…Nhưng Thầy bảo các con: Hãy yêu thương kẻ thù địch
Mt 5:38-48
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, xin hãy ngự đến,
Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi như làn gió xuân
làm cho đời sống nở hoa
và mở rộng chờ đón tình yêu;
hay hãy để cho trở nên như cơn bão với sức mạnh vô song
và dấy lên những năng lượng tiềm ẩn.
Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi vào đôi mắt chúng con
để mở chúng ra đến những chân trời xa và rộng lớn hơn,
được vẽ bởi bàn tay Chúa Cha.
Nguyện xin cho hơi thở Chúa lướt qua trên những khuôn mặt buồn thảm của chúng con
để cho nụ cười được phục hồi;
xin Chúa đoái nhìn xuống đôi tay nhọc nhằn chúng con, ban cho chúng sức sống mới
và để chúng có thể làm việc hăng say
vì Tin Mừng.
Nguyện xin cho hơi thở Chúa thổi qua từ lúc bình minh
gìn giữ cả ngày của chúng con trong một tinh thần phấn khởi.
Nguyện xin cho hơi thở Chúa lướt qua khi màn đêm buông xuống
để gìn giữ chúng con bình an trong ánh sáng của Chúa
và trong sự nhiệt tâm của Người.
Nguyện xin cho hơi thở của Chúa đến và tồn tại trong suốt cuộc đời chúng con
làm đổi mới chúng con và ban cho chúng con những chiều hướng đích thực và sâu sắc:
đã được sơ lược trong Tin Mừng của Chúa Giêsu.
2. Bài đọc
a) Ý chính của bài đọc:
Chúa nhật thứ bảy Thường Niên, rất hiếm khi được cử hành, vì nó được trám vào trong khoảng thời gian ngắn giữa Mùa Giáng Sinh và Mùa Chay, khiến chúng ta phải đối diện với một trong những đoạn Tin Mừng sắc nét nhất, đầy thách thức và đồng thời đầy an ủi, đó là một Kitô hữu có thể trực diện với: những lời kết hay “phản đề” của Bài Giảng Trên Núi”.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Lêvi (19:1-2, 17-18), là một phần của “luật thánh thiện”. Nó liên quan trực tiếp đến phần thứ hai của bài Phúc Âm, với giới răn yêu thương tha nhân và song song chặt chẽ với câu cuối của Lời Chúa.
Bài đọc hai (1Cr 3:16-23) cho thấy một sự phát triển sâu xa hơn của chủ đề bài Tin Mừng: con đường thánh thiện của người Kitô hữu, theo lối suy nghĩ của loài người thì có vẻ nghịch lý, khó hiểu và khó đưa vào thực tế, trở nên có thể thực hiện được với tư cách chúng ta cùng thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta đã được thánh hiến cho Người và Người đã ban hết chính thân Người cho chúng ta qua tình yêu; làm cho chúng ta có thể yêu thương như Người đã yêu thương, một tình yêu bởi vì Người và trong Người.
Đoạn Tin Mừng của chúng ta thuộc về đoạn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” và đây là bài giảng đầu tiên của những bài giảng tuyệt vời của Chúa Giêsu là đặc điểm của cuốn Phúc Âm đầu tiên và gồm từ chương 5 đến chương 7. Bài diễn thuyết dài này, được bắt đầu với bài Tám Mối Phúc Thật nổi tiếng và luôn khiêu khích, có thể được đọc trong ánh sáng lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc kiện toàn Lề Luật: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Lề Luật hay lời các Tiên Tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn chúng…
Ta bảo các con, nếu các con không công chính hơn các người Biệt Phái hay luật sĩ, thì các con chẳng được vào nước trời đâu (5:17-20).
Đoạn Tin Mừng của chúng ta thuộc về phần thứ hai của bài giảng, một “luân lý đạo đức mới” được đưa ra để tạo nên sự viên mãn và hoàn hảo cho nền luân lý dựa trên lề luật Môisen. Nền luân lý đạo đức mới này được biểu thị bằng câu nói bắt đầu bằng những chữ: “Nhưng Thầy bảo các con”; lời nói này dẫn chúng ta từ những chữ của Lề Luật hoặc từ một phương cách để áp dụng nó cho lề luật đạo đức mới, nó không hủy bỏ lề luật cũ, nhưng cung cấp cho nó một sự giải thích mới, trong ánh sáng của nội tâm con người chúng ta, trong đó Thiên Chúa ngự trị như là vị Thầy và là tấm gương sống của chúng ta. Bằng cách này, Chúa Giêsu đến ngay trước mắt của chúng ta và được giới thiệu với chúng ta qua Thánh Sử như một Môisen thứ hai, một Đấng tự bản thân có một uy quyền như một nhà lãnh tụ cao trọng của dân Do Thái.
Những câu trong Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này là những câu cuối của đoạn này với hai “phản-đề” hay là “siêu chính đề” ràng buộc một cách chặt chẽ và có sức mạnh để thể hiện sự khôn ngoan đạo đức cao nhất, dựa trên đức tin thuần khiết và sâu xa nhất vào Thiên Chúa là Cha, Đấng toàn năng và đầy lòng thương xót.
Trong ánh sáng của các bài đọc khác trong Chúa Nhật này, những yêu cầu đạo đức mạnh mẽ của Chúa Giêsu mà chúng ta nghe hôm nay được nhìn thấy không phải như là kết quả của một thái độ anh hùng, mà như là kết quả đời sống của một người Kitô hữu đầy đủ phẩm hạnh và hơn nữa giống như “hình ảnh của Con Người” (Rm 8:29).
b) Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu 5:38-48
38 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ 39 Còn Thầy, Thầy bào các con: Đừng chống cự lại với kẻ hung ác. Trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. 40 Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì con hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. 41 Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. 42 Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ. 43 “Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch.’ 44 Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, 45 để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. 46 Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? 47 Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? 48 Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
Chúngta bắt đầu từ tiền đề rằng Bài Giảng Trên Núi không phải là một “lề luật theo trường hợp”, đó là bảng liệt kê “các trường hợp đạo đức” với giải pháp ổn thỏa nhất phù hợp với từng trường hợp. Trái lại, như đã được phân tích rõ ràng bởi học giả J. Ernst: “Được xem là quy tắc đạo đức, những yêu cầu như thế (với những trường hợp nhắc đến trong Bài Giảng Trên Núi) thì hoàn toàn vô nghĩa. Tầm quan trọng của chúng được tìm thấy trong vai trò của chúng như là các dấu chỉ và phương hướng. Thực ra, chúng muốn thu hút sự chú ý của chúng ta trong một cách quyết liệt về kỷ nguyên mới của ơn cứu rỗi, đã bắt đầu với Chúa Giêsu. Giới răn yêu thương bây giờ đã đạt được một sự nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản.
Mt 5:38:
Lời kêu gọi của Chúa Giêsu bắt đầu từ “luật trả đũa” (mắt đền mắt), nó là một quy luật phát sinh từ luật dân sự để ngăn ngừa sự trả thù quá độ, đặc biệt nếu ngoa ngoắt; những sự trả thù bị giới hạn theo tiêu chuẩn của sự công bằng giữa tội ác đã phạm và những gì trả thù lại và hơn hết cả, những sự trả thù này phải được tuân thủ trong một lĩnh vực tư pháp.
Mt 5:39a:
Ý định rõ ràng của Chúa Giêsu không phải là việc lên án lề luật “mắt đền mắt” cổ xưa với tất cả các sự khắc nghiệt của nó. Người có ý định đề nghị với chúng ta một phương cách thực tế với đời sống, phù hợp với sự tốt lành và lòng thương xót vô hạn của Cha trên trời của chúng ta như là một thái độ chung của cuộc sống, được thực hiện bằng việc công bố về Vương Quốc Nước Trời. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải được hướng dẫn bởi một tiêu chuẩn, nhờ vào đức hạnh của lòng yêu thương tràn đầy, vượt quá khuynh hướng tự nhiên là đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối các quyền của con người. Những người thuộc về Chúa Giêsu phải sống với lòng quảng đại: xả thân mình cho những người khác, quên quyền lợi riêng tư của họ, hào phóng, nhân từ, khoan dung, làm bằng chứng cho tâm hồn cao cả. Đây là một phương cách thực tế và thật triệt để hầu giải thích chân phúc của sự khiêm nhu (Mt 5:5).
Mt 5:39b-42:
Dưới đây là một vài thí dụ về lòng khoan dung (có nghĩa là phải có một “tâm hồn rộng mở”), nó phải là sự đặc trưng của người Kitô hữu, những người được gọi để cho đi nhiều hơn là họ cần có hay được nhận lãnh. Tất nhiên, đây không phải là một luật tuyệt đối, sẽ có thể làm xáo trộn lối sống đã được xã hội chấp nhận, mà đó là cách để thể hiện tinh thần yêu thương ngay cả đối với những người đã làm những điều gì xấu xa.
Sứ điệp ẩn chứa trong những ví dụ nổi tiếng này chấn chỉnh một cách sâu xa thông điệp hàm chứa trong “luật trả đũa” (mắt đền mắt) và không thể được hiểu một cách đúng đắn, ngoại trừ trong ánh sáng của nó.
Người tín hữu được mời gọi để giải thích mọi tình huống, ngay cả trong những lúc rất khó khăn nghiêm trọng, về tình yêu của Thiên Chúa mà người ấy đã lãnh nhận được, làm một bước tiến nhảy vọt căn bản trong cách giải quyết: không còn trả đũa hoặc trả thù nữa, không còn sự tự bảo vệ hay quyền lợi cho mình, ngay cả khi thích đáng, nhưng hãy vì sự tìm kiếm lợi ích cho tất cả mọi người, ngay cả những người làm điều gian ác. Bằng cách này, người ta sẽ không còn bị lệ thuộc vào những chuỗi dài oán thù hoặc thậm chí bạo lực, có thể trở nên bất tận, để dành phần công lý cho chính mình, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của tội ác dưới ảnh hưởng của sự nhiệt tình quá mức. Đó là sự công lý của Thiên Chúa, luôn tốt hơn những gì mà chúng ta phải dựa vào.
Thánh Phaolô Tông Đồ diễn giải điều này rất rõ: “Đừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: “Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12:17-21)
Việc giải thích về các tiêu chuẩn đời sống này có thể được tìm thấy trong thái độ chung và trong một số hình ảnh cụ thể về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Khi Người phản ứng với sự trầm tĩnh và vững chắc trước những đánh đập tra khảo trong khi bị giam giữ bởi người Do Thái (Ga 18:23), khi Người không hề chạy trốn khỏi việc lùng bắt và ngăn chặn không cho ông Phêrô bảo vệ Người (Ga 18:4-10), khi Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người (Lc 23:34) và cho tên trộm vào thiên đàng (Lc 23:40-43). Và chúng ta biết rằng chìa khóa để hiểu được Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại (Ga 13:1, 15:13).
Một anh hùng bất bạo động, mục sư Martin Luther King, đã viết: “Các đại dương của lịch sử bị làm náo động bởi dòng chảy của sự trả thù luôn nổi dậy. Loài người không bao giờ được nuôi lớn lên trên giới luật của trả thù: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” Mặc dù trên thực tế là luật trả đũa không giải quyết được bất kỳ vấn nạn xã hội nào, người ta tiếp tục theo đuổi sự lãnh đạo tai hại ấy. Câu chuyện lặp lại tiếng ồn từ sự đổ nát của các dân tộc và các cá nhân đi theo con đường tự diệt này. Chúa Giêsu trên thập giá đã tuyên bố hùng hồn một lề luật cao thượng hơn. Người đã biết lề luật cũ mắt đền mắt sẽ khiến cho tất cả thành người mù, và đã không cố gắng để vượt thắng sự ác bằng một điều ác: Người đã thắng cái ác bằng điều thiện. Bị treo trên thập giá bởi lòng ghen ghét, Người đáp trả bằng tình yêu mạnh mẽ.
Thật là một bài học tuyệt vời! Các thế hệ sẽ xuất hiện và qua đi, loài người sẽ tiếp tục tôn thờ thần trả thù và thủ phục trước bàn thờ của sự trả thù, nhưng sau đó càng ngày bài học cao quý này của đồi Canvê sẽ là một lời cảnh báo khẩn cấp mà chỉ có sự tốt lành mới có thể loại bỏ được sự ác và chỉ có tình yêu mới có thể khắc phục được hận thù.” (Sức mạnh của tình yêu, Società Editrice Internazionale, Torino, 1994, trang 65).
Mt 5:43:
Giới răn Cựu Ước mà Chúa Giêsu trích dẫn là kết quả của sự kết hợp của lời trong sách Lê-vi (19:18) và những chữ phụ trong Kinh Thánh “và ghét kẻ thù các con” đến từ một thái độ hoàn toàn tiêu cực đối với dân ngoại, được coi như là kẻ thù của Thiên Chúa, và vì thế, cũng được coi như là kẻ thù của Dân Riêng của Chúa, và như vậy họ phải bị từ chối bằng mọi cách, để tránh sự lây nhiễm của việc sùng bái ngẫu tượng và vô luân của họ.
Mt 5:44a:
Tác giả Phúc Âm xử dụng một cách đáng kể động từ yêu (agapao) để chỉ cho thấy nhiệm vụ của người Kitô hữu là yêu kẻ thù vượt xa hẳn bất cứ quy luật chung và bất cứ tình bằng hữu nào. Đây là động từ tiêu biểu nhất diễn tả thái độ của Thiên Chúa đối với con người và thái độ của con người đối với Thiên Chúa và đồng loại: một ý muốn căn bản của việc tốt lành và xả kỷ nhưng không.
Lời giáo huấn này, hoàn toàn mới mẻ và gây sửng sốt trong nhiều phương diện, hoàn thành các giáo huấn trước đây của Chúa Giêsu và đề cập đến “nền công lý dư dật” đã bắt đầu từ Bài Giảng Trên Núi. Điều này tiến đến mục tiêu rất cao cả mà Người muốn mang lại cho các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù của các con.”
Kẻ thù mà chúng ta đang nói đến ở đây, một cách cụ thể, là những kẻ quấy rầy làm khổ, dân ngoại, kẻ tôn sùng ngẫu tượng, những kẻ tương phản trực tiếp nhất đến lý tưởng Kitô giáo, do đó tạo thành một mối đe dọa cho đức tin. Tuy nhiên, họ là nguyên mẫu và là biểu tượng của mỗi kẻ thù. Đối với họ, người Kitô hữu nên đối xử với cùng một lòng tử tế mà người ấy có với anh em mình trong đức tin. Không chỉ có sự khoan dung, tình yêu thương hoặc tình bằng hữu một cách tổng quát, mà tình yêu sâu xa và vô vị lợi của một người tín hữu chỉ có thể rút ra từ trái tim của Thiên Chúa và học hỏi từ gương mẫu của Người, như đã được trông thấy trong việc tạo dựng và lịch sử của vũ trụ.
Mt 5:44b:
“Tình yêu và cầu nguyện, tình yêu nương tựa vào cầu nguyện.” Nó là món quà cao quý nhất có thể làm được cho kẻ thù, bởi vì nó đặt đúng chỗ năng lượng nội tại lên đến mức tối đa: sức mạnh của đức tin. Thật là dễ dàng để đưa ra một cử chỉ trợ giúp bên ngoài hơn là ước mong một cách thân thiết, trong tim của một người và trong sự thật, những điều tốt đẹp về kẻ thù, nhiều đến mức để khiến nó thành chủ đề và ý định cho lời cầu nguyện trước Thiên Chúa. Nếu bạn cầu nguyện cho kẻ thù, xin cho họ những ân sủng và phúc lành, đó có nghĩa là bạn mong ước và muốn những điều tốt đẹp cho kẻ thù. Đây là điều chân thành trong tình yêu. Cầu nguyện là phần thưởng của người Kitô hữu cho những lỗi lầm của kẻ thù” (OP).
Mt 5:45:
Chúa Giêsu giải thích tại sao chúng ta phải yêu thương kẻ thù của chúng ta. Mối liên hệ cha con mà Người đang nói đến trong đoạn Tin Mừng này không hủy bỏ những gì do sự tác tạo hoặc do việc nhận nuôi, nhưng điều chính yếu là sự giống nhau của những cảm xúc của chúng ta với những ai thuộc về Thiên Chúa.
Người Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày phải nên trọn lành như Cha trên trời của mình.
Vì vậy, khi một người yêu thương kẻ thù của mình, thì người ấy trở nên con cái của Cha Trên Trời, bởi vì đó là kết quả của lòng mong muốn yêu thương như Chúa Cha.
Dĩ nhiên, căn tính con cái của Thiên Chúa thì không phải là không thay đổi, nhưng được làm rõ nét từ một quá trình năng động. Những người là con cái của Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội, trở nên con cái của Người cách đầy đủ, sống và lớn lên trong cùng một lý luận của Chúa Cha, cũng tỏ ra những cử chỉ lòng yêu thương cho thấy họ giống Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa tốt lành và công bằng, con cái của Người cũng tốt lành và công bằng, có thể ban phát tình yêu của chính họ không theo giá trị của những người khác nhưng theo lòng yêu thương và lo lắng mà mỗi nhân sinh được nhận lãnh liên tục từ Thiên Chúa.
Một người càng cho phép mình được sắp đặt theo khuôn mẫu bởi ân sủng của Thiên Chúa, thì người ấy càng có thể thực hiện được giới răn này, và Chúa Thánh Thần càng sẽ chứng thực cho thần trí người ấy rằng họ là con cái của Thiên Chúa (xem Rm 8:16).
Mt 5:46-47:
Sự khác biệt thật sự giữa những người Kitô hữu và các người khác là thái độ và khả năng yêu thương ngay cả những người mà “vốn dĩ” không đáng yêu chút nào.
Mt 5:48:
Trọn lành (teleios, trưởng thành, làm đầy đủ, hoàn thành – trong trường hợp này, hoàn thành trong tình yêu).
Một lần nữa, Chúa Giêsu nối kết giới răn yêu thương kẻ thù với ví dụ của Chúa Cha, với những công việc mà Người hoàn thành hằng ngày vì lợi ích của tất cả mọi người và đó là hoa trái của trái tim tràn đầy tình yêu của Người, rằng Người, Con Thiên Chúa, hiểu biết một cách sâu xa. Đây là trọng tâm đạo đức của người Kitô hữu mà đó không phải là một lề luật để tuân giữ, nhưng là một sự hiệp thông của đời sống với Chúa Cha được ban cho bởi Chúa Thánh Thần, “luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8:2).
Trong sự hiệp thông này, người Kitô hữu hấp thụ tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu nhằm mục đích thay đổi kẻ thù thành bạn hữu, thay đổi điều xấu xa trở nên điều tốt lành.
Ông Isaac thành Ni-ni-vê, bình luận câu 45, nói rằng: “Bởi Đấng Tạo Hóa không có gì thay đổi, hoặc có ý định đó là trước hoặc sau, trong bản tính của Người, không có thù hận hay oán giận, hoặc chỗ nhỏ hơn hay lớn hơn trong tình yêu của Người, cũng không có sau hết hoặc trước hết trong sự hiểu biết của Người. Thực ra, nếu mọi người tin rằng việc tạo dựng trời đất đã bắt đầu như là một kết quả của sự tốt lành và tình yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chúng ta biết rằng lời biện hộ này không thay đổi hoặc làm giảm giá trị của Đấng Tạo Hóa, như là kết quả của sự rối loạn trong công trình sáng tạo của Người.
Thật là ghê sợ và báng bổ để khẳng định rằng trong Thiên Chúa có sự hiện diện của hận thù hay oán ghét – ngay cả đối với ma quỷ – hoặc tưởng tượng bất kỳ một nhược điểm hoặc đam mê nào… Trái lại, Thiên Chúa hành động với chúng ta bằng cách thức có lợi cho chúng ta; chẳng phải là nguyên nhân gây ra đau đớn hoặc giảm thiểu nó cho chúng ta, về niềm vui hay nỗi buồn, hiu hắt hay vinh quang. Tất cả đều cùng hướng về sự tốt lành đời đời” (Nghị Luận, Phần 2, 38:5 và 39:3)
5. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
– Tôi dừng lại. Tôi có biết rằng những lời này dành cho tôi ngày hôm nay không?
– Tôi có biết rằng Chúa Giêsu nói với tôi trong tình trạng mà tôi đang sống ngay trong chính giây phút này của cuộc đời tôi không?
– Tôi có coi trọng những lời trong Phúc Âm không?
– Tôi sống như thế nào so với những tiêu chuẩn đạo đức nhưng không thể tránh khỏi này?
“Thầy bảo các con: Đừng chống cự lại với kẻ hung ác”
“Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa”
“Các con hãy yêu thương kẻ thù địch các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con”
“Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”
– Tôi tự xét mình: Những mô hình đạo đức của tôi khi tôi đang ở trong tình trạng khó khăn là gì? Khi tôi cảm thấy bị tấn công hoặc bị ngược đãi thì sao?
– Và khi tôi cảm thấy thiếu vắng lòng thương yêu của những người khác hoặc khi họ có ác cảm với tôi, tôi phản ứng như thế nào? Hành động của tôi theo mô hình nào trong những tình huống này?
– Trong lời cầu nguyện của tôi, tôi có đặt chính bản thân mình lên trước gương mẫu của Chúa Giêsu không? Ít nhất, tôi có thể một chút noi gương Chúa Cha là người Cha nhân từ với tất cả mọi loài trong vũ trụ và giữ cho tất cả tồn tại không?
– Đây là lúc để tiến lên thêm một bước về cách tôi hành động: Tôi cầu khẩn Chúa Thánh Thần, để Người có thể uốn nắn tâm hồn tôi theo hình ảnh của Chúa Giêsu, khiến tôi có thể yêu thương kẻ khác như Người và vì Người!
6. Cầu Nguyện
Lời Chúa ban cho chúng ta một bài thánh ca tuyệt vời cho lời cầu nguyện của chúng ta.
Vẻ đẹp và đúng lúc của “bài thánh ca tình yêu” nổi tiếng (1 Cr 13:1-9, 12b-13) trở nên mạnh mẽ hơn cho chúng ta nếu khi cầu nguyện chúng ta thay thế chữ “từ thiện” với tên của Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa tình yêu nhập thể, và là một phản ảnh thật sự của tình yêu Chúa Cha cho tất cả mọi tạo vật của Người:
1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.
12 Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
7. Lời nguyện kết
Ôi lạy Thiên Chúa, trong Chúa Con, khi bị lột trần truồng và làm nhục trên thập giá, Chúa đã mặc khải cho thấy sức mạnh tình yêu của Chúa, xin hãy mở lòng trí chúng con cho món quà của Thần Khí Chúa và nhờ đó chấp nhận Người, xin Chúa phá vỡ trong lòng chúng con những chuỗi dài của bạo lực và hận thù đã trói buộc chúng con với lối sống của những người không biết Chúa, để nhờ vào vinh quang của sự tốt lành chiến thắng sự dữ, chúng con có thể chứng tỏ căn tính con cái Thiên Chúa của chúng con và trở nên chứng tá cho Tin Mừng về sự hòa giải và hòa bình của Chúa.