Home / Chia Sẻ / Tĩnh tâm online 2020 – Tuần III Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Tĩnh tâm online 2020 – Tuần III Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Dám “vận mạng diễm phúc
Tuần thứ 3 : Tận đáy lòng

Tin mừng : Cuộc trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4)

« Vào lúc đó, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước.  

Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống.”[…] Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” […] Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói : « Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước. […]

Đức Giê-su bảo chị ấy : “Này chị, hãy tin tôi, đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem .  […] Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây  – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật.”»

Image result for đưc giêsu và phụ nữ samari
Ảnh: Đức Giê-su trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri (nguồn từ Internet)

1. Suy niệm trong tuần : con đường nội tâm

Chúng ta đã chiêm ngắm Đức Chúa hiển linh trên núi Ta-bo rồi chúng ta đã đi theo Người, khi hiểu rằng nhờ bước theo Người mà chúng ta có thể chắc chắn đạt được mục đích chuyến du hành của chúng ta, núi Cát-Minh. Nhưng con đường rất dài. Đức Giê-su mệt mỏi và chúng ta thấy Người bắt đầu cảm thấy khát. Cũng như dân ở hoang địa, chúng ta cũng muốn phàn nàn với Đức Ki-tô : «Xin cho chúng tôi nước để uống!» (Xh 17,2) May mắn là chúng ta dừng bên một nguồn nước, ở Sa-ma-ri.

  • Đi tìm nguồn nước

Chúng ta có thể tìm thấy mình trong người phụ nữ vô danh đến tìm nước lúc mười hai giờ trưa. Người phụ nữ đã có nhiều mối quan hệ tình cảm đang đi tìm nhân phẩm, có thể vì chị đã bị đời lạm dụng và người ta khinh bỉ. Đôi khi chúng ta cũng thất vọng vì kiếp con người, bị cám dỗ bởi thuyết định mệnh, và đang mong chờ một cách kín đáo một biến cố sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta. Biến có đó, chính là sự gặp gỡ với Đức Giê-su.  

Đức Giê-su tự đặt mình trước người phụ nữ, và trước chúng ta, trong một tình huống lệ thuộc : «Chị cho tôi xin chút nước uống.» Một cách khéo léo để tháo ra mọi thành kiến tôn giáo và văn hóa làm cho cuộc gặp gỡ giữa một người đàn ông Do-thái và người phụ nữ Sa-ma-ri không thể xảy ra được.  Nhưng Đức Giê-su đã vượt qua ranh giới và hạ mình xuống để chạm vào chúng ta; Người làm cho chúng ta không cưỡng lại những sự kháng cự do sợ hãi hoặc khinh bỉ của người khác. Người làm cho chúng ta có khả năng cho Người. Thật ngạc nhiên : chính tôi, tôi có khả năng cho Đức Giê-su một điều gì đó ! «Chị cho tôi xin chút nước uống.» Nhưng tôi đi đâu để tìm một sự gì cho Người? Ở đâu có nguồn nước ấy có thể cho Người giải khát? Thánh Gio-an Thánh Giá đến giúp chúng ta với bài thơ tuyệt vời của ngài là Nguồn Nước (bản dịch J. Ancet). Ngài biết nơi nguồn nước được giấu kín :

Tôi biết rõ nguồn nước tuôn chảy và lẩn trốn,
dù trong đêm khuya
Nguồn nước vĩnh cửu ấy được ẩn giấu
tôi biết nơi nó nẩy sinh
dù trong đêm khuya

Thánh Gio-an đã viết bài thơ này khi ngài ở trong tù tại Tolède; âm thanh duy nhất mà ngài đã nghe được trong khi thành phố ngủ yên đó chính là làn sóng sông Tage đã chảy dưới chân tu viện Cát Minh. Trong đêm tối, ngài phân biệt được một dấu hiệu sự sống xuyên qua dòng chảy liên tục đó.  Ngài nhớ đến sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa, giữa thử thách của sự thất bại hoàn toàn. Nguồn nước ấy, được thánh Gio-an phân định đặc biệt trong bí tích Thánh Thể như phần cuối bài thơ mô tả :

Nguồn nước vĩnh cửu ấy được chôn vùi
trong bánh hằng sống này để mang đến sự sống cho chúng ta
dù trong đêm khuya

Trong Đường Lên Núi Cát-Minh, thánh Gio-an hướng dẫn chúng ta đi tìm nguồn nước từ nội tâm. Thánh Thể được lãnh nhận trong lúc hiệp lễ lôi kéo chúng ta vào tận sâu thẳm lòng chúng ta… Chính nơi đó có nguồn nước mà chúng ta đi tìm…

Image result for Suối nguồn Cát Minh
Nguồn nước vĩnh cửu ấy được chôn vùi
trong bánh hằng sống… ” (Trích “Nguồn nước” của Thánh Gioan Thánh Giá)
  • Trong nội tâm, vượt trên sự cảm nhận

Chúng ta thấy trong Tin mừng cách Đức Giê-su ứng xử để khơi dậy lòng khao khát thiêng liêng của người phụ nữ. Người mở ra một cách giáo dục thật sự về đời sống nội tâm : cơn khát vật chất làm cho Đức Giê-su có thể khơi gợi cơn khát thầm kín của người phụ nữ Sa-ma-ri, sự tìm kiếm một tình yêu chắc chắn và đáng tin cậy cho chị ấy nhân phẩm và sự tôn trọng.  Người phụ nữ này nhờ đó sẽ tự khám phá trong sâu thẳm lòng mình, nhờ Đức Giê-su, vì chị chấp nhận tự nhìn mình trong sự thật. Vì thế trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta để chúng ta đi tìm Người không phải từ bên ngoài chúng ta, mà là từ bên trong. Con đường thiêng liêng là con đường nội tâm hóa dẫn chúng ta đến tận nơi sâu thẳm của bản thể chúng ta: chính nơi đó chúng ta gặp được Thiên Chúa trong sự thật đồng thời chúng ta cũng tìm thấy chính mình. Như thế đáy lòng vừa là nơi thân mật nhất của chúng ta, là đền thờ lương tâm chúng ta, mà cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Vì thế tôi càng đến gần Thiên Chúa trong tôi bao nhiêu, thì tôi càng trở nên thật sự chính tôi bấy nhiêu.  

       Vậy đây là cả một cuộc phiêu lưu nội tâm và thánh Gio-an Thánh Giá đã vén ra một cách tuyệt vời khoa sư phạm thần linh qua đó Đức Chúa lôi kéo chúng ta dần dần về cõi lòng chúng ta, bằng cách mời gọi chúng ta tháo dỡ những dáng vẻ bề ngoài. Trên đường cầu nguyện, nếu Thiên Chúa thường ban cho chúng ta những ơn khả giác lúc đầu, thì dần dần những ơn này sẽ biến mất. Điều đó có thể làm ta bị rối và chúng ta có thể phản ứng không tốt : hoặc là chúng ta nói cầu nguyện chẳng đem lại sự thích thú gì và nên ngưng cầu nguyện ; hoặc là vì nghĩ rằng chúng ta không tiến triển trong đời sống ki-tô hữu khi chúng ta không cảm nhận được gì nữa. Cách suy nghĩ thứ nhất biểu lộ một dạng rút lui vào chính mình và phải làm cho chúng ta tự hỏi : chúng ta cầu nguyện để làm cho chúng ta thích thú hay để gặp gỡ Thiên Chúa và yêu mến tha nhân hơn ? Nếu để yêu mến Chúa và tha nhân, thì chúng ta không nên dừng lại ở sự thích thú bản thân. Cách suy nghĩ thứ hai là một sai lầm trong phán đoán : sự trưởng thành thiêng liêng của chúng ta không hệ tại ở những điều chúng ta « cảm nhận » trong cầu nguyện. Trái lại, thánh Gio-an Thánh Giá xác nhận là Thiên Chúa cố tình không ban thêm cho chúng ta nhiều ơn khả giác : là để chúng ta lớn lên và trở thành những người trưởng thành trong đức tin. Một em bé thiêng liêng có quyền được nhiều an ủi khả giác. Người lớn sẽ tìm sự an ủi trong chiều sâu, bất chấp điều người đó cảm nhận hay không cảm nhận. Điều quan trọng là sống cầu nguyện ở mức độ đức tin chứ không phải chỉ ở cảm nhận khả giác.

“Cầu nguyện ở mức độ đức tin chứ không phải chỉ ở cảm nhận khả giác.” (Cha Jean-Alexandre de l’Agneau, OCD.)
  • Chúa dẫn đến trung tâm

       «Thiên Chúa dẫn đưa linh hồn từ mức độ này sang mức độ khác vào tận nội tâm. (…) Như thế Chúa giáo dục linh hồn và để siêu nhiên hóa linh hồn, Người thông ban cho linh hồn những điều siêu nhiên từ những điều bên ngoài, có thể sờ chạm được trong lĩnh vực khả giác, tùy theo năng lực thu hẹp và hạn chế của linh hồn.» (II ĐL 17, 4)

            Thiên Chúa nắm bắt chúng ta nơi chúng ta đang là, nhưng lôi kéo chúng ta đi xa hơn nữa. Chúng ta hãy so sánh với rượu : làm sao giúp cho một người không phân biệt được loại rượu thường và rượu hảo hạng biết đánh giá một loại rượu nho nổi tiếng? Cần phải luyện dần dần vị giác của mình (xem Ngọn Lửa Tình Nồng 1, 5). Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa giáo dục tính nhạy cảm của chúng ta bằng cách cải tổ nó, bằng cách hoán cải nó. Sự nhạy cảm của chúng ta phải sống kinh nghiệm của sự cách xa và trống rỗng để khơi dậy trong ta một sự nhạy cảm sâu sắc và siêu nhiên hơn. Một khi sự nhạy cảm sâu thẳm đó được đánh thức, thì chúng ta sẽ không còn hưởng nếm ơn Chúa như lúc trước. Chúng ta sẽ không còn cầu nguyện như lúc trước : cầu nguyện sẽ đơn giản hơn và không còn nhiều lý luận và cảm giác nữa.  

            «Vì thế, khi linh hồn càng có mối quan hệ mật thiết với Chúa, thì linh hồn sẽ tước bỏ dần những kiểu cách khả giác, như là sự lý luận và suy gẫm nhờ vào các hình ảnh. (…) Khi người ta hưởng nếm được hương vị của tinh thần, người ta sẽ thấy xác thịt thật vô vị ; nghĩa là mọi điều từ xác thịt không còn ích lợi gì và không làm thỏa mãn vị giác .» (II ĐL 17, 4)

            Ai đã nếm rượu Thánh-Emilion thì sẽ không đánh giá cao rượu thường mà trước kia người ấy đã xem là rượu thượng hạng… Ai đã hưởng nếm mối quan hệ với Thiên Chúa thì sẽ bớt cảm nhận nhu cầu khả giác trong cầu nguyện. Người đã tinh luyện mối quan hệ với Thiên Chúa sẽ ít cảm thấy nhu cầu cảm nhận những sự vật trong cầu nguyện. Sự tạo khoảng cách với cảm giác trong đời sống thiêng liêng cho chúng ta được tự do hơn để tiến bộ.  Chúng ta sẽ không để chất lượng đời sống cầu nguyện của chúng ta lệ thuộc vào sự cảm nhận của chúng ta. Vấn đề không phải là loại bỏ cảm giác nhưng là đặt nó vào đúng vị trí của nó. Chúng ta biết trong đức tin rằng Thiên Chúa hành động khi chúng ta cho Người thời gian và điều đó đã đủ rồi. Đó là dấu hiệu chúng ta đã lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Nếu ta dùng biểu tượng của một cây được cắt ra, chúng ta sẽ nói cùng với thánh Gio-an Thánh Giá là chúng ta sẽ không còn sống ở mức độ của « vỏ cây » thuộc cảm giác (vùng bên ngoài nhất) nhưng ở mức độ nội tâm hơn của linh hồn để đến gần phần sâu thẳm của tấm lòng nơi Thiên Chúa ngự.

Image result for God center
Ảnh minh họa (nguồn: Daily Inspirations)
  • Những cách hồi tâm để thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý

      Để tiến trên con đường nội tâm, ta cần chọn lựa những phương cách thích hợp. Thánh Gio-an Thánh Giá xác nhận rằng ở phần khởi đầu của đời sông thiêng liêng, điều bình thường là dựa vào những nơi mang vác để giúp chúng ta tìm gặp Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cần tỉnh thức để không còn dính bén với những nơi ấy mà chỉ gắn bó với chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều quan trọng là chọn lựa những nơi mang vác cho đời sống cầu nguyện của chúng ta chứ không phải cho sự thích thú thị giác.

«Mặc dù điều tốt hơn là cầu nguyện ở một nơi phù hợp nhất, nhưng dù sao, chúng ta nên chọn một nơi mà cảm giác và tinh thần sẽ ít bận rộn hơn để tiến đến với Chúa. Về điều này, chúng ta cần sử dụng câu Đấng Cứu Thế của chúng ta đã trả lời cho người phụ nữ Sa-ma-ri đã hỏi Chúa về nơi phù hợp nhất để cầu ngguyện, đền thờ hay trên núi; Chúa đã trả lời người ấy rằng cầu nguyện đích thực không gắn liền với núi hay đền thờ, nhưng những người tôn thờ mà Chúa Cha vui thích, chính là những người tôn thờ Người trong tinh thần và trong chân lý (Ga 4, 23-24).

