Cuộc đối mặt của Chúa Giêsu với ma quỷ trong sa mạc
Những cám dỗ trong sa mạc của cuộc đời
Mt 4:1-11
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con một không gian thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng được biết đến sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và xin sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Chúng ta hãy cùng đọc bài Tin Mừng mô tả những cám dỗ của Chúa Giêsu, những cám dỗ đó cũng là cám dỗ của tất cả loài người. Trong khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta nên chú ý đến điều sau đây: cám dỗ là gì, cám dỗ xảy ra ở đâu, và Chúa Giêsu đã đối phó với chúng ra sao?
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 4:1-2: Tình trạng mà ở đâu và từ đâu sự cám dỗ nảy sinh : sa mạc, thánh thần, ăn chay và đói
Mt 4:3-4: Cám dỗ liên quan đến cơm bánh
Mt 4:5-7: Cám dỗ liên quan đến danh vọng
Mt 4:8-11: Cám dỗ liên quan đến quyền lực
c) Phúc Âm:
1-2: Khi ấy Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói.
3-4: Và tên cám dỗ đến gần và nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.’”
5-7: Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên thành thánh, và đặt Người trên góc tường đền thờ rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: ‘Ngài đã ra lệnh cho các thiên thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá.’” Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi.’”
8-11: Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao; và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi.” Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.’” Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta suy gẫm và cầu nguyện.
a) Cám dỗ là gì? Sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần, sa mạc, nhịn ăn và cơn đói và sự cám dỗ của Chúa Giêsu là gì?
b) Ngày nay chữ cám dỗ gợi cho chúng ta điều gì? Nó ảnh hưởng đến tôi trong cuộc sống hằng ngày như thế nào?
c) Tên cám dỗ hoặc Satan có sẽ làm tôi lìa xa hay đi chệch đường của Thiên Chúa không? Có thể nào tôi đã trở thành Satan cho ai đó, giống như Phêrô đã là Satan cám dỗ Chúa Giêsu không?
d) Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào trong sa mạc để bị cám dỗ bởi ma quỷ. Điều này nhắc nhớ lại những cám dỗ của dân Do Thái trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi đất Ai Cập. Thánh sử Mátthêu muốn đề nghị điều gì và giảng dạy điều gì qua lời nhắc nhở này về những cám dỗ của người ta trong sa mạc?
e) Ma quỷ dùng Kinh Thánh để cám dỗ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để vượt qua sự cám dỗ! Kinh Thánh có thể nào được xử dụng cho tất cả mọi việc không? Tôi đã xử dụng Kinh Thánh như thế nào và cho mục đích gì?
f) Cám dỗ của cơm bánh. Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những người đã có tất cả những gì họ cần bằng cách nào? Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những ai đang đói khát bằng cách nào?
g) Cám dỗ liên quan đến thanh thế. Thanh thế từ kiến thức, từ tiền bạc, từ tư cách đạo đức, từ dáng vẻ bề ngoài, từ danh vọng, từ danh dự. Những điều này có đang hiện hữu trong đời sống của tôi không?
h) Cám dỗ liên quan đến quyền lực. Bất cứ nơi đâu có hai người gặp gỡ, một mối quan hệ của quyền lực sẽ đến hiện diện. Tôi sẽ xử dụng quyền lực mà tôi có như thế nào: trong gia đình tôi, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong khu xóm tôi? Tôi có sẽ nhượng bộ cho sự cám dỗ này không?
5. Ý chính của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
– Chúa Giêsu đã bị cám dỗ. Thánh Sử Mátthêu làm cho sự cám dỗ trở nên dễ hiểu: cám dỗ của bánh, cám dỗ của danh vọng,cám dỗ của quyền lực. Đây là những hình thức khác nhau của niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế mà khi ấy có trong dân chúng. Một Đấng Cứu Thế vinh quang, giống như một ông Môisen mới, sẽ nuôi sống người ta trong sa mạc: “khiến những hòn đá này biến thành bánh!” Đấng Cứu Thế vô danh sẽ tự đặt mình trên tất cả mọi người bằng một dấu hiệu ngoạn mục trong Đền Thờ: “gieo mình xuống từ đây!” Đấng Cứu Thế yêu nước sẽ đến để thống trị thế giới: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó!”
– Trong Cựu Ước, những cám dỗ giống nhau đã làm cho người ta sa ngã trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi Ai Cập (Đnl 6:3; 6:16; 6:13). Chúa Giêsu nhắc lại lịch sử. Người chống lại những cám dỗ và ngăn cản chúng làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa để làm cho nó phù hợp với các ích lợi cho loài người lúc bấy giờ. Cám dỗ hay Satan là bất cứ điều gì khiến cho chúng ta đi chệch khỏi kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã là Satan của Chúa Giêsu (Mt 16:23).
– Cám dỗ luôn hiện diện trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu. Nó đã cùng đi với Người từ lúc đầu cho tới cuối, từ lúc Người chịu phép rửa cho đến lúc Người chết trên thập giá. Bởi vì, khi việc công bố về Tin Mừng Nước Trời càng lan truyền trong dân gian, thì áp lực dồn lên Chúa Giêsu càng nặng nề để Người phải thích ứng với những mong đợi và kỳ vọng về Đấng Cứu Thế của dân chúng để là một Đấng Cứu Thế được kỳ vọng và mong đợi bởi những người khác: “vị cứu thế dân tộc và vinh quang”, “vị vua cứu thế”, “vị thượng tế cứu thế”, “vị phán quan cứu thế”, “chiến sĩ cứu thế”, “vị cứu thế luật sĩ”. Thư gửi cho các tín hữu Do Thái đã viết: “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện giống như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15).
– Nhưng sự cám dỗ không bao giờ thành công trong việc khiến cho Chúa Giêsu đi sai lạc khỏi sứ vụ của Người. Người tiếp tục vững chắc tiến bước trên cuộc hành trình của Người là “Đấng Cứu Thế Tôi Tá”, như đã được công bố bởi ngôn sứ Isaia và được trông đợi, nhất là bởi những kẻ nghèo hèn. Trong việc này, Chúa Giêsu đã không e ngại gây xung đột với những kẻ cầm quyền và với những ai thân cận nhất với Người. Tất cả những ai cố gắng để khiến Người đi lệch khỏi con đường của Người đều đã nhận được những câu trả lời gay gắt và các phản ứng bất ngờ:
* Phêrô đã cố gắng lôi kéo Người rời xa khỏi thập giá: “Xin Thiên Chúa thương đừng bao giờ để cho việc này xảy ra!” (Mt 16:22). Và ông đã nghe câu trả lời: “Satan, lui lại đằng sau Thầy!” (Mc 8:33).
* Những thân nhân của Người, đã muốn đem Người về nhà. Họ nghĩ rằng Người đã mất trí (Mc 3:21), nhưng họ đã được nghe những lời chói tai, dường như để tạo nên một sự rạn nứt (Mc 3:33). Sau đó, khi Chúa Giêsu đã trở nên nổi tiếng, họ đã muốn Người xuất hiện thường xuyên hơn nơi công cộng và tiếp tục ở lại Giêrusalem, nơi thủ đô (Ga 7:3-4). Một lần nữa, câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy có sự khác biệt căn bản giữa mục đích của Người và của họ (Ga 7:6-7).
* Cha mẹ Người đã phàn nàn: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2:48). Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: “Tại sao cha mẹ lại đi tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2:49).
* Các tông đồ đã vui mừng về đời sống công khai của Chúa Giêsu đã được đông đảo dân chúng chấp nhận và họ muốn Người hướng về phía dân chúng. “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1:37). Nhưng họ đã được nghe lời từ chối: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó!” (Mc 1:38).
* Ông Gioan Tẩy Giả đã muốn nài ép Chúa Giêsu trở nên “vị phán quan cứu thế nghiêm khắc” (Lc 3:9; Mt 3:7-12; Mt 11:3). Đức Giêsu đã nhắc nhở Gioan về những lời tiên tri và đòi hỏi ông so sánh chúng với sự thật: “Các ông hãy về và thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe!” (Mt 11:4-6 và Is 29:18-19; 35:5-6; 61:1).
* Dân chúng, khi họ trông thấy những phép lạcủa việc hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, đã kết luận: “Đây chắc chắn chính là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Họ hùa với nhau nài ép Chúa Giêsu trở thành “vị vua cứu thế” (Ga 5:15), nhưng Chúa Giêsu đã lánh mặt trên núi để được ở cùng với Chúa Cha trong lặng lẽ.
* Khi ở trong tù và trong giờ của quyền lực tối tăm (Lc 22:53), sự cám dỗ của “vị chiến sĩ cứu thế” lại xuất hiện. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ!” (Mt 26:52) và “Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40, 45).
– Đức Giêsu hướng về Lời Thiên Chúa và ở đó đã tìm thấy ánh sáng và nguồn nuôi dưỡng. Điều hơn hếtcả là lời tiên tri về Người Tôi Trung, được công bố bởi ngôn sứ Isaia (Is 42:1-9, 49:1-6 ; 50:3-9; 52:13-53, 12) đã thông tri và khuyến khích Người tiếp tục tiến tới. Tại phép rửa ở sông Giođan và trong lúc biến hình, Người nhận lãnh sự xác nhận của Chúa Cha về cuộc hành trình của Người, sứ vụ của Người. Tiếng phán ra từ trời lặp lại những lời mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Trung của Đức Chúa cho dân chúng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người!” (Mc 1:11; 9:6).
– Chúa Giêsu xác định sứ vụ của Người với những lời này: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người!” (Mt 20:28; Mc 10:45). Bài học này Người học được từ Mẹ củaNgười,khi bàđã nói với thiên sứ: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền!” (Lc 1:38). Bằng cách hướng về Lời của Chúa để nhận thức sâu sắc hơn về sứ vụ của Người và đi tìm sức mạnh trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã phải đối mặt với những cám dỗ. Sống giữa những kẻ nghèo hèn, và trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, trung thành với cả hai, Người đã chống trả và theo đúng đường lối của Đấng Cứu Thế Tôi Tá, đường lối của phục vụ tha nhân (Mt 20:28).
6. Thánh Vịnh 91 (90)
Thiên Chúa, Đấng Che Chở, sẽ ở cùng chúng ta trong những lúc cám dỗ
Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,
hãy thưa với CHÚA rằng:
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”
Chính Chúa gìn giữ bạn
khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.
Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân:
lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.
Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng
hay mũi tên bay giữa ban ngày,
cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,
cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.
Vì bạn có CHÚA làm nơi trú ẩn,
có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân.
Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,
bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.
Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.
Chúa phán: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,
cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy
và hưởng ơn cứu độ Ta ban.”
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực hành những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.