Cái gì là tinh sạch và cái gì là ô uế
Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng của người dân: sống trong bình an với Thiên Chúa
Mc 7:1-8, 14-15, 21-23
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
* Phần Tin Mừng của Chúa Nhật XXII Thường Niên mô tả phong tục tôn giáo vào thời Chúa Giêsu, nói về những người Biệt Phái đã dạy mọi người những phong tục tập quán và về giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến vần đề này. Nhiều phong tục tập quán này đã mất đi ý nghĩa của chúng và làm cho đời sống người dân vất vả. Người Biệt Phái nhìn thấy tội lỗi trong tất cả mọi thứ và răn đe với hình phạt trong hỏa ngục! Lấy ví dụ, dùng bữa mà không rửa tay trước bị xem là tội lỗi. Nhưng những phong tục tập quán này tiếp tục truyền dạy qua các thế hệ và được dạy từ nỗi sợ hãi hoặc từ mê tín dị đoan. Bạn có biết bất kỳ một tập quán tôn giáo nào đã mất đi ý nghĩa của nó mà vẫn còn được giảng dạy không? Trong văn bản của bài đọc, chúng ta sẽ cố gắng nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu liên quan đến những gì Người nói về các người Biệt Phái và những gì Người giảng dạy liên quan đến các tập tục tôn giáo được truyền dạy bởi người Biệt Phái.
* Văn bản của phần phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày một số câu Tin Mừng và bỏ ra các câu khác để rút ngắn bài Tin Mừng và làm cho nó dễ hiểu hơn. Vì lợi ích của sự hoàn chỉnh, chúng tôi dùng toàn bộ văn bản và cũng cho ý kiến về những câu bị bỏ ra khỏi phần phụng vụ. Các phần bị bỏ ra trong phần phụng vụ được viết bằng chữ nghiêng.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 7:1-2: Cuộc tấn công của người Biệt Phái và sự tự do của các môn đệ
Mc 7:3-4: Lời giải thích của Máccô về Truyền Thống của các Tiền Nhân
Mc 7:5: Những người Kinh Sư và Biệt Phái chỉ trích cách cư xử của các môn đệ Chúa Giêsu
Mc 7:6-8: Câu trả lời cứng rắn của Chúa Giêsu liên quan đến việc không mạch lạc của người Biệt Phái
Mc 7:9-13: Một ví dụ cụ thể về cách thức người Biệt Phái đánh đổ tất cả ý nghĩa về giới răn của Thiên Chúa
Mc 7:14-16: Lời giải thích của Chúa Giêsu với dân chúng: một phương cách mới đến với Thiên Chúa
Mc 7:17-23: Lời giải thích của Chúa Giêsu với các môn đệ
c) Tin Mừng:
1 Khi ấy, những người Biệt Phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, 2 và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. 3 Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, 4 và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. 5 Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” 6 Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. 7 Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. 8 Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Môisen đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “Ko-ban” (nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi), 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”
14 Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. 15Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.
16 Ai có tai nghe thì nghe!” 17 Khi Đức Giêsu đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: dâm ô, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. 23 Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Trong đoạn Tin Mừng này, điều gì đã làm bạn hài lòng nhất hoặc làm bạn cảm động nhất? Tại sao?
b) Theo văn bản, những tập tục nào mà người Biệt Phái đã dạy cho dân chúng? Chúa Giêsu chỉ trích những người Biệt Phái trong những điều gì?
c) Trong văn bản này, phương cách mới mà Chúa Giêsu chỉ cho người ta đến với Thiên Chúa là gì?
d) Nhân danh “truyền thống tiền nhân” họ không tuân giữ giới răn của Chúa. Điều này có còn xảy ra ngày nay không? Ở đâu? Khi nào?
e) Những người Biệt Phái thực ra là người Do Thái, nhưng đức tin của họ đã tách rời khỏi đời sống của dân chúng. Chúa Giêsu chỉ trích họ về điều này. Chúa Giêsu có sẽ chỉ trích chúng ta ngày nay không? Tại sao?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh thời ấy và ngày nay:
i) Trong phần Đọc và Suy Niệm Lời Chúa này, chúng ta hãy nhìn kỹ vào thái độ của Chúa Giêsu liên quan đến câu hỏi về sự tinh sạch. Máccô đã đề cập đến vấn đề này. Trong sách Máccô chương 1:23-28, Chúa Giêsu đã trục xuất một thần ô uế. Trong Mc 1:40-45, Người chữa lành một kẻ bị phong cùi. Trong Mc 5:25-34, Chúa chữa một người phụ nữ bị xem là không thanh sạch. Trong nhiều dịp khác, Chúa Giêsu đã chạm vào những người bệnh tật về thể chất mà không lo ngại mình sẽ trở nên ô uế. Tại đây, trong chương 7, Chúa Giêsu giúp dân chúng và các môn đệ của mình hiểu sâu hơn về ý tưởng của sự tinh sạch và các quy định về sự tinh sạch.
ii) Trong hằng nhiều thế kỷ, người Do Thái đã không đụng chạm đến những gì bị xem là ô uế, tiếp xúc với dân ngoại và ăn uống với họ là điều cấm kỵ. Trong thập niên 70, khi Máccô đang viết sách Tin Mừng của ông, một số người Do Thái cải đạo đã nói: “Chúng ta bây giờ đã là những Kitô hữu thì chúng ta phải gạt bỏ những tập tục xưa cũ đã khiến chúng ta xa cách với những người dân ngoại theo đạo!” Nhưng có một số những người Do Thái cải đạo khác cho rằng họ phải tiếp tục tuân giữ các lề luật liên quan đến sự khiết tịnh. Thái độ của Chúa Giêsu, như được mô tả trong phần Tin Mừng hôm nay, giúp khắc phục vấn đề này.
b) Lời bình luận về văn bản:
Mc 7:1-2: Sự kiểm soát của những người Biệt Phái và sự tự do của các môn đệ
Những người Biệt Phái và một số Kinh Sư tại Giêrusalem quan sát các môn đệ của Chúa Giêsu ăn bánh với bàn tay không tinh sạch. Có ba điểm đáng chú ý: (i) Các Kinh Sư là người ở Giêrusalem, ở kinh đô! Điều này có nghĩa là họ đã đến để quan sát và kiểm soát các hoạt động của Chúa Giêsu. (ii) Các môn đệ không rửa tay trước khi ăn! Điều này có nghĩa rằng việc các ông sống với Chúa Giêsu đã cho các ông sự can đảm để vượt qua các quy luật đặt ra bởi truyền thống mà họ đã nhạy cảm cả đời. (iii) Tập tục rửa tay, cho đến ngày nay vẫn còn là vấn đề vệ sinh cần thiết, đã mang lấy một ý nghĩa tôn giáo đề dùng cho việc kiểm soát và phân biệt đối xử đối với người ta.
Mc 7:3-4: Lời giải thích của Máccô về Truyền Thống của các Tiền Nhân
“Truyền thống của các tiền nhân” được truyền lại thành các quy tắc cho dân chúng phải tuân theo để đạt được sự thanh sạch đòi hỏi bởi lề luật. Việc tuân giữ sự thanh sạch được coi như là một vấn đề rất nghiêm trọng. Họ nghĩ rằng một người không thanh sạch thì không thể nhận lãnh được phúc lành đã hứa bởi Thiên Chúa cùng ông Abraham. Các quy tắc liên quan đến sự thanh sạch tinh khiết được giảng dạy theo một cách mà khi người ta tuân giữ chúng, thì họ có thể đi trên con đường tiến đến Thiên Chúa, nguồn gốc của bình an. Tuy nhiên, thay vì là nguồn gốc của sự bình an, những quy tắc này đã là những xiềng xích, một hình thức của chế độ nô lệ. Trên thực tế, những người bần cùng không thể nào tuân giữ được những lề luật và quy tắc này. Do đó, người dân đen bị khinh thường, bị coi là dốt nát và bị nguyền rủa vì không biết lề luật (Ga 7:49).
Mc 7:5: Những người Kinh Sư và Biệt Phái chỉ trích cách cư xử của các môn đệ Chúa Giêsu
Các Kinh Sư và người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu: Tại sao các môn đệ của Ngài không tôn trọng truyền thống của tiền nhân mà dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch? Họ giả vờ như muốn biết lý do về cách cư xử của các môn đệ. Thật ra, họ đang chỉ trích Chúa Giêsu đã để cho các môn đệ của mình xem thường các quy tắc liên quan đến sự tinh sạch. Các kinh sư và luật sĩ là những người giám thị của giáo điều. Họ cống hiến cuộc đời họ cho việc nghiên cứu về lề luật Thiên Chúa và dạy người ta làm thế nào để tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo, đặc biệt là các quy tắc liên quan đền việc tinh sạch. Những người Biệt Phái là một loại phường hội mà mối bận tâm chính của họ là tuân giữ tất cả các lề luật liên quan đến sự tinh khiết. Chữ Biệt Phái có nghĩa là đứng riêng ra. Họ đã nỗ lực để tuân giữ hoàn toàn tất cả các lề luật về sự tinh khiết, mọi người sẽ trở nên tinh khiết, được chọn lọc riêng biệt và thánh thiện như các Lề Luật Truyền Thống đòi hỏi! Bởi vì sự chứng tá mẫu mực của cuộc sống của họ theo luật lệ thời bấy giờ, họ đã nắm giữ quyền hành cao trọng trong các thôn làng miền Galilêa.
Mc 7:6-8: Câu trả lời cứng rắn của Chúa Giêsu liên quan đến việc không mạch lạc của người Biệt Phái
Chúa Giêsu trả lời bằng sự trích dẫn sách tiên tri Isaia: Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người. Nhưng đó chỉ là những sáo ngữ (Is 29:13). Bởi vì, bằng cách nhấn mạnh về các quy tắc liên quan đến sự tinh sạch, những người Biệt Phái đã làm vô nghĩa các giới răn lề luật của Thiên Chúa về sự kết hợp tất cả. Chúa Giêsu lập tức đưa ra một ví dụ cụ thể về cách thức mà họ làm cho giới răn của Chúa thành vô nghĩa.
Mc 7:9-13: Một ví dụ cụ thể về cách thức người Biệt Phái đánh đổ tất cả ý nghĩa về giới răn của Thiên Chúa
“Truyền thống của tiền nhân” đã dạy: một người con cống hiến tài sản của mình vào Đền Thờ, thì không có thể dùng những tài sản này mà phụ giúp cha mẹ mình khi họ cần đến. Như vậy, vì nhân danh truyền thống, họ đã làm mất đi sự mạch lạc của giới răn thứ tư về thảo kính cha mẹ. Ngày nay vẫn còn có những người như thế. Họ dường như tuân giữ giới răn, nhưng chỉ là bề ngoài. Bên trong, trái tim họ thì xa cách với Thiên Chúa! Như trong một bài thánh ca của chúng ta đã nói: “Tên của Người là Đức Giêsu Kitô và Người đang đói, người đang sống bên lề đường. Và khi người ta trông thấy Người, họ liền rảo bước nhanh chân đến nhà thờ!” Trong thời của Chúa Giêsu, người ta, trong sự khôn ngoan của họ, đã không đồng ý với tất cả những gì họ đã được giảng dạy. Họ hy vọng rằng một ngày nào đó Đấng Cứu Thế sẽ đến để chỉ cho họ một cách thức khác để trở nên tinh sạch. Niềm hy vọng này đã đến và ở trong Chúa Giêsu.
Mc 7:14-16: Lời giải thích của Chúa Giêsu với dân chúng: một phương cách mới đến với Thiên Chúa
Chúa Giêsu nói với đám đông: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế!” (Mc 7:15). Chúa Giêsu đảo ngược mọi điều: điều làm cho ô uế không từ bên ngoài vào trong con người, như các luật sĩ đã giảng dạy, mà là điều từ bên trong con người làm cho người ta ô uế. Do đó, người ta không cần phải hỏi xem thức ăn hay thức uống này có thanh sạch hay không. Chúa Giêsu đặt vấn đề về sự thanh sạch và ô uế trên một cấp độ cao hơn, ở cấp độ của tư cách đạo đức. Người chỉ cho con đường đi đến Thiên Chúa, và do đó đáp ứng được mong muốn sâu xa nhất của đám đông. Chúa Giêsu kết thúc lời giải thích của mình với một câu nói mà Người thích sử dụng: Ai có tai để nghe thì hãy nghe! Hay là: “Chỉ thế thôi! Các ngươi đã nghe Ta nói! Bây giờ hãy cố mà hiểu!” Nói cách khác, hãy dùng trí óc của các ngươi và suy nghĩ thông thường mà nhìn vào những sự việc thông qua kinh nghiệm sống của các ngươi.
Mc 7:17-23: Lời giải thích của Chúa Giêsu với các môn đệ
Các môn đệ không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì. Khi các ông trở về nhà, họ xin Người giải thích. Chúa Giêsu đã kinh ngạc. Người nghĩ rằng các ông đã hiểu. Trong lời giải thích của Người, Chúa đã đào sâu vào trong vấn đề liên quan đến sự thanh sạch. Người tuyên bố tất cả mọi thức ăn đều tinh khiết! Không có một thực phẩm nào từ bên ngoài đi vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế, bởi vì nó không nhập tâm mà chỉ vào trong dạ dày và rồi bị thải ra ngoài. Chúa Giêsu nói, điều mà làm cho người ta ra ô uế là từ bên trong con người, từ trái tim, và nó làm nhiễm độc những mối quan hệ của con người. Rồi Người nhắc đến: “dâm ô, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng”. Như vậy, trong nhiều cách, bằng phương tiện lời nói, hành động hoặc sống chung với nhau, Chúa Giêsu đã giúp người ta hiểu được sự thanh khiết. Bằng phương tiện lời nói, Người chữa lành kẻ phong cùi (Mc 1:40-44), xua trừ thần ô uế (Mc 1:26,39; 3:15,22, v.v.) và chiến thắng được cái chết, căn nguyên của mọi sự ô uế. Bằng phương tiện hành động, người phụ nữ bị xa lánh và bị coi là ô uế được chữa lành (Mc 5:25-34). Bằng phương cách sống chung với Chúa Giêsu, các môn đệ đã có can đảm bắt chước Chúa Giêsu, Đấng không hề sợ bị ô nhiễm, đã dùng bữa chung với những người bị xem là ô uế (Mc 2:15-17).
c) Phần phụ chú:
Luật lệ về sự thanh khiết và ô uế vào thời Chúa Giêsu
Thời bấy giờ, người ta lo lắng rất nhiều về sự thanh khiết. Các quy tắc liên quan đến sự thanh khiết được chỉ về các điều kiện cần thiết để được hưởng thánh nhan Thiên Chúa sắp tới và để cảm thấy xứng đáng trước mặt Người. Người ta không thể đến trước mặt Thiên Chúa theo bất kỳ phương cách xưa cũ. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh! Lề Luật đã nói: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh!” (Lv 19:2). Bất cứ ai không thanh sạch thì không thể hiện diện trước Thiên Chúa để nhận lành phúc lành đã hứa với Abraham.
Đối với chúng ta, để hiểu thấu được mức độ nghiêm trọng của những lề luật liên qua đế sự tinh sạch này, chúng ta có thể nhớ lại những gì đã xảy ra trong Giáo Hội chúng ta hơn năm mươi năm trước. Trước Công Đồng Vatican II, để rước lễ vào buổi sáng, người ta phải giữ chay từ nửa đêm. Bất cứ ai rước lễ mà không giữ chay thì đã phạm tội trọng gọi là phạm sự thánh. Chúng ta đã cho rằng một chút thức ăn hoặc thức uống nào sẽ làm cho chúng ta trở nên bất thanh sạch để nhận lãnh Mình Thánh Chúa.
Vào thời Chúa Giêsu cũng thế, có nhiều vấn đề và hoạt động khiến cho một người trở nên ô uế và do đó không thể đến trước Thiên Chúa: Động chạm vào người cùi, ăn uống chung với người thu thuế, ăn mà không rửa tay trước, chạm vào máu hoặc thi thể người chết và nhiều thứ khác. Tất cả những điều này làm cho người ta trở nên ô uế, và bất kỳ một sự đụng chạm nào với người ấy thì sẽ trở nên ô uế. Đó là lý do tại sao những người “ô uế” phải tránh mặt. Người ta sống chia cách, luôn luôn bị đe dọa bởi quá nhiều thứ ô uế đe dọa cuộc sống của họ. Tất cả người ta đều sợ hãi mọi người và mọi thứ.
Giờ đây, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, tất cả mọi thứ thay đổi cách đột ngột! Bằng vào sự tin tưởng nơi Đức Giêsu, người ta đã có thể đạt được sự thanh khiết và cảm thấy dễ chịu trước Thiên Chúa mà không phải tuân thủ tất các các lề luật và quy tắc của “truyền thống tiền nhân”. Thật là một sự giải thoát riêng tư và thực sự! Tin Mừng được công bố bởi Đức Giêsu giải thoát người ta khỏi thái độ phòng vệ và khôi phục lại cho họ hương vị của đời sống, niềm hân hoan được làm con cái Thiên Chúa, mà không lo được hạnh phúc!
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 24 (23)
Ai được trèo lên cao sơn Chúa!
CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng
ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.