Home / Event / Lectio Divina: Đức Mẹ Maria Trinh Nữ Vương

Lectio Divina: Đức Mẹ Maria Trinh Nữ Vương

Date: Thứ Bảy 22 Tháng Tám, 2020
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Cha của chúng con,

Nguyện xin cho chúng con có thể yêu Chúa trong mọi việc và trên tất cả mọi thứ

và đạt được sự vui mừng Chúa đã dọn sẵn cho chúng con

vượt khỏi mọi trí tưởng tượng của chúng con.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,

Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Phúc Âm – Luca 1:26-38

Khi ấy, thiên thần Gábriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh Nữ ấy tên là Maria.  Thiên thần vào nhà Trinh Nữ và chào rằng:

“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ.”  Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.  Thiên thần liền thưa:  “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa.  Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con Trai và đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người.  Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.”  Nhưng Maria thưa với thiên thần:  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa:  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà.  Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.  Và này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được.”

Maria liền thưa:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Và thiên thần cáo biệt Bà.

3.  Suy Niệm

  Hôm nay là Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương.  Bài Tin Mừng mà chúng ta suy gẫm mô tả chuyến thăm viếng của thiên thần với Đức Maria (Lc 1:26-38).  Lời của Chúa đến với Mẹ Maria không qua một văn bản Kinh Thánh, mà là qua một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, được thể hiện trong chuyến viếng thăm của Thiên Thần.  Trong Tân Ước, nhiều lần Thiên Thần Chúa là chính Thiên Chúa.  Nhờ vào việc suy gẫm về Lời Chúa trong Kinh Thánh mà Đức Maria có thể cảm nhận được Lời hằng sống của Thiên Chúa trong chuyến thăm viếng của Thiên Thần.  Việc tương tự cũng xảy ra ngày nay với những chuyến thăm viếng của Thiên Chúa trong đời chúng ta.  Những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa thì thường xuyên.  Nhưng vì thiếu sự hiểu biết nhuần nhuyễn và suy gẫm về Lời Chúa được viết trong Kinh Thánh, chúng ta không nhận thức được việc thăm viếng của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta.  Việc viếng thăm của Thiên Chúa thì hiện hữu và thường xuyên đến nỗi mà nhiều lần chúng ta đã không cảm nhận được, và bởi vì điều này, chúng ta mất đi một cơ hội tuyệt vời sống trong an bình và vui mừng.      

–  Lc 1:26-27:  Ngôi Lời bước vào đời sống chúng ta.  Thánh Luca giới thiệu các nhân vật và không gian:  một Trinh Nữ tên là Maria, đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi nhà Đavít.

Nagiarét là một làng nhỏ ở miền Galilêa.  Miền Galilêa là vùng ngoại biên.   Vùng trung tâm là miền Giuđêa và thành Giêrusalem.  Thiên thần Gábriel được Thiên Chúa sai đến với Trinh nữ này là người đang sống tại vùng ngoại biên.  Tên Gábriel có nghĩa là Thiên Chúa hùng mạnh.  Tên Maria có nghĩa là người được Đức Giavê yêu mến hoặc Đức Giavê là Chúa của tôi.

Câu chuyện về chuyến viếng thăm của Thiên Chúa với Đức Maria bắt đầu với câu:  “Vào tháng thứ sáu”.  Nó chỉ về “tháng thứ sáu” của thời kỳ thai nghén của bà Isave, chị họ của Đức Maria, một người phụ nữ đã cao tuổi, người cần được giúp đỡ.  Nhu cầu cụ thể của bà Isave được dùng như là bối cảnh cho toàn bộ câu chuyện.  Nó được thấy ở phần bắt đầu (Lc 1:26) và phần kết thúc (Lc 1:36-39). 

–  Lc 1:28-29:  Phản ứng của Đức Maria.  Thiên thần đã hiện ra với ông Giacaria trong Đền Thờ.  Thiên thần hiện ra với Đức Maria trong nhà của Bà.  Lời của Thiên Chúa đến với Đức Maria trong môi trường đời sống hằng ngày của Bà.  Thiên thần nói:  “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà!”  Những lời tương tự này đã được nói với ông Môisen (Xh 3:12), với tiên tri Giêrêmia (Gr 1:8), với tiên tri Ghít-ôn (Tl 6:12), với bà Rút (Rt 2:4) và với nhiều người khác.  Những lời này mở ra một chân trời vì sứ vụ mà những nhân vật trong Cựu Ước này phải thực hiện trong việc phục vụ Dân của Chúa.  Rất bối rối vì lời chào này, Đức Maria đã cố gắng để hiểu xem lời này có nghĩa gì.  Bà là người thực tiễn, bà dùng óc suy nghĩ.  Bà muốn hiểu.  Bà không chỉ đơn giản chấp nhận bất kỳ cuộc hiện ra nào hoặc sự linh ứng nào.

–  Lc 1:30-33:  Lời giải thích của thiên thần.  “Maria, đừng sợ!”  Đây luôn là lời chào đầu tiên của Thiên Chúa nói với loài người:  đừng sợ!  Ngay sau đó, Thiên Thần gợi lại những lời hứa tuyệt vời trong quá khứ sẽ được thực hiện nhờ vào Người Con sẽ được Đức Maria sinh ra.  Người Con này phải được đặt tên là Giêsu.  Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao và cuối cùng trong Người, Nước Thiên Chúa sẽ được thực hiện như đã hứa với vua Đavít, Đấng mà tất cả mọi người đều nóng lòng mong chờ.  Đây là lời giải thích mà Thiên Thần đã nói với Đức Maria để cho Bà không sợ hãi.

–  Lc 1:34:  Câu hỏi tiếp theo của Đức Maria.  Mẹ Maria nhận thức được sứ vụ quan trọng mà Bà sắp sửa nhận lãnh, nhưng Bà tiếp tục phải thực tiễn.  Bà đã không để cho mình bị xiêu lòng bởi sự cao trọng của lời đề nghị và nhìn lại hoàn cảnh của bà.  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”  Bà phân tích lời đề nghị theo tiêu chuẩn mà chúng ta, loài người, đã có.  Bởi vì, nói theo cách của loài người, điều đề nghị này của Lời Chúa không thể thực hiện được tại thời điểm đó.

–  Lc 1:35-37:  Lời giải thích tiếp theo của Thiên Thần.  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà.  Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.”  Chúa Thánh Thần, hiện diện trong Lời Chúa từ thuở tạo dựng trời đất (St 1:2), có thể thực hiện được những việc mà dường như là không thể.  Đây là lý do tại sao, Đấng Thánh được sinh ra bởi Đức Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.  Ngày nay, khi Lời Chúa được nhận lãnh, được chấp nhận bởi những người nghèo khó không có kiến thức, điều gì đó mới mẻ xảy ra nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần!  Điều gì đó mới lạ và đáng ngạc nhiên như người con được sinh ra bởi một trinh nữ hay người con được sinh ra bởi bà Isave, một người phụ nữ đã già, người mà thiên hạ cho rằng son sẻ!  Thiên Thần nói thêm:  “Và này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng!”

–  Lc 1:38:  Đức Maria dâng mình.  Câu trả lời của Thiên Thần đã làm sáng tỏ mọi việc cho Đức Maria.  Bà dâng tặng chính mình cho những gì Thiên Thần đang yêu cầu:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền!”  Đức Maria tự nhận mình là người Tôi Tớ, là nữ tỳ của Chúa.  Tước hiệu này có từ tiên tri Isaia, ngài nói rằng sứ vụ của người ta không phải là một đặc ân mà giống như là một sự phục vụ người khác (Is 42:1-9; 49:3-6).  Sau đó, người con là Đấng sắp sửa được tạo thành, sẽ xác định sứ vụ của mình rằng:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ!” (Mt 20:28).  Người Con đã học được từ Mẹ mình!

–  Lc 1:39:  Con đường mà Đức Maria tìm thấy là đi phục vụ.  Lời của Chúa đã đến với Đức Maria và khiến cho Bà ra khỏi chính mình để đi phục vụ người khác.  Bà rời nhà và đi về miền Giuđêa, khoảng cách hơn bốn ngày đường, để giúp đỡ bà chị họ Isave.  Đức Maria bắt đầu việc phục vụ và hoàn thành sứ vụ của mình thay cho Dân Chúa.       

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  Bạn cảm nhận được chuyến thăm viếng của Thiên Chúa trong đời mình như thế nào?  Đã có bao giờ bạn được viếng thăm chưa?  Bạn có bao giờ là một cuộc thăm viếng của Thiên Chúa trong đời người khác, đặc biệt là những người nghèo chưa?  Văn bản này giúp chúng ta khám phá ra những chuyến viếng thăm của Thiên Chúa trong đời mình như thế nào?

–  Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Maria.  Lời Chúa mặc lấy xác phàm trong đời sống của riêng tôi và đời sống của cộng đoàn như thế nào?

5.  Lời nguyện kết

Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của CHÚA,

và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.

Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình,

bụng đói lả, Người cho ăn thỏa thích.

(Tv 107:8-9)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …