Home / Thánh Giuse / Thánh Giuse, Bổn Mạng Dòng Cát Minh

Thánh Giuse, Bổn Mạng Dòng Cát Minh

 

Năm nay, 2020, chúng ta tổ chức lễ kính Thánh Giuse trong khi cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành, buộc chúng ta phải ở trong nhà. Vì thế, chúng tôi thấy cần phải hướng về Đấng công chính và trung tín, con người biết được ý nghĩa của lao nhọc, tha hương và lo lắng cho ngày mai, nhưng không mất niềm tin, luôn tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng đã nhận một sứ mệnh rất đặc biệt: đó là chăm sóc Mẹ Maria và hài nhi Giêsu, gia đình Nazareth, phôi thai của gia đình mới mà Thiên Chúa đã ban cho thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng tại Nhà Nguyện Thánh Marta, đã nhắc nhớ chúng ta về những phẩm chất của Thánh Giuse: người có tầm nhìn rõ ràng và thực tế, có khả năng thực hiện công việc của mình chính xác và chuyên nghiệp, người co thể đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, vượt trên những gì quen thuộc, hay tầm kiểm soát của ngài, và trong sự hiện diện, ngài quỳ gối và tôn thờ.[1]

Thật là tốt đẹp khi chúng ta nghĩ về Thánh Giuse, suy niệm về ngài như một đấng mà truyền thống của chúng ta đã công nhận là quan thầy và là mẫu mực của đời sống Cát Minh. Đó là điều chúng tôi muốn cùng nhau làm, với tư cách là một gia đình Cát Minh, O.Carm. và O.C.D., bởi vì qua việc tôn kính ngài và luôn nhắc đến ngài, chúng tôi tìm thấy những khía cạnh quý giá nhất của di sản và linh đạo chung của chúng tôi. Năm nay động lực cộng thêm là việc mừng kỷ niệm, cụ thể cách đây đúng 150 năm,  ngày 8 tháng 12 năm 1870 Đức Giáo hoàng Pius IX tuyên bố Thánh Giuse, Đấng Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ.

Thánh Giuse trong truyền thống Cát Minh

Việc tôn kính Thánh Giuse là một phần không thể thiếu trong truyền thống, văn hóa và đào tạo Kitô giáo của chúng ta. Chúng ta đã quá quen với việc đặt Thánh Cả Giuse bên cạnh Chúa Giêsu và Đức Maria, đến nỗi chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Giáo hội luôn qui cho Ngài, người mà cuộc đời là một mối liên hệ mật thiết với Mầu Nhiệm Nhập Thể, phẩm giá và vinh dự mà chúng ta thường gán cho ngài, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Trong thiên niên kỷ đầu tiên, tìm những bài suy tư thần học về Thánh Giuse, hoặc về bất kỳ sự tôn kính cụ thể nào dành cho ngài là rất hiếm. Chỉ khi các dòng khất sĩ ra đời, lòng sùng kính đối với Thánh Giuse mới bắt đầu phát triển. Ngoại công việc của nhà thần học người Pháp, Jean Gerson, một đóng góp quyết định được cống hiến bởi các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Cát Minh.

Đối với Dòng Cát Minh, truyền thống về Thánh Giuse có nguồn gốc tự nhiên vì ngài liên quan đến Đức Maria. Tất cả các thành viên trong gia đình của Đức Maria (cha mẹ Đức Maria Joachim và Anne, là những người bảo trợ thứ cấp của Dòng Cát Minh, và những anh chị em của ngài như là Mary of James và Mary of Salome) đều là những người nhận được sự chú ý đặc biệt trong truyền thống Cát Minh. Trong cách hiểu này, thánh Giuse là bạn trăm năm Đức Maria thì càng không thể bỏ qua. Những truyền thuyết đạo đức từ thời trung cổ, để nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết gia đình Nazareth, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, và có thể dựa trên tin mừng nguỵ thư của Thánh Matthêu, đã đề cập đến việc gia đình Thánh Gia đi thăm các con của các ngôn sứ, là con cháu của ngôn sứ Êlia, sống trên núi Cát Minh. Những truyền thuyết khác nói về việc viếng thăm này nhưng trên đường trở về từ Ai Cập[2].

Mối liên hệ này có những thời rất thịnh trong Giáo hội đến nỗi một số tác giả cổ đại, như viện phụ dòng Biển Đức, Giovanni Tritemio, nghĩ rằng có lẽ việc tôn kính Thánh Giuse trong Giáo hội Latinh có thể đã được các ẩn sĩ Dòng Cát Minh đưa về khi họ trở về Châu Âu từ Đất Thánh[3]. Ý tưởng trên, đã không còn được chấp nhận, tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy trong các tác phẩm của Đức Thánh Cha Biển Đức XIV, ngài đã gợi ý rằng việc tôn kính Thánh Giuse trong phụng vụ bắt đầu từ dòng Cát Minh.[4] Điều chắc chắn là lòng sùng kính Thánh Giuse đối với Dòng Cát Minh đã có âm hưởng phụng vụ ngay từ đầu. Về sau này, và cho đến tận ngày nay, chúng ta cũng tìm thấy chiều kích Thánh Thể trong việc sùng kính Thánh Giuse của Dòng Cát Minh, như Đấng cầm trên tay tấm bánh sự sống, thức ăn và của uống thiêng liêng cho chúng ta.

Thật ra, không thể nói chính xác thời điểm nào chúng ta bắt đầu mừng lễ Thánh Giuse trong các nhà thờ dòng Cát Minh. Từ đầu thế kỷ 14, đã có việc tôn kính ngài khá mạnh mẽ tại một số địa phương, nhưng đến thế kỷ 15, đã có Thánh lễ và và Phụng Vụ các Giờ Kinh dành riêng cho Thánh Giuse. Arnold Bostius, Tu sĩ Cát Minh ở Flemish, vào năm 1476, cho biết Dòng Cát Minh đã tổ chức trọng thể lễ kính thánh Giuse.[5]  Phụng vụ phần dành riêng kính thánh Giuse trong truyền thống Cát Minh được các sử gia và các nhà phụng vụ cho là tượng đài đầu tiên của Giáo hội Latinh về phẩm giá của thánh Giuse.  Phụng vụ cổ xưa mừng lễ Thánh Giuse, xem ngài là người đầu tiên trong số những người đương thời ở Nazareth, người được chọn bởi Đấng khôn ngoan làm bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, để Con Thiên Chúa có thể vào trần gian một cách vinh dự, nhưng không phô trương. Các nhà giảng thuyết Cát Minh nhấn mạnh rằng giống như Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng Mẹ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, thì Thánh Giuse, nhờ tác động cùng một Chúa Thánh Thần, ngài đã “thụ thai” Ngôi Lời qua chiêm niệm, và trở thành cha của Chúa Giêsu trên dương gian.[6] Phụng vụ đã cử hành sự kết hợp êm ái giữa Thánh Giuse và Đức Maria Đồng trinh, và giới thiệu ngài là người bảo vệ sự trinh trắng của Mẹ và sự sống của Con Thiên Chúa nhập thể. Với sự nhạy cảm đặc trưng của đặc sủng chiêm niệm Cát Minh, phụng vụ xưa đã cử hành sự thanh khiết của Đức Trinh Nữ và Thánh Cả Giuse, bằng cách nêu bật sự cởi mở của họ với Thiên Chúa, giúp họ có thể đón nhận mầu nhiệm Nhập thể. Được hình thành bởi linh đạo phụng vụ này, Thánh Mary Magdalen de’Pazzi cho thấy việc bảo vệ gia đình Thánh Gia của thánh Giuse là hệ quả của sự thanh sạch của ngài: “Trên thiên đàng, sự thanh sạch của Thánh Giuse kết hợp với sự tinh tuyền của Mẹ Maria, và trong sự trao đổi huy hoàng đó, sự thanh sạch của Thánh Giuse chiếu sáng làm cho sự tinh tuyền của Đức Maria thêm vinh quang và huy hoàng hơn. Thánh Giuse ở giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria như một ngôi sao chói lọi, và ngài sẽ đặc biệt chăm sóc tu viện của chúng ta bởi vì chúng ta ở dưới bóng che chở của Đức Trinh Nữ Maria.”[7]

Thánh Giuse được trình bày trong phụng vụ cổ xưa trong dòng Cát Minh với tư cách là người bạn trăm năm của Đức Maria đồng trinh. Thánh nhân kết hợp với Đức Maria qua một cuộc hôn nhân thực sự, trong đó quyền lực của ngài với tư cách là người phối ngẫu, người bảo vệ và người cha được thể hiện trong việc phục vụ liên lĩ gia đình thánh. Hơn nữa, Thánh Cả Giuse được trình bày là người vâng phục Thiên Chúa. Ngài là người công chính, là người chủ nhà xứng đáng của Thiên Chúa, người được giao một trách nhiệm lớn lao, đó là đặt tên cho đứa trẻ sẽ sinh ra. Thánh Giuse đã đặt tên cho Chúa, tên mà thiên thần đã loan báo, tên là Giêsu. Bằng cách làm này, thánh Giuse trở thành người đầu tiên loan báo rằng nơi đứa trẻ Nazaréth này, chúng ta được cứu độ bởi Thiên Chúa. Trong cùng một phụng vụ cổ xưa, chúng ta có thể khám phá ra vô số linh đạo Cát Minh dưới hình ảnh của Thánh Giuse: 1) Puritas Cordis (Trái tim tinh tuyền) giúp chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, 2) kết hợp với Đức Maria, và 3) hoa trái của cuộc đời huyền nhiệm, hiểu theo nghĩa thụ thai và sinh ra Ngôi Lời nhập thể trong tâm hồn thuần khiết. Vì lý do đó, Thánh Giuse được tôn vinh như mẫu gương và là phản chiếu của đời sống mầu nhiệm Cát Minh trong Thiên Chúa.

Thánh Giuse đối với Thánh Teresa Avila

Là người thừa kế một truyền thống phong phú việc tôn kính và sùng mộ Thánh Giuse trong Dòng Cát Minh, Thánh Teresa Chúa Giêsu đã trao hiến nhiều hơn cho truyền thống này cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vì lợi ích lớn lao của Dòng Cát Minh và của Giáo hội hoàn vũ. Quả thế, không thể phủ nhận rằng, hơn bất cứ điều gì khác, Thánh Teresa Chúa Giêsu đã coi việc tôn kính Thánh Giuse là một trong những yếu tố làm nên đặc tính cho linh đạo Cát Minh. Cuộc gặp gỡ của ngài với Thánh Giuse xảy ra một trong những thời kỳ đen tối nhất của đời ngài. Teresa khoảng hai mươi lăm tuổi. Ngài đã đau đớn và bệnh tật triền miên, các bác sĩ không những không chữa khỏi mà còn khiến cho bệnh tình của ngài trở nên trầm trọng hơn. Ngài bị tê liệt và hao mòn cả về thể xác lẫn tình thần. Ngài cảm thấy đơn độc, không một ai giúp đỡ, khi ấy ngài cảm thấy như có điều gì đó bên trong mình thúc đẩy, ngài hướng về Thánh Giuse như là “chúa và cha” của mình (Cuộc đời 6, 6; 33, 12). Trong suốt phần đời còn lại của Teresa, thánh Giuse đã ở bên ngài và như là đấng bản mệnh và bảo vệ, đưa ngài thoát khỏi mọi khó khăn. Từ chỗ chỉ là lòng sùng kính cá nhân, lòng sùng kính của ngài đối với Thánh Giuse đã trở thành một đặc điểm của cải tổ Cát Minh Teresa, tập trung vào mối thân tình với Chúa Giêsu Kitô. Giống như thánh Giuse trông nom mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chống lại những nguy hiểm bên ngoài và bảo vệ ngôi nhà nơi họ sinh sống, thì tương tự như vậy, Thánh nhân cũng coi sóc gia đình Cát Minh như gia đình Nazareth, nơi nhân tính của Đức Giêsu tìm được ngôi nhà của mình, và những tu sĩ Cát Minh sẽ chỉ sống cho mục đích đó. Vì lý do này, Thánh Giuse không chỉ là Đấng bảo trợ, mà còn là bậc thầy của tất cả những ai thực hành cầu nguyện, (Cuộc đời 6, 8) bởi vì không ai có thể hiểu rõ hơn ngài ý nghĩa của việc sống thân tình với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, bởi vì ngài đã sống với họ nhiều năm và cách mà ngài có thể làm cho cuộc sống của họ tại gia đình Nazareth. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi mà 10 trong số 15 tu viện Dòng Cát Minh do chính thánh Teresa thành lập mang thánh hiệu Giuse.

Thánh Giuse đã hiện diện rất nhiều trong hoạt động cải tổ của thánh Teresa Avilla (trong mỗi chuyến kinh lý, ngài luôn mang ảnh tượng Thánh Giuse bên mình) thánh Giuse bắt đầu được biết đến như là người “thành lập” Dòng Cát Minh Teresa.[8] Chúng ta nên hiểu những điều này, thánh Giuse thực sự đã giúp Thánh Teresa trong công cuộc thành lập những đan viện Cát Minh cải tổ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, bên cạnh hình ảnh truyền thống về tiên tri Êlia thì bây giờ có thêm một chỗ đứng cho Thánh Giuse, điều này đã dấy lên một vài câu hỏi ai sẽ được xem như là đấng bảo trợ và sáng lập chính sau Đức Trinh Nữ Maria.[9] Điều này rất quan trọng trong lá thư gửi Cha Gracian, Thánh Teresa cố gắng để quyết định chọn tên để đặt cho cộng đoàn sửa soạn thành lập tại Salamaca, Ngài viết: Sẽ đúng hơn nếu đặt tên cho cộng đoàn này là Giuse (thư, 22 tháng 5, năm 1578) nhưng cộng đoàn sẽ được đặt là Ngôn Sứ Êlia. Một năm sau đó, năm 1579, Thánh Gioan Thánh Giá đã đặt tên Thánh Giuse cho cộng đoàn ở Beaza, đây cũng là cộng đoàn nam đầu tiên dâng kính cho Thánh Giuse.

Tuy nhiên, cái tên đó chỉ được gọi trong 2 năm. Từ tháng 3 năm 1581 trở về sau cộng đoàn được đổi tên thành cộng đoàn thánh Basiliô, Ngài là một trong những giáo phụ nổi tiếng của Giáo hội. Điều này rõ ràng cho chúng ta thấy rằng vẫn có sự không chắc chắn vai trò của “Người thợ mộc thành Nazaret” trong cải tổ Cát Minh Teresa.

Những điều này trở nên rõ ràng hơn sau một phần tư thế kỷ, trong cuốn chỉ dẫn cho các tập sinh, Cha Giovanni di Gesu Maria đã giải thích, việc tôn sùng Thánh Giuse chỉ đứng sau Đức Trinh Nữ Maria và theo sau đó là lòng sùng kính ngôn sứ Elia, và Elisê, những đấng “sáng lập Dòng của chúng ta”. (intruzione dei novizi, III, cap. 4, 29-30)

Thánh Giuse, Đấng Bổn Mạng Dòng

Một trong những lối suy nghĩ đặc trưng của thánh Teresa là mỗi vị thánh được Thiên Chúa định sẵn để giúp đỡ những nhu cầu nhất định, nhưng đối với Thánh Giuse lại có một nhiệm vụ phổ quát, giúp đỡ mọi loại nhu cầu, cả vật chất lẫn tinh thần. (Cuộc đời 6, 6). Chính niềm xác tín này mà Lễ bổn mạng Thánh Giuse được thành lập, theo cách rất đặc biệt Cát Minh. Năm 1628, Tổng tu nghị trung cấp của dòng Cát Minh cải tổ Tây Ban Nha, tuyên bố Thánh Giuse là đấng bổn mạng chính của Dòng Cát Minh cải tổ.

