Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 12 Tháng Hai, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

“Nền công lý” mới

Lời này đã được nói cho người xưa, nhưng Ta bảo các con…

Mt 5:17-37 

 

1.  Lời Chúa

a)  Lời nguyện mở đầu

“Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”  Lạy Chúa, xin hãy nói với chúng con bây giờ!  Chúng con muốn dọn chỗ cho Lời Chúa, để cho những lời của Tin Mừng thấm nhập vào đời sống chúng con để Chúa trở thành ánh sáng và sức mạnh cho đường chúng con đi, tạo sinh động và biến đổi thái độ của chúng con.  Tất cả chúng con muốn trưởng thành trong cách lắng nghe Lời Chúa để cho tâm hồn chúng con được biến đổi.

Trong lòng chúng con, có niềm ao ước được đọc và hiểu tại sao chúng con mong đợi vào lòng khoan dung và quảng đại của Chúa để chúng con được hướng dẫn trong việc thấu hiểu Lời Chúa.

Xin hãy để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng con mà không hề gặp bất cứ một trở ngại nào hoặc sự đề kháng nào.  Để từ đó Lời hằng sống của Chúa sẽ không chảy một cách vô ích trong sa mạc khô cằn của đời sống chúng con.  Xin Chúa hãy ngự vào trái tim trống rỗng của chúng con với quyền năng của Lời Chúa, xin Chúa hãy đến hiện diện giữa những suy nghĩ và cảm xúc của chúng con, xin Chúa hãy đến để sống với chúng con trong ánh sáng sự thật của Chúa.

b)  Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 5:17-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri.  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.  Vì Ta bảo thật các con:  Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.  Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời.  Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.  Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng:  Không được giết người.  Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt.  Ai bảo anh em mình là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị.  Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.  Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.  Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.  Ta bảo thật cho ngươi biết:  Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng:  Chớ ngoại tình.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.  Nếu con mắt bên phải của con nên dịp tội cho con. thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.  Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

“Cũng có lời dạy rằng:  Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị.  Còn Ta, Ta bảo cho các con:  Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình.

“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng:  Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả.  Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.  Nhưng lời nói của các con phải là:  “Có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”.  Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra.”

c)  Giây phút thinh lặng

Sự thinh lặng tạo ra một bầu không khí thân mật nội tâm và cùng lúc làm tăng hương vị tinh thần của Lời Chúa.

2.  Suy gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Mt 5:7:  Bối cảnh trong “Bài Giảng Trên Núi”

Chúa Giêsu nói với đám đông, những người đang vội vã đến để nghe lời giảng dạy của Người.  Họ rất đỗi ngạc nhiên vì uy quyền của Người.  Người nói với họ với lời đòi hỏi mạnh mẽ và chỉ ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau.  Trong nỗ lực đưa ra ý nghĩa đầy đủ về giáo huấn của luật Do Thái.

Tác giả Phúc Âm, trong việc xác định bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trên núi, đã muốn tạo sự chú ý của độc giả về hình ảnh ông Môisen đưa ra bản Lề Luật trên núi Sinai (Xh 24:9).  Lời giảng dạy này xảy ra khi Chúa Giêsu đang ngồi, một vị thế gợi nhớ lại cung cách của giáo sỹ Do Thái khi diễn giải Kinh Thánh cho các môn đệ mình.  Thật khó mà diễn tả được sự phong phú của các đề tài được lược qua trong một bài giảng thuyết dài, giống như một số các học giả gọi đó là “cách giảng dạy của Đức Giêsu” (xem Mt 7:28).

Bài đọc phụng vụ của chúng ta được dẫn trước bởi một đoạn mở đầu trong đó bài Tám Mối Phúc Thật được trình bày như việc kiện toàn Lề Luật (Mt 5:3-16).  Thông điệp của Chúa Giêsu trong bài giáo huấn này tập trung vào niềm hạnh phúc trong ý nghĩa Kinh Thánh, đặt loài người trong mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và, do đó, với toàn bộ đời sống:  hạnh phúc gắn liền với thực tế Nước Trời.  Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu phát triển chủ đề “nền công lý” của Vương Quốc Nước Trời (câu 5:17 đến 7:12).

Mt 5:17:  Chúa Giêsu kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.

Trong những câu nói đầu tiên Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người là Đấng đến để “kiện toàn Lề Luật”:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Lề Luật hay các Tiên Tri:  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (câu 17).  Chúa Giêsu phán rằng Người là sự toàn thành của Lề Luật.

Hậu quả của những lời như vậy được hiểu bởi người đọc:  chỉ có nhờ Người chúng ta mới có thể bước vào Nước Trời, ngay cả những điều luật nhỏ mọn nhất cũng có ý nghĩa chính nhờ Người.  Giống như nói rằng Đức Giêsu là mực thước để được vào Nước Trời:  Trong Người, bất cứ ai, dù lớn hay nhỏ, đều tùy thuộc vào sự lựa chọn để cho mình được dẫn dắt bởi Đấng đã kiện toàn Lề Luật và các Tiên Tri.  Từ nay Lề Luật, lời giảng dạy của các tiên tri, công lý sự cứu rỗi phải liên kết với Chúa Giêsu.

Người đọc biết rằng trong Cựu Ước những sự thật này được xem như đứng riêng rẽ và khác biệt nhau:  Lề Luật hàm chứa thánh ý Thiên Chúa, công lý thì được thể hiện qua việc tham dự của nhân loại để tuân giữ thánh ý Thiên Chúa trong Lề Luật; các Tiên Tri, những người dẫn giải Lề Luật, là những chứng nhân của việc thực thi sự trung tín của Thiên Chúa trong lịch sử.  Trong con người của Chúa Giêsu ba chân lý này được hội tụ lại:  chúng tìm thấy ý nghĩa và giá trị của mình.  Chúa Giêsu tuyên bố công khai rằng Người đến để kiện toàn Lề Luật và các Tiên Tri.  Điều khẳng định này của Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì?  “Lề Luật và các Tiên Tri” là có ý nghĩa gì?  Chúng ta không thể nghĩ đến việc Chúa Giêsu đang thực hiện những lời tiên tri (từ quan điểm về nội dung, hoặc theo nghĩa đen) của Lề Luật và các Tiên Tri, mà đúng hơn là Người thực hiện Lề Luật và các Tiên Tri.  Nhưng theo cách cụ thể, những chữ “hủy bỏ”, “kiện toàn” sự giảng dạy về Lề Luật và lời các Ngôn Sứ có nghĩa gì?  Câu trả lời được đặt ở hai mức độ.

Mức độ thứ nhất liên quan đến những lời giảng dạy của Chúa Giêsu là Người không đến để thay đổi nội dung Lề Luật và lời các Tiên Tri và có tính cách giáo huấn hơn; thực ra, thánh sử Mátthêu xem các Tiên Tri như những chứng nhân của giới răn yêu thương (Hs 6:3; Mt 9:13, 12:7).  Rằng Chúa Giêsu đến để hoàn thành các lời dạy của Lề Luật và của các Tiên Tri có thể có nghĩa là “biểu lộ chúng trong ý nghĩa của nó”, “mang lại sự ứng nghiệm” (U. Luz);  nó khác hẳn với ý nghĩa của “làm mất hiệu lực”, “xóa bỏ”, “không tuân giữ”, “đập vỡ”.

Mức độ thứ hai nói đến các hoạt động của Chúa Giêsu:  Lề Luật tự nó có thay đổi được không?  Trong trường hợp này để kiện toàn Lề Luật có thể có ý nghĩa là Chúa Giêsu, với cách cư xử của Người, bổ sung cho những khuyết điểm và hoàn thiện Lề Luật.  Nói một cách cụ thể hơn:  Chúa Giêsu trong đời sống của Người, với sự vâng phục Đức Chúa Cha, đã “làm viên mãn” những đòi hỏi của Lề Luật và lời các Tiên Tri; hơn hết cả, Người tuân giữ Lề Luật một cách hoàn toàn.  Một cách có ý nghĩa hơn:  thông qua cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã ứng nghiệm Lề Luật.  Đối với chúng ta, có vẻ như trọng tâm được đặt nơi cách cư xử của Chúa Giêsu:  với sự vâng phục và thực hành, Người đã hoàn thành Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.

Mt 5:19:  Chúa Giêsu giảng dạy về thánh ý của Chúa Cha và việc hoàn thành Lề Luật.

Đối với người đọc, việc xử dụng các động từ “thực hành và dạy” không vượt thoát được:  quan niệm về Lề Luật cho “những ai sẽ tuân giữ và dạy về các điều ấy”.  Những khía cạnh như thế chuyên tải đầy đủ hình ảnh của Chúa Giêsu trong tư tưởng của Mátthêu:  Chúa Giêsu, người đã dạy về thánh ý của Thiên Chúa và hoàn thành Lề Luật, là người Con phục tòng theo thánh ý của Chúa Cha (3:13 – 4:11).  Ở đây, mô hình cách cư xử đó tỏ ra cho chúng ta trong trang Tin Mừng này.  Một cách chắc chắn, trọng tâm là việc thực thi Lề Luật qua sự vâng lời, nhưng điều đó không loại trừ một sự hoàn thành bằng các lời giảng dạy của Người.  Chúng ta đừng quên rằng đối với thánh sử Mátthêu điều quan trọng là việc tuân thủ sự thực hành với lời chỉ dạy của Chúa Giêsu:  Người là bậc thầy trong đức vâng lời và sự thực hành.  Tuy nhiên, tập quán suy luận từ sự quan sát các tiên tri giả trong chương 7:20 là ưu tiên:  “Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai”.  Thật thú vị khi nhận thấy Mátthêu chỉ dùng động từ hoàn thành, động từ ứng nghiệm cho Chúa Giêsu:  chỉ có Người mới hoàn thành Lề Luật, chỉ có chính bản thân Người mở lối cho các đặc tính của sự viên mãn. Tại đây bắt rễ lời mời gọi có thẩm quyền của nó, sẽ trở thành một “kiện hàng”, một nhiệm vụ để hoàn thành Lề Luật trong sự viên mãn:  “Ta bảo các con…” (các câu 18-20).

Mt 5:20  Chúa Giêsu thực hiện nền công lý

Một sự thực hiện như thế thật khác với các phương cách bao gồm nó và sống với nó trong Do Thái giáo; trong Chúa Giêsu một đặc thù mới của nền công chính được giới thiệu:  “Ta bảo các con:  nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (câu 20).  Các luật sĩ là những nhà thần học và là những người dẫn giải Kinh Thánh chính thức (5:21-48), thay vào đó, các người Biệt Phái là những tín đồ Do Thái giáo tích cực tham gia hoạt động vào thời bấy giờ, họ đã thực hành những việc bố thí một cách quá phô trương (6:1-18).  Sự công chính được thực hiện bởi hai nhóm người này thì không đầy đủ, không thể được dùng như một mẫu mực:  nó ngăn cản việc vào Nước Trời.  Cuối cùng, những người nhận được lời cảnh báo này là các môn đệ; nó cũng được nói với chúng ta.  Chắc chắn là thánh ý Thiên Chúa thì trọng hơn Lề Luật, nhưng Người là Đức Giêsu, Đấng đã nhập thế một phương cách mới đưa sự công chính vào trong thực tế.  Chúa Giêsu đòi hỏi người ta phải “công chính hơn”, việc này đề cập đến điều gì?  Rằng nền công lý của những người Kinh Sư và Biệt Phái thì đã được sắp xếp theo sự công lý của loài người, điều ấy đã được rao giảng bởi Đức Giêsu, thay vào đó, Người đòi hỏi một sự công chính thực tế hơn, rất cao cả hơn so với sự công chính được thực thi theo đạo Do Thái.  Việc “hơn” này bao gồm những gì thì đoạn Kinh Thánh của chúng ta không nói đến chính xác ngay lập tức; thật là cần thiết nên tiếp tục đọc lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

Mt 5:20:  Chủ thuyết trọng căn về công lý được rao giảng bởi Chúa Giêsu.

Điều này không phải là để làm nổi bật trong cách quá khích một số các giới răn của Lề Luật; thật ra giới răn yêu thương là trung tâm điểm của những giới răn riêng rẽ này.  Giới răn “chất lượng nhất” hướng dẫn tăng cường cho khía cạnh phẩm chất trước Thiên Chúa:  giới răn yêu thương.  Cộng đoàn tín hữu được mời gọi để phục tòng theo giới răn yêu thương, được xem như là trọng tâm giữa các giới răn khác của Lề Luật.  Không có sự căng thẳng nào giữa những trang hoàng duy nhất và giới răn yêu thương.  Các lời giảng dạy của Chúa Giêsu trở thành sự ràng buộc, cùng đường hướng với các giảng dạy trong Cựu Ước.  Vì đối với Đức Giêsu, không có sự mâu thuẫn giữa những ghi chép của Lề Luật và giới răn yêu thương:   chúng đều được xem như trong một mối quan hệ hài hòa bởi vì trong toàn bộ của chúng được dùng để ban cho chúng ta theo thánh ý của Thiên Chúa (U. Luz).

Mt 5:23-25:  Làm thế nào để liên hệ giữa anh chị em?

Giữa những yêu cầu căn bản trong lời mời gọi đi theo Người, Chúa Giêsu đối diện với lời tranh cãi về mối liên hệ tình huynh đệ.  Nếu định nghĩa mọi mối liên hệ về hành động bên ngoài chỉ là việc chớ giết người thì chưa đủ:  “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người…” (câu 21); do đó thật là cần thiết để vượt thoát khỏi định nghĩa hạn hẹp thông thường, mà cũng là việc căn bản:  không được giết người!  Điều răn thứ năm khuyên chúng ta tôn trọng sự sống (Es 20:13; Đnl 5:17).  Một sự đào sâu hay một chân trời hoàn toàn mới mẻ theo tinh thần của Mười Điều Răn bây giờ xuất hiện.  Điều này không chỉ giới hạn trong việc tra tay giết một mạng người nhưng nó còn muốn nói đến trong những cách khác:  hận thù, tấn công, ngồi lê đôi mách, gièm pha, giận dữ, xúc phạm.  Trong quan điểm hoàn toàn mới của Bài Giảng Trên Núi, mỗi một tư tưởng hành động thiếu vắng sự yêu thương đối với người chung quanh đều liên quan đến sự phạm tội giết người.  Trong thực tế, những sự thịnh nộ, giận dữ, gièm pha được bắt nguồn từ một trái tim thiếu chia sẻ tình yêu thương.  Đối với Chúa Giêsu, không chỉ có hành động giết người mới bị xem là không tuân giữ Lề Luật mà gồm luôn tất cả những hành động cố gắng tiêu diệt hoặc làm cho kẻ khác “trở nên vô dụng”

Chúa Giêsu không nói tới vấn đề ai đúng ai sai nhưng “ai xúc phạm người anh em hoặc phỉ báng họ nơi công cộng thì không có chỗ cho họ trước mặt Thiên Chúa, bởi vì họ đã phạm tội giết người” (Bonheoffer, Di Cảo 120). Từ đây, mức độ nghiêm trọng phủ nhận giá trị của lễ tiến dâng, sự tôn kính, cầu nguyện và cử hành bí tích Thánh Thể.  Những ai đã tách mình ra khỏi mối liên hệ với người anh em thì cũng đã tự tách mình ra khỏi mối liên hệ với Thiên Chúa.  Kế đến, cần phải đi làm hòa với người anh em nếu trước đây họ có điều gì bất bình với bạn:  Họ bất bình với bạn, chứ không phải bạn bất bình với họ.  Sự đổi mới trong việc dùng chữ này, ngay cả những chuyện không dễ gì chia sẻ.  Về người anh em tôi có “điều bất bình với tôi”, tôi phải đến trước người ấy:  “việc đầu tiên, hãy đi làm hòa”, mà không gia tăng khoảng cách.  Nó không chỉ là vấn đề của việc đòi hỏi sự tha thứ:  thật là cấp bách để tái tạo lại những mối quan hệ anh em bởi vì điều tốt đẹp của anh em tôi là điều tốt đẹp của tôi.  Chúa Giêsu nói:  “Đi … trước khi”… Điều phải làm trước hết, trước khi cầu nguyện, trước khi bố thí, trước khi người khác hành động, là sự chuyển động của trái tim tôi, của con người tôi đối với những người khác.  Khi tiến đến với người khác như vậy, nó có mục đích hàn gắn lại sự đổ vỡ; một tiến trình dài đưa đến sự hòa giải.    

b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta suy gẫm và thưc hành.

1.  Trong đời sống của bạn, bạn có luôn sẵn sàng với lời yêu cầu của Chúa Giêsu cho một nền công lý tốt đẹp hơn không?  Bạn có biết rằng chúng chưa hoàn toàn ở trong nền công lý viên mãn không?

2.  Trong việc thực hành công lý, bạn đã có làm những việc giống như Chúa làm chưa?  Bạn có biết rằng công lý sống trong mối quan hệ con người đã được ban cho chúng ta không?  Một sự xác nhận bạn có thể tìm thấy trong lời của thánh Phaolô tông đồ:  “sự công chính của tôi có không phải do Lề Luật Môisen mang lại, mà nhờ vào đức tin nơi Đức Kitô, sự công chính đến từ Thiên Chúa dựa trên đức tin (Pl 3:9).

3.  Câu nói của Chúa Giêsu “nhưng Ta bảo các con” có phải chăng cũng là dành cho chúng ta như một mệnh lệnh hoặc như một giới răn không?  Chúng ta có biết rằng một nền công lý càng tuyệt vời thì không có gì khác hơn là lòng luôn sẵn sàng được đối mặt với sự hiện hữu của Đức Kitô, là Đấng công chính duy nhất không?

4.  Nền công lý của chúng ta có được liên kết mật thiết với điều gì đó của sự công bằng của Thiên Chúa, của sự ban tặng và sáng tạo của Người không?  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự công bằng; giải thoát chúng ta khỏi tình trạng tê liệt của tội lỗi; một khi được sự tự do, chúng ta cùng truyền đạt việc giải thoát này, thực hành một nền công lý không phán xét, nhưng luôn mở rộng, để chính nó dọn chỗ cho những người khác có thể quay trở lại với cuộc sống đích thực của chính mình. 

3.  Cầu Nguyện 

a)  Thánh Vịnh 119 (1-5, 17-18, 33-34):

Bài Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa với tất cả sức của mình.  Khả năng như vậy không chỉ là một nghĩa vụ bên ngoài nhưng còn là một món quà dành cho những ai đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.  Thực hành nền công lý mới để được vào Nước Trời không thể chỉ đạt được từ một cam kết cá nhân, mà từ một cuộc đối thoại quen thuộc và liên tục với Lời của Chúa.

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.
Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
 

Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây
để con được sống và tuân giữ lời Ngài.
Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.

Lạy CHÚA, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

b)  Lời nguyện kết

Lạy Chúa, Lời Chúa mà chúng con lắng nghe và suy niệm đã hiện ra với chúng con thật mãnh liệt, và đã đem đến khủng hoảng cho thái độ của chúng con:  “Hãy đi làm hòa trước đã!”  Việc phải làm trước nhất, trước khi đến trước bàn thánh, trước khi tiến dâng của lễ lên Chúa với tình yêu, trước khi một người anh em chủ động trước mặt quan tòa, xin Chúa hãy giúp cho trái tim chúng con hoàn thành được tiến trình trấn tĩnh lại được mối bất hòa, chia rẽ, để từ đó có thể tái tạo lại sự hài hòa đã mất.

4.  Chiêm Niệm

Thánh Gioan Kim Khẩu mời gọi chúng ta với lời mạnh mẽ và rắn chắc:  “Khi bạn từ chối tha thứ cho kẻ thù của bạn, bạn đã làm hại mình chứ không phải anh ta.  Những gì bạn đang chuẩn bị là một hình phạt cho bạn trong ngày phán xét” (Các bài giảng 2:6).  Hãy để cho con người bạn được biến đổi bởi tình yêu của Thiên Chúa; để thay đổi đời sống của bạn, bạn phải cải hóa chính mình, để tìm lại được con đường của đời sống.

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …