“LINH MỤC” GIÊSU
Lm. Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm.
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Lễ Truyền Dầu, nhắc nhớ sứ vụ thánh hiến của Linh mục. Linh mục là người môn đệ Đức Kitô, Vị Linh Mục tối thượng. Vì thế, linh mục phải hiểu được chính ơn gọi và sứ vụ Đức Kitô. Đức Giêsu đã tự khải chân dung Linh Mục của Ngài qua Tin Mừng Luca với những lời ngôn sứ I-sai-a đã từng loan báo từ xưa:
“Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” (Lk 18-19; Is 61:1-3)
Đức Giêsu tự khải xác nhận Ngài chính là vị Linh Mục muôn dân mong đợi, thánh hiến để làm chứng cho một Thiên Chúa yêu thương ở giữa con người. Đó chính là hai căn tính “Linh Mục” của Đức Giêsu.
1) Linh Mục Giêsu: ơn gọi hiện thân hóa Thiên Chúa thật
Khi Đức Giêsu tự tuyên tín, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”, Ngài đã xác nhận sự sống của Thiên Chúa nơi Ngài. Thiên Chúa không phải chỉ là khái niệm do con người tuyên tín, mà là một Thiên Chúa xác thực, hiện diện trong dòng lịch sử vũ hoàn. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, nhưng là một lịch sử siêu lịch sử; một lịch sử không chỉ lệ thuộc vào dữ liệu của thể lý, tâm lý và tôn giáo, mà là một lịch sử của Thần Lý – của nguyên lý Thần Khí, nguyên lý xuyên suốt và nốt kết tất cả nên một vượt trên không gian và thời gian trong ký ức con người.
Thần Khí là nguyên lý của tạo dựng và hiện sinh, là nền tảng để cảm nhận vẻ đẹp lung linh, là nguyên lý tỏ lộ tất cả những chân lý còn dấu kín của vũ hoàn. Thần Khí chính là nền tảng cho tất cả sự khôn ngoan của con người. Thần Khí thuộc về Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
Thần Khí đã đổ đầy lòng trí Đức Giêsu thúc đẩy Ngài tuyên tín về chân lý Thiên Chúa qua lời tự khải của Ngài. Linh Mục Giêsu xác tín ơn gọi của Ngài là hiện thân của một Thiên Chúa thật, đang hiện diện qua khắp mặt địa cầu và thẳm sâu trong sự sống của muôn loài. Sự hiện diện đó phải được làm chứng qua sứ vụ của Đức Giêsu.
2) Linh Mục Giêsu: sứ vụ chứng tá Thiên Chúa yêu thương
Thần Khí đã xác lập nơi Đức Giêsu một sứ vụ cao quý, đó là, làm chứng nhân cho Thiên Chúa: “Mang Tin Mừng cho người nghèo hèn”. Nghèo hèn là một tình trạng con người thiếu ý nghĩa sống và luôn mang thân phận mặc cảm. Tình trạng nghèo hèn có thể thấy rõ nơi người nghèo, nhưng nó xảy ra với tất cả mọi người, ngay cả những người có của cải vật chất dư đầy. Tình trạng nghèo tâm hồn này được Tin Mừng Luca mô tả qua ba chiều kích: “bị giam cầm”, “mù”, và “bị áp bức”.
“Bị giam cầm” có thể hiểu là tình trạng bức bối thiếu thốn về ý nghĩa cuộc sống. Trước biết bao biến cố của cuộc sống, từ lúc sanh ra cho tới cái chết, người ta thường bị mắc kẹt, không thể tìm thấy lời giải thích và sự bình an. Nó là một tình trạng tự mâu thuẫn với chính mình, tự gây ra những sức ép, không đưa ra được một hệ giá trị thuyết phục tâm hồn mình để có thể trở nên tự do, sống cuộc đời đầy ý nghĩa trong chân lý cứu độ.
“Mù” ở đây nghĩa là trong tâm hồn thiếu ánh sáng để nhận ra chân lý cuộc sống. Vì thiếu viễn kiến của tâm hồn, nên tình trạng mù này thường dẫn đến việc trao phó cho người khác quyền quyết định những hệ giá trị sống còn cuộc đời chúng ta. Hệ quả là những lựa chọn và quyết định thường mang tính vay mượn, tạm bợ, thiển cận và sai lầm, ảnh hưởng tới bản thân và tha nhân.
“Bị áp bức” là tình trạng phải sống trong cảnh bất công, bị tước đoạt đi những cơ hội để thể hiện sự sống xứng đáng với phẩm giá và khao khát chính đáng. Tình trạng này dẫn đến cảm nhận thiếu thốn sự viên mãn trong cuộc sống.
Ba chiều kích này thường liên quan đan xen với nhau, tạo nên một tình trạng nghèo. Người nghèo vật chất và những người khiêm hạ và khôn ngoan, thường dễ nhận ra tình trạng nghèo ba chiều kích này. Họ luôn mở lòng ra khao khát được nghe lời Thiên Chúa. Con những người khác, ở trong tình trạng này, thường vô minh và không chấp nhận, nên đã vô tình tìm kiếm để phủ lấp nỗi thiếu thốn khôn nguôi này. Có khi họ tự huyễn cho mình là người tinh toa dẫn đắt những giá trị của xã hội để bù đắp cho mặc cảm “nghèo” thầm kín. Tệ hơn nữa, có khi họ quay lại áp bức đồng loại để thỏa mãn những giá trị ảo mà họ tư xây dựng nên, như giàu có vật chất, quyền quý, đại diện của tự do…. Vậy đâu là cội rễ của tình trạng nghèo này?
Cội rễ của tình trạng nghèo tâm linh chính là chưa nhận diện ra Thiên Chúa hiện diện và yêu thương, từ đó con người chưa nhận ra chân lý bản thân. Vì chưa nhận ra chân lý, nên ta thường không thể nhận diện rõ ràng về giá trị, đôi khi còn coi thường ngay cả những gì quý giá ta đang có. Thiên Chúa, vốn yêu thương con người, đã đặt để nơi mỗi tâm hồn ta một cảm nhận khao khát thánh thiêng, nơi chốn chỉ để gặp gỡ Thiên Chúa. Tâm hồn ta trong cảnh nghèo khó luôn tìm kiếm gặp gỡ Thiên Chúa. Khi ta mở lòng đón nhận Thiên Chúa, Thần Khí sẽ mở ra với những chân lý sâu hơn trong ta.
Linh Mục Giêsu đã đến, “công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”. Có nghĩa là, Ngài làm chứng Thiên Chúa luôn hiện diện yêu thương trong dòng lịch sử. Giờ đây Đức Giêsu chính là bằng chứng một Thiên Chúa thật ở giữa con người. Chứng nhân, giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu bắt đầu làm thay đổi tất cả thực trạng nghèo hèn của con người. Ngài đã trở nên nghèo hèn để tất cả nhận ra phẩm giá của mình. Ngài là Thiên Chúa yêu thương cởi bỏ những trói buộc giam cầm của tội lỗi, cái chết, để tặng ban ý nghĩa giàu có của cuộc sống. Ngài đã thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống, thay nhãn quan mù lòa của con người bằng nhãn quan của Thiên Chúa.
Ngài đã chết trên thập giá để kiện toàn hy lễ tình yêu giao hòa Thiên Chúa với con người. Và Ngài đã phục sinh để chứng nhận sự thật vinh quang của tất cả những người tin vào Ngài.
3) Linh Mục Giêsu một lần nữa lại nhắc nhớ những Linh mục trong Giáo Hội hôm nay về ơn gọi và sứ vụ của mình. Ơn gọi của Linh mục đầu tiên là phải chứng nhận Thiên Chúa hiện diện qua thái độ đức tin – bằng chứng là một tâm hồn luôn mở ra với Thần Khí. Tiếp theo, sứ vụ của linh mục là đồng cảm với thân phận nghèo hèn của con người hôm nay và làm chứng về Đức Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa cho họ, để trả lại sự giàu có cho Thiên Chúa và con người. Thánh Lễ hàng ngày và hiến lễ cuộc đời của các Linh mục phải thể hiện cao độ ơn gọi và sứ vụ của mình.