Home / Bài Giảng / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (Ga 20:1-9)

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (Ga 20:1-9)

“Ngày đầu tuần…. khi trời còn tối”
Dẫn nhập

Phục Sinh là một biến cố vĩ đại nhất, cùng với Mầu Nhiệm Giáng Sinh, đã tiết lộ trọn vẹn công trình tạo dựng-cứu độ của Thiên Chúa. Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa đã tiết lộ trọn vẹn ơn cứu độ dành cho con người và muôn loài thụ tạo.

Tin Mừng theo Thanh Gioan chọn thuật lại Biến Cố Phục Sinh và nhấn mạnh vào yếu tố thời gian, đó là, “Ngày đầu tuần, Maria Madalena đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và tảng đá đã được lăn ra….” “Ngày đầu tuần” trước hết diễn tả một khởi điểm thời gian, nhưng sâu hơn ở đây, cụm từ đó còn diễn tả một tâm trạng/ trạng thái / thái độ của con người trong cuộc sống.

“Ngày đầu tuần” – “lúc khởi đầu”: nền tảng linh lý và hiện sinh của con người

Khi thuật lại một sự kiện to lớn trong cuộc sống, người ta thường nhớ lại, sắp đặt lại, bằng niềm tin, tất cả thực tại và ký ức về quá khứ rồi chọn một khởi đầu để kể lại. Và cụm từ “ngày đầu” hay “lúc đầu” nó có sức tóm tắt cả một thực tại lâu dài, một lịch sử đã đi qua, có khi cả một cuộc đời đã sống. Ví dụ, khi lên cám ơn trong Lễ kỷ niệm 50 năm hôn phối, rất nhiều ông bà thường bắt đầu rằng hôn nhân của chúng tôi đầy sóng gió, nhưng tạ ơn Chúa, ngay “từ những ngày đầu” chúng tôi đã biết chúng tôi được chọn để dành cho nhau. Cũng trong hôn nhân, một người vợ lại chia sẻ, chúng tôi cưới nhau được 15 năm, “lúc đầu” anh ấy đâu có hư đốn như vậy! Vì vậy, chúng ta tin thế nào, thì chúng ta cũng kể lại bằng một một “lúc khởi đầu” về những gì đã xảy ra và đang xảy ra như vậy.

Tóm lại, “Ngày đầu tuần” hay “lúc khởi đầu”, thường gợi lại ký ức sâu sắc về một điều gì đó, và đương nhiên nó chính là một cơ cấu của trí nhớ, ký ức, của niềm tin của cuộc sống…. Dù buồn hay vui, người ta cố nhớ lại “ngày đầu tuần/tiên” hay “lúc khởi đầu” để thấy sự biến chuyển của cuộc sống.

Ảnh: Hai ông Phê-rô và Gioan chạy ra mồ khi hay tin cửa mồ Chúa mở toang lúc trời còn chập tối.

Có những khởi đầu tích cực, lại có những khởi đầu tiêu cực. Cũng có những sự khởi đầu hòa quyện giữa tích cực và tiêu cực, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa sự sống và cái chết. Sự khởi đầu đó chính là khi chúng ta được sinh ra vào cuộc đời này. Tiếng khóc chào đời của chúng ta đánh dấu một sự khởi đầu cho một cuộc sống hứa hẹn đầy niềm vui và hy vọng, nhưng đồng thời nó đã mang âm hưởng báo trước những khó khăn, thử thách, đau khổ, và cả cái chết dù còn khuất mờ trong tương lai.

Tin Mừng Gioan cũng viết, “ngày đầu tuần….khi trời còn tối”! Cũng ngôn ngữ ấy, nhưng Lời Chúa khi này diễn tả một thực tại phổ quát, một thực tại trả lời cho con người “Sau cái chết, con người sẽ đi về đâu?” Con người sẽ sống lại, vì Ngài đã sống lại. Vì thế, “ngày đầu tuần” này là tổng thể nhân sinh quan, thế giới quan, và niềm tin vào sự sống sau cái chết.

Khi nghe “ngày đầu tuần…trời còn tối…”, chúng ta biết đây là khởi đầu cho một ngày mới, ngày đầu tuần, nơi đáng lẽ con người phải có trạng thái của những niềm vui, niềm hy vọng mới, những năng lượng mới. Tuy nhiên, thực tế là tâm trạng của Maria Madalena đang là “trời còn tối”, buồn bã vô cùng, vì phía trước của chị là ngôi mộ, là cái chết của vị thầy cô kính yêu, là sự thất vọng, là những sự nhục nhã, là sự chia cắt, rã đám….Tuy là khởi đầu một thời gian mới, nhưng chủ nhân của cảm nhận tự do bị bao phủ bởi đám mây u ám của cái chết. Thời gian thì mới, nhưng tâm trạng và niềm tin cũ, buồn thảm thê lương. Đó là tâm trạng của biết bao con người hôm nay và là tâm trạng chung của loài người khi chưa nhận ra Tin Mừng Phục Sinh, khi Chúa chưa đến, khi chưa biết Chúa, khi yếu lòng tin vào Chúa. Một “sự khởi đầu”… một “ngày đầu tuần” của cuộc đời, giữa đời, và cuối đời thiếu vắng ánh sáng phục sinh.

Tuy nhiên, ngày đầu tuần đó – bình minh của ngày mới đó, đã thực sự thay đổi với biến cố đầu tiên là tảng đá cửa mồ đã được lăn mở ra, khăn liệm che đầu và dây băng nhỏ vốn là biểu tượng của cái chết đáng quên, đáng sợ và vô vọng, nay đã được xếp gọn, có trật tự; nghĩa là, con người đã sống lại và đã làm chủ cái chết. Gioan đã thấy và đã tin; Phêrô, Maria Madalena và các môn đệ khác cũng vậy. Lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm. Đây là một ngày đầu tuần cho bình minh mới của nhân loại, là một kỷ nguyên mới, trọn vẹn theo ý Chúa. Con người đã sống lại. Sự sống trần gian kết thúc bằng cái chết thể lý, và cái chết đó là ngưỡng cửa vào sự sống đời đời bên Chúa. Sự sống trần thế giờ đây mang ý nghĩa của sự sống đời đời, và cuộc sống mang sức mạnh của sự sống lại.

“Ngày đầu tuần”: bình minh của Phục Sinh hoàn thiện công trình sáng tạo của Thiên Chúa

“Ngày đầu tuần” của biến cố Phục Sinh còn gợi lại ký ức về “ngày thứ nhất” trong trình thuật Sáng Thế khi Thiên Chúa bắt đầu sáng tạo vũ hoàn. Lúc khởi đầu ấy, trái đất còn trỗng rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán có ánh sáng liền có ánh sáng. Đó là “ngày thứ nhất” của “lúc khởi đầu”. Thế giới đã được sáng tạo từ hỗn mang thành trật tự. Và từ trật tự nguyên sơ ấy, muôn loài tiếp theo được dựng nên. Con người là thụ tạo cuối cùng được Chúa dựng nên để đặt tên và cai quản muôn loài. Tuy nhiên, Ađam và Eva đã phạm tội – con người đã phạm tội, và con người quên lúc khởi đầu ấy, mất cả tình bạn với Chúa, lu mờ cả Thần Khí Chúa, và mất luôn cả vị trí trường sinh trong vườn địa đàng. Con người từ đó khát khao để có một “lúc khởi đầu”, một “ngày đầu tuần” mới như một sự hàn gắn lịch sử ân sủng đã bị đổ vỡ.

“Ngày thứ nhất” trong Chúa Nhật Phục Sinh chính là câu trả lời cho khao khát trên, vì từ đây con người đã chứng kiến Thiên Chúa giao hòa và kiện toàn tất cả. Tội lỗi chúng ta đã được tha; cái chết không còn chế ngự. Ánh sáng chính là Đức Kitô chói lọi trong tâm khảm của con người chúng ta. Thần Khí Chúa Kitô lại hiển hiện như nền tảng năng lượng thần linh, đỡ nâng, đợi chờ chúng ta nhận diện ra niềm vui Phục Sinh, để kích hoạt tất cả những năng lượng tích cực nơi chúng ta, ngõ hầu niềm vui của chúng ta được chan hòa. Con người đã chuyển đổi trạng thái, từ ảm đảm u buồn, thất vọng vì cái chết, tiến tới vui mừng không thể diễn tả thành lời và tràn đầy năng lượng thần linh làm nên một cuộc đời mới và thế giới mới.

Áp dụng: chúng ta cần có những “ngày đầu tuần”/ “lúc khởi đầu” mới.

Lời Chúa trong Tin Mừng Phục Sinh diễn tả “ngày đầu tuần” như là một lời mời gọi dành cho từng người chúng ta để mở lòng đón lấy niềm vui Phục Sinh. Khi ta tin Chúa đã phục sinh là ta phải đi tìm những “lúc khởi đầu”, những “ngày thứ nhất” trong tất cả mọi ngõ ngách trong cuộc sống chúng ta để thay đổi cuộc đời chúng ta. Thái độ nhìn cuộc sống cần có một khởi đầu, hay những tái khởi đầu tích cực, những khởi đầu và tái khởi đầu sáng chói. Cách chúng ta nhìn nhận giá trị cuộc sống cần phải khởi đi từ đức tin vào Thiên Chúa, nhìn thấy niềm vui trong tất cả mọi trạng huống cuộc sống. Trong tất cả các tương quan, nếu đã cũ kỹ, nếu đã mệt mỏi rã rời, nếu có rạn nứt, và ngay cả nếu có đổ bể, hãy làm mới lại, hàn gắn lại, tha thứ cho nhau, bao dung, và làm một cuộc hoán cải, một cuộc phục sinh để có “lúc khởi đầu”, có “ngày thứ nhất” đón nhận niềm vui Phục Sinh.

Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm. (Dĩ An- Bình Dương, 31/03/2024)

Check Also

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐỨNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

Giới thiệu: Những Khoảnh Khắc Đứng Dưới Chân Thập Giá Tác giả: Cha Giuse Trần …