Home / Tin Tức / Tử Đạo và Cuồng Tín

Tử Đạo và Cuồng Tín

Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. 

 – Tớ mới đọc báo sáng nay. Lại có thêm một vụ đánh bom tự sát làm chết nhiều người tại một khu chợ. Lần này khác mấy lần trước: do một cô gái. Cậu nghĩ sao về tin này?

+ Nói thật là tớ vừa phục vừa tức. Phục vì cô ta dám liều chết cho tôn giáo của cô ấy. Tức vì cô ta làm chết những người vô tội.

– À, tớ nghe nói là bên đạo của cậu cũng tôn thờ những người chết cho đạo, hình như tớ nghe người ta gọi là các thánh ‘tử đạo’ gì gì đó, đúng không?

+ Ừa, nhưng nói luôn để cậu rõ. Đạo tớ chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa thôi. Còn tất cả các vị thánh và cả Đức Mẹ nữa thì không tôn thờ, mà chỉ tôn kính.

– Nhưng tớ thắc mắc không biết các thánh tử đạo của cậu có gì khác với những kẻ cuồng tín liều chết vì tôn giáo của họ kia không? Cả hai cũng vì tôn giáo mà chết thôi, đúng không?

***

Bạn thân mến, bạn nghĩ sao về vấn đề này?

***

Mời bạn đẩy vấn đề xa hơn một chút để làm cho cuộc đời vốn đã rắc rối này được thêm một phần phức tạp nữa, Bạn nhé. Hì hì hì…

Ta thử đặt mình vào vị trí của một “tên khủng bố” và cố gắng hiểu anh ta một chút xem sao. Có thể là anh ta rất tin rằng cái chết của mình sẽ làm cho Thượng Đế hài lòng, làm cho gia đình và người đồng đạo tự hào, làm cho thế giới này ‘sạch sẽ’ hơn khi bớt đi những kẻ không cùng niềm tin mà anh ta cho là chân lý. Nếu nghĩ như thế, việc anh ta dám liều chết cho tôn giáo của mình có thể nói là xuất phát từ một niềm tin vững chắc. Anh ăn bữa cuối cùng với người thân, nói lời vĩnh biệt, giấu khối chất nổ trong áo, tìm một nơi có nhiều người qua lại, rút kíp nổ và tan thành trăm mảnh….Trong mắt những “đồng chí” (hơi khác nghĩa với “đồng đạo”) của anh, anh là một người hùng, một tấm gương sáng ngời, một dũng sĩ diệt xấu, một vị tử đạo đáng tôn kính. Bạn nghĩ sao?

Bây giờ ta đặt mình vào vị trí của các Thánh Tử Đạo trong truyền thống Công Giáo để hiểu và đối chiếu một chút. Danh từ “tử đạo” mà người Công Giáo dùng có gốc từ chữ “martyr” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “làm chứng”. Một người được xem là tử đạo khi người ấy trước tiên dám sống và sau đó là dám chết cho niềm tin vào Chúa Giêsu. Họ làm như thế để minh chứng rằng Chúa Giêsu là nguồn cội và cùng đích hạnh phúc của mình. Một khi đã gặp được Người là kho tàng quý giá nhất rồi thì cho dù phải chết họ cũng không (dại gì mà) bỏ Người.

Nói như thế thì người ta vẫn có thể tranh luận: “Tôi thấy họ cũng không khác gì mấy kẻ cuồng tín khủng bố vì cả hai đều chọn chết cho điều họ xem là quý giá.” Bạn thấy thế nào? Mời Bạn tiếp tục cuộc suy tư.

Bạn biết đấy, từ khởi đầu lịch sử của Hội Thánh Công Giáo cho đến tận hôm nay, khắp nơi trên thế giới này, đã và vẫn đang có bao nhiêu con người sẵn sàng mất mạng sống mình để tuyên xưng rằng mình không thể bỏ Giêsu được. Quê hương Việt Nam thân yêu của tụi mình có hơn một trăm ngàn tín hữu đã hy sinh, trong đó 118 vị có lai lịch và chứng tích rõ ràng đã được Hội Thánh hoàn vũ tôn vinh chính thức. Ta có quyền hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều vị khác được tôn vinh như thế. Nhưng đâu là điểm khác biệt giữa những kẻ cuồng tín và các vị tử đạo Công Giáo? Rất đơn giản, Bạn à: Các vị tử đạo của chúng ta sống và chết theo tinh thần của Thầy Giêsu.Theo tinh thần của Thầy Giêsu nghĩa là thế nào? Thưa, là yêu thương cho đến cùng dù phải chết.

Nói như thế xem ra vẫn còn chung chung. Một lần nữa, mời Bạn nhìn vào Thầy Giêsu để xem Người đã sống và chết như thế nào. Những sách vở ghi chép lại về cuộc đời của Thầy đều thể hiện một điểm rất rõ: Thầy Giêsu là hình ảnh trung thực và trọn vẹn nhất của Thượng đế. Thầy vô cùng yêu quý con người, nhất là những người đau khổ, những tâm hồn tan nát giữa dòng đời. Không một ai đến với Thầy mà bị từ khước. Không một ai không có chỗ đặc biệt trong trái tim Thầy. Tất cả đều được tôn trọng và nâng niu. Tất cả đều được chữa lành khi gặp Thầy. Tất cả đều được tha thứ và trợ giúp để làm lại cuộc đời. Tất cả đều gặp lại chính mình và được là mình một cách trọn vẹn lúc ở với Thầy. Khi người ta vì ghen tương, ích kỷ, hận thù, tư lợi, bất công và độc ác đóng đinh Thầy trên cây thập giá để giết chết Thầy, giữa cơn đau đớn, tủi nhục và cô đơn tột cùng ấy, Thầy vẫn chúc lành cho họ. Chính lúc đen tối nhất cuộc đời ấy, ánh sáng tình yêu trong trái tim Thầy đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, cơn cám dỗ vẫn hoành hành trong xã hội loài người: bạo lực và hận thù. Bạn thân mến, hẳn là bây giờ tụi mình đã thấy rõ thế nào là tinh thần của Thầy Giêsu? Hẳn là Bạn đã nhận ra sự khác biệt giữa những kẻ cuồng tín liều mạng để giết chết những người khác và các vị tử đạo Công Giáo?

Nếu Bạn không quá bận thì mời bạn đi thêm một quãng đường nữa để nhìn vào cuộc đời của những vị tử đạo Việt Nam. Như mình đã nói, họ tử đạo vì họ đã sống và chết theo tinh thần của Thầy Giêsu. Cụ thể là thế này: Vì sống theo tinh thần của Thầy, họ làm cho môi trường sống xung quanh trở nên nhiều yêu thương, chia sẻ và cảm thông. Sách vở còn ghi lại một điểm rất quan trọng: Khi người ta đến bắt và đem các vị đi xử tử thì những anh chị em không chung niềm tin Kitô đã khóc thương và tiễn chân họ. Điều đó có nghĩa là trước khi họ đổ máu làm chứng cho Thầy Giêsu thì họ đã là những nhân chứng cho Thầy bằng chính cuộc sống yêu thương của mình. Nói cách khác, họ đã “tử đạo” trước khi đổ máu. Vì chết theo tinh thần của Thầy, khi không còn có thể trốn lánh bách hại, họ đón nhận việc bắt bớ, tù tội và thậm chí cả cái chết như một cơ hội để chứng tỏ tình yêu của mình dành cho Thầy Giêsu, Đấng đã thương yêu họ một cách vô điều kiện. Họ không hề gây hại cho những kẻ đang muốn hãm hại và giết chết mình, và như thế, họ đã làm sáng lên tinh thần Thầy Giêsu giữa bóng tối hận thù chết chóc. Nhiều người trong số họ theo gương Thầy mà cất lời chúc lành và tha thứ cho kẻ giết mình. Bạn biết đấy, họ không chết một cách nhu nhược hay vô ích. Khi dòng máu họ chạm đất thì lập tức hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu hạt giống niềm tin được nảy sinh trong lòng người, ngay cả những người đã ra tay đổ máu họ.

Bạn thân mến, nếu ta chỉ đơn giản kết thúc suy tư này ở đây thì thật ra ta chỉ mới dừng lại ở việc phân tích một vấn đề bình thường chứ nó chẳng thực sự đụng chạm vào cuộc sống hằng ngày của tụi mình, phải không Bạn? Xin cho mình mạo muội đưa ra một gợi ý để sống “tinh thần tử đạo” nhé. Bạn biết đấy, chất tử đạo đã được cha ông chúng ta bộc lộ trước cả khi đổ máu. Hoá ra tụi mình cũng có thể bắt chước việc tử đạo này của các ngài. À, biết đâu xung quanh ta đang có nhiều vị tử đạo âm thầm làm chứng cho tinh thần Giêsu, một… ‘câu lạc bộ tử đạo’, Bạn nhỉ ! Tụi mình cùng tham gia ‘câu lạc bộ’ này để giúp Thầy Giêsu biến đổi thế giới thành nơi thêm tình yêu và bớt hận thù, Bạn nhé! Cảm ơn Bạn!

Joseph Việt, O.Carm.

 

 

Check Also

Tuần Tĩnh Tâm Anh Em Khấn Trọng 2024

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 6, các anh em khấn trọng Dòng Cát …