Home / Linh Đạo - Đời Sống Tâm Linh / Thông Điệp từ Ban Cố Vấn Tổng Quyền O.Carm. và O.C.D Gửi đến Toàn Thể Gia Đình Cát Minh

Thông Điệp từ Ban Cố Vấn Tổng Quyền O.Carm. và O.C.D Gửi đến Toàn Thể Gia Đình Cát Minh

Trong Năm Đức Tin, thành viên của hai Ban Cố Vấn Tổng Quyền O.Carm. và O.C.D. đã thực hiện chuyến hành hương về Aylesford, Anh Quốc. Đây là một nơi chốn có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn thể Gia Đình Cát-minh. Đúng vậy, chính tại nơi chúng tôi đang có mặt đây để viết thông điệp này gửi tới anh chị em trong ngày Lễ Mừng Thánh Simon Stock, là những di tích của căn nhà Cát-minh cổ kính được thành lập vào năm 1242 do một số ẩn sĩ-hương sĩ Cát-minh đến từ Núi Cát-minh. Việc họ trở về Châu Âu từ miền Đất Thánh, tiến trình lặng lẽ chuyển đổi của họ từ lối sống ẩn sĩ qua lối sống khất thực, kinh nghiệm về Thiên Chúa của họ và trên tất cả, lòng tín thác khiêm tốn và đầy tình huynh đệ của họ đối với Đức Maria trong giai đoạn khủng hoảng văn hóa là cả một kho tàng gợi hứng cho chúng ta. Những ẩn sĩ-khất sĩ đầu tiên này cũng tạo điều kiện cho chúng ta tạm dừng để suy niệm bằng cách tái ngẫm nghĩ về sứ vụ của chúng ta trong thế giới ngày nay – chủ đề mà chúng tôi đã dành hầu hết thời gian trong các cuộc họp để luận bàn. Trong những cuộc họp luận bàn này, chúng tôi có cơ duyên được Cha Benito De Marchi, một tu sĩ Dòng Truyền giáo Comboni, hướng dẫn.

Tại Aylesford, chúng tôi là khách của cộng đoàn anh em O.Carm. địa phương, và chúng tôi ước mong gửi đến họ những tâm tình cảm ơn từ đáy lòng vì lòng hiếu khách nồng nàn và sự chăm sóc tận tình của họ dành cho chúng tôi. Đây là thời gian anh em cùng nhau sống chia sẻ đời sống cầu nguyện, huynh đệ, suy niệm, qua đó chúng tôi đã cảm nhận hai biến cố đại kết sâu sắc. Chúng tôi đã cử hành Kinh Sáng Chúa Nhật cùng với anh em Anh Giáo trong vương cung thánh đường cổ kính Rochester (thành lập năm 604 A.D). Và biến cố thứ hai là cuộc gặp gỡ tại Cambridge với Đức Rowan Williams, nguyên Tổng Giám Mục Canterbury (emeritus), một nhà thần học tinh anh và một chuyên gia đáng nể về linh đạo và các thánh Cát-minh. Hai cuộc gặp gỡ trong tâm tình cầu nguyện và suy tư thần học này đã giúp chúng tôi hiểu rằng sứ vụ ngày nay phải được thực hiện trong sự liên đới chặt chẽ với các nhóm Ki-tô hữu khác, trong một tinh thần gợi mở đại kết.

Cuộc hành hương tìm về các cội nguồn Cát-minh tại Châu Âu đã và đang khơi dậy trong chúng tôi một cảm nhận khiêm tốn rằng kỷ nguyên lịch sử này, một kỷ nguyên được định tính bởi hiện tượng toàn cầu hóa, do tính cơ động mở ra mọi phương hướng, do tính bùng nổ trong cuộc sống chúng ta những lối sống của “người khác”, do sự xác nhận giá trị của “chủ thể tính” và do sự mất đi một cảm thức về Thiên Chúa – kỷ nguyên ấy đòi buộc chúng ta có một tinh thần truyền giáo mới. Có nghĩa là, chúng ta cần một tấm lòng cởi mở hơn với tinh thần Phúc Âm và ít tập trung vào mình như một kiểu mẫu. Trên thực tế chúng ta luôn mong mỏi chia sẻ với người khác không phải là những thế giới quan hay là những thái độ về cái tôi cũ của chúng ta, nhưng là chia sẻ một diện mạo nhân loại mới mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta như một món quà nhưng không, qua người Con chí ái, Đấng đã chết và sống lại, và đó cũng chính là diện mạo mà Chúa Thánh Thần đang hằng khuân đúc. Trong bài diễn văn nhận vô số lời tán dương gửi tới Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2012, Đức Rowan Williams khi đề cập đến Thánh Edith Stein, đã gọi đây là một sự “chiêm ngắm” dáng dấp nhân loại mới.

Áp dụng lối diễn đạt này, với cảm thức đặc biệt Cát-minh, chúng tôi đã nỗ lực mô tả trong những suy niệm của chúng tôi một dáng dấp nhân loại dám quên đi chính mình, trong thinh lặng và thoát khỏi cuộc tìm kiếm đến mệt mỏi cho sự thỏa mãn cá nhân, và thoát khỏi yêu sách phải làm người khác hạnh phúc bằng cách cố chất lên họ những ý tưởng và những đề án của chính chúng ta. Diện mạo nhân loại mới này, quy hướng về Chúa Cha, có thể thấy tất cả mọi người, và đặc biệt là những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội và những người đang đau khổ, với những con mắt đầy lòng cảm thương. Đây là một hình bóng nhân loại lòng luôn rộng mở chào đón, sẵn sàng đảm nhận một cuộc hành hương còn dang dở cùng nhân loại (nam và nữ) trong thời đại chúng ta ngõ hầu tìm đến một cách thức mang chúng ta vào sâu hơn tâm hồn của sự sống Ba Ngôi.

Chúng ta sẽ chẳng thể nào hình dung ra diện mạo nhân loại mới này nếu không chịu “giải phóng đặc sủng để sẵn sàng cho thuê sự sống” (Benito De Marchi). Có nghĩa là, nếu không giải phóng khả năng chiêm niệm và truyền giáo của đoàn sủng khỏi mọi sự nông cạn hời hợt, sự ngạo mạn xấc xược và tính ích kỷ tham lam, những thứ ngăn cản đoàn sủng của chúng ta nhận ra tình yêu Ba Ngôi và những thứ đóng kín bên trong một chu kỳ khép kín luôn viện dẫn cái tôi (bản thân).

Với một giọng điệu lạc quan hơn, giải phóng đoàn sủng đồng nghĩa với cảm nhận những mối tương quan Ba Ngôi trong đời sống huynh đệ và đời sống cộng đoàn một cách sống động hơn. Điều đó cũng có nghĩa là tái khám phá niềm vui phúc âm và thưởng thức trải nghiệm sự hiệp nhất và sự đơn sơ tồn tại giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Với cách thế này, chúng ta có thể làm chứng cho người khác mọi nơi và mọi thời, trong từng bối cảnh chúng ta được sai đến.

Trên hết mọi sự, Đức Maria- Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, đang đồng hành với chúng ta. Đối với người Cát-minh, Mẹ là một mẫu gương diệu vợi cho nhân loại biết lắng nghe Lời Chúa và chiêm niệm Thiên Chúa hằng sống. Mẹ là kiểu mẫu chiêm niệm tối thượng, nhưng lại đến với mỗi người chúng ta để trở nên một khách hành hương cùng với chúng ta. Mẹ đã ôm lấy chúng ta bằng tình mẫu tử và tình huynh đệ và thắp lên trong tim chúng ta ngọn lửa tình yêu. Vừa nghèo khó lại vừa khiêm nhượng, chỉ với một dấu chỉ đơn sơ của chiếc áo Đức Bà, Mẹ đã bảo vệ ngọn lửa tình yêu này trong cơ thể nhân loại mỏng giòn của chúng ta và thay đổi ngọn lửa ấy thành niềm say mê nồng cháy cho công cuộc rao giảng Tinh Mừng và sứ vụ. Sự hiện diện dè dặt nhưng cũng đầy dũng khí hùng hồn của Mẹ nơi đời sống của chúng ta muốn nhắn nhủ rằng những ai mang áo Đức Bà được mời gọi dấn thân yêu thương người lân cận. Với ý nghĩa này, Đức Trinh Nữ Núi Cát-minh đã và đang được gọi là “Nhà Truyền Giáo cho con người.” (Oscar Romero)

Anh chị em quý mến, chúng tôi chia tay Aylesford mang theo một nhận thức được canh tân về món quà ơn gọi của chúng ta và sứ vụ nối kết với món quà ơn gọi này. Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta đừng sợ những khó khăn chúng ta sẽ gặp phải và đừng nản lòng khi đối mặt với những cơn thử thách không thể tránh nổi và những thất bại có thể xảy ra. Trong mỗi chúng ta, dù tầm thường và nghèo khó đến đâu đi nữa, luôn có một sức mạnh hơn vậy đã và đang chinh phục thế giới này. Đó chính là sức mạnh của tình yêu Chúa Cha dành cho chúng ta, sức mạnh Lời của Ngài và Thần Khí Ngài thôi thúc chúng ta hướng về thế giới và mở lòng chúng ta ra với tất cả những ai Ngài để chúng ta gặp trên đường đời. Rất nhiều người nam cũng như nữ đang chờ đợi chúng ta, mong mỏi chúng ta gia đình Cát-minh giới thiệu với họ sự dịu hiền của Thiên Chúa chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta đừng làm tiêu tan những niềm hy vọng của họ.

[Chuyển ngữ từ “A Message from the two General Councils, O.Carm. and O.C.D. to the whole Carmelite Family” – Citoc Magazine, III-No. 2-2013, pages 26-27]

Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm.

 

Check Also

Thánh Gioan Kim Khẩu – Tác Phẩm và Đời Sống Tâm Linh

Dẫn Nhập Đã mười sáu thế kỷ trôi qua kể từ khi thánh Gioan Kim …