Sáng kiến ​​cử hành lễ bổn mạng Thánh Giuse có thể do Cha Gioan de la Concepcion (1625-1700), Giám tỉnh đầu tiên của Tỉnh dòng Catalonia và sau đó là Bề trên Tổng quyền của Dòng Cát Minh cải tổ Tây Ban Nha. Ngài đã nhận được sự chấp thuận tử tổng tu nghị năm 1679 về lễ bổn mạng Thánh Giuse, các bản văn phụng vụ được soạn bởi một tu sĩ Cát Minh cải tổ thuộc tỉnh Dòng Catalan, Juan de San Jose (1642-1718). Thánh Bộ Nghi Lễ, sau khi xem xét cẩn trọng các văn bản bằng Thẻ. Casanate đã chấp thuận chúng vào ngày 6 tháng 4 năm 1680. Lễ bổn mạng Thánh Giuse được ấn định vào Chủ nhật thứ ba sau Lễ Phục sinh, ngày mà thông thường cả Tổng tu nghị và các tu nghị tỉnh dòng được triệu tập. Không lâu sau đó, Lễ này cũng được cử hành trong Dòng Cát Minh gốc (O.Carm.). Lễ đã được tôn vinh dưới tiêu đề, De Patrocinio S. Joseph Confessoris, Protectoris, et Patroni nostrae Religionis. Đã từ lâu, các thuật ngữ, người bảo vệ và / hoặc người bảo trợ, đã được sử dụng không phân biệt để chỉ về thánh Giuse. Rất nhanh sau đó, Lễ này cũng lan rộng đến các dòng tu khác, cho đến thời điểm Giáo hội tuyên bố, ngài là đấng bổn mạng Giáo Hội hoàn vũ.

Bối cảnh của việc công bố và cử hành phụng vụ mừng Thánh Cả Giuse là quan thầy của dòng Cát Minh nói chung luôn luôn là một bối cảnh đầy thử thách và khó khăn, do cả những vấn đề nội bộ của Dòng và sự xáo trộn của hoàn cảnh lịch sử, chính trị và tôn giáo theo dòng thời gian. Dòng Cát Minh, trong thời gian đó, đã gặp khó khăn lớn trong nỗ lực bảo tồn bản sắc riêng và các giá trị của mình. Cần lưu ý rằng, một phần các phong trào canh tân hoạt động, bên trong Dòng Cát Minh đã có sự gia tăng các bài viết về việc sùng kính Thánh Giuse, tiêu biểu cho các hình thức diễn tả cụ thể là lòng đạo đức làm sôi sục cõi lòng và thúc đẩy đời sống tâm linh. Có một số tác giả và nhà giảng thuyết Dòng Cát Minh đã làm việc không mệt mỏi trong việc truyền bá lòng sùng kính Thánh Giuse và trong việc quảng bá quyền bảo trợ của ngài. Đáng được nhắc đến là tu sĩ Raffaele il Bavaro, người đã viết cuốn Istoria di San Giuseppe vào năm 1723, ngài khuyến khích người đọc rằng ai yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì cũng yêu mến Thánh Giuse, người được cả hai Đấng yêu mến.[10][11] Tu sĩ Joseph Maria Sardi, có thể được xem là người truyền bá vĩ đại về sự bảo trợ của Thánh Giuse, không chỉ cho Dòng, mà còn cho các bậc cha mẹ Kitô giáo và những người khác, đã tìm thấy nơi Thánh nhân một mẫu gương thánh thiện.[12] Không phải vô cớ mà thánh Giuse được biết đến giữa anh chị em Cát Minh như một người thầy giỏi nhất và được xem là người bảo vệ và bảo trợ đặc biệt cho những người khó nhọc hoặc lạc lối trong việc cố gắng theo Chúa Giê-su Ki-tô.

 

Vào ngày 10 tháng 9 năm 1847, với sắc lệnh của Thánh Bộ Nghi Lễ, Inclytus Patriarch Joseph, Đức giáo hoàng Piô IX, trong một thời điểm cực kì khó khăn, đã mở rộng trong toàn thể Giáo Hội lễ kính thánh Giuse – đấng bảo trợ, được cử hành vào Chúa Nhật thứ ba sau Phục sinh. Đối với Phụng vụ Thánh Lễ và Phụng Vụ các Giờ Kinh, Giáo hội đã sử dụng các bản văn của Dòng Cát Minh với một vài thay đổi. Đó là hành động đầu tiên mà Đức Piô IX tôn kính Thánh Giuse, sau chưa đầy một năm ngài tại vị. Điều này xuất phát từ lòng sùng kính tuyệt vời của ngài đối với người cha của Chúa Giêsu. Trong thời gian triệu tập Công đồng Vatican I, Đức Giáo Hoàng đã nhận được một số thỉnh nguyện nhằm tăng thêm hơn nữa sự tôn kính đối với thánh Giuse, đặc biệt là bằng việc làm cho ngài trở thành đấng bảo trợ của Giáo Hội hoàn vũ. Công đồng, bất ngờ bị gián đoạn vào tháng 9 năm 1870, đã không đủ thời gian xem xét để thỉnh nguyện được chấp nhận. Vì thế, vào ngày 8 tháng 12 cùng năm, Đức Piô IX quyết định công bố long trọng thông qua một sắc lệnh của Thánh bộ Phụng vụ Quemadmondum Deus.

Năm 1913, lễ bổn mạng kính thánh Giuse, được chuyển vào thứ Tư của tuần thứ ba sau lễ Phục sinh; và sau đó, vào năm 1956, lễ được thay thế bởi lễ nhớ Thánh Giu-se Thợ, được cử hành vào ngày 1 tháng 5. Tuy nhiên, dòng Cát Minh cải tổ, lịch phụng vụ của họ được chuẩn nhận vào năm 1957, vẫn được cử hành lễ kính Thánh Bổn Mạng Giuse, “Đấng bảo vệ và bảo trợ Dòng.”

Thánh Giu-se, Bổn mạng của Dòng Cát Minh trên toàn thế giới

Việc cải tổ về Phụng vụ theo sau Công Đồng Vatican II, cùng với những điều khác, đã đem lại việc đơn giản hóa đáng kể về lịch Phụng vụ. Trong lịch Phụng vụ được phê chuẩn vào ngày 14 tháng 2 năm 1969, tước hiệu “Đấng bảo vệ Giáo Hội hoàn vũ” đã biến mất khỏi Lễ Trọng kính thánh Giuse, được cử hành vào ngày 19 tháng 3 hằng năm. Dĩ nhiên, tước hiệu này không bị hủy bỏ, nhưng tốt hơn là chỉ giữ lại tước hiệu trong Kinh Thánh “Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria;” đồng thời cho phép Hội đồng Giám mục địa phương và các dòng tu quyền tự do thêm vào các tước hiệu khác. Theo chỉ dẫn của Bộ Phụng Tự về các lịch phụng vụ riêng (29/06/1969), lễ trọng kính thánh Giuse, đấng bảo trợ đã bị đưa ra khỏi lịch phụng vụ Dòng Cát Minh cải tổ. Cha Tổng quyền Dòng (OCD) sau đó đã quyết định chuyển tước hiệu “Đấng bảo vệ Dòng” vào lễ trọng ngày 19 tháng 3. Tương tự như vậy, lễ nhớ kính thánh Giuse thợ cũng được cử hành trong toàn Dòng.[13] Những quyết định này, có vẻ nhanh chóng bị lãng quên. Trong khi tước hiệu “đấng bảo vệ Dòng” vẫn được giữ trong Phụng vụ Cát Minh  (O.Carm.), thì nó lại nhanh chóng biến mất khỏi Phụng vụ của Dòng Cát Minh cải tổ, bởi vì trong lịch phụng vụ riêng của Dòng, cả lễ trọng lẫn lễ nhớ thánh Giuse đều không có. Tuy nhiên, Hiến pháp hậu Công Đồng của cả hai Dòng đều đề cập thánh Giuse là Đấng bảo vệ (O.Carm, #91, OCD, #52). Nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra yếu tố quan trọng của sự hiệp nhất trong gia đinh Cát Minh, điều mà có lẽ chúng ta chưa cân nhắc và đánh giá một cách thỏa đáng.

Thế giới hôm nay

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà Giáo hội không quá bận tâm đến việc bảo vệ mình khỏi kẻ thù bên ngoài nhưng tìm cách nhận ra sứ mệnh của mình – là làm chứng đích thực cho chân lý Tin Mừng. Vì thế, trong một thế giới đang cần “cái cụ thể và cảm thức về mầu nhiệm”[14], giữa một thế giới mà chúng ta có khuynh hướng tránh những ràng buộc về các mối tương quan và cam kết bền vững nhưng lại ưu ái cho một chủ nghĩa ái kỷ cằn cỗi, thánh Giuse chỉ cho chúng ta cách từ bỏ chính mình, mang lấy trách nhiệm hằng ngày, âm thầm tận hiến chăm lo cho gia đình thêm vững mạnh.

Bất kỳ một người cha nào trong gia đình cũng đều mong muốn chữa lành các vết thương của gia đình mình. Đấng thánh bảo trợ của chúng ta giúp thấy được nhu cầu chữa lành các vết thương của nhân loại, và vết thương của Giáo hội. Sẽ không có Giáo hội và chẳng có Cát Minh nếu không có con người, những người đã quên mình hăng say làm việc ngày đêm để tạo cho người khác một nền tảng chắc chắn để có thể dựa vào. Những người làm việc xa với ánh hào quang,  mang vào chính con tim họ những khắc khoải, lo âu, thường xuyên không thấy được hoa trái, hay thậm chí mục tiêu, chỉ biết tin tưởng vào đấng mà từ đó thiên chức làm cha của họ bắt nguồn và được đặt tên (Ep 3,15). Đây là những người luôn tìm thấy nơi Thánh Giuse, đấng bảo trợ và mẫu gương cho họ, “cha và chúa của họ.”

Ngôi Lời đến với thánh Giuse trong giấc mơ, mà chúng ta có thể hiểu là trong kinh nguyện và trong nội tâm của ngài. Chúng ta có thể nói rằng mỗi nơi của Dòng Cát Minh là mỗi giấc mơ: cầu nguyện giống như một giấc mơ, ẩn chứa trong nó một thông điệp bí mật. Cộng đoàn Cát Minh là một nhóm người ước mơ biến quê hương mình thành một Giêrusalem mới, những người chia sẻ giấc mơ của vị ngôn sứ về một thế giới tốt đẹp hơn, những người tự cho phép mình bị thu phục mỗi ngày bởi giấc mơ cứu độ. Khi lắng nghe Lời Cứu Độ mỗi ngày, chúng ta trở nên đồng hình với Đức Kitô trong sự vâng phục và ước muốn phục vụ, Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, Đấng tìm thấy mẫu gương nơi các trẻ nhỏ, phải như thế nào nếu chúng ta muốn vào Nước Thiên Chúa. Các tu sĩ Cát Minh, như Thánh Giuse, phải biết ước mơ và luôn thắp lên ngọn lửa hy vọng chiếu sáng thế giới mới, được hứa cho những ai chú tâm đến Lời Chúa, vì Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự trở nên mới mẻ.

Thánh Giuse bảo vệ Dòng Cát Minh, không chỉ vì ngài bảo vệ khỏi sự tấn công của kẻ thù và khỏi mọi nghịch cảnh, mà còn vì ngài giúp Dòng giữ vững được sự đơn sơ và sâu sắc trong căn tính của Dòng.[15] Với con người của mình, ngài chỉ ra con đường mà chúng ta phải theo và mục tiêu mà chúng ta phải phấn đấu. Theo nghĩa này, chắc chắn rằng việc chúng ta tôn kính Thánh Giuse không chỉ là một lòng sùng kính hay thực hành ngoan đạo, mà đúng hơn là một kế hoạch sống, là một phần không thể thiếu trong di sản linh đạo Cát Minh. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse là biểu tượng phúc âm mà chúng ta những người tu sĩ Cát Minh có thể thấy và hiểu ý nghĩa của việc sống “trung thành theo Chúa Giêsu Kitô”. Thật là chính đáng để chúng ta tiếp tục hướng về Ngài như một người cha và người bảo trợ, nhưng cũng như một người bạn trung tín và người hướng dẫn tin cậy trên bước đường theo chân Đức Giêsu. Khi thế giới tiếp tục đối phó với Covid-19, chúng ta hiệp nhất cầu nguyện cho các bác sĩ và y tá, cho các nhà nghiên cứu y tế, và cho tất cả những ai là nạn nhân của đại dịch này và cho các gia đình đang tang tóc vì mất người thân. Nguyện xin Thánh Giuse, đấng bảo trợ chúng ta, bảo vệ mỗi người chúng ta, và với tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa, hãy lan tỏa sự bảo vệ của ngài trên khắp thế giới.

 

Huynh đệ trong Cát Minh

Miceal O’Neill O.Carm.

Tổng quyền

Saverio Cannistra O.C.D.

Tổng quyền

 

* Bản dịch của Tu Viện Thêresa – Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm. hiệu đính.

 

 

[1] Bài Giảng tại Nhà Nguyện Thánh Marta 19 tháng 3, 2020.

[2] Những truyền thuyết đạo đức này đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật quan trọng, ví dụ: những bức tranh từ cuối thế kỷ 15 được treo ngày nay trong Bảo tàng Nhà thờ ở Frankfurt am Main.

[3] LEONE DI SAN GIOACCHINO, II culto di San Giuseppe e I’Ordine del Carmelo, Barcellona, 1905, 48. For the history of the development, cfr. E. BOAGA, O.Carm., ‘Giuseppe, santo e sposo della B.V.M.’, in Dizionario Carmelitano, ed. E. BOAGA e L. BORRIELLO, Citta Nuova, Roma 2008, 443-446.

[4] De Serv. Dei beatif., I/iv, 11; I/xx, 17.

[5] Cfr. B. M. XIBERTA, O.CARM., Flores josefinas en la liturgia carmelitana antigua, “Estudios Josefinos” 18, 1963-1964, pp. 301-319.

[6] CHRISTOVAL DE AVENDANO, Tomo primero sobre los evangelios de la quaresma, predicados en la corte de Madrid…, Sebastian y Iayme Matevad, Barcelona 1630, 158-159.

[7] SANTA MARIA MADDALENA DE PAZZI, ‘Vigesimo secondo colloquio’, in I Colloqui: Tutte le opere…dai manoscritti originali a cura di Claudio Catena, Fulvio Nardoni, Firenze 1961, 237-238.

[8] Gracian, trong một đoạn văn nổi tiếng từ tác phẩm Josefina (1597) của cha, đã tuyên bố rằng (ai khấn luật Dòng Cát Minh cải tổ) phải nhận Thánh Giuse vinh hiển là đấng sáng lập của nhánh cải tổ vì Thánh Têresa đấng sáng lập, đã lập dòng qua lòng sùng kính của ngài với thánh Giuse, giống như Dòng Cát Minh nhận Đức Trinh Nữ Maria, là đấng sáng lập, trong việc sùng kính ngôn sứ Êlia, người đã khởi xướng đời sống tu tri của các tiên tri trên Núi Cát Minh. ” (l. V, chương 4; biên tập Silverio, 476).

[9] Cfr. FORTUNATO DE JESUS SACRAMENTADO, OCD, San Jose en el Carmen Descalzo espanol en su primer siglo, “Estudios Josefinos” 18, 1963-1964, 367.

[10] See, for example: Missale Fratrum Ordinis Beatissimae Virginis Mariae de Monte Carmelo, Roma 1759, 350

[11] RAFFAELE MARIA BAVARO, Istoria di San Giuseppe, Antonio Abri, Napoli, 1723, 612; Vita di San Giuseppe o sia Ristretto della sua Istoria ed Esercizi di Devozioneper fruttuosamente venerare il medesimo Santo…, Antonio Abri, Napoli 1724.

[12] GIUSEPPE MARIA SARDI (Veneto), ‘Discorso sopra il Padrocinio di San Giuseppe Sposo di Maria’, in Sermoni, Lorenzo Rivan Monti, Venezia 1742, 213-221.

[13] Cfr. ‘Normae de calendario liturgico OCD pro anno 1970’ (approved in the 128th session of the General Definitory, July 18, 1969), in Ordo Divini Officii recitandi missaeque celebrandae iuxta calendarium romanum ac proprium Carmelitarum Discalceatorum […]pro anno Domini 1970, [Casa generalizia OCD] 1969, 29-32.

[14] Đức thánh cha Phanxicô, Bài giảng lễ, nhà nguyện thánh Mátta, 19,3, 2020.

[15] Lời cầu nguyện với Thánh Giuse của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ở cuối thông điệp, Quamquam pluries.

Check Also

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo …