Vào thời các cuộc Thập tự chinh ở Đất Thánh, có các nhà ẩn sĩ định cư nhiều nơi trên lãnh thổ Palestine. Một số trong họ chọn “sống theo gương tiên tri Êlia, một người thánh thiện và yêu mến sự cô tịch, đã chọn lối sống thanh tịnh trên núi Cát Minh, gần một nguồn suối gọi là Suối Êlia.
Trong những hang nhỏ, tương tự như các lỗ của tổ ong, họ sống như những con ong của Thiên Chúa, thâu lượm mật ngọt thiêng liêng, nguồn an vui tâm linh.”
Sau đó, khoảng năm 1206 đến 1214, Thánh Alberto, Thượng Phụ thà
nh Jerusalem đã tập trung những vị ẩn sĩ này lại thành một cộng đoàn nhỏ theo yêu cầu của họ. Người đã ban cho họ một quy tắc sống, diễn tả lý tưởng đời sống
ẩn tu (“propositum”) và phản ảnh tinh thần “hành hương về Đất Thánh” và tinh thần của cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem.
Sau khi vùng thánh địa bị rơi vào tay quân Saraxens, các ẩn sĩ đã di chuyển về Châu Âu và được xem là những khất sĩ như các tu sĩ dòng Phanxicô, Đa-minh và Âu-tinh. Tại Anh Quốc, Scotland và Ái Nhĩ Lan, do mang áo choàng màu trắng và Áo Đức Bà, họ được gọi cách thân thương là những tu sĩ Dòng Áo Trắng hay Dòng Áo Đức Bà.
Năm 1247 bản Luật Dòng được Đức Innocent IV phê chuẩn và bổ sung cho phù hợp với điều kiện sống ở Tây Phương. Huynh đoàn Cát Minh đặt mình vào đời sống phục vụ Giáo hội, theo lý tưởng chung của các Dòng Khất Thực, và được biết đến như Dòng Huynh Đệ Tông Đồ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được các đặc điểm đoàn sủng nguyên thủy của mình.
Thời Trung Cổ, họ nổi tiếng khắp Châu Âu và đã sản sinh nhiều vị thánh, thần học gia, nghệ sĩ, thi sĩ, và chính trị gia. Đầu thế kỷ XV các đan viện nữ cũng được thành lập, và được chân phước Gioan Soreth chuẩn nhận vào năm 1415.
Trong giai đoạn cải tổ, thánh Têrêxa thành Aliva đã mong muốn Dòng quay về với bản quy luật của thánh Albelto. Thánh nữ đã thành lập nhiều đan viện cho các nữ tu, và nhờ sự cộng tác tích cực của thánh Gioan Thánh Giá, ngài còn lập nhiều đan viện nam cho những ai muốn sống cuộc sống như các vị ẩn sĩ tiên khởi ở núi Cát Minh. Hai vị thần nhiệm người Tây Ban Nha thời danh này, qua cuộc sống và bút tích của họ, đã phát triển di sản họ đã lãnh nhận từ những vị tu sĩ Cát Minh thời Trung Cổ, và đã diễn tả được cái tinh túy của linh đạo Cát Minh.
Từ thế kỷ 16 đến nay, các tu sĩ nam nữ Cát Minh sống trong một trong hai hệ dòng, hệ Cát Minh gốc O.Carm. và hệ Cát Minh về nguồn OCD (trước đây quen gọi là Cát Minh đi chân không).
Gia đình Cát Minh ngày nay thật đông đảo, ngoài các nam tu sĩ (linh mục, trợ sĩ và ẩn sĩ) và các nữ tu Dòng Kín, còn phải kể đến các nữ tu hoạt động, các Tu Hội đời, Huynh đoàn Áo Đức Bà và Dòng Ba Cát Minh.
Dòng Cát Minh Nam hiện có 25 tỉnh Dòng, 4 tỉnh miền và nhiều phụ tỉnh hiện diện trên hơn 40 quốc gia thuộc 5 Châu lục. Tại Mỹ, Dòng Cát Minh có hai Tỉnh dòng với trên 400 tu sĩ. Họ đang phục vụ tại các giáo xứ, bệnh viện, trường học, nhà tù, trung tâm tĩnh tâm và các điểm truyền giáo.