            Vì thế, cho dù các đền thờ và những nơi yên tĩnh được dành và phù hợp cho sự cầu nguyện, để thiết lập mối quan hệ bạn hữu nội tâm với Thiên Chúa, chúng ta cần tìm một nơi ít lôi kéo và ít làm chúng ta bận rộn về sự khả giác. (…) Đó là lý do, để cho ta một ví dụ, để cầu nguyện Đấng Cứu Thế thường chọn những nơi cô tịch (Mt 14, 23) và những nơi không chiếm hữu giác quan nhưng nâng tâm hồn lên tới Chúa, như các ngọn núi vươn lên khỏi mặt đất và thường không làm giác quan bị xao lãng (Lc 6, 12). (…)

            Thánh Tông đồ đã cảnh cáo chúng ta khi nói rằng: Anh em hãy biết rằng thân thể anh em là đền thờ sống động của Thánh Thần Thiên Chúa đang ngự trong anh em (1 Co 3, 16). Điều đó nhắc ta nhớ lại lời nói của Đức Ki-tô : những người tôn thờ đích thật là những người tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý (Ga 4, 24).» (III ĐL 39-40)

            Vì thế trong tuần này chúng ta hãy tỉnh thức để tăng cường cơn khát thiêng liêng của chúng ta và để tìm Chúa không phải trong các bức tường nhưng ở trong trung tâm của chính chúng ta. Và ở đó, trong cõi lòng, chúng ta hãy thờ lạy Chúa trong tinh thần và trong chân lý.

Image result for Rèflection God
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cha Jean-Alexandre de l’Agneau, OCD (Tu viện Avon)

  • Ba hướng thực hành trong tuần
  1. Đâu là hình ảnh nói với tôi nhiều nhất về cơn khát thiêng liêng của tôi?
  2. Tôi dành thời gian để xem những nơi mà tôi thường cầu nguyện : những nơi ấy có giúp tôi được nội tâm hóa không? Tôi có sẵn sàng thay đổi nơi cầu nguyện không ?
  3. Tôi dành chỗ nào cho những cảm nhận của tôi trong cầu nguyện ? Làm thế nào tôi có thể lớn lên trong đức tin ?
  • Cầu nguyện mỗi ngày trong tuần

Thứ hai 16.3 : để làm vui lòng Chúa

«Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.» (Lc 4, 30)

«Trong đời này, Đức Giê-su Ki-tô, không ưa thích điều gì khác, ngoài việc thi hành ý Chúa Cha mà Người gọi là lương thực và bữa ăn của Người. » (I ĐL 13, 4  trích dẫn Ga 4, 34)

Đâu là những vươn lên nội tâm hướng dẫn tôi hành động và tiến tới? Sự vui thích của tôi hay thích làm vui lòng Chúa?

Thứ ba 17.3 : lời nói êm ái của Đức Giê-su

«Bây giờ, chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa.» (Đn 3, 41)

«Và người phụ nữ Sa-ma-ri bỏ quên nước và hũ đựng nước của bà vì những lời êm ái của Thiên Chúa.» (Ngọn Lửa Tình Nồng 1,6 gợi lên câu Ga 4, 28)

Tôi nhớ lại trong ký ức của tôi một khoảnh khắc ấn tượng của đời sống cầu nguyện của tôi và tôi dùng khoảnh khắc đó vì tôi tập trung lại vào tình yêu Đức Giê-su.

Thứ tư 18.3 : kỷ niệm về Thiên Chúa

«Các ngươi đừng bao giờ quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy.» (Đnl 4,9)

«Các ngươi hãy cố gắng luôn có Chúa hiện diện và hãy gìn giữ lòng trong sạch mà Chúa dạy các ngươi.» (PLA 141)

Làm thế nào để tôi luôn canh giữ những tư tưởng đang có trong lòng tôi ? Tôi khơi lại trong tôi kỷ niệm về Thiên Chúa.

Thứ năm 19.3 : đức tin của thánh Giu-se  

« Không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Áp-ra-ham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. » (Rm 4, 13)

«Ở đời này, linh hồn kết hiệp với Thiên Chúa, trong đức tin, đức cậy và đức mến mà thôi.» (II ĐL 6, 1)

Với sự trợ giúp của thánh Giu-se, tôi có một hành động đức tin trong một tình huống cụ thể.

Thứ sáu 20.3 : tình yêu đích thật của Thiên Chúa

«Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.» (Mc 12, 30)

«Linh hồn bước đi trong tình yêu không cảm thấy mệt mỏi.» (PLA 96)

Đối với tôi, tình yêu Chúa có trở nên một sức mạnh hằng ngày, một năng lực sống không ?

Thứ bảy 21.3 : cách tôi yêu mến Chúa

«Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.» (Hs 6,6)

«Nếu linh hồn vướng phải cái vui thỏa với sự sùng mộ khả giác, nó sẽ chẳng bao giờ đạt được tới sức mạnh của sự hoan lạc tâm linh.» (III ĐL 40, 2)

Trong đời sống cầu nguyện của tôi, tôi yêu Chúa như thế nào ? Làm thế nào để tôi tiến triển trong tình yêu Chúa ?

Tác quyền bởi các Tu sĩ Cát Minh OCD tại Pháp
Bản dịch tiếng Việt do Bs. Thanh thực hiện

Ảnh minh họa bởi O.Carm Việt Nam

Check Also

Cảm nhận của các Anh Em Cát Minh tuyến đầu chống dịch

Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn …