Việc nộp thuế cho Cêsarê
Khi kẻ giả hình gài bẫy người ngay thẳng
Mt 22:15-21
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin cho Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 22:15-17: Câu hỏi của các người Biệt Phái và Hêrôđê
Mt 22:18-21: Câu trả lời của Chúa Giêsu
b) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Chúa Giêsu đi từ xứ Galilê đến thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua hằng năm. Khi tiến vào thành thánh, Người được dân chúng chào đón hoan hô (Mt 21:1-11). Chúa lập tức đi đến đền thờ, nơi đó Người đuổi các kẻ buôn bán trong đền thờ (Mt 21:12-16). Dù rằng Chúa ở lại Giêrusalem, nhưng Người nghỉ qua đêm ở bên ngoài thành và trở lại thành vào buổi sáng (Mt 22:17). Tình hình trở nên rất căng thẳng. Trong các cuộc tranh luận với các nhà đương cuộc, các thượng tế, kỳ lão và các người Biệt Phái tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nói ra ý nghĩ của mình trong các dụ ngôn (Mt 21:23a – 22:14). Họ rất muốn bắt giữ Người, nhưng họ lại sợ (Mt 21:45-46). Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này nói về việc nộp thuế cho Cêsarê (Mt 22:15-21) được lồng trong tình trạng xung đột giữa Chúa Giêsu và các kẻ cầm quyền.
c) Phúc Âm:
15 Khi ấy, các người Biệt Phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. 16 Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay thẳng, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa, Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. 17 Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào. Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không? 18 Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? 19 Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế.” Họ đưa cho Người một đồng bạc. 20 Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” 21 Họ thưa rằng: “Của Cêsarê.” Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài dụ ngôn động chạm đến bạn nhất? Tại sao?
b) Nhóm người cầm quyền nào đang sẵn sàng để gài bẫy Chúa Giêsu? Bẫy ấy là gì?
c) Chúa Giêsu đã làm gì để tránh khỏi bị sập bẫy gài bởi bọn người có quyền thế?
d) Ngày nay, câu nói “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” có ý nghĩa gì?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối cảnh đoạn Phúc Âm của chúng ta trong Tin Mừng Mátthêu:
Như chúng ta đã nói, bối cảnh của Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mươi chín là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những kẻ có thẩm quyền. Nó bắt đầu với cuộc thảo luận với các thượng tế và kỳ lão về quyền bính của Đức Giêsu (Mt 21:23-27). Sau đó là dụ ngôn về hai người con trai trong đó Chúa Giêsu lên án việc đạo đức giả của một vài nhóm người (Mt 21:28-32). Tiếp theo là hai dụ ngôn, một về những tá điền sát nhân (Mt 21:33-46) và dụ ngôn kia nói về những khách được mời đã từ chối đi dự tiệc cưới (Mt 22:1-14). Tại thời điểm này trong đoạn Tin Mừng của chúng ta (Mt 22:15-22), những người Biệt Phái và những người thuộc phái Hêrôđê xuất hiện và giăng một cái bẫy. Họ hỏi Chúa về việc đóng thuế cho người La-mã. Đó là một câu hỏi phiền hà đã gây chia rẽ trong dân chúng. Bằng mọi giá, họ muốn cáo buộc Chúa Giêsu và để làm giảm bớt ảnh hưởng của Người trên dân chúng. Lập tức sau đó, các người phái Sađốc bắt đầu hỏi Người về sự sống lại của kẻ chết, đó là một câu hỏi gây tranh cãi khác và tạo ra sự bất đồng giữa những người Sađốc và Biệt Phái (Mt 22:23-33). Tất cả đều kết thúc với một cuộc thảo luận về điều răn cao trọng nhất (Mt 22:34-40) và Đấng Mêssia là con của vua Đavít (Mt 22:41-45).
Giống như Chúa Giêsu, Kitô hữu của các giáo đoàn ở Syria và Palestine, những người mà Mátthêu đang viết Tin Mừng cho họ, đã bị cáo buộc và thẩm vấn bởi các kẻ cầm quyền, bởi các nhóm người khác và bởi những người hàng xóm của họ là những kẻ đã cảm thấy áy náy bởi sự làm chứng của các môn đệ. Khi đọc những đoạn này về cuộc xung đột với những kẻ có quyền thế, họ đã cảm thấy được an ủi và khích lệ để tiếp tục cuộc hành trình của họ.
b) Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 22:15-17: Câu hỏi của những người Biệt Phái và những người thuộc phái Hêrôđê.
Những người Biệt Phái và những người thuộc phái Hêrôđê là các người có thẩm quyền tại địa phương đã không vui khi thấy Đức Giêsu được sự mến mộ tại xứ Galilê. Họ quyết định đã đến lúc phải trừ khử Chúa Giêsu (Mt 12:14; Mc 3:6). Bấy giờ, tuân theo lệnh của các thượng tế và kỳ lão, họ muốn biết Chúa Giêsu thiên về phe ủng hộ hay phe chống đối lại việc nộp thuế cho người La Mã. Một câu hỏi có chủ tâm, đầy ác ý! Dưới chiêu bài của lòng trung thành với lề luật Thiên Chúa, họ tìm kiếm lý do để cáo buộc Người. Nếu Chúa Giêsu trả lời là: “Các ông phải nộp thuế!” thì họ sẽ buộc tội Người, cùng với dân chúng, là Người đi theo những kẻ xâm lược La Mã. Nếu Chúa trả lời là: “Các ông đừng nên nộp thuế!” thì họ sẽ buộc tội Người, cùng với chính quyền La Mã, là Người có âm mưu tạo phản. Một tiến thoái lưỡng nan!
Mt 22:18-21a: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế.
Chúa Giêsu nhìn thấy được sự đạo đức giả của họ. Trong câu trả lời của Người, Chúa đã không phí thì giờ trong cuộc tranh luận vô bổ và đi thẳng vào trọng tâm của câu hỏi: “Hình tượng này và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê!”
Mt 22:21b: Lời kết luận của Chúa Giêsu
Bấy giờ Chúa Giêsu mới đưa là lời kết luận: “Vậy cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa!” Thực ra, họ đã thừa nhận thẩm quyền của Cêsarê. Họ đã trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê kể từ khi họ xử dụng tiền ấy để mua bán đổi chác và thậm chí còn trả tiền cống nạp cho Đền Thờ! Vì thế, câu hỏi thật là vô dụng. Tại sao lại đặt vấn đề về điều mà câu trả lời đã quá rõ ràng hiển nhiên như thế? Họ, những người mà dựa vào câu hỏi, giả vờ là những tôi tớ của Thiên Chúa, mà thực ra quên bẵng đi điều quan trọng nhất: họ đã quên trao cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa! Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu là “họ phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”, đó là, họ lừa dối mọi người vì họ đã đưa người ta xa lìa Thiên Chúa qua chính tội lỗi của họ, bởi vì qua các giáo lý của họ, họ đã ngăn cản, không cho thiên hạ vào Nước Trời (Mt 23:13). Những người khác nói: “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”, có nghĩa là, thực hiện nền công lý và sự trung thực theo sự đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, bởi vì qua sự đạo đức giả của bạn, bạn đang chối từ Thiên Chúa những gì thuộc về Người. Các môn đệ phải nhận biết điều này! Bởi vì chính sự giả hình của những người Biệt Phái và Hêrôđê đã làm mắt của họ không trông thấy (Mc 8:15).
c) Đào sâu hơn: Tiền thuế, tiền cống nạp, tiền xâu và tiền dâng cúng:
Vào thời của Chúa Giêsu, người dân Palestine đã trả rất nhiều tiền thuế, xâu, cống nạp, tiền phạt, tiền đóng góp, tiền tặng dữ và dâng cúng. Một số học giả thẩm định rằng phân nửa lợi tức của một gia đình phải dùng để trả thuế. Sau đây là danh sách để cho thấy tất cả những gì dân chúng đã trả dưới hình thức thuế má:
* Thuế trực thu trên tài sản và thuế thân:
Thuế tài sản (tributum soli). Các nhân viên thuế của chính phủ kiểm kê các tài sản, sản lượng, số lượng người nô lệ và sau đó thì chỉ định số tiền phải nộp. Định kỳ, các khoản thuế mới được thiết lập dựa theo cuộc kiểm tra dân số.
Thuế thân (tributum capitis). Dành cho người nghèo không có đất đai. Khoản này bao gồm cả phụ nữ và nam giới trong lứa tuổi từ 12 đến 65. Thuế dựa trên lực lượng lao động là 20% lợi tức của từng cá nhân.
* Thuế gián thu trên các dịch vụ trao đổi khác nhau:
Vương miện vàng: Khởi đầu đây là một món quà cống tặng cho hoàng đế, nhưng sau đó đã trở thành một món thuế bắt buộc. Nó được trả vào những dịp đặc biệt như vào các ngày lễ hội hay các chuyến ngự lãm của hoàng đế.
Thuế muối: Muối là đặc quyền của hoàng đế. Tiền nạp cống phải được trả cho số muối được xử dụng trong thương mại. Ví dụ, muối được dùng bởi các ngư phủ để muối cá. Đó là nguồn gốc của chữ “lương bổng”.
Thuế chuyển nhượng: Đối với mỗi một cuộc giao dịch thương mại, tiền thuế là 1%. Chính các nhân viên thuế vụ sẽ thu góp tiền thuế này. Ví dụ, mua một người nô lệ, họ đòi 2% thuế.
Thuế hành nghề: Làm bất cứ một nghề nào, người ta cần phải có giấy phép. Ví dụ, một người thợ đóng giầy ở Palmira phải trả một đồng tiền thuế mỗi tháng. Một đồng tiền tương đương với một ngày lương. Ngay cả các cô gái mãi dâm cũng phải đóng thuế.
Thuế xử dụng các tiện ích công cộng: Hoàng đế Vespasian đã đưa ra một loại thuế dựa trên việc xử dụng các phòng tắm công cộng ở Rôma. Ông ta đã thường nói: “Tiền không có mùi!”
* Các loại thuế và nghĩa vụ khác:
Thuế đi đường: Đây là một loại thuế trên sự chuyển động của hàng hóa, được thu góp bởi những người thu thuế. Thuế đi đường phải được trả cho đường xá. Tại một số địa điểm cố định có các binh sĩ cưỡng bách những kẻ đã miễn cưỡng trả thuế.
Cưỡng bách lao động: Mọi người đều có thể bị buộc phải làm một số dịch vụ cho nhà nước trong năm năm, không có thù lao. Đây là lý do tại sao ông Simon bị buộc phải vác thập giá cho Chúa Giêsu.
Trợ cấp đặc biệt cho quân đội: Dân chúng có nhiệm vụ phải cung cấp nơi ăn chốn ở cho binh lính. Mọi người cũng buộc phải trả một khoản tiền nhất định để nuôi dưỡng và hỗ trợ quân đội.
* Thuế cho Đền Thờ và cho việc Phụng Thờ:
Shekhalim: Đây là thuế để bảo trì Đền Thờ.
Tithe: Đây là thuế để nuôi dưỡng các thày cả. “Tithe” có nghĩa là thập phân!
Hoa quả đầu mùa: Đây là loại thuế cho việc phụng thờ. Đó là, hoa trái đầu tiên của tất cả các nông sản.
6. Thánh Vịnh 12
Chống lại miệng lưỡi dối gian
Xin cứu nguy, lạy CHÚA, vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh,
giữa loài người, không một kẻ tín trung.
Người với người chỉ nói lời gian dối,
môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.
Ước gì CHÚA xẻo môi phỉnh phờ, và cắt lưỡi ba hoa!
Bọn chúng nói: “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi,
với môi mép này, ai làm chủ được ta? “
CHÚA phán rằng: “Trước cảnh người nghèo bị áp bức,
kẻ khốn cùng rên siết thở than,
giờ đây Ta đứng dậy,
ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ.”
Lời CHÚA phán là lời chân thật,
như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.
Vâng lạy CHÚA, Ngài bảo vệ chúng con,
giữ cho khỏi bọn này mãi mãi.
Phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn,
chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.