- Dẫn Nhập
Đã mười sáu thế kỷ trôi qua kể từ khi thánh Gioan Kim Khẩu ly trần. Nhưng chúng ta vẫn cảm nhận Ngài sống mãi với chúng ta hôm nay qua rất nhiều tác phẩm Ngài để lại. Nếu khi xưa, các tác phẩm của thánh Gioan Kim Khẩu đã giúp cho cộng đoàn tín hữu sống niềm tin ngay cả khi ngài vắng mặt vì bị lưu đày phương xa, thì ngày nay cũng giúp chúng ta sống đức tin trong hoàn cảnh hiện tại. Đây là điều mà chính thánh nhân đề nghị trong một lá thư được viết ở nơi lưu đày.[1]
- Đôi dòng tiểu sử.
“Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 334 tại Antiokia. Ngài được mệnh danh là Kim Khẩu: “Chrysostome” bởi vì miệng Ngài khi giảng thì luôn luôn tuôn ra những lời quí như vàng. Gioan mất cha lúc còn niên thiếu, nên chỉ sống với mẹ là bà Anthusa. Người phụ nữ này đã gieo vào tâm hồn con mình sự nhạy cảm, tinh tế, và một niềm tin Kitô giáo sâu đậm. Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có. Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho Ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp. Năm 373, Thánh Nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi. Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với Chúa, người ta nhất loạt tôn Thánh Nhân lên chức giám mục, nhưng Thánh nhân khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay và cầu nguyện. Trong thời gian sống ẩn dật, Thánh nhân bị ngã bệnh, nên Ngài thấy không thể tự chăm sóc sức khoẻ bản thân (vì không có ai giúp đỡ), nên phải quay trở về với cộng đoàn Kitô hữu ở Antiôkhia.[2] Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn trào những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dạy của Ngài. Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín, cuộc sống hào phóng, xa hoa, trụy lạc của những người giàu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo. Chính thánh nhân nêu gương sáng sống khó nghèo và giúp đỡ người nghèo tận tình. Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople. Thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số qui chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất. Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio vv. Thánh nhân qua đời vào ngày 14/7/407. Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết. Đức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.”[3]
- Linh đạo 1. Đời sống chiêm niệm
Thánh Gioan Kim Khẩu rút vào nơi hoang vắng, sống đời ẩn sĩ khoảng bốn năm trên ngọn núi Silpius. Ngài tiếp tục chương trình tĩnh tâm và ẩn dật thêm hai năm nữa, đơn độc cư ngụ trong một hang động, dưới sự hướng dẫn của một bậc “ẩn sĩ lão thành.” Trong thời gian đó, Ngài tận hiến hoàn toàn cho việc suy niệm về “luật của Đức Kitô,” về các sách Tin Mừng và đặc biệt là các thư của Thánh Phaolô Tông đồ. Thực vậy, sau này chính Thánh Nhân viết rằng Ngài đã phải lựa chọn giữa việc điều hành Giáo Hội với sự ẩn mình trong nếp sống đan tu yên ổn, mà thực sự ngài thích điều đó hơn công tác mục vụ ngàn lần.[4] Thánh nhân chỉ thích ẩn mình, ăn chay và cầu nguyện. Trong thời gian sống ẩn dật, Thánh nhân bị ngã bệnh, nên Ngài
thấy không thể tự chăm sóc sức khoẻ bản thân (vì không có ai giúp đỡ), nên phải quay trở về với cộng đoàn Kitô hữu ở Antiôkhia.[5] Chính qua biến cố đau bệnh này, Gioan nhận ra ơn gọi của mình. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình ơn gọi của Thánh Gioan Kim Khẩu: dành trọn thời gian cho công tác mục vụ, chăm sóc các linh hồn. Mối tương quan khăng khít với Lời Chúa, là Lời được gieo vào tâm hồn trong những năm Gioan sống ẩn dật, đã thôi thúc Thánh Nhân đến độ không thể cưỡng lại phải rao giảng Tin Mừng, trao cho người khác những gì chính Ngài đã lãnh nhận trong thời gian sống đời chiêm niệm. Thế là, lý tưởng truyền giáo nung nấu tâm hồn, đẩy Ngài vào đời sống mục tử, chăm sóc đoàn chiên.[6]
- Đời sống giảng thuyết và mục vụ.
Sau thời gian sống ẩn dật, Thánh nhân tiếp tục phát triển đời sống tâm linh qua đời sống mục vụ, giảng thuyết nên Ngài luôn quan tâm đến sự nhất quán giữa tư tưởng giảng dạy với kinh nghiệm hiện sinh của con người. Thánh nhân luôn để tâm lưu ý đến những kẻ nghèo khổ, nên còn được gọi là “người phân phát lương thực phần hồn lẫn phần xác” cho dân chúng. Thực vậy, như một nhà quản trị đầy lòng quan tâm, thánh Gioan thiết lập những tổ chức bác ái, được đánh giá rất cao.
Việc giảng thuyết của Thánh Gioan Kim Khẩu thường diễn ra trong suốt thời gian Phụng Vụ, là không gian mà cộng đoàn được xây dựng bằng Lời Chúa và Thánh Thể.[7] Thánh Gioan Kim Khẩu đã nhận thức rằng: nếu chúng ta chỉ đơn thuần bố thí, tặng quà, cứu giúp những người nghèo khổ theo từng đợt rời rạc, lác đác, thì vẫn chưa đủ; cần phải tạo ra một cấu trúc mới, một khuôn mẫu cho xã hội, dựa trên nền tảng Tân ước, được biểu lộ nơi một Giáo Hội đã tái sinh.[8] Một trong những điểm đặc trưng được tìm thấy trong các bài thuyết giáo của Gioan Kim Khẩu là việc nhấn mạnh đến bổn phận chăm sóc những người nghèo khó. Được soi dẫn từ những giáo huấn chép trong Tin Mừng Mátthêô, ông kêu gọi người giàu từ bỏ những tham vọng vật chất mà quan tâm nhiều hơn đến người nghèo.[9]
- Tác phẩm để lại
Thánh Gioan Kim Khẩu bận tâm đến việc làm cho các tác phẩm của mình giúp ích vào bước phát triển toàn diện trên cả ba chiều kích: thể lý, tri thức và tôn giáo. Nên Thánh Gioan Kim khẩu đã viết như sau: giá trị của con người hệ tại ở “sự hiểu biết chính xác về đạo lý chân thực và một lối sống chính trực, ngay thẳng.”[10] “Thánh Gioan Kim Khẩu là một trong số những vị Giáo phụ để lại nhiều văn phẩm nhất: mười bảy khảo luận, hơn bảy trăm bài giảng giảng chính thức, các bài chú giải Tin Mừng theo thánh Matthêu và chú giải các thư của Thánh Phaolô (thư gởi tín hữu Rôma, Côrintô, Êphêsô và Hípri) và hiện còn hai trăm bốn mươi mốt lá thư. Những bài giảng của Gioan có ảnh hưởng to lớn và lâu dài. Số lượng các bài giảng của ngài rất lớn, bao gồm hàng trăm bài giảng theo cách giải nghĩa Kinh Thánh trong Tân Ước (đặc biệt là những thư tín của thánh Phaolô và Cựu Ước). Trong số các bài luận giải Kinh Thánh của Gioan, có tới 67 bài giảng về Sáng thế ký, 59 bài về Thánh vịnh, 90 bài về Tin mừng Mathêô, 88 bài về Tin Mừng Gioan, và 55 bài về sách Công Vụ Các Tông Đồ.”[11]
- Vận dụng linh đạo của Thánh Gioan Kim Khẩu vào đời sống linh mục.
Thánh Gioan Kim Khẩu cho ta thấy một đời sống mục tử như lòng Chúa mong ước. Đặc biệt qua các bài thuyết giảng, cũng như thao thức mục vụ. Thánh nhân diễn tả một đời sống “Mục tử mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được nơi Chúa.”[12] Đặc biệt, Thánh nhân đã “giảng dạy lời Chúa và khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh… Giảng thuyết không phải chỉ là trình bày lời Chúa một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.”[13]
Thánh nhân nêu gương cho các mục tử phải xem xét nghiêm túc việc giảng trong phụng vụ vì “Thiên Chúa tìm cách đến với người khác thông qua người giảng thuyết, và Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua ngôn ngữ nhân loại.”[14] Bài giảng là phục vụ cho việc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Người giảng phải tìm hiểu và biết đến nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn. Bài giảng không phục vụ giải trí mà phải ban “sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành phụng vụ”.[15]
Thánh Gioan Kim Khẩu đã noi gương Chúa Chiên nhân lành hiến mạng sống mình cho đoàn chiên, sống tinh thần dâng hiến vì phần rỗi các linh hồn. Thánh nhân đã mang lại an ủi và củng cố niềm hy vọng cho các tín hữu của mình với đức tin mạnh mẽ, chu toàn bổn phận chăn dắt các linh hồn, thực hành khổ chế, không tìm tư lợi riêng, nhưng mưu tìm lợi ích cho nhiều người với những sáng kiến mục vụ trong vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Thánh nhân đã hiện diện với giáo dân của mình trong mọi hoàn cảnh, chia sẻ nỗi vui buồn và cuộc sống của họ. Ý thức mình là người của Thiên Chúa và Giáo Hội, nên Thánh nhân đã sống với giáo dân đầy nhân bản, phán đoán quân bình, sử xự đúng mực, chân thành với mọi người, đặc biệt luôn mang nhân đức hiền lành và khiêm nhường của Chúa Kitô. Thánh nhân luôn tiếp cận đến những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, hay những người đã bỏ đức tin hay xao nhãng đức tin là ưu tiên trong mục vụ của Ngài.
- Kết luận
Thật vậy, Thánh Gioan Kim Khẩu đã để lại một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo, đặc biệt là các linh mục. Thực vậy, nơi Thánh Gioan Kim Khẩu, người ta thấy tính nhất quán trong tư tưởng và hành động, ở Antiôkhia cũng như ở Constantinopoli. Thứ duy nhất thay đổi đó là vai trò mà Thánh Nhân đảm nhận, cộng với bối cảnh cuộc sống. Cuối đời, thánh Gioan Kim Khẩu liên kết với bài giảng điều tiên của Ngài, nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, một chủ đề rất thân thương với ngài: đó là “một kế hoạch, một sự quan phòng mà chúng ta không thể diễn tả, cũng không thể thấu hiểu, nhưng chắc chắn Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta theo kế hoạch đó với một tình yêu vô bờ bến.”[16] Cho dẫu phải chịu nhiều đau khổ, Thánh Gioan Kim Khẩu vẫn luôn khẳng định: Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu vô biên và Người muốn cho tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Phần thánh Gioan, suốt cuộc đời, Ngài đã nỗ lực cộng tác với ơn cứu độ này mà chẳng nuối tiếc điều gì. Thực vậy, Ngài đã nhìn thấy cùng đích sự sống là vinh quang Thiên Chúa. Ngay trong giây phút lâm chung, Ngài để lại di chúc cuối cùng: “Xin tôn vinh Thiên Chúa vì tất cả mọi sự.”[17]
[1] Gioan Kim Khẩu, Lá thư, 8, 45.
[2] Palladius, Dialogue on the Life of St John Chrysostom, 5.
[3] Lm Giuse Phạm Đức Tuấn, Hạnh Tích Các Thánh, lưu hành nội bộ, 2004.
[4] Bàn về chức tư tế, 6, 7.
[5] Palladius, Dialogue on the Life of St John Chrysostom, 5.
[6] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, 36 thánh tiến sĩ – Giáo huấn trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần, dịch: Giuse Nguyễn Văn Chung, OP và Giuse Nguyễn Trị An OP, 2009, Nxb Phương Đông, trang 95
[7] Ibid, trang 101
[8] Ibid, trang 99
[9] Ibid, trang 95
[10] Gioan Kim Khấu, Lá thư từ nơi lưu đầy.
[11] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, 36 thánh tiến sĩ – Giáo huấn trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần, dịch: Giuse Nguyễn Văn Chung, OP và Giuse Nguyễn Trị An OP, 2009, Nxb Phương Đông, trang 98
[12] Công đồng Vatican II, Hiến chế Giáo hội – Lumen Gentium, 1964, số 28. Sách Giáo lý CG số 4
[13] Công đồng Vatican II, Hiến chế Giáo hội – Lumen Gentium, 1964, số 28. Sách Giáo lý CG số 4
[14] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium, 2013, số 136.
[15] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium, 2013, số 138.
[16] Gioan Kim Khẩu, Về sự quan phòng, 2, 6.
[17] Palladius, op. cit., 11.