Có một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông gioan đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Ðại Cha mau đến,
Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy;
Xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Phiên bản Kinh Lạy Cha mà chúng ta đang dùng trong phụng vụ là từ Tin Mừng Matthêu, nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay thì lại cung cấp cho chúng ta phiên bản của Luca. Chúng ta có thể thấy được là phiên bản này ngắn hơn. Chẳng hạn, trong khi Matthêu mở đầu bằng việc thân thưa, “Lạy Cha chúng con ở trên trời,” thì Luca lại chỉ mở đầu rất vắn gọn, “Lạy Cha”. Cụm từ dài hơn kể trên thể hiện phong cách viết rất đặc thù của thánh sử Matthêu (ngài sử dụng cụm từ này 20 lần trong Tin Mừng của ngài, nhưng thánh Luca thì không dùng như thế). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì cụm từ đó là đặc trưng sản phẩm của thánh Matthêu, Đức Giêsu có lẽ chỉ dùng đơn giản là hai từ “Lạy Cha”.
Đoạn Tin Mừng này còn thể hiện một yêu cầu cũng khá lạ lùng của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Người Do Thái thuần thành cầu nguyện mỗi ngày từ khi còn là một đứ trẻ. Tại sao những môn đệ này lại yêu cầu Đức Giêsu dạy họ cầu nguyện? Chắc hẳn vì thấy ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông cầu nguyện bằng lời nguyện riêng của họ, vì thế mà môn đệ cũng thỉnh cầu Đức Giêsu dạy cho họ một lời cầu nguyện đặc trưng của người môn đệ Thầy Giêsu; khác với lời cầu nguyện của môn đệ ông Gioan. Để đáp lại thỉnh nguyện của họ, Đức Giêsu đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Chính nhờ thỉnh cầu của các môn đệ mà chúng ta có được lời cầu nguyện rất đặc biệt này; đây không chỉ là lời cầu nguyện như bất cứ lời nào, nhưng đây là lời cầu nguyện đặc trưng nhất của Kitô Hữu.
Lời cầu nguyện này đặc trưng bởi lẽ nó chẳng đề cập đến bất cứ mầu nhiệm Kitô giáo nào cả! cũng chẳng đề cập gì đến Đức Giêsu hay cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh của Ngài; cũng chẳng đề cập gì đến Chúa Ba Ngôi… Vậy chúng ta phải cảm nhận lời nguyện này thế nào?
Câu hỏi này gợi nhớ lại hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi tháng 5 vừa rồi đã đến Bức Tường Than Khóc và đã cầu nguyện giữa những người Do Thái. Bức tường này là phần còn lại duy nhất của Đền Thánh khi bị quân Rôma phá hủy vào những năm 70. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng ở giữa những người Do Thái cùng cầu nguyện làm ta liên tưởng đến Đức Giêsu giữa những người Do Thái ngày xưa. Với nét đặc trưng của lời cầu nguyện này, chúng ta có thể nói rằng những người anh em Do Thái có thể cùng cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng lời kinh ngày mà chẳng có chút e ngại hay xa cách nào.
Nhưng như thế thì lời cầu nguyện này có thể là lời kinh đặc trưng của Kitô Giáo sao được? Nếu không đề cập đến các mầu nhiệm Kitô Giáo và cuộc khổ nạn, cái chết cũng như sự phục sinh của Đức Giêsu, chính là bởi vì đây là lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Trong khi cầu nguyện, Đức Giêsu hoàn toàn tập trung vào một đối tượng duy nhất đó là: “Chúa Cha” ; Ngài không nghĩ về chính mình Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, chúng ta không thân thưa với Chúa Giêsu, nhưng Ngài đứng trong vị trí của chúng ta và cùng chúng ta cầu nguyện; trong khoảnh khắc đó chúng ta cầu nguyện bằng lời của Đức Giêsu và cùng Đức Giêsu thân thưa với Chúa Cha.
Trong lời kinh này, chúng ta gần Đức Giêsu đến nỗi không còn thấy Ngài, nhưng cũng như Ngài, chúng ta chỉ còn thấy Chúa Cha. Lúc đó như thể chúng ta đang ở trong tâm trí của chính Đức Giêsu, nhìn bằng đôi mắt của Ngài để thấy Chúa Cha, và có thể nói rằng chúng ta cũng đang nhìn thế giới như chính Đức Giêsu đang nhìn vậy. Trong kinh nguyện này, chúng ta được hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu – đúng nghĩa là những môn đệ của Ngài. Chúng ta đang cầu nguyện cùng Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Tất cả mọi lời cầu nguyện của chúng ta đều kết thúc bằng cụm từ “nhờ Đức Giêsu Kitô….” Và ở phần kết của kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta thưa rằng, “Chính nhờ Người, với Người, và trong Người…” Nhưng ở đây ta đang đứng trong vị trí của Ngài để thưa lên tiến ABBA – Cha ơi !
Thế nên, có đôi khi chúng ta có cảm nhận dường như Chúa Giêsu vắng mặt trong cuộc đời, đó là vì Ngài đang ở trong chính vị trí của chúng ta, đang lặng lẽ tiếp tục mời gọi cả thế giới vào trong tâm trí và linh hồn Ngài, để cùng với Ngài thân thưa lên Chúa Cha lời nguyện của chính Ngài – Người Con Dấu Ái của Thiên Chúa. Ở đó, trong tâm trí và linh hồn của Người Con Dấu Ái, Thiên Chúa sẽ mặc khải cho chúng ta những mầu nhiệm tuyệt vời về chính tình yêu Ngài. Ở đó ta sẽ được Thiên Chúa tỏ bày huyền tích nhiệm lạ như Gioan Thánh Giá đã miêu tả:
Chúa dẫn tôi vào hầm rượu lạ,
Uống rồi, tôi chếnh choáng bước ra,
Không còn biết đất trời gì nữa,
Mất cả bầy chiên – mới đó mà!
Ở đó Chúa cho tôi lòng Chúa,
Ngài dạy tôi khoa học tuyệt vời.
Tôi cũng đã cho Ngài tất cả,
Nguyện xe tơ kết tóc một đời.
Thế đó, hồn tôi Ngài hớp mất,
Từ nay tôi chỉ phụng sự Ngài.
Chẳng chăn cừu, chẳng làm gì khác,
Chỉ còn nguyên một việc yêu thôi.
Nếu có ai đầu đường cuối phố
Thương hỏi sao chẳng thấy tôi kìa,
Làm ơn nhắn hộ rằng tôi lạc
Tôi mất tôi cho Chúa lượm về.
(Khúc Linh Ca, 26-29)