NGƯỜI MỞ TRÍ CHO CÁC ÔNG
Tuần 3 phục sinh-B. Lc 24, 35-48
Người tài giỏi bậc nhất thiên hạ, cũng phải bắt đầu từ đứa trẻ, theo quy luật tự nhiên phải qua giai đoạn: biết bò, biết đứng biết đi, rồi mới biết chạy. Cha ông chúng ta cũng tán thành quan điểm cần phải: học ăn, học nói, học gói, học mở, mới mong trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Chẳng có ai sinh ra đã là “anh hùng”, làm gì có con đường nào dẫn đến nổi tiếng mà không có trông gai, mồ hôi và nước mắt ? Các đấng bậc là cha mẹ, thầy dạy, dù hoàn hảo, tầm cỡ, vẫn không thể “bách chiến bách thắng”, cụ thể hơn, để được thiện toàn, hẳn các ngài đã kiên nhẫn rút kinh nghiệm: thất bại là mẹ thành công. Khó khăn chung, làm sao thầy có thể truyền kiến thức cho trò, bằng cách nào cha mẹ chia sẻ được sự thật cho con cháu hiểu: cha mẹ thương con biển hồ lai láng ?
Câu chuyện gặp và thấy Thầy sống lại, vô cùng ly kỳ, vừa vui vừa sợ, đối với các môn đệ, với những ai liên quan đến việc đóng đinh và táng xác Thầy nơi huyệt đá. Tại sao mừng vui không xoá tan được sợ hãi, lời nói ngọt ngào không làm cho người ta bình tĩnh, lẽ nào lời ấm áp yêu thương: “Thầy đây, đừng sợ”, không đủ trấn an các học trò ? Vâng, Đấng phục sinh còn cho các môn đệ xem tay chân và cạnh sườn Thầy: “hãy sờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như các con thấy đây” ! Ở đời người ta cho rằng: thứ đắt giá hơn vàng, kim cương, đó chính là niềm tin, vì những thứ khác có thể mua được, còn niềm tin thì không, chính là thế. Nhất định phải trải qua kinh nghiệm, các đấng bậc mới có thể nói: hãy tin vào ngày mai, hãy nhìn vào thực tại để cảm nhận điều tốt đẹp, cho dù bạn đang phải đối phó với nhiều điều khó khăn phức tạp.
Để nói lên sự thân thiện tình Thầy-trò, Đấng phục sinh hỏi các để tử: “ở đây các con có gì ăn không” ? Để khai trí mở lòng cho các môn đệ, Đấng phục sinh nhắc nhớ cho các ông những liên hệ về Thầy đã được ghi chép trong sách Môisê và các tiên tri, cũng như thánh vịnh. Đấng phục sinh đánh thức giấc mơ, lay động các học trò, giúp các ông hiểu về thân phận giới hạn của mình và chỉ khi tin vào tình yêu, các ông mới đón nhận được bình an và niềm vui của Đấng là Thầy là Chúa. Trong tình yêu, chân thành và thật lòng có sức tẩy xoá được mọi nghi ngờ, làm sáng rõ nét đẹp của tình liên đới hiệp thông. Đấng phục sinh đã ban bình an, đã diễn tả bằng hành động nhằm giúp các ông hiểu: yêu là ấp ủ hình ảnh người mình yêu, để người yêu mãi trong tim cho đến trọn đời. Đấng phục sinh đã thể hiện chữ tình, đã cho các môn đệ vết thương, đã xin mẩu cá nướng và chút mật ong và ăn trước mặt các ông.
Cuộc đời rất sòng phẳng, công bằng, khi cửa phòng đóng chặt vì sợ người Do-thái, cánh cửa tâm hồn nơi các ông dễ dàng mở ra nối kết chữ tình bền chặt hơn. Khái niệm sống lại làm gì ai có, trong khi nỗi sợ hãi bủa vây tư bề, nào là mặc cảm tự ti, muốn buông xuôi tất cả ! Đúng như cha ông chúng ta nói: càng trưởng thành càng nhiều đau khổ, càng khôn lớn càng nhiều nỗi niềm ! Đấng phục sinh khai trí mở lòng, cho các ông cảm nhận: vì yếu đuối tội lỗi mà Con Thiên Chúa đến thế gian, vì yêu nên Con Chúa không xuống khỏi thập giá, vì yêu nên sau khi sống lại Chúa vẫn tìm kiếm những đồ đệ đã từng bỏ Thầy, chối Thầy. Đấng phục sinh không hứa hẹn sẽ khôi phục, báo thù, nhưng gián tiếp cho thấy: sức mạnh của tình yêu sẽ làm cho niềm tin của các ông sống động. Sức mạnh của tình nghĩa Thầy-trò sẽ giúp các ông hiểu: chẳng ai thay đổi được quá khứ, nhưng ai cũng có cơ hội để xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Đấng phục sinh mở trí khai lòng cho các học trò thế nào ? Đấng phục sinh mở tai mắt tâm hồn cho thế giới ra sao ? Đấng phục sinh sẽ còn minh chứng: yêu đến cùng là yêu như thế nào ? Hẳn mỗi người sẽ có đáp án, có những cảm nhận riêng, bởi lời Thầy năm xưa sẽ còn sống động mãi: “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. (Ga, 15, 5). Nếu thế gian nói rằng: tất cả rồi sẽ qua đi, duy tình yêu thì ở lại, có phải tình yêu của Đấng phục sinh sẽ hoá giải được tâm tính các học trò ? Cuộc sống cho chúng ta nhiều kinh nghiệm: không tài giỏi, bạn có có thao thức gì ? không vấp ngã bao giờ, mấy khi bạn nghĩ đến cẩn thận, chẳng cô đơn, liệu ta có nghĩ đế sự đầm ấm yêu thương ? Vâng, ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống, ở đâu có tình yêu ở đó người ta sẽ nghe, sẽ hiểu: “Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại”.
Đấng phục sinh mở trí lòng cho các học trò bằng niềm vui có Chúa: bình an thật, vết sẹo nơi lỗ đinh và cạnh sườn, tính chất mới mẻ nơi các môn đệ là hết hoài nghi về đau khổ thập giá tới vinh quang, không còn mơ hồ ảo tưởng theo Thầy để hưởng bổng lộc. Đấng phục sinh soi trí lòng giúp các ông hiểu tường tận về thánh kinh, Đấng phục sinh còn sai các ông rao giảng làm chứng về những điều các ông đã nghe, đã thấy. Bằng mắt phàm trần, các môn đệ quá hạnh phúc khi được chiêm ngắm Thầy sống lại, bằng mắt đức tin, các ông hiểu không thể gọi là môn đệ, không thể có hạnh phúc thật, nếu chưa vượt qua đau khổ thập giá ! Từ cảm nhận niềm vui phục sinh, các ông phám phá ra nét đẹp thật sự: trong tình yêu không có đúng sai, chỉ có ai yêu nhiều hơn thôi.
Người viết: Lm Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc.