Home / Các Thánh & Á Thánh / Tĩnh tâm online 2020 – Tuần II Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Tĩnh tâm online 2020 – Tuần II Mùa Chay với Thánh Gioan Thánh Giá

Dám “vận mạng diễm phúc
Tuần thứ 2 : Một mình Đức Giê-su

 

Tin Mừng: Sự hiển dung (Mt 17, 1-9)

« Trong lúc ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông E-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông E-li-a.”

Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng :   « Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su.

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng : “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

  1. Suy niệm trong tuần : nhìn Người và vâng nghe Người

Sau cuộc dừng chân của chúng ta nơi hoang địa, trong chúa nhật thứ 2 mùa chay này chúng ta đến một đỉnh núi đầu tiên, đó là đỉnh Ta-bo, «một ngọn núi cao». Không phải là «ngọn núi rất cao» mà quỷ đã đưa Đức Giê-su lên để chiêm ngắm «vinh quang» của các vương quốc trần gian. Vì tại đây, núi Ta-bo không phải là nơi để nhìn vinh quang trần thế phía dưới. Đó là nơi mà một vinh quang khác được tỏ hiện, vinh quang Thiên Chúa. Và vinh quang đó được biểu lộ trong chính con người của Đức Giê-su. Người được hiển dung ; thân thể Người được một ánh sáng không do ai sáng tạo xuyên qua ; toàn thân của Người chiếu tỏa một ánh sáng đến từ nơi khác. Tuy nhiên ánh sáng đó không đến từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong chính Đức Giê-su. Cũng như trong chốc lát, ánh sáng thần linh ẩn giấu dưới bản tính nhân loại của Đức Giê-su xé tan màn bao phủ cơ thể để làm toát ra bí mật của Đức Ki-tô. Đây là một sự thần hiện mới, một sự biểu lộ thần linh. Nó giống như núi Xi-nai vì 2 ông E-li-a và Mô-sê hiện diện và đám mây chiếu sáng gợi nhớ sự hiện diện của Thiên Chúa đồng hành với dân Ít-ra-en trong hoang địa. Nhưng nó cũng rất khác biệt vì nó xảy ra trong thinh lặng và với ít dấu chỉ vĩ đại. Chỉ có một lời nói huyền bí xuyên qua đám mây: «“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”» Lời vang dội được nghe lúc Đức Giê-su chịu phép rửa: «Đây là Con yêu dấu của Ta, ngày hôm nay Ta đã sinh ra Con.» (Mt 3, 22) Thế nhưng, lần này, tiếng Chúa không nói với Đức Ki-tô nhưng mà là với các môn đệ. Đó là lời chứng về dòng dõi thần linh của Đức Giê-su và một lời mời gọi vâng nghe Người. Những lời nói quý báu của Chúa Cha trong Tin mừng thánh Mát-thêu.

  • Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự trong Con của Người

Thánh Gio-an Thánh Giá được đánh động mạnh bởi đoạn Tin Mừng cho ta thấy Đức Giê-su là Lời duy nhất để được vâng nghe. Chỉ trong Đức Giê-su, chúng ta tìm thấy Chúa Cha. Vì thế ngài đã viết những trang nỏi tiếng trong đó ngài dám để Chúa Cha nói, một điều đáng chú ý đối với một tác giả luôn nhấn mạnh Thiên Chúa là Đấng không thể nắm bắt được và rất khác biệt với chúng ta. Trong bản văn này, thánh Gio-an mời gọi chúng ta dừng lại những sự tò mò tôn giáo và không tìm một đối tượng để chiêm ngắm nào ngoài Đức Ki-tô. Chúng ta hãy đọc đi đọc lại đoạn suy niệm thần học và thiêng liêng mạnh mẽ này :  

«Như Người đã làm, khi ban cho chúng ta Con của Người, Người Con là Ngôi Lời Duy nhất của Người, vì Người không có người con nào khác, Người đã nói với chúng ta một lần duy nhất bằng chính Lời đó và Người không cần nói gì hơn nữa. (…) ‘Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử’ (Dt 1, 1-2). Vị tông đồ muốn làm cho chúng ta nghe rằng Thiên Chúa như muốn câm nín và không còn gì để nói vì những điều Người đã nói một phần cho các ngôn sứ thuở xưa, thì từ rày về sau Người đã nói tất cả khi ban cho chúng ta Tất cả là chính Con của Người .

Bây giờ ai muốn chất vấn Thiên Chúa hoặc xin một thị kiến hay mặc khải thì chẳng những làm một điều khờ dại, mà còn xúc phạm đến Chúa vì kẻ ấy không biết hoàn toàn dán mắt vào Đức Ki-tô mà còn muốn đi tìm một điều gì đó hay một chuyện mới lạ nào khác. Và Thiên Chúa có thể trả lời người đó như sau :

Nếu nơi Lời của Ta, tức nơi Con của Ta, Ta đã nói với ngươi hết mọi điều phải nói thì giờ đây Ta đâu còn lời nào khác để có thể trả lời hay mạc khải ngoài Lời ấy? Hãy cdán mắt vào Ngài bởi vì ta đã nói và mạc khải cho ngươi hết mọi sự nơi Ngài, và ngươi sẽ khám phá nơi Ngài nhiều hơn những gì ngươi nài xin và ước muốn. Bởi lẽ việc người xin một lời hay một mạc khải chỉ là cái vụn vặt đang khi nếu chăm chú dán mắt nhìn Ngài, ngươi sẽ tìm thấy được cái toàn thể nơi Ngài, vì Ngài là tất cả lời nói và câu trả lời của Ta, là tất cả thị kiến và mạc khải của Ta. Đó là tất cả những gì Ta đã nói, đã trả lời, đã tỏ bày và mạc khải cho ngươi, khi ban Ngài cho ngươi để Ngài làm Anh, làm Bạn đồng hành, làm Tôn sư, làm Tiền chuộc và làm Phần thưởng cho ngươi.

Từ ngày cùng với Thánh Thần của Ta, Ta đã ngự xuống trên Ngài tại núi Ta-bo và phán : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài, thì Ta đã ngưng tất cả mọi cách giáo huấn và trả lời ngày trước và đã giao hết mọi sự cho Ngài. Các ngươi hãy lắng nghe Ngài, vì Ta chẳng còn đức tin để mạc khải, chẳng còn những việc diệu kỳ để tỏ bày nữa. Vậy nếu trước đây Ta có phán dạy thì chính là để hứa Đức Ki-tô và nếu người ta có thỉnh ý Ta, thì cũng chỉ là để hứa Đức Ki-tô và nếu người ta có thỉnh ý Ta, thì cũng chỉ nhắm đến việc cầu xin và mong chờ Đức Ki-tô, để từ nơi Ngài họ sẽ nhận lãnh mọi ơn lành, như toàn thể giáo lý của các thánh sử và các tông đồ hiện đang giảng dạy.

Nhưng hiện nay, kẻ nào còn thỉnh ý Ta theo cách trước đây và muốn Ta trả lời hay mạc khải cho một chuyện gì thì, xét một cách nào đó, kẻ ấy đang xin Ta Đức Ki-tô lần nữa cũng như xin thêm đức tin vì cho rằng niềm tin được ban trong Đức Ki-tô đã suy giảm rồi, và như thế , kẻ ấy gây xúc phạm nặng nề cho Người Con Chí Ái của Ta, không chỉ vì đã thiếu đức tin về điểm này mà còn ép buộc Ngài tái nhập thể và trải qua lần nữa cuộc sống và cái chết trước đây của Ngài. Ngươi chẳng còn gì để xin Ta, cũng chẳng nên ao ước các mạc khải hay thị kiến từ nơi Ta. Hãy chăm chú nhìn Ngài, ngươi sẽ tìm thấy tất cả chuyện đó đã được thực hiện và ban tặng, và còn nhiều hơn thế nữa là khác.

Nếu ngươi muốn Ta đáp trả ngươi một lời an ủi thì hãy chiêm ngắm Con Ta, Ngài đã vâng phục Ta và chịu lụy phục kẻ khác vì lòng yêu mến Ta và Ngài đã phải chịu đau khổ, và rồi ngươi sẽ thấy được câu trả lời của Ngài cho ngươi. Nếu ngươi muốn Ta giải thích với ngươi những điều kín ẩn hay các sự kiện biến chuyển thì ngươi chỉ cần hướng mắt về Ngài và ngươi sẽ nhìn thấy những huyền nhiệm thầm kín nhất lẫn sự khôn ngoan, và các kỳ công của Thiên Chúa vây bọc quanh Ngài, như lời vị Tông đồ của Ta đã nói: Trong Ngài có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (Col 2, 5). Những kho tàng khôn ngoan và thông biết này đối với ngươi sẽ cao siêu, dịu ngọt hơn và hữu ích hơn nhiều so với những điều ngươi muốn biết.»

(II ĐL 22,3-6)

            Sứ điệp mạnh mẽ và đơn giản: trong Thánh Tử, Đức Giê-su, Thiên Chúa đã nói tất cả và thương ban tất cả. Người không thể làm gì hơn là tự hiến hoàn toàn qua người con mà Người đã sinh ra. Nếu chúng ta tìm cách hiểu Thiên Chúa, con đường duy nhất là học nhìn ngắm Đức Giê-su và vâng nghe Người. Tất cả mọi sự là nhìn ngắm và vâng nghe Người. Nhìn chỗ khác và vâng nghe chỗ khác để tìm kiếm Thiên Chúa là mất thời gian; và cũng là sự xúc phạm Đấng đã ban cho chúng ta tất cả. Đức Giê-su là người Anh và là Bạn đồng hành với chúng ta. Nếu Người không làm ta hài lòng khi chúng ta khám phá đời sống của Người trong Tin Mừng, điều đó có nghĩa là chúng ta quan tâm hơn về những trải nghiệm thiêng liêng của mình hơn là khám phá Thiên Chúa, tập trung trên chính mình hơn là trên chính Thiên Chúa.  

  • Nên giống Đức Giê-su

Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Tử của Người như một người Anh, Bạn đồng hành và Tôn sư, là để chúng ta sánh bước với Người. Điều vô ích là nhìn trời để tiến bước : Đức Giê-su đang ở đây và tiến bước về Giê-ru-sa-lem. Người đã xuống núi Ta-bo và ta phải đi theo Người. Có thể như ông Phê-rô, chúng ta thích ở yên trên núi, câu chuyện dừng chân. Không, chúng ta phải lên đường và đi theo Tôn sư trên các nẻo đường Ga-li-lê. Sự thánh thiện không hệ tại ở sự chiêm niệm hay hoạt động ; thánh thiện là trung thành chu toàn thánh ý Chúa và vâng nghe Lời Người. Vì thế chính là bằng cách nhìn ngắm Đức Giê-su và vâng nghe Người ngày qua ngày mà chúng ta nên thánh. Chúng ta đừng chỉ nhân lên những lần chay tịnh và những hành động quảng đại trong mùa chay này, mà cần dành thời gian để nhìn ngắm và vâng nghe điều Đức Giê-su đang chờ đợi ở ta, chúng ta phớt lờ; và chúng ta sẽ không lớn lên trong tình yêu. Điều quan trọng nhất là chúng ta tự quyết định bắt chước đời sống Đức Giê-su. Vì thế thánh Gio-an Thánh Giá đưa ra một lời khuyên rất đơn giản để chỉ cho chúng ta cách hoán cải sự nhạy cảm đặt mình làm trung tâm của chúng ta: «Lời khuyên thứ nhất là hãy thường xuyên khao khát bắt chước Chúa Ki-tô trong hết mọi sự, tự uốn nắn theo khuôn mẫu cuộc đời Người, nghiền ngẫm cuộc đời Người thật kỹ để biết mà bắt chước, và trong hết mọi sự sẽ xử sự như chính Người xử sự.» (I ĐL 13, 3)

            Ở đầu tác phẩm, thánh Gio-an đã nhấn mạnh đến những tác hại từ những khuynh hướng ích kỷ và âu lo tập trung vào chính mình : những kiểu vận hành ấy làm ta mệt mỏi, băn khoăn và làm ta xa rời Chúa. Thay vì luôn âu lo để tìm sự khoái lạc ích kỷ trong mọi sự, thánh Gio-an Thánh Giá mời gọi chúng ta thường quan tâm đến việc «nên giống Đức Ki-tô trong hết mọi sự.» Điều đó phải trở thành một mối bận tâm thông thường, hằng ngày. Một độc giả nổi tiếng của Đường lên  sẽ diễn giải điều đó bằng từ ngữ riêng mình ba thế kỷ sau đó: «Trong hết mọi sự luôn tự hỏi ở chỗ tôi, Đức Giê-su sẽ  nghĩ gì, nói gì, làm gì, và tôi sẽ làm như thế» (Chân phước Charles de Foucauld, Lời khuyên phúc âm, 1927, Seuil, tr. 39). Biết khá tốt về Đức Giê-su để đoán chừng Người sẽ làm gì ở chỗ tôi.  Bắt chước Đức Giê-su không có ý nói là có râu với tóc dài hay tìm cách chết trên thập giá. Điều đó có ý nghĩa là tìm cách sống như Đức Giê-su nếu Người đang sống ở thời khắc của tôi. Lúc chịu phép Rửa tội và Thêm sức, tôi đã nhận lãnh cùng một Thần khí của Đức Giê-su và như thế tôi có thể học cách Đức Giê-su sẽ hành động ở chỗ tôi. Làm cho đời sống của tôi phù hợp với đời sống của Con Thiên Chúa, đó là con đường chắc chắn nhất đến sự thánh thiện.  

            Sự bắt chước Đức Ki-tô như thế không phải là con đường phi nhân bản. Đó là con đường của các mối phúc thật, nghĩa là con đường của sự nhân bản hóa sâu thẳm trong Đức Ki-tô. Đức Giáo

Hoàng Phan-xi-cô đã nói rõ ràng: «Nhân tính là sự nhập thể của chân lý đức tin. Người từ chối nhân tính của mình thì từ chối mọi sự. Nhân tính là điều phân biệt chúng ta với máy móc và rô-bô không biết nghe và không có cảm xúc. Khi chúng ta khó khóc một cách chân thành hoặc cười một cách thành thật (đó là hai dấu hiệu), thì sự suy tàn bắt đầu trong chúng ta cũng như tiến trình biến đổi con người thành một điều khác. Nhân tính là biết bày tỏ sự dịu dàng và thân mật, lịch sự với mọi người (xem Ph 4, 5).» (Diễn văn tại giáo triều Rô-ma, 21/12/2015)

  • Chọn Tất cả bằng cái không gì cả

Thánh Gio-an Thánh Giá tổng hợp giáo huấn của ngài qua một nhị thức căn bản, Tất cả và không gì cả. Điều này không trừu tượng : như chúng ta đã nghe trên núi Ta-bo, Tất cả, chính là con người Đức Giê-su. Thiên Chúa đã ban cho ta tất cả  «khi ban cho ta Tất Cả là chính Con của Người.» Như thế người ta có thể thay thế từ ‘Tất cả’ bằng từ ‘Giê-su’ trong nhiều đoạn văn của thánh Gio-an Thánh Giá. Ví dụ, về sự khao khát chiếm hữu của chúng ta, thánh Gio-an khuyên :

«Để đạt tới chỗ chiếm hữu tất cả,
Đừng muốn chiếm hữu bất cứ điều chi. (…)
Để đạt đến việc chiếm hữu điều bạn không có,
Bạn phải đi qua nơi bạn không chiếm hữu.»

(I ĐL 13, 11)

            Nếu mục tiêu hành trình là đạt đến Tất Cả là chính Đức Ki-tô, sau khi đã học biết càng ngày càng giống Chúa hơn, thì ta phải chấp nhận không có mục tiêu chính nào khác trong cuộc sống. Hoặc chúng ta tìm « một mình Đức Giê-su », hoặc chúng ta sẽ khó tìm Người nếu chúng ta tìm Người sau nhiều thứ khác. Chính trong chừng mực chúng ta tiên vàn tìm Đức Chúa mà chúng ta sẽ tìm được tất cả…phần còn lại! Để được điều đó, ta cần phải chấp nhận không làm chủ con đường. Và với ơn Chúa, chúng ta cũng cần từ bỏ một cách đều đặn những dính bén nho nhỏ làm chậm bước đi của ta và cản trở chúng ta bay đi : «Một con chim đã bị cột thì cột bằng một sợi chỉ mảnh mai hay bằng một sợi dây lớn có khác gì mấy ? Dù sợi chỉ mảnh mai đến đâu, bao lâu con chim chưa giựt đứt được để bay đi thì vẫn còn mất tự do như bị cột bằng sợi dây lớn.  Thực ra, sợi chỉ thì dễ bứt đứt hơn, nhưng dù dễ dàng đến đâu, nếu không chịu giựt đứt, vẫn không thể nào cất cánh. Đó cũng chính là tình trạng của một linh hồn còn dính bén với một thụ tạo. Dù có nhiều nhân đức, nó vẫn sẽ không đạt được sự tự do của ơn nên một với Thiên Chúa. » (I ĐL 11,4) Vì thế đây là thời gian để làm nhẹ túi xách để bước một cách đều đặn lên núi là chính Đức Ki-tô. Đừng chần chừ trong tuần này, hãy đi về hướng Đức Giê-su, vừa là mục tiêu hành trình vừa là đường dẫn đến mục tiêu !

Cha Jean-Alexandre de l’Agneau, OCD (Tu viện Avon)

  • Ba hướng thực hành trong tuần
  1. Biểu tượng nghệ thuật nào về Đức Ki-tô đánh động tôi nhiều nhất ? Tôi có dùng nó trong giờ cầu nguyện cá nhân không?
  2. Tôi nhớ lại một khoảnh khắc quan trọng mà tôi hiểu rằng Đức Giê-su là một con người sống động mà tôi muốn nói và trao phó đời tôi.
  3. Tôi dành thời gian để nhìn ngắm và vâng nghe Đức Giê-su theo cách phù hợp với tôi: tại nhà tôi, trong một nhà nguyện, trong thiên nhiên, v.v…
  • Cầu nguyện hằng ngày trong tuần

Thứ hai 9.3: Nhìn ngắm Đức Giê-su

«Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người.» (Đn 9, 4)

«Nếu ngươi chăm chú nhìn [Con Ta], ngươi sẽ tìm thấy cái toàn thể nơi Người vì Người là tất cả lời nói và câu trả lời của Ta, (…) tất cả những gì ta đã nói, đã trả lời, đã tỏ bày và mạc khải cho ngươi, khi ban Người cho ngươi để Người làm Anh, làm Bạn đồng hành, làm Tôn sư, làm tiền chuộc và làm Phần thưởng cho ngươi.» (II ĐL 22, 5)

Tôi chọn một hình đẹp về Thánh Nhan Đức Ki-tô để nhìn ngắm Người nhiều lần và nài xin Người cho tôi được biết Chúa Cha.

Thứ ba 10.3: Ơn thán phục

«Các ngươi đừng gọi ai dưới đất là Cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời.» (Mt 23, 9)

«Lạy Chúa, Chúa không lấy lại một khi Chúa đã ban cho con Thánh Tử duy nhất của Ngài, Đức Giê-su Ki-tô, nơi Người Chúa đã ban cho con tất cả điều con ao ước.»  (Lời cầu nguyện của linh hồn đắm say, PLA 26)

Con thán phục và con tạ ơn Chúa vì Chúa gọi chúng con để chia sẻ hạnh phúc của đời sống Ngài : sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần Tình Yêu.

Thứ tư 11.3: Bắt chước Đức Giê-su trong sự cầu bầu

« Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ. » (Gr 18, 20)

« Thường xuyên khao khát bắt chước Đức Ki-tô trong hết mọi sự, tự uốn nắn theo khuôn mẫu cuộc đời Ngài, chiêm ngắm thật kỹ để có thể bắt chước Ngài. » (I ĐL 13, 3)

Hôm nay, tôi làm thế nào để bắt chước Đức Giê-su cầu bầu cho những người khác?

Thứ năm 12.3: Tìm biết Kinh Thánh

«Áp-ra-ham nói với người ấy: ‘chúng đã có Mô-sê và các tiên tri : chúng hãy nghe các Ngài!‘.» (Lc 16,29)

«Điều Thiên Chúa đã nói thuở xưa cho các tổ phụ chúng ta qua các Ngôn sứ, nhiều lần và nhiều cách, thì nay ở nơi cuối cùng, Ngài đã nói với chúng ta về mọi sự và một lần duy nhất trong Con của Ngài.» (Dt 1, 1 được trích trong II ĐL 22, 3).

Tôi suy nghĩ về một cách cụ thể để học biết thêm Kinh Thánh : mở đầu, khóa học (trên mạng hoặc trong lớp), sách báo, nhóm học tập …

Thứ sáu 13.3: Đối diện với Đức Ki-tô trên thánh giá

«Sau cùng, chủ sai chính Con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng ‘họ sẽ kính nể Con trai mình’.» (Mt 21, 37)

«Nếu ngươi muốn Ta đáp trả ngươi một lời an ủi thì hãy chiêm ngắm Con Ta, Ngài đã vâng phục Ta và chịu lụy phục kẻ khác vì lòng yêu mến Ta, và rồi ngươi sẽ thấy được câu trả lời của Ngài cho ngươi.» (II ĐL 22, 6)

Trong những lúc thử thách, đau khổ, mệt mỏi, tôi nhìn ngắm Đức Ki-tô trên thánh giá và tôi chọn phó thác nơi Ngài.

Thứ bảy 14.3: Biết và yêu mến Ngài

«Hỡi con, con luôn ở với cha…» (Lc 15, 31)

            «Con trai của cha ơi, người vợ yêu thương con, cha muốn ban nó cho con, vì nhờ con, nó xứng đáng được sống với chúng ta … » (Romance 3)

Tôi làm thế nào để có thể sống trước sự hiện diện của Chúa suốt ngày hôm nay?

(Tác quyền bởi Tu sĩ Cát Minh OCD tại Pháp
Bản dịch việt ngữ của Bs. Phạm Ngọc Thanh)

Check Also

Những điều bạn cần biết về Dòng Cát Minh

Đây là những điều bạn cần biết về Dòng Cát Minh         …