Home / Linh Đạo - Đời Sống Tâm Linh / Sức mạnh của anh em ở nơi sự thinh lặng và niềm cậy trông

Sức mạnh của anh em ở nơi sự thinh lặng và niềm cậy trông

 (Luật Dòng Cát Minh, chương 21)

Paul Trần Văn Hùng, O.Carm.

 Với lịch sử hơn 800 năm, kể từ thời điểm những ẩn sĩ được qui tụ thành cộng đoàn đầu tiên trên núi Cát Minh cho đến ngày nay, truyền thống linh đạo Cát Minh vẫn không ngừng được giữ gìn, nối tiếp và phát triển qua nhiều thế hệ. Để có được sức sống mãnh liệt và bền bĩ như vậy, truyền thống linh đạo này phải được nuôi dưỡng từ những nguồn mạch mang giá trị nền tảng mà một trong những nền tảng không thể không kể đến đó là Bản Luật Dòng của thánh Albert, một di sản quí báu và rất đáng trân trọng đối bất cứ ai mang danh Cát Minh. Bản Luật này mang tính độc đáo riêng, không dựa trên truyền thống cổ điển như: luật thánh Basiliô, thánh Biển Đức, thánh Âu Tinh, và đặc biệt là rất ngắn gọn. Bản gốc được viết bởi thánh Albert Thượng phụ Giêrusalem vào khoảng những năm 1206-1214 và kể cả được bổ sung bởi Đức Innocent IV năm 1247, nếu được dịnh sang Tiếng Việt thì chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 1800 chữ. Nhưng, theo như cha Joseph Chalmers- nguyên Bề trên Tổng Quyền, “Những điều vắn tắt này đã gợi hứng cho hàng triệu người xuyên suốt nhiều thế kỉ bước theo Đức Giêsu Kitô theo con đường Cát Minh.[1] Trong hàng triệu người đó, mỗi người có thể gặp gỡ giá trị truyền cảm của bản Luật theo cách thức của riêng mình và qua những khía cạnh nội dung mà bản Luật chứa đựng. Và “Sức mạnh của anh em ở nơi sự thinh lặng và niềm cậy trông.- Luật Dòng Cát Minh chương 21.[2] là một trong những nội dung mang tính gợi hứng cao.

Trong cái nhìn của người đời thì nhìn chung tu sĩ là những người ít vướng bận tới chuyện bươn chải lăn lộn với cuộc sống, và có lẽ đa phần những người có ý hướng tu trì đều gặp nhau ở tinh thần thu mình lại, trở nên nhỏ bé hơn. Trong khi đó bản Luật Dòng lại nhấn mạnh đến sức mạnh, vậy một người tu sĩ cần đến sức mạnh, thậm chí đặt nặng tầm quan trọng của sức mạnh để làm gì? Thưa, người tu sĩ cần lắm sức mạnh, biểu thị ở năng lực yêu thương, bởi nội dung của lời mời gọi dấn thân không hệ tại việc ẩn mình và không liên lụy với cuộc đời, nhưng là qua sự tôi luyện hàng ngày để học và trở nên biết yêu hơn. Ngoài ra đối với những người Cát Minh thì sức mạnh này còn là nguồn năng lượng cần cho cuộc hành trình lên Núi Thánh là Đức Kitô, mà ngọn núi Cát Minh là hình ảnh nhắc nhở mang tính biểu trưng.

Hoa trái của thinh lặng chứa đựng một năng lực tiềm tàng, mang giá trị sâu sắc và được nhiều giáo lý đề cao. Thứ nhất, xét theo khía cạnh tạm gọi là external silence, nghĩa là sự thinh lặng được xét trong tương quan giữa tôi với ngoại giới, cụ thể là trong tương tác với các chủ thể ngôi thứ hai và thứ ba. Có thể nói bản tính con người là hay thích tranh biện, đặc biệt là khi thấy người khác phát biểu hoặc hành xử không theo “chân lý” thì họ sẵn sàng đóng góp toàn bộ sự nhiệt tình của mình, dưới sự hậu thuẫn mặc nhiên bởi danh nghĩa “bênh vực chân lý”. Thật ra có chân lý bản thể hay khách thể (veritas ontological) nằm bên trong bản chất của sự vật.[3] Vậy bản chất đó vẫn tự tại mà không bị ảnh hưởng hay được quyết định bởi lý lẽ hay tranh biện của anh hoặc của tôi. Ở một mức độ tiêu cực hơn, qua sự biện bác hoặc thậm chí là chỉ trích hay miệt thị, người ta sử dụng lời nói như là phương tiện để thể hiện tính hơn thua với nhau. Do đó, trong khi Đức Giêsu dạy rằng nếu có ai bắt anh đi với người đó một dặm thì hãy đi với người đó hai dặm, thì đây lại là: nếu có ai nói tôi một câu, tôi phải nói lại người đó ít là hai câu.

Cũng có người thường tỏ ra tiếc nuối hoặc bứt rứt khó chịu khi thấy người khác phát biểu hoặc hành xử sai mà mình lại bỏ qua mất cơ hội để lên tiếng. Chuyện thị phi đúng sai là của người nhưng tôi lại tự nguyện nhận mang lấy nỗi day dứt đó vào mình, chẳng phải là điều đáng tiếc sao? Thật ra còn có điều khác đáng để nuối tiếc hơn, đó là nuối tiếc về chính bản thân mình với những hạn chế, yếu đuối và thất bại. Trong một thái độ tương tự, tôi thường bỏ ra không ít công sức trong nỗ lực trình bày bản thân mình đối với người khác. Lý do cho điều này là vì tôi sợ rằng người khác hiểu sai về mình, và nếu hình ảnh của tôi trong mắt người khác trở nên xấu đi so với sự thật thì tôi phải buồn sầu khổ sở lắm. Chúng ta hãy xem tinh thần của Khổng Phu Tử đối với thái độ này. “Tử viết: ‘Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã’ – Khổng tử nói: ‘Đừng lo người ta không biết mình, hãy lo mình không biết người’”; và ở một đoạn khác, “Tử viết: ‘Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?’ – Khổng Tử nói: ‘Người không hiểu mình mà mình không vì đó trách người, chẳng phải là quân tử sao?”.[4]

Người Trung Hoa từ xưa vẫn truyền tụng những gì họ gọi là nghệ thuật xử trí trong đời sống, nói đúng ra là những bài học về đấu trí, được tổng hợp trong 36 kế, trong đó có Minh tri cố muội hoặc Giả si bất điên.[5] Minh tri cố muội nghĩa là biết rõ mà tỏ ra khù khờ, dụng ý là quan sát và không để lộ ra sự hiểu biết của mình, được coi là một kế cao minh. Nhưng xét cho cùng, dù đây là sự thinh lặng khôn khéo nhưng vẫn là thinh lặng có dụng tâm, mục đích không nằm ngoài sự tranh đấu hơn thua, riêng chữ “kế” cũng đủ nói lên điều đó. Trong kinh điển Phật pháp có trình bày tinh thần Bát phong suy bất động – Tám ngọn gió chướng thổi không động, tám ngọn gió đó là hơn-thua; khen-chê; được-mất; vinh- nhục. Tâm ý là hướng con người ta đến tinh thần tự do tự tại, không bị sức nặng của bám chấp đè nén. Quả thật một khi tinh thần này đạt đến cảnh giới của nó thì mọi lời nói phải nhường chỗ cho sự thinh lặng tuyệt đối.

Sự thinh lặng đang xét ở đây không chỉ là việc sử dụng lời nói nhưng còn là qua thái độ sống. Tâm lý chung của hầu hết mọi người là thích được khen hơn là bị chê, dù là một đứa bé mới bắt đầu biết phân biệt giữa khen và chê cho đến những người đã trải qua hết cuộc đời. Nhiều người luôn bận tâm đến cái danh, chỉ sợ người đời không biết đến mình hoặc sợ bị đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người khác, từ đó nảy sinh ra việc đánh bóng tên tuổi, hoặc gây sự chú ý của người khác dưới nhiều hình thức mà điển hình là thích thể hiện sự hiểu biết của mình. Chữ danh, dù là được nhìn nhận đúng nghĩa hay được hiểu một cách méo mó, luôn là một đòi hỏi quyết liệt và không ngừng kêu gào và thôi thúc để được khẳng định. Đây là mối bận tâm lớn của đời người trong trăn trở nhằm khỏa lấp nhu cầu được chấp nhận. Sự xác quyết của Nguyễn Công Trứ qua hai câu thơ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, có lẽ cũng là nỗi niềm chung của phần đông thiên hạ. Đối với người tu sĩ, việc được người khác chào hỏi, khen tặng thậm chí cung kính như “hàng khanh tướng” (thật không gì có thể mang tính nệ nghi thức – Ritual  hơn!) biết đâu lại là một minh họa sống động cho vấn nạn vừa trình bày. Vấn đề càng cần được xem xét nghiêm túc hơn khi người tu sĩ mang não trạng: những gì người khác dành cho mình là một điều mặc nhiên.

Đã rõ, nếu tôi càng để mình rời xa sự thinh lặng, tôi càng phải nhọc công theo đuổi những mối bận tâm đầy náo nhiệt, bị cuốn vào xu hướng muốn được thể hiện hình ảnh của tôi theo những gì tôi muốn xã hội nhìn nhận về mình thay vì tìm lại con người mình như chính tôi là, cứ như vậy không biết khi nào ngừng. Trong Kinh Thánh có nhiều lần nhắc nhở về việc cân nhắc trong lời nói và tổn hại mà lời nói có thể gây ra. Lời Ngôn sứ cũng chứng minh rằng “Thinh lặng là hoa trái của đức công chính” (X. Is 32,17); vì như có lời chép và kinh nghiệm đã cho thấy “nói nhiều không tránh khỏi tội (Cn 13, 3) và “ai nói nhiều thì làm tổn thương linh hồn mình” (Hc 20, 8). Trong Tin Mừng Chúa cũng dạy: “Đến ngày phán xét người ta phải trả lẽ với tất cả những lời nói vô ích mình đã nói” (Mt 12, 36).[6]

            Khía cạnh thứ hai tạm gọi là internal silence, mà biểu hiện của nó khó nhận dạng hơn vì là mọi diễn biến diễn ra bên trong mỗi cá nhân, đồng thời cũng đòi hỏi chính chủ thể phải nỗ lực nhiều hơn trong việc biện phân và đấu tranh cho nó. Biểu hiện thứ nhất có thể xét đến đó là sự cân não giữa một bên là buông bỏ (detachment) với bên kia là bám chấp (attach-ment), và làm sao để có được sự quân bình và hài hòa giữa hai bên. Vấn đề được đặt ra cho chính tôi là đâu là ý nghĩa đích thực cho những gì tôi đang theo đuổi, và những gì tôi lựa chọn để theo đuổi và bám víu vào có thể mang lại hạnh phúc thật hay không. Cho dù là chủ động chọn lựa hay đứng trước tình thế buộc phải chọn lựa thì mỗi người trong tự bản tính lựa chọn điều gì là tốt hơn hoặc nếu không, ít xấu hơn. Theo Socrates, không ai hành động xấu hay phạm điều ác một cách có ý thức, làm điều xấu luôn luôn là do vô tình. Chúng ta theo đuổi quyền lực, thú vui thể xác và của cải, chúng là những biểu tượng của thành công và hạnh phúc, và chúng ta tưởng lầm chúng là nền tảng đích thực của hạnh phúc.[7]

Đến một lúc nào đó, tôi nhất thiết phải thành thật với chính mình để đối mặt trước sự thật hiển nhiên rằng: một khi càng buông bỏ, tôi lại càng níu kéo và bám chấp không ở hình thức này thì là ở hình thức khác. Khi tôi buông bỏ tiền bạc, sự nghiệp, danh tiếng, cơ hội thăng tiến, tình yêu đôi lứa, sự hưởng thụ của tuổi thanh xuân, hay từ bỏ ý riêng để mình thuộc về tập thể…tôi lại càng cảm thấy mình như đứng trước trạng thái vulnerable: hụt hẫng, thiếu thốn, cô đơn và bất an. Do đó tôi tự bù đắp bằng cách níu kéo và vun vén những gì có thể để cố tạo cho mình một vỏ bọc an toàn. Cuối cùng, tôi sẽ phải trở về với chính mình trong sự thinh lặng, không còn bị chi phối bởi những ảo tưởng ồn ào náo động, tự vấn và biện phân liệu những gì tôi đang theo đuổi có thật sự mang lại hạnh phúc và sự giải thoát.

Suy cho cùng, mọi nỗ lực và hành động của con người đều chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là sống hạnh phúc. Nhưng trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, không phải ai cũng có thể giữ cho mình không rơi vào mê lầm và ảo tưởng. Và dường như Nguyễn Du rất có lý khi nhìn cuộc sống đời người qua một bức tranh khác: “Tri giao quái ngã sầu đa mộng. Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?”.[8] (Dịch nghĩa:  Bạn tri giao thường trách tôi sao hay đa sầu đa mộng. Nhưng người đời có ai là không ở trong mộng đâu?). Vậy nếu như hành trình tìm kiếm hạnh phúc là vấn đề mang tính sống còn đối với cứu cánh đời người thì việc xác định đâu là thực đâu là mê là một lộ trình cần phải đi qua. Kinh điển Phật pháp có trình bày: “Tâm vô quái ngại,…viễn ly điên đảo mộng tưởng”.[9] (Tâm không dính mắc…thoát ra khỏi điên đảo mộng tưởng).

Biểu hiện thứ hai của khía cạnh internal silence là việc ngưng mọi phê phán xét đoán trong não trạng của tôi về người khác. Cái nhìn xét đoán người khác, mặc dù không được nói ra nhưng nó có thể gây nhiễu động có khi còn hơn cả những lời nói. Một khi tôi chấp phải lối nhìn như vậy thì quan niệm của tôi về người khác chỉ là hình ảnh được phóng chiếu theo những gì tôi áp đặt về họ, thay vì là con người thật của họ. Và như thế tôi đã vô tình đồng nhất những biểu hiện bên ngoài của người khác với chính họ vậy, cho dù là nhận định của tôi về biểu hiện của họ là khách quan hay chủ quan, là đúng hay sai (nhưng thường là sai). Đây được gọi là hình thức gán nhãn (labelling) người khác. Thêm một lần xét đoán người khác, thêm một nỗi vướng bận gây quấy nhiễu sự thinh lặng trong tôi.

Sau cùng, cũng trong khía cạnh này, thinh lặng còn là thái độ không lên tiếng, không chủ ý để lộ ra cho người khác biết thiện tâm của mình. Giúp mà không mong được trả ơn, tạo ích mà không mong được biết đến hoặc cảm kích, đó là một yêu cầu quyết liệt và đòi hỏi tính kiên trì cao, cũng là biểu hiện mức độ trưởng thành của quá trình nội tâm hóa. Điều này được diễn tả một cách ý nghĩa qua lời một bài hát như sau: “Will you kiss the leper clean, and do such as this unseen,…?[10]. Cúi xuống để hôn một người phong hủi với tất cả sự đồng cảm, ôm choàng lấy người ấy với trọn vẹn con tim yêu thương, và dành cho anh ta sự tôn trọng đúng như anh đáng được, đó là một hành động rất đẹp, rất ý nghĩa. Nhưng nó còn ý nghĩa hơn ở phần sau, làm điều này để không được ai nhìn thấy, lúc này sự thành tâm của mình chỉ giữ cho riêng lòng mình biết. Ngược lại, nếu vì làm điều này với mục đích nhận được sự cảm kích từ người khác, để được ca ngợi trên trang nhất của những tờ báo lớn thì biểu hiện của việc làm này dù có cảm động đến đâu cũng sẽ tự đánh mất ý nghĩa của nó. Về điều này, Đức Giêsu có dạy: “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”(Mt 6, 3).

Khi một người có thể trở về với chính mình trong sự thinh lặng, anh ta có thể giữ cho mình không còn bị mê đắm bởi tâm vọng động, khắc chế được cái ngạo khí phóng túng. Một nội lực như vậy chẳng phải là sức mạnh thực sự đó sao? Kẻ mạnh không phải là kẻ khuất phục được người khác, làm cho người khác phải nể sợ mình, hoặc thậm chí làm nên những việc phi thường khuynh thành đảo quốc, uy chấn thiên hạ, nhưng là kẻ biết giữ được sự điềm đạm trong mọi hoàn cảnh. Với sức mạnh có được, ta có thể đạt đến sự tự do hơn, tự do ở đây lại có thể được xét theo hai khía cạnh: free from và free for, nhưng điều này liên quan đến một đề tài khác không tiện bàn tiếp ở đây. Từ những gì vừa trình bày qua cảm nhận một phần nội dung đã được gợi hứng, có thể nói bản Tu Luật mặc dù ngắn gọn nhưng có sức truyền cảm vượt thời gian.

 

 

                                                         

 

 


[1] Bruce Baker, O.Carm. và Gregory L. Klein, O.Carm., biên tập, The Carmelite Rule, Catholic Book Publishing Co. (N.J., 2000),  tr. 17.

[2] Sđd, tr. 28. (Your strength will lie in silence and hope.)

[3] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, tập 8 (Roma, 2009), tr. 104.

[4] “Học nhi”, Luận ngữ.

[5] Xc. Duy Hinh, Tôn Tử Binh pháp & Tam thập lục kế, (Thanh Hóa, 2006), tr. 527.

[6] Xc. Peter Slattery, O.Carm., Những nguồn suối Cát Minh- Dẫn vào linh đạo Cát Minh, Hồ Khanh dịch, 1994, tr. 39. và The Carmelite Rule, sđd, tr. 28-29.

[7] Xc. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Lao Động, Hà Nội 2004, tr. 41.

[8] Nguyễn Du, Ngẫu đề.

[9] Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.

[10] Kelvingrove, “The Summons”, Today’s Missal – Music Issue, OCP, 2009, tr. 384.

 

Check Also

Thánh Gioan Kim Khẩu – Tác Phẩm và Đời Sống Tâm Linh

Dẫn Nhập Đã mười sáu thế kỷ trôi qua kể từ khi thánh Gioan Kim …