ và phụng tự để hướng dẫn con người sống ơn gọi của chính mình. Cách chúng ta thờ phượng Thượng đế (Thiên Chúa) là cách chúng ta sống cuộc đời chúng ta. Vào thời nay, khi khoa học kỹ thuật và thế giới truyền thông giúp con người nhận diện và hiểu biết căn bản về thế giới này, con người cũng phải nhìn thấy vị trí của mình khác hơn, rộng rãi phổ quát hơn, sâu lắng hơn và tự do hơn. Và vì lẽ đó hình ảnh Thiên Chúa mà con người thờ phượng cũng phải đổi thay. Nói như vậy không có nghĩa là đền thờ – thánh đường và tượng ảnh Thiên Chúa không còn giá trị thể hiện về diện mạo của Ngài nữa; sự thật thì con người chưa khi nào cảm nhận hết hình ảnh Thượng đế/ Thiên Chúa nơi thần tượng và nghi thức vì nghi thức và thờ tự luôn lớn hơn cảm nhận của con người. Điều cần được đề cập ở đây là ý thức và nhận thức của con người về Thiên Chúa cũng phải đổi thay. Thiên Chúa phải được giải phóng khỏi tất cả nhưng mô thể cũ kỹ để hình ảnh của Ngài trong tâm thức con người trở nên lớn hơn. Khi Ngài là Ngài hơn thì con người cũng có cơ hội trở về là mình hơn. Và về mặt tích cực, liberating image/ hình ảnh tự do của Thiên Chúa đẹp biết bao khi nhờ đó con người thấy được hướng đi và khả thể của bản thân mình.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, có một nhóm người luôn cảm thấy hình ảnh Thượng đế mà họ thờ lạy bị ép buộc, hoàn toàn do người khác quy cho họ, chứ không phải tự bản thân họ được quyền “đắp nặn” hình ảnh Thượng đế cho bản thân. Rất hiển nhiên, khi Thiên Chúa đi vào không gian và thời gian là Ngài tự giới hạn bản thân mình, trở nên nhỏ bé hơn để sống chung với con người. Khi trở nên nhỏ bé như vậy thì Ngài cũng phải trở nên đặc thù theo suy tư và ngôn ngữ, cùng độ khéo léo đẽo tạc của một số nền văn hóa chủ đạo. Ai cũng biết, với thế mạnh của triết lý văn minh Hy-La cũng là nơi khai sinh khoa học, Tây-Âu trở thành nền văn hóa chủ đạo. Hình ảnh Thiên Chúa trong quá khứ do người Tây-Âu xây dựng và gợi ý. Khi đồng ý để mình được tạc nặn và đi vào thời gian và không gian, Thiên Chúa luôn ban tặng (linh hứng) cho chính người sáng kiến ra hình ảnh của Ngài. Vì vậy dù là hình ảnh Thiên Chúa của Tây-Âu, nhưng được phần còn lại của thế giới đón nhận như của riêng mình, vì hình ảnh đặc thù đó luôn mang tính phổ quát vì đã phần nào diễn tả được Thiên Chúa nơi tâm thức của dân tộc họ. Hình ảnh Thiên Chúa bên ngoài và bên trong tâm hồn họ, với sự chứng nhận và soi sáng của cùng một Thánh Thần, luôn ăn khớp với nhau. Điều này đã đúng và tốt cho tới gần đây ở thời hậu hiện đại này. Khi mọi thứ trở thành tương đối, một nhóm người, với một ý thức sai lệch, cảm thấy không thích và phản ứng tiêu cực với hình ảnh Thượng đế của truyền thống và quy ước. Họ đã chọn thể hiện hình ảnh Thượng đế của riêng họ, một hình ảnh Thượng đế trốn thoát – escaping image, và họ dùng hình ảnh đó để đụng chạm vào những người quá khích và người trẻ thiếu kinh nghiệm nhân bản và tôn giáo, kích thích họ gây những mối nguy hại cho cộng đồng nhân loại.

Nhóm khủng bố Paris, nhóm Isis hay Boko-Haram hay bất kể một nhóm nào mượn tôn giáo để gây chiến tranh trong thời hậu hiện đại này, hẳn đã hiểu sai về hình ảnh Thiên Chúa, và dùng cái hình ảnh sai lệch đó để gây hại và thậm chí giết chóc chính người đồng loại của mình. Họ đã biến một Thiên Chúa yêu thương thành một Thượng đế trốn thoát, thay vì nên giải phóng Ngài thêm nữa để Ngài nâng tầm vị thế con người. Họ đã cắt đứt quá khứ của Ngài với thực tại của chính Ngài. Khi hình ảnh của Ngài thành trốn thoát, thành lẩn trốn, vị thế con người cũng trở nên chênh vênh, mập mờ và mất định hướng, hậu quả là họ quay ra làm những chuyện ngược lại với tâm hồn họ. Thiên Chúa mãi yêu thương ở với con người. Ngài chấp nhận trở nên nhỏ bé ở trong đền thờ – thánh đường, nơi ảnh tượng cũng vì yêu thương con người để con người có thể soi bóng mình vĩ đại dường nào, và yêu thương chan chứa dường nào. Ngài đâu có lý do gì để mà lẩn trốn, và Ngài làm sao lẩn trốn được chính Ngài, làm sao lẩn trốn khỏi sự hiện diện tràn đầy và yêu thương vô hạn của bản thân Ngài?! Vậy bất kể cá nhân hay nhóm người nào dùng quyền của mình ở thời nào đó để hiểu sao về một hình ảnh của Ngài, bắt Ngài phải trốn thoát, thì cá nhân hoặc nhóm người đó đã từ chỗ hiểu sai dẫn đến gây tội trọng đối với người khác, bằng chứng có thể là gây chiến tranh khủng bố mượn lý do tôn giáo.

Thảm kịch Paris làm ta khóc, khiến ta hoang mang… nhưng trong biến cố này ta hãy một lần nữa trở lại với danh dự làm người và sứ vụ vì con người của chúng ta. Nhân loại có lẽ cần tỉnh táo hơn những lúc như thế này, khi thời cuộc thay đổi, để có thể góp phần trách nhiệm của bản thân vào sự sống chung. Thế giới thể lý có thể không mở ra rộng hơn, có chăng là sâu hơn và cao hơn, vì bề mặt trái đất cũng đã được con người nhận biết hết; tuy nhiên, thế giới tâm thức và tâm linh không ngừng thay đổi và lớn lên mãi. Khi một cơ thể đã lớn, thì những suy nghĩ và những thói quen cũ cũng sẽ dần thay đổi, để tạo nên một diện mạo mới to lớn hơn, rộng hơn, và sâu sắc hơn. Thế giới cảm nhận cũng đã lớn mạnh, cần một mô thức lớn hơn làm nhà cho tất cả những chất liệu đã được tích lũy trong dòng chảy lịch sử, để tạo nên một diện mạo nhân loại trưởng thành hơn. Diện mạo nhân loại đó là của tất cả các dân tộc, vì thế không dân tộc nào nên làm ngơ trước những yếu tố sai lệch dù nhỏ, hoặc để các nhóm quá khích trục lợi từ sự thay đổi hình thể của diện mạo nhân loại; đừng để họ làm méo mó, và thậm chí làm mất đi hy vọng và niềm vui của món quà sự sống đang ngày càng đầy hơn.

Những dân tộc Á Đông có lịch sử lâu đời diễn tả hình ảnh Thượng đế / Thiên Chúa không trong khuân khổ của chỉ một tôn giáo, một cách thức diễn tả, hoặc một hệ thống thờ phượng rõ ràng. Người Á Đông, từ Ấn Độ cho đến Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Việt Nam có chung một cách diễn tả hình ảnh Thượng đế man mác huyền ảo. Cách thức diễn tả này hẳn phải là một lựa chọn khôn ngoan dựa trên thực tại đa dạng của Á-Đông. Cách thức diễn tả này cũng là một sự hy sinh, vì khi hình ảnh Thượng đế / Thiên Chúa không được quy về một cách thức diễn tả cụ thể, đời sống con người dường như không được lợi ích trực tiếp về mặt cơ cấu của tôn giáo. Tuy nhiên sự hy sinh này giờ đây lại là một món quà cho nhân loại, vì hình ảnh Thượng đế huyền ảo gần với Ngài hơn và uyển chuyển cho mọi thay đổi này là một điểm quy chiếu đáng tin cậy cho thế giới nói chung và Tây Phương nói riêng, đang thời khủng hoảng. Thiên Chúa luôn yêu thương và Ngài muốn nhân loại liên đới trong tương quan với nhau để nhận ra ân sủng của Ngài.

Đức Giê-su Ki-tô cũng đang dần đi vào và phải được đi vào trong tâm thức của người Á-Đông, hợp với văn hóa và lối sống của người Á-đông. Ngài sẽ là hình ảnh mà Á-Đông chờ đợi bao nhiêu năm để diễn tả đầy đủ về một Thiên Chúa họ thờ; cùng lúc đó hình ảnh Đức Giê-su của Á-Đông hẳn phải là một món quà ban tặng lại cho thế giới như đã một lần Châu Á ban tặng thế giới một Giê-su bằng xương bằng thịt. Tạ ơn Ngài và xin Ngài dần sinh ra trong tâm hồn chúng con, hình ảnh mà cha ông chúng con đã ngàn đời thai nghén.

Check Also

Bài Chia Sẻ: Khoảnh Khắc Thứ Nhất – TÌNH YÊU CỦA MỘT NGƯỜI MẸ

Giới thiệu: Những Khoảnh Khắc Đứng Dưới Chân Thập Giá Tác giả: Cha Giuse Trần …