Home / Các Thánh & Á Thánh / NGÔN SỨ ÊLIA: THỨC TỈNH NHÂN LOẠI

NGÔN SỨ ÊLIA: THỨC TỈNH NHÂN LOẠI

Bài viết của Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 19/07/2020

Trong tông thư thiết lập Năm Đời Sống Thánh Hiến[1] (từ 30/11/2014 – 02/02/2016), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các cộng đoàn Dòng tu trên toàn thế giới cùng nhau nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn sâu xa, sống giây phút hiện tại với lòng nhiệt thành tông đồ, và đón nhận tương lai với niềm hy vọng tràn trề. Điểm nổi bật của tông thư nằm ở kỳ vọng mà Đức Thánh Cha đã tín cẩn trao phó cho mỗi người tu sĩ hôm nay, đó là nhiệm vụ “thức tỉnh thế giới”.  Đức Thánh Cha không tự ý đề ra nhiệm vụ này. Ngài chỉ nhắc lại sứ mạng “là muối là men” giữa đời của mỗi Kitô hữu. Tu sĩ cũng là Kitô Hữu nhưng vì căn tính của tu sĩ là “tiếng nói ngôn sứ” cho nhân loại còn ngủ mê nên trong thư này Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý đến chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến. Nhân ngày lễ kính Ngôn Sứ Êlia, một trong những ngôn sứ vĩ đại nhất thời Cựu Ước và là vị Tổ phụ tinh thần của Dòng Cát Minh (Carmel), chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời và sứ mạng của ngài như một cách để tự nhắc nhở bản thân về căn tính và sứ mạng của mỗi người tu sĩ chúng ta trong bối cảnh hôm nay.

Vị Ngôn Sứ Rực Lửa[2]

Tác giả Jean Marie Gonin khắc họa chân dung ngôn sứ Êlia như một ngôn sứ rực lửa. Lửa của vị ngôn sứ trước hết là lửa nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa đến sẵn sàng quên hết cả thân mình và tính mạng. Lời tuyên bố dõng dạc của vị Ngôn Sứ đã trở nên châm ngôn sống của Dòng Cát Minh: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con.” (1V 19, 10). Trên huy hiệu của nhiều Đan Viện Cát Minh còn khắc thêm tiếng kêu thốt ra tự tâm hồn của vị Ngôn Sứ: “Có Thiên Chúa hằng sống là Đấng tôi phục vụ và luôn hầu cận” (x. 1V 17, 1).

Tiếp đến, Êlia là ngôn sức rực lửa vì chính bản thân của ngài đã hóa thành rửa rực sáng tinh thần chiêm niệm cầu nguyện. Kinh thánh ghi lại, giữa lúc đang chìm đắm trong suy niệm, Êlia chợt biến thành ngọn lửa rực cháy: “Bấy giờ ngôn sứ Êlia đứng lên như một ngọn lửa phừng phừng, lời ông rực cháy như một ngọn đuốc” (Hc 48, 1) và những hành động nhiệt thành của ông làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa. “Lửa đã từ trời xuống trên hy lễ của ông, thiêu rụi tất cả trước mặt các ngôn sứ giả hiệu và tà thần Ba-an vô tích sự của họ” (1V 17, 9 -17).

Chiêm niệm và Hoạt Động nơi Chiều Kích Ngôn Sứ

Từ hình ảnh rực lửa của Ngôn sứ Êlia, tác giả Gonin rút, ra hình ảnh khá thú vị; hai nhịp kép của một nét linh đạo độc đáo Dòng Cát Minh: Ngồi xuống – đứng lên. Đó là “bước đi kép” làm nên hành trình dài lâu của một truyền thống Cát Minh giàu có và vĩ đại. “Ngồi xuống để chiêm niệm, để lòng được tràn đầy Thiên Chúa, để bắt lửa trong yêu mến. Đứng lên để tuôn tràn, để mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho thế giới vô tín và lạnh lùng. Ngồi xuống như Đức Mẹ Maria ở Na-da-rét. Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời của Chúa Cha vào lòng, nhưng rồi bất chợt, cả Mẹ nữa, Mẹ cũng đã đứng lên và “hối hả ra đi” viếng thăm người chị họ để chia sẻ hồng ân Thiên Chúa, để thánh hoá cả Gioan, Giacaria và Élisabet trong niềm vui rộn rã. Ngồi xuống như các Tông Đồ ở phòng tiệc ly, cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, rồi bất thình lình ‘Thánh Thần đến, với những lưỡi lửa, cuồng phong, phép rửa bằng lửa. Họ được đầy tràn Chúa Thánh Thần’ (x. Cv 2, 2), họ đã đứng lên và khởi đầu sứ vụ ra đi truyền giáo cho thế giới mãi đến tận cùng địa cầu và tới thời cánh chung.”[3]

Thức Tỉnh Thế Giới

Thật không thể ngờ những lời sau cùng của sách Ngôn Sứ Malakhi cũng là những lời khép lại phần kinh Thánh Cựu Ước lại là những lời Chúa phán về Ngôn sứ Êlia: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Êlia sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Mlk, 3, 23-24). Đưa tâm hồn con cháu về đường nẻo ngay lành của cha ông, đó chính là sứ mạng của Êlia, sứ mạng thức tỉnh con cái Israel.

Tu sĩ Cát Minh cũng như các tu sĩ khác chỉ có thể thức tỉnh thế giới nếu như chúng ta là những người tỉnh thức. Không chỉ tỉnh thức trước mọi cám dỗ ngọt ngào của thế gian và thú vui xác thịt, chúng ta còn phải rực lửa nhiệt thành như những ngọn đuốc chiếu dọi ánh sáng Phúc Âm vào những góc khuất tối tăm của trần thế hôm nay. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ giới tu sĩ như thế khi mời gọi họ trở nên các chứng nhân đích thực của tình hiệp thông huynh đệ, của niềm vui đời dâng hiến, và của Tin Mừng cứu độ (x. Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, 2014).  

Khi ý thức sứ mạng “rực lửa” như Tổ Phụ Êlia, chúng ta các tu sĩ Cát Minh đang làm chứng cho một giá trị siêu việt mà thế giới bất cứ thời nào cũng cần đến, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, tu sĩ nói chung, anh chị em Cát Minh nói riêng cần phải noi gương ngôn sứ Êlia: sống trong sự hiện diện tròn đầy của Thiên Chúa. Sự thức tỉnh của chúng ta được thể hiện nơi nếp sống hằng “chầu trực và sẵn sàng thi hành thánh ý Chúa. Chúng ta tập sống làm sao mà như cách nói của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là không để bất cứ một giây phút nào trôi qua mà ta không nhớ đến Chúa.

Chúng ta hãy lập lại lời Thánh Vịnh 42 như một ước nguyện và cũng là lời xác tín của chúng ta. Chúng ta ước muốn bước theo Thiên Chúa và phục vụ Người với hết tất cả tâm trí, linh hồn và con tim chúng ta:

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42, 2-3)


[1]Tham khảo bản Anh ngữ:  http://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_letters/documents/papa-francesco_lettera-ap_20141121_lettera-consacrati.html

[2] Theo bản dịch của Đan Sĩ Carmel, nguồn https://dongcatminh.org/elia-vi-ngon-su-boc-lua/ , có hiệu đính lại cách chuyển ngữ.

[3] Trích Ngôn Sứ Bốc Lửa, bản dịch của Đan Sĩ Carmel, nguồn https://dongcatminh.org/elia-vi-ngon-su-boc-lua/, ngày 18/07/2020.

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai – Tuần I Mùa Vọng

Anh chị em thân mến, Khi chúng ta hành trình vào mùa Vọng và mong …