Tuần V Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, xin Cha hãy trông nom gia đình Cha
và gìn giữ chúng con bình an trong sự chăm sóc của Cha,
vì tất cả hy vọng của chúng con đều đặt ở nơi Cha.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con của Cha,
Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc – Trích Tin Mừng theo Máccô 8:1-10
Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến.”
Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no?” Và Người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc!”
Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.
Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Đan-ma-nutha.
3. Suy Niệm
* Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc bánh hóa ra nhiều lần thứ hai. Chủ đề nối kết những câu chuyện trong phần này của sách Tin Mừng Máccô là thức ăn, là bánh. Sau bữa tiệc của sự chết (Mc 6:17-29), là đến bữa tiệc của sự sống (Mc 6:30-44). Trong khi di chuyển ngang qua Biển hổ, các môn đệ đã sợ hãi, bởi vì các ông đã không hiểu gì về việc bánh hóa ra nhiều trong hoang địa (Mc 6:51-52). Sau đó, Chúa Giêsu tuyên bố rằng tất cả các thức ăn đều tinh khiết (Mc 7:1-23). Trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Canaan, dân ngoại đã được ăn các mảnh bánh vụn rơi từ bàn các trẻ con (Mc 7:24-30). Và tại đây, trong bài Tin Mừng hôm nay, Máccô nói về việc bánh hóa ra nhiều lần thứ hai (Mc 8:1-10).
* Mc 8:1-3: Tình trạng của đám đông và phản ứng của Chúa Giêsu. Đám đông, tụ tập chung quanh Chúa Giêsu trong hoang địa, đã không có gì để ăn. Chúa Giêsu cho gọi các môn đệ và trao cho các ông vấn nạn: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến!” Trong mối quan tâm này của Chúa Giêsu có hai điểm quan trọng: a) Đám đông rời nhà, quên mang theo thức ăn và theo Chúa Giêsu vào trong hoang địa! Đây là dấu chỉ cho thấy rằng Chúa Giêsu đã làm dấy lên sự đồng cảm lớn lao, đến độ mà dân chúng đã theo Người vào trong sa mạc và đã ở lại với Người đến ba ngày! b) Chúa Giêsu không đòi hỏi đám đông phải giải quyết vấn nạn. Người chỉ nêu ra mối quan tâm của mình với các môn đệ. Dường như đó là một vấn nạn mà không có phương cách giải quyết.
* Mc 8:4: Phản ứng của các môn đệ: Hiểu lầm đầu tiên. Các môn đệ khi ấy nghĩ đến cách giải quyết, theo đó thì có một ai đó phải mang bánh đến cho đám đông. Thậm chí các ông còn nghĩ rằng vấn đề phải được giải quyết từ chính đám đông. Các ông thưa rằng: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no?” Nói cách khác, các ông nghĩ về cách giải quyết truyền thống. Một ai đó phải đi kiếm tiền, mua bánh và phân phát cho đám đông. Các ông cảm nhận được rằng, trong hoang địa, đi mua bánh là một giải pháp bất khả thi, nhưng các ông không thấy có cách nào khác để giải quyết vấn đề. Có nghĩa là, nếu Chúa Giêsu cương quyết không giải tán đám đông để họ về nhà, thì sẽ không có cách nào nuôi sống họ!
* Mc 8:5-7: Giải pháp được Chúa Giêsu đưa ra. Trước hết, Người hỏi các ông có bao nhiêu bánh. Các ông thưa: “Có bảy chiếc!” Rồi Người truyền cho dân chúng ngồi xuống đất. Sau đó, Người cầm lấy bảy cái bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ để phân phát, và các ông phân phát cho đám đông. Và Người cũng làm như thế với các con cá. Tương tự như lần bánh hóa ra đầu tiên (Mc 6:41), cách thức mà Máccô mô tả phong cách của Chúa Giêsu, gợi nhớ lại Nhiệm Tích Thánh Thể. Đây là sứ điệp: việc tham dự vào Nhiệm Tích Thánh Thể nên dẫn đến quà tặng và việc chia sẻ bánh với những ai không có bánh!
* Mc 8:8-10: Kết quả. Mọi người đã ăn, họ đã no nê và bánh vẫn còn dư! Đây là một giải pháp thật bất ngờ, nó bắt đầu từ trong đám đông, với một ít ổ bánh mà họ đã đem theo! Trong dịp bánh hóa nhiều lần thứ nhất, mười hai thúng bánh vụn đã được thu lại. Lần này, được bảy thúng. Trong lần đầu tiên, các ông phục vụ năm ngàn người. Lần này, bốn ngàn người. Trong lần đầu có năm chiếc bánh và hai con cá. Ở đây, bày chiếc bánh và một ít cá.
* Thời kỳ của ý thức hệ thống trị. Các môn đệ đã nghĩ về một cách giải quyết, Chúa Giêsu lại nghĩ đến một cách khác. Trong cách suy nghĩ của các môn đệ có ý thức hệ thống trị, cách suy nghĩ phổ biến của người ta. Chúa Giêsu nghĩ theo một cách khác. Không phải vì cùng đi chung với Chúa Giêsu và cùng sống trong một cộng đoàn mà một người có thể thành thánh và đổi mới. Trong số các môn đệ, tâm lý cổ xưa luôn tái xuất hiện, bởi vì “men của Hêrôđê và men của người Pharisêu” (Mc 8:15), có nghĩa là, tư tưởng thống trị, đã có bắt rễ sâu xa trong cuộc sống của những người này. Việc hoán cải theo lời đòi hỏi của Chúa Giêsu là sự hoán cải sâu xa. Người muốn nhổ tận gốc rễ các loại “men” khác nhau.
* “Men” của cộng đoàn sống đóng khung trong chính họ, không có một sự cởi mở nào. Chúa Giêsu bảo các ông: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Mc 9:39-40). Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng không phải là xem một người nào đó có là một thành phần của cộng đoàn hay không, mà là người ấy có lòng quảng đại hay không, có sẵn lòng để làm các việc lành phúc đức mà cộng đoàn phải làm hay không.
* “Men” của nhóm coi mình trọng hơn kẻ khác. Chúa Giêsu quở mắng các môn đệ và nói: “Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào” (Lc 9:55).
* “Men” của tâm lý giai cấp và ganh đua hơn kém, đó là đặc tính của xã hội thời Đế Chế La Mã và đã lan tràn vào cộng đoàn nhỏ bé tân lập. Chúa Giêsu phản ứng lại: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết” (Mc 9:35). Đây là điểm mà Chúa nhấn mạnh nhiều nhất và nó là điểm mạnh mẽ nhất cho lời chứng của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10:45; Mt 20:28; Ga 13:1-16).
* “Men” của tâm lý của nền văn hóa vào thời đại mà Chúa Giêsu nói đến: “Cứ để các trẻ nhỏ đến với Thầy!” là những kẻ bé mọn bị gạt ra ngoài lề, những trẻ em (Mc 10:14). Người chỉ ra rằng những trẻ nhỏ là thầy cho các người lớn: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18:17).
Như đã xảy ra vào thời của Chúa Giêsu, ngày nay cũng thế, tâm lý tân-tự do đang phục hồi và phát sinh trong đời sống của cộng đoàn và của các gia đình. Bài đọc Tin Mừng, được thực hiện trong cộng đoàn, có thể giúp chúng ta thay đổi cuộc sống, tầm nhìn và tiếp tục thay đổi bản thân và trung thành với chương trình của Chúa Giêsu.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Chúng ta luôn có thể đối diện với những hiểu lầm đối với bạn bè và kẻ thù. Sự hiểu lầm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ vào dịp bánh hóa ra nhiều là gì? Chúa Giêsu đối diện với sự hiểu lầm này như thế nào? Trong nhà của bạn, với láng giềng của bạn hoặc trong cộng đoàn, đã có những hiểu lầm nào không? Bạn đã phản ứng ra sao? Cộng đoàn của các bạn đã có những hiều lầm hoặc xung đột với chính quyền dân sự hay những bậc có thẩm quyền trong giáo hội không? Điều này xảy ra như thế nào?
- Men mà ngày nay cản trở việc thực hiện Tin Mừng và cần phải loại bỏ là gì?
5. Lời nguyện kết
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.
(Tv 90:1-2)