Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXVIII Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXVIII Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 15 Tháng Mười, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Lời mời rộng rãi đến bàn tiệc Nước Trời
Đón nhận ơn cứu rỗi với sự chuẩn bị xứng đáng
Mt 22:1-14
 

 

1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý, được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh.  Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa.  Xin giúp chúng con học hỏi theo gương Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.

2.  Bài Đọc 

a)  Bối cảnh: 

Ý nghĩa của bài dụ ngôn khá rõ ràng khi chúng ta đọc trong bối cảnh của nó.  Nó đi kèm ngay sau một dụ ngôn khác về Nước Trời (21:33-43) và là một phần của cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thượng tế và người Biệt Phái về sứ vụ và quyền hạn của Người (xem 21:23-46). 

Trong dụ ngôn trước, dụ ngôn về vườn nho, Chúa Giêsu tóm tắt lịch sử ơn cứu độ.  Thiên Chúa đã bao phủ dân Israel với sự chăm sóc đặc biệt và hy vọng rằng với sự chăm nom như thế sẽ nảy sinh hoa trái dưới hình thức một đời sống trung thành và công bằng.  Đôi lúc, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở dân chúng về kết quả mà Thiên Chúa đã mong đợi, nhưng sứ vụ của họ luôn gặp phải sự chống đối của dân Israel.  Cuối cùng, Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Người, nhưng họ đã giết Người Con ấy.  Tại thời điểm này, Chúa Giêsu nói rằng bởi vì dân Israel tiếp tục chối bỏ Nước Trời, cho nên Vương Quốc Nước Trời sẽ được trao lại cho một dân tộc khác, đó là, dân ngoại (21:43).  Lời công bố này cho chúng ta chìa khóa dẫn đến bài đọc dụ ngôn của chúng ta, thực ra nó lặp lại sứ điệp của bài dụ ngôn trước nhưng dùng một hình ảnh khác và với các sắc thái khác nhau. 

Chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng cả hai dụ ngôn không thể có cách chi biện minh cho ý tưởng rằng Thiên Chúa đã phế bỏ dân tộc Israel để dành đặc ân cho Giáo Hội.  Chỉ cần đọc Thư gửi tín hữu Rôma các chương 9-11 để được thuyết phục ngược lại.  Chúa Giêsu nói những lời nghiêm khắc, những điều tiên tri, để kêu gọi dân của Người ăn năn hối cải và để họ chấp nhận Người.  Ngoài ra, các dân ngoại, những người mới được mời, cũng có nguy cơ bị ném ra ngoài nếu họ không mặc y phục lễ cưới.           

b)  Phúc Âm:   

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng:  ‘Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.  Vua sai đầy tớ đi thỉnh những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến.  Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng:  “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng:  Này Ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng.  Xin mời các ông đến dự tiệc cưới.”  Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi:  người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi.  Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu hủy thành phố của chúng.  Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng:  “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ được mời không đáng dự.  Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới.”  Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.  Đoạn vua đi vào quan sát những người khách dự tiệc, và thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới.  Vua liền nói với người ấy rằng:  ‘Này bạn, sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới?’  Người ấy lặng thinh.  Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng:  “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng!”  Vì những kẻ gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít.’ 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý 

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân. 

a)  Các khách mời từ chối lời mời dự tiệc đại diện cho những ai?  

b)  Các khách mời được tìm thấy trên các ngả đường đại diện cho những ai?     

c)  Người khách mà không mặc y phục lễ cưới đại diện cho những ai? 

d)  Trong đời sống của tôi, có “những việc cấp bách” nào đã ngăn trở tôi nhận lời mời của Thiên Chúa không?

e)  Y phục lễ cưới mà Thiên Chúa muốn tôi mặc để tham dự vào tiệc cưới của Vương Quốc Nước Trời là gì? 

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

·         Bàn tiệc Nước Trời

Các ngôn sứ thường công bố những lợi ích của ơn cứu rỗi và cách đặc biệt cho những người vào thời kỳ cánh chung thông qua hình ảnh của bữa tiệc.  Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này (Is 25:6-10a) là một ví dụ.  Giống như Đức Giêsu, ngôn sứ Isaia cũng nói về một bữa tiệc được chuẩn bị bởi Thiên Chúa cho mọi dân tộc.  Tuy nhiên, dân tộc Israel và đặc biệt là thành phố Giêrusalem vẫn là tâm điểm của kế hoạch Thiên Chúa như là trung gian của ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.  Tuy nhiên trong phần Tân Ước, mặc dù có một sự thừa nhận rằng “ơn cứu độ đến từ dân Do Thái” (Ga 4:22), Đấng trung gian duy nhất của ơn cứu rỗi là Chúa Giêsu, Đấng tiếp tục thực hiện sự hòa giải của mình thông qua cộng đoàn các môn đệ của Người, đó là Giáo Hội.

·         Y phục lễ cưới

Thật là một sự xúc phạm đến người đã đạt lời mời đến dự bữa đại tiệc mà người dự tiệc lại mặc quần áo làm việc thường ngày.  Đó là dấu hiệu của việc coi thường cơ hội mà người ấy được mời tham dự.  Hình ảnh này, được dùng trong dụ ngôn về Nước Trời, muốn truyền đạt ý tưởng rằng người ta không thể bước vào Nước Trời mà không có sự chuẩn bị, và việc chuẩn bị duy nhất là thay đổi.  Trong thực tế, việc thay đổi y phục trong Kinh Thánh có nghĩa là thay đổi lối sống hoặc được cải đổi (xem ví dụ ở Rm 13:14; Gal 3:27; Êph 4:20-24).  

·         “Những kẻ được gọi thì nhiều mà những người được chọn thì ít”

Câu nói này là một cách nói của người Do Thái.  Trong trường hợp không có sự so sánh, Kinh Thánh Do Thái dùng câu diễn tả được dựa trên sự đối chọi mạnh mẽ.  Vì thế, câu diễn tả này không nói gì về mối quan hệ tỉ số giữa những kẻ được gọi gia nhập Hội Thánh và những người được chọn vào sự sống đời đời.  Tuy nhiên, nó cũng đúng là dụ ngôn làm cho sự phân biệt giữa lời mời gọi của ơn cứu độ với sự chọn lựa và lòng kiên trì cuối cùng.  Lòng quảng đại của vị quân vương thật là to lớn, nhưng chúng ta phải nghiêm túc về những yêu cầu của Nước Trời.  Câu nói này là lời kêu gọi cấp bách rằng nếu chỉ là tư cách hội viên chính thức dân riêng của Thiên Chúa thôi thì chưa đủ đâu.  Chúng ta không thể xem ơn cứu rỗi là điều tất nhiên.  Ở đây Chúa Giêsu theo sát một cách chặt chẽ lời giảng dạy của các ngôn sứ.  Xem lại sách Gr 7:1-15 và Ov 6:1-6.  

6.  Thánh Vịnh 47

Thiên Chúa là vua dân Israel và khắp địa cầu

Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!
Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.

Chính Người bắt muôn dân muôn nước
phải phục quyền và quỵ luỵ chúng tôi.
Người chọn lựa cho chúng tôi phần cơ nghiệp,
cơ nghiệp làm cho kẻ Người thương là Gia-cóp
được nở mặt nở mày.
Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
CHÚA ngự lên, vang dội tiếng tù và.

Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa!
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta!
Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.

Kìa vương hầu các dân tề tựu
cùng dân Thiên Chúa, Chúa của Ábra-ham.
Mọi thủ lãnh trần gian thuộc quyền Thiên Chúa,
Đấng siêu việt ngàn trùng!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa, Chúa của toàn thế giới và là Vua của muôn dân.  Từ thuở sơ khai, Chúa đã chuẩn bị bữa tiệc linh đình cho con cái Người và Chúa muốn tề tựu chúng con chung quan bàn tiệc Chúa để chia sẻ trong chính cuộc sống của Chúa.  Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã gọi chúng con vào trong Hội Thánh Chúa qua Đức Giêsu, Con của Chúa.  Nguyện xin cho Thần Khí Chúa làm cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng tiếp tục chấp nhận lời mời của Chúa và xin cho chúng con, qua Chúa Thánh Thần, trở nên con người mới, được tạo dựng ra theo ý Thiên Chúa trong công lý và trong sự thánh thiện đích thực, trong hình ảnh của Chúa Kitô, để chúng con có thể cùng tiến vào bàn tiệc của Nước Chúa với vô số các anh chị em.  Xin hãy dùng chúng con, nếu Chúa muốn thế, để tiếp tục kêu gọi những người khác đến dự bàn tiệc chung của Vương Quốc Chúa.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô là Chúa của chúng con.  Amen!

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …