Chủ đề: “Hãy trở về để sống trong tình thương của Thiên Chúa”
Lời Chúa: Lc 15, 11-32
Anh chị em thân mến!
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta chiêm ngắm về dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là cơ hội để chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa vẫn hằng luôn yêu thương ấp ủ chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống. Bên cạnh đó, Mùa Chay còn là dịp để chúng ta suy nghĩ về sự đáp trả của mình trước tiếng gọi trở về với Chúa. Bởi lẽ, có biết bao lần chúng ta đã xa rời tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta; và cũng có biết bao lần chúng ta cố ý hay vô tình xúc phạm đến Ngài mà chẳng hay biết. Để suy nghĩ về lòng nhân từ của Thiên Chúa và sự đáp trả của chúng ta trước tình yêu thương vô bờ bến của Ngài, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm hình bóng của Thiên Chúa – vị Cha nhân hậu với chủ đề: “Hãy trở về để sống trong tình thương của Thiên Chúa”.

- THIÊN CHÚA LUÔN ĐI BƯỚC TRƯỚC TRONG VIỆC TÌM KIẾM CON NGƯỜI
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh người con thứ xin người cha chia gia tài cho mình. Có nghĩa là nó muốn cha nó chết, bởi lẽ, người cha chỉ chia gia tài cho con cái của mình khi ông sắp “gần đất xa trời”. Trong khi ở đây, ông còn đang sống mà người con thứ lại muốn ông chia gia tài cho nó. Đó quả là một sự xúc phạm rất nặng đối với người cha. Tuy nhiên, khi đứa con thứ ăn chơi xa đọa và gặp cảnh túng thiếu, thì nó muốn quay trở về cùng cha. Chúng ta cứ ngỡ rằng người cha sẽ từ chối và không thể tha thứ cho hành động xúc phạm của nó dành cho ông. Thế nhưng, Tin Mừng thuật lại: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để.” (Lc 15, 20)
Chúng ta tự hỏi với nhau rằng, làm sao người cha có thể trông thấy đứa con thứ ở đàng xa nếu như chính ông không ngày ngày ra đứng đầu ngõ để ngóng trông nó quay trở về? Đó là hình ảnh của một người cha nhân hậu, ông luôn chủ động đi bước trước trong việc tìm kiếm đứa con thứ quay trở về với mình. Sự chủ động của người cha còn được diễn tả mạnh mẽ hơn qua việc ông “chạnh lòng thương”. Có nghĩa là ruột gan ông quặn thắt lại như người mẹ sắp sinh con khi vừa trông thấy đứa con của mình, có lẽ vì ông đã trông ngóng nó quá lâu và tình thương của ông dành cho nó là quá lớn. Hơn nữa, ông còn chạy ra, ôm cổ nó và hôn lấy hôn để. Một loạt những cử chỉ diễn tả sự chờ đợi từ lâu của người cha đối với đứa con của mình, nhất là tình thương của ông dành cho nó quá dạt dào, đến nỗi ông chỉ biết “hôn lấy hôn để”, mà có bản dịch viết là “hôn nó hồi lâu”, trong khi nó đã không tắm từ lâu và vừa mới ở chuồng heo về. Như vậy, hình ảnh người cha trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh của một vị Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc tìm kiếm con người quay trở về với Ngài. Có thể nói rằng, nếu như con người vì bản tính mỏng dòn yếu đuối nên dễ xa lìa tình thương của Thiên Chúa, thì với Ngài, vì quá yêu thương con người nên Ngài luôn chủ động đi bước trước trong việc tìm kiếm họ.

- TRỞ VỀ ĐỂ SỐNG TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
Sau những tháng ngày ăn chơi phóng đãng và tiêu sạch hết tài sản của người cha chia cho, người con thứ bắt đầu lâm vào cảnh bi đát, nghèo nàn và bần cùng, túng thiếu về mọi phương diện. Từ một người con trong gia đình giàu có hôm nào, thì nay anh lại trở thành kẻ đói khát, từ người có kẻ hầu người hạ, thì nay anh trở thành kẻ làm thuê với một nghề hèn hạ nhất đối với người Do Thái lúc bấy giờ, anh phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng. Tin Mừng ghi nhận cảnh bi đát của người con thứ như sau: Người chủ sai anh ta ra đồng chăn heo, và anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng ai cho (x. Lc 15,15-16). Có thể nói, chính lúc túng thiếu nhất là lúc anh bắt đầu nhìn ra thân phận tội lỗi hèn yếu của mình. Anh suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình trước đây, anh chợt nhận ra sự diễm phúc mà anh có khi còn ở với cha. Và rồi, anh quyết tâm trở về, nghĩa là anh rời bỏ tình trạng hiện có để trở về nơi hạnh phúc xưa kia. Đồng thời, anh chỉ mong người cha nhận anh vào làm công chứ không mong mình trở lại làm con, vì anh cảm thấy mình thật bất xứng.
Còn về người Cha, kể từ lúc người con rời xa người Cha về mọi phương diện, ông lúc nào cũng coi anh là con của mình. Dù đứa con đã bỏ ông ra đi, nhưng ông không bỏ rơi nó ngày nào. Hình bóng của đứa con thứ không bao giờ nhạt phai trong trái tim của ông cho dù bây giờ mắt ông đã mờ và gối ông cũng đã mỏi. Bên cạnh đó, trong khi đứa con chỉ mong được nhận làm công, thì với ông, nó luôn là con. Điều này được diễn tả qua một loạt các hành động của ông nhằm phục hồi phẩm giá của người con thứ, như:
- Trước hết, ông đeo nhẫn cho con: đó là cử chỉ lặp lại hình ảnh vua Pharaô rút nhẫn từ tay mình mà trao cho ông Giuse, dấu chỉ trao toàn quyền – chỉ sau vua – trong nước Ai Cập! (x. St 41, 42).
- Kế đến, ông mang áo đẹp và giày mới mặc cho con: đó là hình ảnh của người làm chủ, được tự do, không phải là kẻ nô lệ, vì nô lệ không được mang giày dép, phải đi chân đất, trong lúc con thứ chỉ ước làm nô lệ giúp việc trong nhà cha thôi. (x. Lc 15, 19)
- Cuối cùng, ông sai đầy tớ giết con bê béo để ăn mừng: “bê béo”, nghĩa là con bê đã được vỗ béo, nó ở đâu ra vậy? Điều đó nói lên sự chuẩn bị của ông từ rất lâu. Ông vẫn hy vọng và tin tưởng một ngày nào đó con ông trở về.
Như vậy, hình ảnh người con thứ quay trở về nhà cha trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng chính là hình ảnh con người biết quay trở về với Chúa để được sống trong tình thương của Ngài. Ngài luôn chờ đợi, sẵn sàng tha thứ và yêu thương dù cho họ có tệ mạt đến mức nào đi nữa. Bởi lẽ, Thiên Chúa mãi mãi là tình yêu.

- HÃY TRỞ VỀ – MỘT LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI
Chúng ta đang sống trong những ngày chay thánh. Vì thế, lời mời gọi sám hối luôn là điều quan trọng và cấp bách đối với mỗi người chúng ta. Thế nhưng, đâu là động lực để khiến chúng ta quay trở về với Thiên Chúa? Để có thể trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về sự trở về của người con thứ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thứ nhất, người con thứ quay trở về bởi nó đã quá đau khổ. Khi bắt đầu rơi vào cảnh túng quẫn, người con thứ ý thức được sự chua xót của phận người. Anh cứ ngỡ rằng khi rời xa cha mình thì anh sẽ được tự do hơn, thế nhưng, anh càng rời xa cha bao nhiêu thì anh lại càng đánh mất sự tự do hơn bấy nhiêu: đi làm thuê, không ai cho ăn đậu muồng heo… Thế giới ngày nay và trong cuộc sống của chính mình, chúng ta cũng muốn thoát ra khỏi các lề luật, các quy định của Chúa để mình được tự do hơn, chẳng hạn như: cho phép phá thai vì chính sách dân số; khuyến khích hôn nhân thử để giảm bớt tỉ lệ ly hôn; mở rộng hôn nhân đồng tính vì tôn trọng nhân phẩm của con người… Tuy nhiên, càng chọn lựa những điều đó trong cuộc sống, thì thế giới, cũng như con người chúng ta lại càng mất tự do hơn. Bởi lẽ, chúng ta đang gieo những mầm mống của sự chết, của đau khổ, không những cho thế giới bên ngoài nhưng còn cho chính tâm hồn bên trong của mỗi người chúng ta. Chúng ta đang xây dựng một thế giới “văn minh nhưng thiếu vắng tình thương” và cổ võ cho một “nền văn hóa dẫn đến sự chết”.
Thứ hai, người con thứ trở về vì nó nhận ra tình thương của người cha không chỉ đối với chính nó, mà còn với các tôi tớ trong nhà. Trong các nền văn hóa nói chung, nhất là đối với những người Do Thái lúc bấy giờ, dường như người nô lệ là kẻ không được nhìn nhận phẩm giá, cuộc sống của họ tùy thuộc vào người chủ. Thế nhưng, trong dụ ngôn này, chúng ta thấy người cha còn thương ban cho họ có đầy đủ cơm dư gạo thừa. (x. Lc 15, 17) Đối với người nô lệ mà ông còn đối xử tốt như vậy, thì huống gì là con ông, chắc chắn nó còn được cha thương gấp mấy lần! Có ai đó đã từng nói rằng: “Muốn biết lòng nhân hậu của ai, hãy coi cách đối xử của họ với bầy tôi!”. Thử hỏi rằng, nếu người con thứ nhớ lại cách đối xử của người cha luôn cay nghiệt với những kẻ làm công, hoặc nhớ đến cảnh gia đình mình như một hỏa ngục trần gian, thì liệu anh ta có muốn quay trở về nhà không? Có thể nói chính tình yêu nhân hậu của người cha trong tương quan với mọi người, đã là động lực rất lớn để đứa con thứ dám can đảm quay trở về nhà mình.
Ngày nay, khi con người đến với Tòa giải tội, họ cần nhận ra dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa dành cho mình. Một tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, ngang qua sự đón tiếp niềm nở của những người có trách nhiệm đối với hối nhân. Quả như lời của thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Rôma: “Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Đồng thời, chính qua tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện nơi những người có trách nhiệm, họ sẽ càng thêm can đảm và mau mắn quay trở về với Thiên Chúa của mình.
Như vậy, trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta được mời gọi nhìn về những đau khổ mà thế giới đang phải trải qua, nhất là trong khoảng từ đầu năm 2020 vừa qua, đó là vụ cháy rừng trên diện rộng ở nước Úc; nạn dịch châu chấu bùng phát ở châu Phi, hay đại dịch viêm phổi cấp do chủng vi-rút Corona gây ra… Tất cả những tai ương này đã và đang xảy ra, rất có thể là do phần lỗi của mỗi người chúng ta góp vào. Đó có thể là nạn chặt phá rừng cách bừa bãi đã làm cho khí hậu toàn cầu bị thay đổi, hoặc tham vọng làm bá chủ thế giới, và cũng có thể là tội lỗi riêng của mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta được mời gọi ăn năn sám hối và sớm quay trở về với Thiên Chúa, để mãi sống trong tình yêu thương của Ngài. Quả vậy, cha Séraphim Sarov, một linh mục người Nga đã nói: “Cứ cứu rỗi chính mình đi, rồi hàng triệu triệu người chung quanh sẽ được cứu rỗi.”
Để khép lại bài suy niệm hôm nay, chúng ta hãy cùng nghe qua một giai thoại về cuộc đời thánh Giêrônimô. Hy vọng qua câu chuyện này, chúng ta sẽ hiểu hơn về giá trị đích thực của lòng sám hối, đồng thời, chúng ta còn nhận ra tình thương nhưng không của Thiên Chúa giành cho chúng ta:
“Vào một đêm Giáng Sinh nọ, thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, thì Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa. Chúa Hài Đồng âu yếm hỏi:
– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?
Thánh nhân đáp:
– Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con.
– Đúng thế, nhưng còn gì khác nữa không?
– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.
Chúa Hài Đồng hỏi tiếp: – Con còn điều gì khác nữa không?
Thánh nhân khẩn khoản thưa: – Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu?
Chúa Hài Đồng bảo:
– Này Giêrônimô, hãy dâng cho Ta tất cả tội lỗi của con nữa.
Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại:
– Ôi, lạy Chúa, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được.
– Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.
Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. Ôi Thiên Chúa nhân lành vô cùng, Ngài chẳng muốn gì hơn là được thỏa mãn lòng nhân từ yêu thương của Ngài bằng việc tha thứ cho con người.”
Vâng thưa anh chị em, giá trị đích thực của lòng sám hối chính là chúng ta ý thức về tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Chúa và cầu xin ơn tha thứ của Ngài. Một khi đã được Chúa thương tha thứ, thì chúng ta hãy nỗ lực phấn đấu hết mình, để đáp lại hồng ân mà Ngài đã thương ban cho chúng ta. Quả như lời ngôn sứ Barúc đã nói: “Như tư tưởng các con đã làm các con lạc xa Thiên Chúa. Một khi trở lại, các con hãy nhiệt thành gấp mười để tìm kiếm Chúa.” (Br 4, 28). Giờ đây, chúng ta hãy dành ít phút thinh lặng, để hồi tâm suy nghĩ về lời mời gọi trở về với Chúa và hãy cố gắng giữ mình mỗi ngày để luôn sống trong tình thương của Ngài. Chúng ta hãy tiếp tục đi vào trong sa mạc của cuộc đời để tiếp tục gặp gỡ Chúa và “cảm nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (x. Tv 34/33,9a). Quả thật, Thiên Chúa luôn luôn là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài chậm bất bình và rất mực khoan dung.
Tu viện Đức Bà Núi Cát Minh, Thủ Đức – Tp. HCM
Ts. Giuse Trần Văn Thịnh, O.Carm.