Dụ ngôn về người hành khất Lazarô và nhà phú hộ
Cả hai chỉ ngăn cách bởi một cánh cửa đóng
Lc 16:19 – 31
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên tuần này, phần Phụng Vụ đặt trước chúng ta dụ ngôn về người hành khất Lazarô, ngồi trước cổng nhà người phú hộ. Bài dụ ngôn này là một tấm gương trung thực, trong đó nó không chỉ phản ảnh tình trạng xã hội vào thời của Chúa Giêsu, mà còn cả trong xã hội chúng ta ở thế kỷ thứ 21. Bài dụ ngôn là một sự tố giác mạnh mẽ và triệt để của tình trạng này, bởi vì nó cho thấy rõ rằng Thiên Chúa nghĩ trái ngược với người đời. Trong dụ ngôn có ba nhân vật: người hành khất, người phú hộ và Tổ Phụ Abraham. Người hành khất có tên nhưng không lên tiếng. Anh ta hầu như không hiện hữu. Bạn hữu của người ấy chỉ là những con chó nhỏ liếm các vết thương cho anh ta. Người phú hộ thì không có tên, nhưng luôn lên tiếng và nài nỉ. Người đó muốn trở nên người công chính, nhưng ông ta không thành công. Tổ Phụ Abraham là cha của cả hai, yêu thương cả hai, và ngài đã kêu gọi người phú hộ đang trong hỏa ngục nhưng ngài đã không thành công trong việc giúp người phú hộ thay đổi ý nghĩ và tự hoán cải. Trong bài đọc, bạn hãy cố gắng chú ý tới cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham, đến những lời đối đáp của người phú hộ và của Tổ Phụ Abraham.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 16:19-21: Tình cảnh của cả hai người trong đời này
Lc 16:22: Tình cảnh của hai người trong đời sau
Lc 16:23-26: Cuộc đối thoại thứ nhất giữa người phú hộ và ông Abraham
Lc 16:27-29: Cuộc đối thoại thứ hai giữa người phú hộ và ông Abraham
Lc 16:30-31: Cuộc đối thoại thứ ba giữa người phú hộ và ông Abraham
c) Phúc Âm:
19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người Biệt Phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. 22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. 23 Trong hỏa ngục phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài. 24 Liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.” 25 Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. 26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.” 27 Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này.” 29 Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài.” 30 Người đó thưa: “Không đâu, lạy cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải.” 31 Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào của bài Phúc Âm mà bạn thích nhất và điều gì đã đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Hãy so sánh hoàn cảnh của người hành khất và người phú hộ trước và sau khi chết. Hoàn cảnh của họ khi còn sống như thế nào? Trạng huống của người hành khất và người phú hộ đã thay đổi ra sao sau khi chết?
c) Cái gì đã ngăn cách người hành khất với người phú hộ lúc họ còn sống? Cái gì đã ngăn cách người phú hộ với người hành khất sau khi họ chết?
d) Trong cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham, người phú hộ đã xin gì và Abraham đã trả lời ra sao?
e) Trong dụ ngôn này, tình trạng chỉ thay đổi sau khi chết. Có phải Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta biết rằng khi còn sống người hành khất đã phải chịu tất cả mọi đau khổ để sau đó được phần thưởng trên Thiên Đàng? Bạn nghĩ sao?
f) Có một số người cũng giống như người phú hộ trong dụ ngôn, mong đợi phép lạ xảy ra để họ có thể tin vào Thiên Chúa. Nhưng Chúa bảo hãy tin vào lời Môisen và các tiên tri. Và tôi, lòng tôi đang hướng về phía nào: hướng về phép lạ hay về Lời Chúa?
g) Tôi đã đối xử với người nghèo khó ra sao? Đối với tôi, họ có tên không?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh Phúc Âm:
i) Trong Tin Mừng của Luca, từ Chương 9 (Lc 9:51), chúng ta tháp tùng Chúa Giêsu trên cuộc hành trình của Người về Giêrusalem. Trong các chương 15 và 16 này, có thể nói, chúng ta đã lên đến đỉnh, nửa đoạn đường của cuộc hành trình, từ đó có thể nhìn lại chặng đường đã đi qua và quãng đường còn lại trước mặt. Hoặc, có nghĩa là, tại đỉnh đồi, hay tại tâm điểm của Phúc Âm, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về hai chủ đề chính qua Tin Mừng của Luca, từ đầu chí cuối. Trong chương 15, bài dụ ngôn về người cha với hai người con mặc khải cho chúng ta biết lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa là Đấng đón nhận tất cả mọi người. Bây giờ ở chương 16 giới thiệu cho chúng ta dụ ngôn người hành khất Lazarô để mặc khải về thái độ chúng ta cần phải có trước vấn nạn nghèo đói và bất công xã hội.
ii) Mỗi khi Chúa Giêsu có điều quan trọng muốn thông tri, Người kể hoặc nói một dụ ngôn, Người tạo ra một câu chuyện phản ảnh đời sống thực của dân chúng. Do đó, trong thời gian nhìn thấy các thực tế rõ ràng, Chúa hướng dẫn những người đang lắng nghe khám phá ra những lời kêu nài vô hình của Thiên Chúa, hiện hữu trong đời sống. Một dụ ngôn được cấu tạo để làm cho mọi người suy gẫm và ngẫm nghĩ. Đây là lý do tại sao thật là quan trọng phải chú ý ngay cả đến các chi tiết nhỏ. Trong bài dụ ngôn mà chúng ta đang suy gẫm, có ba người: Lazarô, người hành khất, người duy nhất không nói lời nào. Tổ Phụ Abraham, người mà trong dụ ngôn đại diện cho ý nghĩ của Thiên Chúa. Người phú hộ vô danh đại diện cho giai cấp thống trị của chính quyền trong thời bấy giờ. Lazarô đại diện cho tiếng than khóc của tầng lớp người nghèo khổ vào thời Chúa Giêsu, vào thời Luca và vào mọi thời đại.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Lc 16:19-21: Tình cảnh của người phú hộ và người hành khất.
Ở đây chúng ta thấy có hai thái cực của xã hội. Một mặt là sự giàu có quá mức. Mặt khác là những người nghèo không có bất kỳ tài sản nào, không có bất cứ quyền hạn gì, người đầy những ghẻ chốc và lở loét, hôi hám dơ bẩn, không ai muốn đến gần người ấy, ngoại trừ các con chó nhỏ đến liếm các vết thương. Cả hai được ngăn cách chỉ với một cánh cửa: cánh cửa đóng kín của nhà người phú hộ. Về phần người phú hộ không có sự thừa nhận, không có sự thương xót cho nỗi khốn khổ của người hành khất nằm trước cửa nhà ông. Nhưng trong dụ ngôn, người hành khất có tên, trong khi người phú hộ lại không có. Tên của người hành khất là Lazarô, có nghĩa là Thiên Chúa trợ giúp.
Qua người hành khất Thiên Chúa trợ giúp người phú hộ; và người phú hộ có thể có tên của mình được viết trong Sách Hằng Sống. Nhưng người phú hộ đã không để cho người hành khất giúp đỡ. Phần dẫn nhập của bài dụ ngôn mô tả hoàn cảnh, là một tấm gương trung thực của những gì đã xảy ra trong thời đại của Chúa Giêsu và của Luca, và đó cũng là hình ảnh những gì đang xảy ra hôm nay!
Lc 16:22: Sự thay đổi mặc khải bởi sự thật được tiềm ẩn
“Bấy giờ xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn.” Trong dụ ngôn, người hành khất chết trước người phú hộ. Đây là một lời cảnh báo cho người phú hộ. Cho đến khi người hành khất nằm trước cửa nhà, còn sống, người phú hộ vẫn có thể được cứu rỗi. Nhưng sau khi người hành khất chết đi, khí cụ cứu độ duy nhất của người phú hộ cũng chết. Ngày nay, hằng triệu người nghèo khó chết, các nạn nhân của những quốc gia giàu có của địa lý chính trị.
Người hành khất chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham. Lòng Abraham là nguồn mạch sự sống, từ đó sinh sản ra Dân của Thiên Chúa. Lazarô, người hành khất, thuộc về Dân của Thiên Chúa, tạo thành một phần từ Dân của Abraham, mà từ đó bị loại trừ bởi vì người ấy đã nằm tại cửa của người phú hộ. Người phú hộ nghĩ mình là con cháu của Abraham, cũng qua đời và được đem chôn. Nhưng người phú hộ không được ngồi lên lòng Abraham bởi vì ông ta không phải là con cháu của Abraham!
Lời giới thiệu của bài dụ ngôn kết thúc tại đây. Bây giờ bắt đầu sự mặc khải của ý nghĩa của nó, qua ba cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham.
Lc 16:23-26: Cuộc đối thoại thứ nhất giữa người phú hộ khuyết danh và Tổ Phụ Abraham
Bài dụ ngôn giống như một cửa sổ mà Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta thấy khía cạnh bên kia của đời sống, phía bên Thiên Chúa. Đó không phải là một câu hỏi về Thiên Đàng. Nó là một câu hỏi về khía cạnh thật sự của đời sống chỉ được khám phá bởi đức tin và người phú hộ không có đức tin đã không cảm nhận được. Tư tưởng thống trị đã ngăn cản ông ta khám phá ra điều ấy. Và chỉ trong ánh sáng của sự chết thì cái tư tưởng ấy mới tự tan rã trong tâm trí của người phú hộ, và giá trị đích thực của đời sống mới hiện ra với ông ta. Về phần Thiên Chúa, không có tư tưởng và các tuyên truyền phỉnh gạt của những người cầm quyền, những may mắn của họ sẽ bị thay đổi: Người phú hộ sẽ chịu đau khổ, người hành khất lại được hạnh phúc. Người phú hộ, khi thấy Lazarô trong lòng Abraham thì xin Lazarô ra tay giúp cho ông ta vơi đi sự đau khổ. Trong ánh sáng của sự chết, người phú hộ khám phá ra rằng Lazarô có thể là ân nhân duy nhất của mình. Nhưng bấy giờ đã quá muộn! Người phú hộ khuyết danh là một người Do-Thái (hoặc Kitô hữu) “đạo đức”, biết ông Abraham và gọi là Cha. Abraham trả lời và gọi người ấy là con. Điều đó có nghĩa là, trong thực tế, đây là lời của ông Abraham gửi đến những người giàu có đang còn sống. Đang lúc còn sống, họ có thể có cơ hội trở nên con cái của ông Abraham, nếu họ mở cửa cho Lazarô, cho người hành khất, người duy nhất nhờ danh thánh Chúa có thể cứu giúp họ. Đối với người phú hộ, bị giam hãm trong cực hình, sự cứu rỗi bao gồm trong một giọt nước mà Lazarô có thể cho ông ta. Trong thực tế, đối với người phú hộ, sự cứu rỗi không chỉ gồm có một giọt nước từ tay Lazarô để làm mát lưỡi của người ấy, mà đúng hơn là chính bản thân người ấy, người phú hộ, mở cửa nhà mình và ra tiếp xúc với người hành khất. Chỉ bằng cách này thì mới có thể vượt qua được hố sâu ngăn cách người ấy.
Trong câu trả lời của ông Abraham, sự thật về bốn tai ương hiện ra trước mặt người phú hộ: (Lc 6:24-26)
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.”
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.”
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.”
“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế!”
Lc 16:27-29: Cuộc đối thoại thứ hai giữa người phú hộ và ông Abraham
Người phú hộ khẩn khoản: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa!” Người phú hộ không muốn anh em mình cũng phải sa vào chốn cực hình này. “Sai Lazarô!” Lazarô, người hành khất, là người trung gian thật sự duy nhất giữa Thiên Chúa và người phú hộ. Nhưng người phú hộ, khi còn sống đã không đếm xỉa gì đến người khốn khổ Lazarô. Ông ta chỉ lo cho bản thân và anh em mình. Ông ta không bao giờ ngó ngàng đến người nghèo khó! Giống như người con trưởng trong “Dụ ngôn người Cha và hai người con trai” (Lc 15:25-30). Người con trưởng chỉ muốn có một bữa chè chén tưng bừng với chúng bạn, và không muốn dự bữa tiệc mừng người em đã mất nay trở về. Câu trả lời của ông Abraham đã rõ ràng: “Họ đã có Môisen và các tiên tri; chúng hãy nghe các ngài!” Họ có Kinh Thánh! Người phú hộ đã có Kinh Thánh. Ông ta thậm chí có thể thuộc lòng. Nhưng ông ta không bao giờ nhận thức được là Kinh Thánh có liên quan đến người hành khất đã ngồi tại cửa nhà mình. Chìa khóa để thông hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh và ơn cứu rỗi là người hành khất Lazarô, ngồi trước cửa nhà người phú hộ!
Lc 16:30-31: Cuộc đối thoại thứ ba giữa ông Abraham và người phú hộ
Người phú hộ vẫn cả quyết: “Không đâu, thưa Tổ Phụ Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải!” Người phú hộ thú nhận rằng mình đã sai, vì đã nhắc đến việc hối cải, mà đã không bao giờ thực hiện lúc còn sống. Người ấy chỉ muốn một phép lạ, một sự tái sinh! Nhưng việc sống lại loại này không hề có. Chỉ có việc sống lại là việc Chúa Giêsu Phục Sinh đến với chúng ta qua thân xác của người nghèo khó, kẻ mà không có bất cứ quyền lợi nào, không đất đai, không thức ăn, không chỗ nương thân, không sức khỏe. Trong câu trả lời cuối cùng của ông Abraham thật là chóng vánh và quả quyết: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.” Và thế là kết thúc cuộc đối thoại!
c) Phần tìm hiểu thêm:
Do bối cảnh xã hội bất công vào thời đại của Chúa Giêsu:
Vào năm 64 trước tây lịch, đế quốc La-Mã xâm chiếm đất Paléstin và áp đặt lên người dân một khoản thuế rất nặng nề. Các bậc thức giả ước tính rằng trên dưới một nửa lợi tức gia đình phải dành ra để đóng thuế, các khoản thuế của chính quyền La-Mã. Ngoài ra, đế quốc La Mã đã phối trí tổ chức lại địa lý chính trị trong vùng. Trước khi cuộc xâm lăng của quân La-Mã, toàn thể lãnh thổ, từ miền Tyrô đến vùng Siđon lên đến biên giới với Ai-Cập, được đặt dưới sự cai quản của dòng họ Asmonê, thuộc dòng dõi Máccabê. Sau khi bị xâm chiếm, chỉ còn lại ba vùng nằm dưới chính quyền của người Do-Thái: Giuđêa, Pêrêra và Galilê. Để có thể duy trì sự kiểm soát trên dân tộc bị trị với một sự mất mát tối thiểu và chi phí riêng của họ, đế chế La-Mã đã thâu dụng các người Sa-đốc, các trưởng lão, một số người thu thuế và một phần các thày cả. Vì vậy, tất cả thay đổi này do cuộc xâm lăng của La-Mã đã khiến cho hầu hết những người Do-Thái đang sống ở các khu vực khác trong vùng phải di cư về Giuđêa và Galilê. Hậu quả của việc này là: dân số trong vùng Giuđêa và Galilê đã tăng lên gấp đôi và lợi tức gia đình bị giảm một nửa. Kế quả là: một mặt, sự nghèo đói tăng từ từ, nạn thất nghiệp, nạn hành khất, đói nghèo cùng cực. Còn mặt khác, việc giàu có quá mức của dân địa phương, dưới sự hỗ trợ của đế quốc La-Mã. Hình ảnh trung thực của tình trạng này được diễn tả trong dụ ngôn người hành khất Lazarô và người phú hộ không có lòng nhân ái.
Suy gẫm cuối về bài dụ ngôn
Người phú hộ có tất cả mọi thứ và tự mình sống cô lập, nhưng xa lìa Thiên Chúa, mất sự giàu sang, mất sự sống, đánh mất chính bản thân, mất tên tuổi, mất tất cả mọi thứ. Người hành khất không có gì nhưng có Thiên Chúa, tìm được sự sống, có tên, đạt được tất cả. Người hành khất là Lazarô, nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Thiên Chúa đến với chúng ta trong hình ảnh người hành khất ngồi bên cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta qua được cái vực thẳm không thể vượt qua được tạo ra bởi những người giàu không có trái tim. Lazarô cũng là Chúa Giêsu, người đày tớ và Đấng Thiên Sai nghèo, Người đã không được chấp nhận, nhưng cái chết của Người đã làm thay đổi tận gốc rễ tất cả mọi thứ. Và trong ánh sáng cái chết của người hành khất, tất cả mọi thứ thay đổi.
Chốn hỏa ngục là tình trạng của những người không có Thiên Chúa. Ngay cả khi người phú hộ nghĩ rằng ông ta có một tôn giáo và đức tin, ông ấy không biết làm cách nào để được đến gần bên Chúa bởi vì đã không mở cửa cho người nghèo khó như ông Giakêu đã làm (Lc 19:1-10).
6. Cầu Nguyện
Thánh Vịnh 15 (14): Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.