a) Bởi vì Chúa muốn chúng ta đồng hành với Người.
Đây là khía cạnh đáng chú ý nhất trong chương trình cứu độ lớn lao của Chúa, đó là một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng và làm chủ vũ trụ bao la, nhưng lại tự hạ mình xuống để trò chuyện với một trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Ngài làm nên. Thiên Chúa toàn năng hằng hữu dành thời gian và nỗ lực để trò chuyện thân mật với một người chẳng là gì như bạn và tôi. Ngài còn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời chúng ta, và sẵn sàng truyền đạt với chúng ta về những chi tiết này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên về những ân huệ kể trên, và do đó trong tôi dấy lên niềm kính sợ sâu xa đối với Thiên Chúa cao cả.
b) Bởi vì chúng ta cần hạ mình xuống khi cầu nguyện.
Cầu nguyện là linh thao (tập thể thao tâm linh) mang lại lợi ích tâm linh, vì khi đến với Chúa chúng ta khiêm nhường trước nhan Thánh Ngài, nhận biết sự hiện diện của chúng ta là cần tới Ngài vì chúng ta bất lực không thể làm được điều gì cho có ý nghĩa và kết quả, nếu không có sự giúp sức của Ngài. Trong cầu nguyện, chúng ta tự coi mình như thái độ của những tôi tớ đứng đợi lệnh chủ. Chúng ta tự hạ thân phận và những khả năng của con người của mình xuống bằng cách tự đặt mình dưới chân Chúa trong khiêm nhường, đầu phục và thành khẩn cầu xin.
c) Bởi vì chúng cần rèn luyện tâm hồn chúng ta khi cầu nguyện.
Cầu nguyện là một hoạt động tâm linh cho nên cần có một sự rèn luyện xác thịt của chúng ta hầu có thể thực hiện được. Bản tính con người tự nhiên là không cảm thấy hứng khởi trong việc cầu nguyện, ước muốn và khuynh hướng của con người cần được rèn luyện hầu mang tới sự đầu phục để biết dành thời giờ cầu nguyện trước nhan thánh Chúa. Sự thực hành rèn luyện này rất cần thiết cho việc tăng trưởng và phát triển tâm linh. Chúng ta làm cho tâm linh con người được phong phú mỗi lần chúng ta cầu nguyện sốt sắng với Chúa.
d) Bởi vì chúng ta cần nhận biết và bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa.
Hành động đến trước nhan Chúa trong cầu nguyện là nói lên sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa. Mỗi lần chúng ta tìm Chúa và đến với Ngài bằng con người và những nhu cầu của chúng ta, là chúng ta tỏ cho Ngài biết chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là một hoạt động hữu ích giúp chúng ta luôn có thái độ khiêm nhường chính đáng với Chúa.
e) Bởi vì khi cầu nguyện chúng ta cần từ bỏ chính bản thân mình.
“Kẻ nào muốn làm môn đệ ta, kẻ ấy hãy từ bỏ chính mình mà vác thánh gía theo ta.” (Mt16,24). Cầu nguyện cho có ý nghĩa luôn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình. Trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta cần phải làm hơn là dành thời giờ cho cầu nguyện, vì vậy để có thời giờvà cơ hội cầu nguyện, chúng ta phải từ bỏ mình. Làm được như vậy là chúng ta đã đáp ứng điều Chúa Giêsu muốn nơi mỗi môn đệ đích thực.
f) Bởi vì cầu nguyện là khía cạnh cần thiết trong mối liên lạc của ta với Chúa.
Chúa Giêsu luôn là một thí dụ và gương mẫu toàn thiện nhất trong việc cầu nguyện của chúng ta. Kinh Thánh ghi lại cuộc đời Chúa khi còn ở trần thế cho thấy Ngài luôn luôn trung thành cầu nguyện cùng Chúa Cha. Nhiều lần, chúng ta thấy Chúa Giêsu lui khỏi các hoạt động, khỏi đám đông dân chúng, và ngay cả các môn đệ của Ngài nữa để có thể một mình cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Nếu Chúa Giêsu đã phải làm như thế để duy trì mối liên hệ tốt đẹp với Chúa Cha, thì phần chúng ta cần phải làm nhiều hơn bao nhiêu nữa để tạo được mối liên hệ này? Một sự liên kết gắn bó khi cầu nguyện rất cần thiết để thăng tiến trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa.
g) Bởi vì Chúa đáp ứng những nhu cầu của chúng ta qua cầu nguyện.
Bây giờ chúng ta hãy bàn về điều rất căn bản của cầu nguyện. Nói trắng ra là tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Đích thực là vì trong sự khôn ngoan và mục đích của Thiên Chúa, Ngài đã hứa sẽ đáp trả nhu cầu của chúng ta trước những lời van xin Ngài.
Dothái 11,6 cho chúng ta biết: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người”. Đây là một trong những nhiệm mầu tôi nói trước đây. Chắc chắn là Chúa đã biết mọi nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta rồi, nhưng tại sao Chúa lại cần chúng ta phải nói ra khi cầu nguyện? Tôi tin là câu trả lời cho điều này nằm trong một mức độ nào đó mà tôi đã nói đến ở trên… Chúa muốn tình bạn đồng hành, muốn chúng ta nhận ra sự cần lệ thuộc vào Chúa, và trên thực tế, Chúa muốn chúng ta dành thời giờ liên hệ mật thiết với Ngài.
h) Bởi vì Chúa nhận lời cầu nguyện của chúng ta.
Dù những nhu cầu chúng ta xin cho cá nhân, cho gia đình hoặc cho tha nhân hay cho kết quả của một mục vụ, Thiên Chúa sẽ nhận lời để đáp trả lại lời cầu nguyện thành tâm của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện thì sự việc sẽ xảy ra, còn nếu không cầu nguyện thì chẳng gì tồn tại hay giá trị có thể xẩy ra cả. Công việc của Chúa chỉ được tiến bước qua lời cầu nguyện.