Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXVII Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXVII Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 8 Tháng Mười, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Dụ ngôn về những người tá điền sát nhân
Mt 21:33-43 

 

1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa, Chúa Nhật này con muốn cầu nguyện với một trong những hình ảnh đẹp nhất của Cựu Ước:  “Xin đừng bỏ rơi vườn nho tay hữu của Chúa đã trồng nên”.  Xin Chúa hãy tiếp tục vun xới và làm phong phú nó với tình yêu của Chúa.  Nguyện xin cho Lời Chúa trong phần Phụng Vụ Chúa Nhật tuần này là niềm hy vọng và an ủi cho con.  Xin cho con có thể suy gẫm những lời ấy và để cho chúng vang dội trong lòng con, cho cả đến cuối đời con.  Nguyện xin cho nhân loại của con là cái nôi màu mỡ để từ đó sự sinh động của Lời Chúa có thể nảy mầm.

 2.  Bài Đọc 

a)  Bối cảnh: 

Thánh Mátthêu đặt bài dụ ngôn về những người tá điền sát nhân ở giữa hai dụ ngôn khác:  dụ ngôn hai người con (21:28-32) và dụ ngôn tiệc cưới (22:1-14).  Cả ba dụ ngôn chứa đựng câu trả lời tiêu cực:  của người con trai đối với cha nó, của những người tá điền đối với chủ vườn nho và của một số khách mời đối với nhà vua làm tiệc cưới cho hoàng tử.  Cả ba dụ ngôn có khuynh hướng chỉ về một điểm duy nhất, đó là, những kẻ bởi vì họ không chấp nhận lời rao giảng và phép rửa của ông Gioan, bây giờ đồng thanh từ chối lời mời gọi cuối cùng của Thiên Chúa trong con người của Đức Giêsu.  Lời giới thiệu về dụ ngôn thứ nhất trong chương 21:28-33 cũng cần được xem như là lời giới thiệu bài dụ ngôn về những người tá điền sát nhân:  Sau khi Chúa Giêsu đã tiến vào khuôn viên của đền thờ, và trong khi Người đang giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đã đến gặp Người và nói:  Ông lấy quyền gì mà làm các điều ấy?  Ai đã cho ông quyền ấy?  Đó là tầng lớp thày cả quý tộc và giáo sĩ thế tục đến gặp Chúa Giêsu khi Người ở trong Đền thờ.  Họ đang lo lắng bởi việc Chúa Giêsu được mến mộ và hỏi Người những câu hỏi để tìm biết hai điều:  Người lấy quyền gì để làm những việc Người đang làm và nguồn gốc của quyền này.  Thực ra, câu trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất.  Các thượng tế và kỳ lão trong dân đòi hỏi một bằng chứng pháp lý, họ quên rằng các ngôn sứ nhận quyền trực tiếp từ Thiên Chúa.    

b)  Phúc Âm:   

33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng:  “Các ông hãy nghe dụ ngôn này:  Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa.  34 Đến mùa nho, ông sai đày tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi.  35 Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác.  36 Chủ nhà lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy.  37 Sau cùng, chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng:  ‘Họ sẽ kính nể con trai mình.’  38 Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau:  “Đứa con thừa tự kia rồi:  Nào anh em!  Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó.”  39 Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.  40 Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?”

41 Họ trả lời:  “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ đến mùa nộp phần hoa lợi.”  42 Chúa Giêsu phán:  “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh:  Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc tường; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?  43 Bởi vậy, Ta bảo các ông:  ‘Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm trổ sinh hoa trái.’

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Chúng ta không thể hiểu thấu được Lời của Chúa trừ phi chính Thiên Chúa mở lòng chúng ta (Cv 16:14).  Tuy nhiên, điều ấy tùy thuộc vào chúng ta khơi dậy sự tò mò của mình bằng cách lắng nghe, dừng lại và đứng trước Lời Chúa …

4.  Lời giải thích bài Tin Mừng 

a)  Một lời mời để lắng nghe:

Dụ ngôn bắt đầu với một lời mời gọi để lắng nghe:  Hãy nghe một dụ ngôn khác (câu 33).  Chúa Giêsu dường như thu hút sự chú ý của các người lãnh đạo trong dân về dụ ngôn Người sắp sửa công bố.  Đây là một mệnh lệnh, “lắng nghe”, mà không loại trừ một sự đe dọa nào đó (Gnilka) nếu chúng ta nhìn vào cách dụ ngôn kết thúc:  “Ta bảo các ông, lúc ấy, Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho một dân tộc khác biết làm trổ sinh hoa trái” (câu 43).  Mặt khác, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống với các môn đệ mà không có bất kỳ dấu hiệu của sự quở trách (Mt 13:18).

Sự giải thích về lời mời để lắng nghe có một chút đe dọa này là gì?  Câu trả lời là để được tìm kiếm trong các điều kiện kinh tế của vùng đất Paléstine vào thế kỷ thứ nhất.  Phần lớn đất đai đã thuộc về những ngoại kiều tự do là những người đã thuê đất theo từng nhóm.  Hợp đồng cho thuê với điều kiện là một phần của vụ thu hoạch sẽ nộp cho chủ đất, người này thực hiện quyền của họ bằng cách gửi người quản lý đến để thu nhặt phần hoa lợi của mình.  Trong tình huống như vậy, người ta có thể hiểu được những cảm xúc của tá điền đã vô cùng mệt mỏi:  họ cảm thấy rất chán nản và điều này đôi khi đưa đến cuộc nổi dậy.

Trong dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu đề cập đến tình trạng thực tế này nhưng đòi hỏi phải ở một trình độ hiểu biết cao hơn, đó là, tình trạng trở thành bản tóm tắt câu chuyện về Thiên Chúa và dân của Người.  Thánh Mátthêu mời gọi độc giả hãy đọc bài dụ ngôn trong một ý nghĩa biểu tượng:  Đằng sau “người chủ nhà” là hình ảnh của Thiên Chúa; đàng sau vườn nho là dân tộc Israel.   

b)  Việc chăm sóc cẩn thận vườn nho của người chủ nhà (câu 33): 

Thoạt đầu, sáng kiến của người chủ nhà là trồng một vườn nho.  Mátthêu dùng năm động từ để mô tả sự quan tâm và chăm sóc này:  trồng … rào giậu … đào … xây … cho thuê.  Sau khi ông đã trồng vườn nho, người chủ nhà cho tá điền thuê, và rồi trẩy đi phương xa.

c)  Nhiều nỗ lực của người chủ vườn để thu lại phần hoa lợi của vườn nho (các câu 34-36):  

Trong cảnh thứ hai, người chủ nhà hai lần sai các đày tớ của ông là những người có nhiệm vụ đi thu lại phần hoa lợi của vườn nho, đã bị ngược đãi và bị sát hại.  Hành động hung hăng và bạo lực này được mô tả với ba động từ:  đánh … giết … ném đá … (câu 35).  Bằng cách gửi một số đày tớ đông hơn trước và việc chịu đựng sự ngược đãi cũng tăng theo, Mátthêu muốn ám chỉ đến lịch sử của các tiên tri cũng bị ngược đãi tương tự như thế.  Chúng ta nhớ lại một số các vị này:  tiên tri U-ria bị giết bởi một lưỡi gươm (Gr 26:23); ngôn sứ Giêrêmia thì bị cùm (Gr 20:2); tiên tri Giacaria đã bị ném đá chết (2Sb 24:21).  Chúng ta có thể tìm thấy bản tóm lược phần lịch sử này của các ngôn sứ trong sách Nơ-khê-mia 9:26:  “Họ đã từng giết hại các ngôn sứ của Ngài…”        

d)  Cuối cùng ông sai chính con trai mình: 

Người đọc được mời gọi để nhận ra người con, người “cuối cùng” được sai đến, Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa, Đấng phải được kính nể và hoa lợi của vườn nho phải được thu nộp.  Đây là cố gắng cuối cùng của người chủ nhà.  Thuật ngữ “cuối cùng” định rõ người con là Đấng Mêssia.  Ngoài ra, có thể rằng đây là phương án loại trừ người con được mô phỏng theo một câu chuyện khác từ Cựu Ước:  các anh em của ông Giuse đã nói:  “Nào bây giờ, chúng ta hãy giết nó và ném nó vào trong một cái giếng ở đây!” (St 37:20).  

Bài dụ ngôn đạt đến tột đỉnh thương tâm với hậu quả của nhiệm vụ trao cho người con là anh ta đã bị các tá điền vườn nho giết đi để họ có thể tiếp thu vườn nho và chiếm đoạt quyền thừa kế.  Số phận của Chúa Giêsu được so sánh như của các ngôn sứ, nhưng là trưởng tử và là người thừa kế, cao trọng hơn các ngôn sứ.  Những so sánh học thuyết Kitô giáo như thế có thể tìm thấy trong Thư gửi Tín Hữu Do Thái, trong đó, tính ưu việt của Chúa Kitô là Trưởng Tử và là người thừa kế vũ trụ được tìm thấy trong bằng chứng:  “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Trưởng Tử.  Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài…” (các câu 1-2).

Có một chi tiết ở phần cuối dụ ngôn này mà chúng ta không nên bỏ qua:  bằng cách đặt cạnh nhau các chữ:  “họ lôi cậu ra khỏi vườn nho” theo sau bởi “họ giết cậu”, Mátthêu đã chủ ý ám chỉ đến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu nơi mà Chúa bị điệu ra để bị đóng đinh. 

e)  Cho các tá điền khác thuê vườn nho (các câu 42-43): 

Đoạn cuối của bài dụ ngôn khẳng định sự cất đi Nước Thiên Chúa và trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái, đó là, có khả năng sống với một đức tin sống động và một tình yêu thực tiễn.  Các từ ngữ “Ta bảo các ông, rồi … sẽ bị cất khỏi … và sẽ trao cho …” cho thấy sự nghiêm trọng của việc làm Thiên Chúa đánh dấu chấm dứt truyền thống dân tộc Do Thái cổ xưa và thiết lập một dân tộc mới.

5.  Suy gẫm cho sự rèn luyện Giáo Hội  

  Biểu tượng vườn nho cho chúng ta một tấm gương mà chúng ta có thể thấy phản ảnh lịch sử cộng đoàn và cá nhân về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa.  Ngày nay, vườn nho mà Chúa vun xới, chăm bón và giao phó cho chúng ta chính là Giáo Hội, các tá điền vườn nho (các cộng tác viên) là những người có nhiệm vụ tiếp tục sứ vụ Người đã khởi đầu.  Đây chắc chắn là một trách nhiệm nặng nề.  Tuy nhiên, giống như Giáo Hội, chúng ta nhận thức được sự căng thẳng còn tồn tại và Giáo Hội có thể phải trải qua kinh nghiệm giữa những người trung thành và kẻ bất trung, giữa những kẻ chối từ và người chào đón.  Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta biết, dù rằng có những khó khăn và dường như mong manh, không có gì có thể ngăn chặn được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, thậm chí ngay cả việc giết chết Con Thiên Chúa, và trong thực tế, đó là sự hy sinh để đạt được sự cứu rỗi cho tất cả mọi người.

  Chúng ta được gọi ở lại với Chúa Giêsu và tiếp tục sứ vụ của Người trong việc giúp đỡ các người đàn ông và phụ nữ đến gặp Người và được cứu rỗi; cố gắng mỗi ngày để ngăn chặn sự dữ và thực hiện mong ước làm điều tốt lành và nêu cao công lý.

  Giống như Giáo Hội, chúng ta được gọi để tìm hiểu, noi theo gương của Chúa Giêsu, để trải qua kinh nghiệm cuộc xung đột và có thể chịu đựng được những khó khăn trong việc quyết tâm rao giảng Tin Mừng của chúng ta.

  Bạn có tin rằng những thử nghiệm hướng dẫn tâm hồn chúng ta không?  Và những khó khăn có thể là một khí cụ để đo lường tính xác thực của chúng ta và sự bền đỗ của đức tin chúng ta không?

6.  Thánh Vịnh 80 (79) 

Tác giả Thánh Vịnh thể hiện lòng mong muốn của mọi người được tiếp cận với bàn tay của Thiên Chúa, Đấng khẩn hoang đất đai để trồng và cấy ghép vườn nho yêu quý của Người. 

Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.

Bóng um tùm phủ xanh đầu núi,
cành sum sê rợp bá hương thần,
nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.

Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn!
Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.

Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

Những người đã hoả thiêu chặt phá,
Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.
Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.

Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa, đã bao lần tình yêu được đền trả bằng sự vô ơn tối tăm nhất?  Không có gì tiêu cực hơn là cảm giác bị phản bội và bị đánh lừa, để biết rằng mình đã bị lừa dối.  Thậm chí còn khó hơn là nhận ra rằng rất nhiều những đối xử tử tế, rộng lượng, khoan dung, cởi mở và chân thành, và quyết tâm gắn bó đã không mang lại kết quả gì.

Lạy Chúa, Chúa đã có kinh nghiệm về sự vô ơn bội nghĩa của nhiều người.  Chúa đã nhẫn nại với những kẻ công kích Ngài.  Lạy Chúa, Đấng luôn tỏ lòng xót thương và hiền lành, xin giúp chúng con phấn đấu với tính khắc nghiệt của chúng con đối với những người khác.  Cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng con cũng cầu nguyện:  “Xin Chúa đừng bỏ bê vườn nho Chúa đã trồng”.   Sau lần gặp gỡ này với Lời Chúa, nguyện xin cho lời cầu nguyện của chúng con có thể trở thành lời nài van tha thiết hơn bao giờ hết để có thể chạm tới trái tim Chúa:  “Lạy Chúa, xin nâng chúng con dậy lần nữa, xin tỏ lộ thánh nhan Chúa và chúng con sẽ được ơn cứu rỗi”.  Lạy Chúa, chúng con rất cần lòng thương xót của Chúa và ngày nào tâm hồn chúng con còn tìm kiếm thánh nhan Ngài, đường cứu rỗi vẫn còn rộng mở cho chúng con.  Amen!

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …