Home / Mùa Chay Thánh / Tĩnh tâm online 2020 – Tuần IV Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Tĩnh tâm online 2020 – Tuần IV Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Dám “vận mệnh diễm phúc
Tuần thứ 4 : Hành trình trong đêm

Tin Mừng : Đức Giê-su, ánh sáng trần gian, chữa lành một người mù (Ga 9)

«Lúc đó, khi ra khỏi Đền thờ, đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người : “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?” Đức Giê-su trả lời : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng ; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian. ” Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. Rồi Người bảo anh ta : “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa» – Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phái. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. […]

Đức Giê-su nghe nói họ[người biệt phái] đã trục suất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin!” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.»

Chúa Giê-su chữa lành một người mù bẩm sinh — THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN ...
Ảnh minh họa (nguồn từ Internet)

1.Suy niệm trong tuần: Một sự tin tưởng mù quáng

  • «Đêm giác quan» và «đêm tâm linh »

Con đường của chúng ta đến núi Cát Minh đã qua một chỗ ngoặt quyết định với sự gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri quanh bờ giếng Gia-cóp. Chúng ta đã khám phá ra hành trình đó quả thật là một con đường hướng nội vào tâm điểm của chúng ta. Và để đi vào nội tâm, ta cần làm lắng dịu và canh tân sự nhạy cảm bên ngoài của chúng ta. Thánh Gio-an Thánh Giá gọi sự chuyển động kép của sự bình định và hoán cái đó là «đêm».

            «’Đêm’ mà chúng tôi nói đây được hiểu về việc tước bỏ sự mê thích mọi vật. Bởi vì, đêm không gì khác hơn là sự tước bỏ ánh sáng, và do đó, tước bỏ luôn tất cả những vật có thể thấy được nhờ ánh sáng (điều ấy khiến quan năng thị giác chìm trong tối tăm và trở nên như không có ), cũng thế, ta có thể gọi ‘đêm’ là sự tước bỏ hết sự mê thích mọi vật, con mắt linh hồn chìm vào trong tối tăm và trở nên như không có . » (I ĐL 3, 1)

            Mùa chay là thời gian thuận tiện để sống những đêm nhỏ khả giác : lực chọn hạn chế thời gian kết nối hằng ngày có thể gây một sự ấm ức tình cảm. Tình cảm của tôi có kinh nghiệm về sự thiếu vắng  và mất điểm mốc. Nhưng nếu tự nguyện đặt tình cảm của tôi vào đêm tối, xa ánh sáng màn hình, thì tôi chọn một ánh sáng khác để soi sáng tôi, nội tâm hơn, mặc dù tình cảm của tôi vẫn tiếp tục đòi hỏi phần ánh sáng giả tạo… Tôi hiểu rằng sự vượt qua điều cảm nhận là cần thiết để tôi được lớn lên trong đời sống tâm linh và làm cho tôi được tự do hơn . Không có cái «đêm khả giác» này, tôi sẽ luôn sống trong ấu trĩ tâm linh ! Nhưng có lẽ tôi cũng phải sống «đêm tâm linh» nữa, một sự biến đổi sâu thẳm hơn của trí hiểu, lòng muốn và trí nhớ được soi sáng bởi đức tin, đức mến và đức cậy. Thiên Chúa muốn biến đổi tôi một cách toàn vẹn, cả xác lẫn hồn, hay theo từ ngữ của thánh Gio-an là «giác quan» và «tâm linh». Vậy tôi phải sống đêm giác quan và đêm tâm linh để nên giống Đức Ki-tô hơn trong ngày ánh sáng Phục sinh.

Ảnh [1]: Hành lang tu viện cổ của Dòng Cát Minh, Middletown, New York

  • Sự chọn lựa của niềm trông cậy

Chúa nhật này chúng ta gặp một nhân vật mới, cũng vô danh, một người mù từ thuở mới sinh. Người này có trải nghiệm về đêm tối từ lúc mới sinh vì không có khả năng nhìn thấy. Như thế sự nhạy cảm của anh được phát triển qua các giác quan khác, nhất là thính giác giúp anh bước vào mối quan hệ với Đức Giê-su. Sự việc anh không nhìn thấy không gây cản trở cho sự gặp gỡ vì xóa tan những thành kiến liên quan đến dáng vẻ bên ngoài. Không có phần mào đầu dong dài để giao thiệp: Đức Giê-su tác động một cách trực tiếp để chữa lành cho anh ấy qua sự sờ chạm. Nhưng điều quan trọng nhất là sự lắng nghe lời Đức Giê-su : «Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa» Người mù này có thể tự hỏi thầy Giê-su muốn gì và có phải chăng đó là một cách để sỉ nhục anh. Không phải tự nhiên mà luật Mô-sê cấm đặt chướng ngại cho người mù vấp chân (Lv 19,14): sự hung dữ của con người làm cho người yếu đuối phải cẩn thận. Tuy nhiên người này đã chọn trông cậy vào người lạ mặt và đây đôi mắt của anh ta đã mở ra khi tiếp xúc với nước hồ Si-lô-ác. Nước được Đấng Thiên Sai là chính Đức Giê-su thông truyền gợi nhớ ân sủng rửa tội: bí tích thanh tẩy ban đức tin, khả năng nhìn thấy như Đức Giê-su nhìn thấy. Người mù trở thành người nhìn thấy. Một hành vi tin tưởng vào Đức Giêsu đầu tiên kéo anh đi trên con đường đức tin được biểu lộ trước sự hoài nghi của người biệt phái. Nhưng đức tin của người trước kia bị mù sẽ được xác nhận nhiều hơn khi anh nhìn thấy Đức Giê-su, Con Người, mắt trong mắt và anh có thể sấp mình xuống trước mặt Người.   

  • Đức tin đi xa hơn lý luận

Để tiến bước đến sự thánh thiện và hiệp nhất lòng muốn của chúng ta với thánh ý Đức Chúa, không phải chỉ cần vượt qua sự cảm nhận và sống đêm giác quan như thế. Chúng ta cũng cần đi vào chiều sâu hơn và vượt qua tham vọng của trí thông minh chúng ta. Thiên Chúa luôn hiện diện vượt qua những điều chúng ta cảm nhận, cũng như điều chúng ta hiểu được.   

«Muốn được đức tin hướng dẫn, linh hồn không những phải ở trong tăm tối trong lĩnh vực giác quan, liên quan đến thụ tạo và những cái mau qua, mà hơn nữa còn phải làm cho mình thành mù lòa, tăm tối cả về lý trí liên quan tới Thiên Chúa và tâm linh. Hiển nhiên, muốn đạt tới sự biến đổi siêu nhiên ấy, linh hồn cần phải nhắm mắt lại và thoát khỏi tất cả những gì thuộc tính tự nhiên, nghĩa là thuộc cảm giác và lý trí.» (II ĐL 4,2)

            Không phải là không suy nghĩ nữa (vì thánh Gioan Thánh Giá đánh giá cao lý trí) nhưng cẩn thận để năng lực lý trí của chúng ta không nhốt Thiên Chúa trong một thần tượng nhân loại. Đó là bẫy mà các người biệt phái bị sa vào: «Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày sa-bát . (…) Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi.» Từ việc hiểu về Luật Thiên Chúa, họ suy ra rằng Đức Giê-su là một tên bịp và là kẻ tội lỗi. Tình huống bi thảm: những người được coi như hiểu biết căn tính của Đức Giê-su qua kiến thức tôn giáo của họ, lại bị mù lòa vì tính tự phụ của họ và trở thành những người báng bổ. Sự hiểu biết tôn giáo của họ trở thành một vật cản cho con đường tâm linh của họ, vì tính kiêu ngạo của họ. Do đó mới có những câu kinh khủng cuối cùng  39-40: những kẻ tự cho là xem thấy bằng trí hiểu của họ lại trở nên mù. Còn như người mù từ lúc mới sinh, người đó chọn niềm tin và trở nên người sáng mắt. Người trải qua đêm tối tâm linh được đức tin hướng dẫn để vượt qua lý trí, mà không mâu thuẫn với lý trí, để đạt đến ánh sáng thần linh.

  • Ánh sáng đức tin

Ảnh [2]: Kính màu tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Núi Cát Minh,
Middletown, New York

Để lớn lên trong đức tin, ta phải chấp nhận một cách nào đó để trí khôn chúng ta vào trong tăm tối. Hẳn là đức tin không bao giờ mâu thuẫn với lý trí nhưng mở rộng lý trí hơn. Nó mạc khải cho chúng ta những thực tế chưa được biết đến :

«Đối với một người mù từ lúc mới sinh chưa bao giờ thấy màu sắc nào cả, nếu người ta giải thích thế nào là màu trắng hay màu vàng, thì có nói gì, người mù sẽ không hiểu gì cả vì người đó chưa hề thấy những màu sắc ấy, cũng như không hiểu màu sắc giống thứ gì để giúp người đó có thể phán đoán: họ chỉ nhớ tên màu sắc vì cảm nhận qua lỗ tai, nhưng không cảm nhận được bản chất hay dáng vẻ vì họ chưa bao giờ thấy màu sắc. Cũng thế đức tin tác động trong linh hồn: đức tin nói với chúng ta về những điều chúng ta chưa hề thấy hay biết.» (II ĐL 4,5)

            Như đức tin dẫn ta đến một tri thức phi thường, nó cũng làm lạc hướng cách chúng ta suy nghĩ. Đó cũng giống như một ánh sáng quá chói chang làm lóa mắt lý trí chúng ta:

«Đối với linh hồn ánh sáng chói chang của đức tin là tăm tối. Ánh sáng mặt trời làm mờ đi mọi ánh sáng khác; nó vượt qua sức mạnh của thị giác, làm cho nó mù lòa và không nhìn thấy được vì ánh sáng đó không cân xứng và quá mức đối với thị giác chúng ta. Cũng thế ánh sáng đức tin, đè nặng và vượt quá ánh sáng trí khôn vì trí khôn chỉ có lĩnh vực năng lực tự nhiên, mặc dù nó có thể vươn lên siêu nhiên vì Đức Chúa muốn nâng nó lên lĩnh vực siêu nhiên(…) Đức tin là một đêm tăm tối cho linh hồn, và, bằng cách đó, đức tin ban ánh sáng cho linh hồn; đức tin càng làm cho linh hồn ra tăm tối thì càng ban thêm ánh sáng vì chính khi làm cho linh hồn được mù lòa thì càng ban thêm ánh sáng. (…) Điều đó cho chúng ta hiểu rõ rằng linh hồn phải ở trong tăm tối để được chiếu sáng trên đường đi của nó.» (II ĐL 4,6)

            Đây là một nghịch lý: ánh sáng chắc chắn nhất được thấy trong đêm tối gắn liền với đức tin! Quả thật, phương thế thích hợp nhất cho hành trình tiến đến Thiên Chúa không phải là năng lực cảm nhận, hay năng lực phân tích, sức mạnh của ý chí nhưng là đức tin của chúng ta, gắn liền với hai nhân đức đối thần khác, là đức cậy và đức ái. Đức tin chạm đến lòng Chúa và là nguồn ánh sáng đáng tin cậy nhất. Quả thật đức tin đánh lạc hướng tính nhạy cảm và cách suy nghĩ của tôi nhưng là để hoán cải chúng. Một cách cụ thể, điều đó có nghĩa là, trong đời sống cầu nguyện của tôi, tôi phải chấp nhận không cảm nhận và không hiểu ngay lập tức những nẻo đường mà Chúa dẫn tôi đi qua, mặc dù tôi cảm thấy nặng nề và lâu dài. Vũ khí duy nhất của tôi là tin tưởng, như một người mù, là Thiên Chúa muốn dẫn tôi đi trên con đường tốt, và với sự đồng hành thiêng liêng, tôi có thể phân định những tiếng gọi của Chúa với sự nhạy cảm và lý trí của tôi.

  • Đức tin như một người hướng dẫn

Ảnh [3]: Tháp tròn của Tập viện Brandsma, Dòng Cát Minh
tại Middletown, New York.

«Bằng cách đó và trong tối tăm, linh hồn tiến gần đến sự nhiệm hiệp qua đức tin, mà đức tin cũng tăm tối và cũng ban một ánh sáng tuyệt diệu. (…) Do đó, trên con đường này, có khiến các quan năng mình mù tối đi, thì linh hồn mới thấy được ánh sáng; đó là điều Đấng Cứu Thế đã nói trong Tin Mừng: Ta đến trong thế gian này chính là để phán xét, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù (Ga 9, 39), những lời ấy phải được hiểu sát theo mặt chữ, trên con đường tâm linh. Linh hồn nào chịu ở trong tăm tối và chịu hóa mù về hết mọi ánh sáng riêng và tự nhiên của mình, thì sẽ xem thấy được về phương diện siêu nhiên, còn linh hồn nào muốn dựa vào một ánh sáng cá nhân nào đó thì sẽ bị mù tối hơn và sẽ phải khựng lại trên nẻo đường nhiệm hiệp.» (II ĐL 4,7)

            Từ chối vượt qua những ý tưởng và ấn tượng của mình về Thiên Chúa sẽ giữ chúng ta trong sự tù hãm tâm linh. Dám chắc là chính mình thấy được con đường, là chiếm vị trí của Thiên Chúa và đi lạc xa đỉnh núi Cát Minh…:

«Đức tin ở trên mọi sự linh hồn có thể hiểu, nếm, cảm nhận và tưởng tượng. Nếu linh hồn không hóa ra mù đối với tất cả những sự ấy, bằng cách ở lại trong một sự tối tăm hoàn toàn, thì lình hồn sẽ không đạt đến điều tốt hơn, được đức tin dạy dỗ. Người không hoàn toàn đui mù sẽ không để người khác dẫn đi một cách dễ dàng. Vì khi còn nhìn được một chút, người ấy nghĩ rằng nên đi theo con đường mình thấy vì không thấy con đường nào tốt hơn. Vì thế, khi làm theo ý riêng, linh hồn có thể làm sai lạc người hướng dẫn trong khi người này trông thấy rõ hơn. Cũng thế đối với linh hồn trên đường: nếu linh hồn dựa vào kiến thức riêng mình hoặc trên những điều nó đã nếm hoặc biết về Thiên Chúa (mặc dù là rất nhiều, nhưng vẫn là rất ít và rất khác với điều Thiên Chúa là), thì nó sẽ dễ dàng đi lạc hoặc dừng lại vì nó không muốn mù hoàn toàn, trong khi đức tin là người hướng dẫn thật sự.» (II ĐL 4,7)

            Bởi thế, chúng ta khám phá trong hành trình của chúng ta, người hướng dẫn tốt nhất không ở bên ngoài chúng ta. Người đó trong nội tâm: đó là niềm tin vào Đức Giê-su. Niềm tin này là một ân sủng của Thiên Chúa được lãnh nhận trong bí tích Thanh tẩy và là một sức mạnh nội tâm mà chúng ta chạy đến mỗi ngày để tiến triển trên con đường sống. Dĩ nhiên, niềm tin này không phải là đũa thần: nó cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và qua các bí tích; nó cần được thực hành trong đời sống hằng ngày vì nó không chỉ liên quan đến nội tâm mà thôi. Nhưng nó là tài sản thân thiết và quý báu nhất. Chúng ta hãy gìn giữ nó cẩn thận và «hãy tin vào niềm tin của chúng ta» như chân phước Ma-ri-a-Eugène Hài đồng Giê-su đã nói.

Cha Jean-Alexandre de l’Agneau, OCD (Tu viện Avon)

  • Ba hướng thực hành trong tuần
  1. Tôi có thường xuyên tạ ơn Chúa vì ơn đức tin và ơn chịu phép rửa tội không?
  2. Tôi có thể nhớ lại những khoảnh khắc mà sự kiêu ngạo của kiến thức làm tôi xa cách Chúa.
  3. Mỗi khi cầu nguyện tôi có một cử chỉ đức tin trong sự hiện diện và tác động kín đáo của Thiên Chúa, ngoài sự cảm nhận và hiểu biết của tôi không ?
  • Cầu nguyện hằng ngày trong tuần

Thứ hai 23.3: Đức tin trên hết mọi sự  

« Đức Giê-su nói: ‘nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin’.» (Ga 4, 48)

 «Đức tin ở trên hết mọi sự mà linh hồn có thể hiểu, nếm,
cảm và tưởng tượng.» (II ĐL 4, 7)

Bước theo tất cả những người đi tìm Chúa, tôi cầu xin: «Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con!»

Thứ ba 24.3: Khao khát điều tốt thật sự

«Anh có muốn được lành bệnh không?» (Ga 5, 6)

«Trong những sự tốt lành của Thiên Chúa, người ta đạt được trong một giờ nhiều hơn những điều của chúng ta trong suốt cuộc đời.» (PLA 133)

Tôi có xác tín là Thiên Chúa có thể ban cho tôi trong khoảnh khắc nhiều hơn hoa quả của mọi cố gắng trong đời tôi không? Nếu có, tôi học cách cầu xin Chúa điều tôi thật sự cần.

Thứ tư 25.3: Mừng lễ Truyền Tin  

«Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.» (Lc 1, 38)

«Lúc đó Chúa gọi một tổng lãnh thiên thần tên là Gáp-ri-en
Và sai đến một thiếu nữ tên là Ma-ri-a
Và với sự đồng ý của thiếu nữ, mầu nhiệm đã được thực hiện;
Trong người thiếu nữ Thiên Chúa Ba Ngôi đã mặc lấy xác phàm trong Ngôi Lời. Và mặc dù cả ba Ngôi thực hiện công trình, chỉ duy Ngôi Lời đã làm.
Và Ngôi Lời nhập thể trong lòng đức Ma-ri-a.» (Tình ca 8)

Tôi quay về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và cùng với bà tôi nói lời ‘xin vâng’ Chúa.

Thứ năm 26.3: Tra cứu Sách Thánh 

«Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời, chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta.»  (Ga 5, 39)

«Bạn hãy tìm khi đọc và bạn sẽ thấy khi suy gẫm;
hãy kêu xin khi cầu nguyện và cửa sẽ được mở qua chiêm niệm.» (PLA 157)

Tôi dành bao nhiêu thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa?

Thứ sáu 27.3: Đồng hành với Đức Giê-su trên đường thánh giá

«Nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó.» (Kn 2, 18)

«Trong gian truân, bạn hãy mau chạy đến với Thiên Chúa với lòng tin tưởng, và bạn sẽ được củng cố, soi sáng và dạy dỗ.» (PLA 65)

Trong ngày thứ sáu mùa chay này, tôi sống đường Thánh giá với Đức Giê-su; đặc biệt tôi lưu ý đến thái độ của Đức Giê-su trước các quan tòa: Người phó thác cho Chúa Cha.

Thứ bảy 28.3: Nhân phẩm được Chúa ban

«Chẳng hề có ai nói như người ấy.» (Ga 7,46)

«Chỉ một tư tưởng của con người đáng giá hơn cả thế gian;
vì thế chỉ có Thiên Chúa là đáng kính.» (PLA 34)

Tôi tìm cách ý thức hơn về nhân phẩm của tôi cũng như của mọi người.

Tác quyền bởi các Tu sĩ Cát Minh OCD tại Pháp;
Bản dịch bằng tiếng Việt bởi Bs. Thanh thực hiện;
Hình ảnh [1];[2];[3] bởi Ts. Giuse Bùi Anh Tuấn, O.Carm.
.

Check Also

Tĩnh tâm online 2020 – Tuần I Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

DÁM «vận may diễm phúc» Tuần thứ 1 Mùa Chay: Ngăn trở trong chúng ta …