Chuyên mục
Đọc & Suy gẫm Mùa Vọng:
Gương Chúa Giêsu
— Ngày 16 —
TUẦN III, MÙA VỌNG
Chương 16
MỘT NHỊN CHÍN LÀNH
Nhịn là tinh khôn
Cái gì trong bạn, hay trong người khác mà Bạn không sửa được. Bạn hãy nhẫn nhục chịu đựng,
cho đến khi Chúa ấn định cách khác.
Bạn nên nghĩ, biết đâu để thế lại có lợi hơn cho Bạn vì nó giúp bạn luyện tập thêm đức nhẫn, là
một đức tối cần để lập nên công lớn.
Nhưng Bạn hãy cầu xin Chúa giúp Bạn trong những éo le ấy, để chịu cho vui lòng.
Nếu bạn đã bảo ai nhiều lần mà người ấy không chịu nghe. Bạn đừng cãi lẫy với họ, hãy để mặc
Chúa, là Đấng có thể biến điều ác, nên điều thiện, để thần ý Ngài nên trọn và, để Ngài được hiển
danh, trong các tôi trung của Ngài.
Nhịn là công bằng
Bạn hãy cố nhẫn nhục chịu đựng những khuyết điểm và sơ suất, bất luận lớn nhỏ của người
khác, vì chính Bạn, cũng đầy khuyết điểm, mà người khác đang phải chịu đựng đấy!
Chính Bạn, Bạn cũng không thể trở nên như mình muốn, thế sao Bạn lại có thể bắt người khác
phải trở nên như Bạn muốn?
Ta thích cho người khác nên trọn hảo; còn lỗi ta, ta vẫn không chịu sửa!
Ta muốn sửa trị người khác cho nhặt; còn ta, một lời sửa bảo xoàng đã chau mặt!
Ta khó chịu khi người khác được ơn rộng, còn ta, ta vẫn không muốn ai chối ta cái gì.
Ta muốn ràng buộc người khác, bằng những kỷ luật nghiêm khắc, còn ta hơi bó buộc thêm một
chút, là ta đã không chịu nổi!
Những cái đó đủ để chứng tỏ, rất ít khi ta xử với người khác như xử với mình.
Nhịn là sáng suốt
Nếu ai cũng tinh toàn cả, làm gì còn khổ giá để ta vác cho Chúa.
Nhưng giờ đây Chúa an bài thế để ta tập tương trợ lẫn nhau, vì ai cũng có khuyết điểm, cũng như
phải nhịn khuyết điểm người khác. Chẳng ai tự túc tự mãn, chẳng ai sáng suốt đủ mà không phải
nhờ người khác hướng dẫn. Trái lại ta phải chịu đựng lẫn nhau, yên ủi lẫn nhau giúp đỡ lẫn nhau,
dạy vẽ và chỉ bảo lẫn nhau.
Không gì chứng tỏ trình độ nhân đức của ta bằng phản trắc. Vì những dịp đó không làm cho ta
yếu thêm, trái lại nó chỉ chứng tỏ cái chân thực của con người.
SUY NIỆM
Nhẫn nhục chịu đựng khuyết điểm trong ta, cũng như trong người khác, là một cử chỉ có năng
lực thánh hóa và, là một phương thế tối hảo giúp ta xứng đáng được thiên đàng.
Không gì công bình bằng nhịn nhục ở người khác, cái ta muốn người khác nhịn ở ta.
Tốt hơn hết: ta hãy nhịn khuyết điểm người khác, mà đừng để người khác phải nhịn khuyết điểm
ta. Làm như thế, là vác gánh nặng đỡ lẫn nhau.
Lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau theo tinh thần Bác ái và hãy tha thứ lầm lỗi
cho nhau”.
Lạy Chúa, Chúa đã rõ những trái ý rất có lợi cho con, vì nó sửa chữa, luyện lọc và hoàn tất
nhân đức trong con. Nhưng Chúa biệt rõ, chúng con vất vả chừng nào, mới chịu được những thử
thách ấy, và dễ xúc cảm chừng nào, trước những trái ý ấy.
Lạy Chúa! Xin đừng để con theo xúc cảm riêng, nhưng hãy giúp con biết hy sinh, để đẹp lòng
Chúa. Đó là điều con hy vọng ở lòng thương yêu vô cùng Chúa.
Trích từ Gương Chúa Giêsu,
IMPRIMATUR
Saigon, 25-5-1965
F.X. Trần-Thanh-Khâm
Vic. Gen.