Home / Linh Đạo - Đời Sống Tâm Linh / Thư Cha Tổng Quyền nhân ngày Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh 2021

Thư Cha Tổng Quyền nhân ngày Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh 2021

Kính thưa các anh chị em trong Gia đình Cát Minh thân mến,

Mong muốn đặc biệt của tôi trong năm nay là hút sự chú ý của anh chị em về mối dây liên kết mà Dòng Cát Minh có về vùng đất nơi Chúa Giê-su sinh ra trên dương thế cũng như là vùng đất mà Dòng Cát Minh và Truyền thống Dòng được thành lập. Đó là vùng đất mà chúng ta tiếp tục tôn vinh lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Trinh Nữ Maria, người mà chúng ta nhớ và tôn kính là Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Mẹ của Nơi Chốn. Đó là vùng đất mà những người hành hương và thập tự chinh khao khát được đến thăm và bảo vệ. Đó là một vùng đất đang cầu xin để chấm dứt hận thù và thực hiện giấc mơ hòa bình cho nhiều quốc gia và dân tộc đang sống tại đây.

Nơi chúng ta được thành lập

Truyền thống Thánh Mẫu của chúng ta có nguồn gốc từ việc ngôi nhà nguyện đầu tiên được xây dựng để tôn kính Đức Maria. Ngôi nhà nguyện nằm chính giữa các tu phòng, gần nguồn suối Êlia, thuộc khu vực thung lũng yên bình của Núi Cát Minh. Điều này có nghĩa là các ẩn sĩ ngay từ đầu đã nhận Đức Maria, là Mẹ của họ, như là Mẹ của Nơi chốn đó. Cả nhà nguyện và dòng suối trên núi của Đất Thánh tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng tiền nhân của chúng ta đã chọn sống trung thành với Đức Kitô, dưới cái nhìn trìu mến của Đức Maria và qua việc noi gương Mẹ và Tiên tri Êlia, người mà chúng ta cũng kính nhớ trọng thể vào cùng tháng Bảy.

Anh em khởi thuỷ của chúng ta là những người hành hương thời Trung cổ đã đổ xô đến Đất Thánh. Giống như những người hành hương khác, họ chọn ở lại đó, và sau đó thành lập một cộng đoàn ẩn sĩ gắn bó trên sườn Núi Cát Minh. Họ cùng nhau sống đời sống sám hối, nghĩa là liên tục hoán cải, để họ có thể “sống trung thành với Đức  Kitô và phụng sự Ngài với một trái tim trong sáng và một lương tâm ngay lành” (Luật Dòng #2). Khái niệm về lòng trung thành được hình thành và tồn tại từ thời Trung cổ, có nghĩa là những người anh em ẩn tu Cát Minh này sẽ phát triển một mối dây liên kết sống động với Đất Thánh, nơi sau đó được xem như việc tạo thành di sản và vương quốc thực sự của Thiên Chúa của họ. Họ cam kết ở lại vùng đất này, trong ẩn dật, dấn thân vào một cuộc chiến tâm linh (Quy tắc, 18-19) để phục vụ Thiên Chúa.

Từ Núi Cát Minh đến phần còn lại của thế giới

Việc cam kết này đã bị áp lực nặng nề khi vào những năm 1230, tình hình chính trị ở Đất Thánh trở nên bấp bênh hơn và một số ẩn sĩ Cát Minh lo sợ bị ngược đãi, đã muốn rời khỏi Đất Thánh để trở về quê hương của họ ở Châu Âu và lập nền tảng ở đó. Đó không phải là một vấn đề tầm thường. Cha Felip Ribot, trong Mười cuốn sách về cách sống và những việc làm vĩ đại của người Cát Minh, thường được gọi là Hiến chế cho các tu sĩ đầu tiên, từ tiêu đề của bảy cuốn sách đầu tiên, cho chúng ta một bức tranh sống động về một cuộc họp cộng đoàn trên Núi Cát Minh, trong đó các anh  anh em thảo luận về việc liệu họ có thể “rời khỏi Đất Thánh hay xây dựng các cộng đoàn của Dòng bên ngoài nó”. Đó là một vấn đề quan trọng đến nỗi họ gặp nhau để biện phân trong cầu nguyện để nhận ra Thánh Ý Chúa cũng như tìm ánh sáng từ Kinh Thánh. Và nếu điều này chưa đủ, lại có chuyện kể rằng chỉ sau khi được “cảnh báo bởi Đức Kitô và Đức Mẹ trong giấc mơ”, Cha bề trên đã “cho phép một số anh em rời khỏi Đất Thánh và trở về quốc gia của họ và xây dựng các tu viện của Dòng ở đó” (Quyển 9, chương 3). Dù điều đó có đúng về mặt lịch sử hay không, câu chuyện này cho thấy các Tu Sĩ Cát Minh thời trung cổ quan niệm mối dây liên hệ của họ với Đất Thánh như thế nào. Đó không chỉ đơn giản là cái nôi, thứ mà họ có thể rời bỏ khi lớn lên. Họ nhất quyết ở lại đó bằng chính lời thề.

Cuối cùng thì các anh em cũng bắt đầu rời Thánh địa và đến nơi định cư đầu tiên là Síp và sau đó là  nhiều vùng khác nhau của châu Âu. Cuối cùng, vào năm 1291, toàn bộ Đất Thánh nằm dưới sự cai trị của người Hồi giáo và tu viện đầu tiên trên Núi Cát Minh, cùng với hai Tu viện khác ở Đất Thánh, ở Acre và Tyre, đã bị phá hủy. Vì vậy, Dòng Cát Minh đã bị xóa sổ khỏi Núi Cát Minh và khỏi Đất Thánh. Nhưng đến nay, họ đã có rất nhiều cơ sở trên khắp châu Âu. Dù đi đến đâu, họ cũng mang theo ký ức về Núi Cát Minh và Đất Thánh và không ngừng hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trở lại. Núi Cát Minh đã đặt tên cho họ và trở thành biểu tượng tinh thần chính của họ.

Cuộc hành hương đến Đất Thánh do các bậc tiền bối thực hiện giờ đây đã trở thành một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc hành trình tâm linh. Họ cố giữ một chút hoài niệm về ký ức của Đất Thánh bằng cách mang theo Nghi thức Mộ Thánh. Trong nhiều thế kỷ và cho đến cuộc cải cách phụng vụ do Công đồng Vatican II thúc đẩy, Nghi thức này là mối dây sống động của Dòng với Đất Thánh. Một cách khác để họ duy trì mối liên hệ của họ với Đất Thánh là giữ lại tên Tỉnh Dòng Đất Thánh ở Síp, và sau khi những nền móng nhà Dòng trên hòn đảo đó bị tiêu tan, tước hiệu bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Đất Thánh dù chỉ mang tính danh nghĩa, vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ, tước hiệu đó được trao cho một tu sĩ, và người đó có quyền tham dự Tổng Tu Nghị Dòng. Một số cơ sở ban đầu của Dòng, thậm chí cả ngày nay, trên huy hiệu Dòng thường có thêm Thánh giá Giê-ru-sa-lem.

 

Giữ tinh thần nguyên thuỷ sống động

Đất Thánh đại diện cho điều gì đối với nhà Dòng ngày nay? Nó chắc chắn nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc của chúng ta. Nhưng đây không chỉ là một mối ràng buộc tình cảm đơn thuần với quá khứ. Nhắc lại Đất Thánh, chúng ta được mời gọi hãy tiếp tục giữ tinh thần sống động đã thúc đẩy những cha anh rời khỏi đất nước của họ để hành hương đến Đất Thánh, thề sẽ định cư ở đó và sống trong sự trung thành với Đức Kitô. Ba khía cạnh; hành hương, ở lại, và sống trung thành với Đức Kitô là cốt lõi của ơn gọi của chúng ta. Chúng không còn mang ý nghĩa địa phương cho các ẩn sĩ Cát Minh đầu tiên nữa nhưng chúng ta phải thấy mình là những người đang trong cuộc hành trình đó, những người cần một nơi ở ổn định, và những người hoàn toàn tận tâm cho Đức Kitô và cho việc phục vụ Ngài.

Hành trình biến đổi trong cộng đoàn

Cuộc hành trình của chúng ta trên hết là một cuộc hành trình nội tâm, “một cuộc hành trình biến đổi”. Đây là cốt lõi của ơn gọi và sứ mạng của chúng ta. Nhưng cũng có một khía cạnh khác. Vì cuộc hành hương của các ẩn sĩ tiên khởi đến Đất Thánh đã biến thành cuộc hành trình của các tu sĩ khất sĩ, nên cuộc hành trình của chúng ta ngày nay phải ẩn chứa việc chúng ta đi bên cạnh tha nhân, anh chị em của thời đại chúng ta, để chia sẻ niềm vui và khó khăn với họ, chia sẻ với họ về Đức Kitô và nền linh đạo phong phú của chúng ta.

Với sự chuyển đổi Dòng từ ẩn sĩ thành khất sĩ, việc an cư tại một nơi, và thậm chí cụ thể hơn nữa lạ tại Đất Thánh, không còn thực hiện được nữa. Nhưng ý tưởng “ở lại” tại một nơi ở ổn định vẫn tồn tại và vẫn là một phần trong ơn gọi của chúng ta. Luật Dòng mời gọi chúng ta ở trong tu phòng của mình, “ngày đêm suy gẫm Luật Chúa và tỉnh thức trong cầu nguyện” (Luật Dòng #10). Linh đạo về ở trong tu phòng luôn là một khía cạnh quan trọng trong đời sống tâm linh chúng ta và nó cần được bồi đắp. Ở lại trong tu phòng nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi của chính Chúa Giêsu, hãy ở lại trong Thầy (x. Ga 15, 4-10). Thiên Chúa là nơi ở thực sự của chúng ta, cho dù chúng ta đang ở trong sự cô tịch của tu phòng, trong cộng đoàn, hay đang phục vụ tha nhân. Ý tưởng về việc định cư, “ở lại”, có một nơi ở ổn định, cũng nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi trong đời sống cộng đoàn của chúng ta. Cộng đoàn ẩn sĩ đầu tiên trên Núi Cát Minh mang hình ảnh của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, và mang ý tưởng về việc trở thành một đại diện của một Giêrusalem Mới.

Những khía cạnh này tạo thành một cách cụ thể mà chúng ta, những tu sĩ Cát Minh, được mời gọi sống trung thành với Đức Kitô. Người đang và vẫn là viên đá nền tảng không thể thay thế của Cát Minh. Khi chúng ta mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, Tiên Tri Êlia, và nhớ lại nguồn gốc của chúng ta trên Núi Cát Minh tại Đất Thánh, chúng ta được mời gọi cam kết canh tân đời sống theo ý hướng của cộng đoàn tiên khởi.

Một câu hỏi về căn tính

Ký ức sống động về Núi Cát Minh ở Đất Thánh được thể hiện qua việc chúng ta tiếp tục sử dụng tên đó khi đề cập đến chúng ta là ai. Chúng ta tiếp tục giữ ngọn núi đó trong trái tim và tâm trí của chúng ta. Ký ức sống động này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta vẫn là người dân của vùng núi đó, ngay cả khi chúng ta thấy mình bị cuốn vào sự bận rộn của thành phố. Sự căng thẳng này là cuộc sống. Điều này mời gọi chúng ta trở về với căn tính của chúng ta là những người chiêm niệm. Vì lý do đó, chúng ta thấy nơi các thánh của chúng ta, Angelo Paoli, cha của người nghèo, Teresa Avila, người sáng lập lang thang, Gioan Thánh Gia, nhà thơ và vị đồng hành thiêng liêng, Edith Stein, giáo sư và vị tử đạo, và Titus Brandsma, con người của mọi mùa, những tu sĩ Cát Minh đều sống với sự căng thẳng này, tất cả đều là những người yêu thích cái tên Núi Cát Minh.

Các ngày lễ kính trong tháng Bảy của chúng ta đưa chúng ta trở lại, như thể trong một cuộc hành hương tâm linh, đến Núi Cát Minh của Đất Thánh. Năm nay, chúng ta lại chứng kiến ​​bất ổn chính trị và chiến tranh ở Đất Thánh, chúng ta phải nhớ lại mối dây liên kết đặc biệt đã gắn kết chúng ta với vùng đất đó, trái tim của chúng ta hướng về tất cả anh chị em, đang chịu hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa để có một giải pháp công bằng đạt được để tất cả có thể hưởng được sự ổn định, sự an toàn và sống trong hòa bình. Chúng ta cũng rất đau buồn trước những cuộc di dân liên tục của các anh chị em Kitô hữu ra khỏi Đất Thánh và ra khỏi vùng Trung Đông, do những khó khăn mà họ đang gặp. Chúng ta có thê hỗ trợ họ bằng lời nguyện  và bằng bất kỳ cách nào khác có thể.

Lời cầu nguyện cho hòa bình

Khi chúng ta chia sẻ niềm vui tinh thần với cha anh của chúng ta là những người hành hương, và những người hành hương ở mọi thời đại, dù là Do Thái, Kitô giáo hay Hồi giáo, khi đặt chân đến Đất Thánh, và hát với họ: “Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân” (Tv 122, 2), chúng ta chăm chú lắng nghe tác giả Thánh Vịnh khi ngài khuyên chúng ta: “ Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình” (Tv 122, 6). Hãy để đó là ý định cầu nguyện đặc biệt của chúng ta trong năm nay khi chúng ta mừng kỷ niệm Đức Maria Núi Cát Minh và Thánh Tiên Tri Elijah. Mặc dù một mặt, chúng ta thường nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu Gia đình Cát Minh và đặc biệt là các tu sĩ hiện diện nhiều hơn ở Đất Thánh, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta đang hiện diện ở đó với hai cộng đoàn; cộng đoàn Istituto di Nostra Signora del Carmelo, Dòng Cát Minh Ý do Chân phước Teresa Scrilli thành lập, và Anh Chị em Cát Minh Cải Tổ O.C.D. Sự an toàn của họ và sự thành công trong công việc của họ cũng là lý do để chúng ta cầu nguyện.

Khi chúng ta canh tân lòng sùng kính của mình với Đức Maria, chúng ta lại tôn kính Mẹ là Mẹ của Nơi đây và chúng ta hãy đặt anh chị em tại Đất Thánh dưới sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ với niềm tin tưởng rằng chúng ta càng nhiệt thành thể hiện khát vọng hòa bình, hòa bình chỉ có một mình Thiên Chúa ban cho, thì chúng ta càng chắc chắn rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được lắng nghe, và sẽ có hòa bình.

Nguyện chúc anh chị em ngày lễ kính trọng thể Đức Mẹ Núi Cát Minh vui tươi và tràn đầy ơn sủng.

Linh mục Míceál O’Neill, O. Carm.

Bề Trên Tổng Quyền

 

Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm. chuyển ngữ.

Check Also

THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2024 – 2025

Chiều ngày 05/09/2024, vào lúc 17h00, tại Tu viện Học viện Đức Bà Núi Cát …