Sứ vụ của Giáo Hội:
Đi làm chứng cho sự tha thứ mà Chúa Giêsu ban cho tất cả mọi người
Lc 24:46-53
Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa là Đấng đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin Chúa hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.
1. Phụng Vụ
a) Tin Mừng:
46 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, 47 và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem. 48 Các con là nhân chứng cho những sự việc này. 49 “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng mà Cha Thầy đã hứa. Vậy các con hãy ở lại trong thành này, cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. 50 Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. 51 Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. 52 Các ông thờ lạy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng; 53 các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
b) Giây phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.
2. Suy Niệm
a) Một vài câu hỏi gợi ý:
– Nhân danh Thiên Chúa: Trong cuộc sống hằng ngày của tôi, tôi đã sống nhân danh ai?
– Cho muôn dân: Liệu tôi có đủ khả năng để tiếp đón tất cả mọi người không, hay tôi lại đối xử phân biệt một cách dễ dàng theo cảm quan của mình?
– Ở lại trong thành: Tôi đã có ở lại trong những tình huống khó khăn nhất hay tôi có cố gắng ở lại, ngay cả trước khi tôi hiểu được ý nghĩa của các việc này, mà loại bỏ chúng không?
– Lời cầu nguyện của tôi: Tôi đã có chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những việc Chúa đã làm trong đời sống của tôi không, hay tôi chỉ biết đòi hỏi những việc cho riêng bản thân mình thôi?
b) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Ít dòng chữ nói về đời sống, việc di chuyển, hành trình, hội họp … Đây là mục đích của việc như đã ghi chép và cho muôn dân. Đời sống được đánh dấu bằng việc làm chứng. Các môn đệ đã được sai đi, các ông không mang theo trên mình vật gì ngoại trừ trở thành đời sống, cử động, hành trình, hội họp, một cách mang lại sự sống ở bất cứ nơi nào các ông đi đến.
Câu 46: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại.” Điều gì đã được ghi chép? Ở đâu? Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết là có cuộc gặp gỡ. Có vẻ như là công trình của Thiên Chúa không thể hoàn tất nếu không có nhân loại, và vì vậy Thiên Chúa đi tìm kiếm nhân loại ở mọi nơi và sẽ không bỏ cuộc cho tới khi Thiên Chúa có thể ấp ủ họ. Đây là điều đã được ghi chép: một tình yêu trường cửu, có khả năng chịu đựng được mọi đau khổ, uống hết chén thương đau cho đến giọt cuối cùng, để có thể nhìn được một lần nữa khuôn mặt của những người con thân yêu. Trong sâu thẳm của cái chết, Chúa Giêsu đã xuống thế để nắm lấy bàn tay của nhân loại và dắt dìu họ về quê trời. Ba ngày! Ba thời điểm: cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh! Đây là những gì đã được viết về Chúa Kitô và cho tất cả những ai thuộc về Người. Cuộc thương khó: bạn đầu hàng một cách thành tâm, và để người khác có thể làm cho bạn bất cứ điều gì người ấy muốn, họ có thể đối xử tử tế với bạn hoặc ngược đãi bạn, họ có thể tiếp đón bạn cách ân cần hoặc xua đuổi bạn … nhưng bạn sẽ tiếp tục yêu thương cho đến cùng. Cái chết: một đời sống không thể lấy lại … chết, không còn gì nữa … nhưng không phải là mãi mãi, bởi vì cái chết có quyền năng trên xác thịt, thế nhưng linh hồn vì bởi Thiên Chúa mà có thì sẽ trở về với Thiên Chúa. Sự Phục Sinh: Mọi việc đều có ý nghĩa dưới ánh sáng của sự sống. Tình yêu một khi đã cho đi sẽ không chết nhưng sẽ luôn luôn sống lại.
Câu 47: và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Lời của Chúa Giêsu được phán ra, đúng lúc, không chấm dứt. Chỉ cần có người công bố những lời ấy. Các thánh tông đồ đã được sai đi rao giảng nhân danh Thiên Chúa. Họ đi đến tất cả mọi dân tộc. Bây giờ không một dân tộc nào còn được gọi là dân riêng của Chúa nữa, nhưng tất cả được đều được gọi là dân được chọn. Các môn đệ đi đến đặt tay trên vai của anh chị em mình và chuyển đổi họ, thay đổi họ hoàn toàn và nói với họ rằng: Tất cả mọi người đều được tha thứ, anh chị em có thể sống một đời sống thiêng liêng một lần nữa, Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại vì anh chị em! Đức tin không là một sự sáng chế. Tôi đến từ Giêrusalem, chính mắt tôi đã trông thấy Người, tôi đã gặp gỡ Người trong đời tôi. Điều tôi đang nói với anh chị em không vượt quá câu chuyện của tôi, một câu chuyện về sự cứu rỗi.
Câu 48: Các con là những nhân chứng cho sự việc này. Chúng ta biết Thiên Chúa từ kinh nghiệm. Trở thành những nhân chứng có nghĩa là mang Lời Chúa mà Đức Kitô đã viết trên da thịt của người ấy, đan từng chữ một. Khi một người đã được Chúa Kitô đụng chạm đến, người ấy trở thành một ngọn đèn sáng rực, ngay cả chính người ấy cũng không biết! Và nếu có ai đó muốn dập tắt ngọn lửa thì nó lại được thắp sáng trở lại, bởi vì ánh sáng không đến từ cây đèn mà là đến từ Chúa Thánh Thần đã đổ vào trong tâm hồn và chiếu soi sự thông hiệp đời đời không bao giờ dứt.
Câu 49: “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng mà Cha Thầy đã hứa. Vậy các con hãy ở lại trong thành này, cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Lời phán hứa của Chúa Giêsu luôn luôn được thực hiện. Người đã về trời, nhưng Người không để cho các bạn hữu của Người mồ côi. Người biết rằng họ cần sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã trở lại với loài người. Lần này không còn bằng thể xác, nhưng vô hình trong ngọn lửa của một tình yêu không thể hiểu thấu được, trong lòng nhiệt thành của một sự ràng buộc không bao giờ bị tách rời, cầu vòng của sự giao ước đã được phê chuẩn, nụ cười rạng rỡ của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Được bao phủ bởi Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, các thánh tông đồ sẽ không còn sợ hãi và cuối cùng có thể ra đi!
Câu 50: Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Giây phút từ biệt thật là trang nghiêm. Bêtania là nơi của tình bạn. Chúa Giêsu giơ tay và chúc phúc cho các môn đệ của Người. Đây là một lời chào và một món quà tặng. Ra đi không có nghĩa là tách rời hẳn với các môn đệ, Chúa chỉ rời các ông để trở lại dưới một hình thái khác.
Câu 51: Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Mỗi cuộc chia ly đều mang lại nỗi buồn. Nhưng trong trường hợp này, sự chúc phúc là một di sản của ân sủng. Các tông đồ được sống trong sự hiệp thông nồng nhiệt với Chúa của mình đến nỗi mà các ông không nhận ra được sự chia cách.
Câu 52: Các ông thờ lạy Người và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Điều lớn nhất là nỗi vui mừng của các tông đồ, niềm vui mừng khi đi qua các đường phố của Giêrusalem với kho tàng vô tận, hân hoan vì được thuộc về nước Chúa. Bản xác loài người của Chúa Kitô đã lên thiên đàng, để mở cánh cổng mà sẽ không bao giờ đóng lại nữa. Niềm vui mừng về đời sống dư thừa mà giờ đây Chúa Giêsu đã đổ tràn đầy vào cuộc sống của các ông sẽ không bao giờ dứt…
Câu 53: Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Ở lại …. là một động từ rất quan trọng đối với người Kitô hữu. Ở lại bao hàm một sức mạnh đặc biệt, khả năng không trốn chạy trong những tình huống khó khăn nhưng để sống trọn vẹn với những tình huống ấy, thưởng thức chúng đến tận mọi chiều sâu. Ở lại: một chương trình rao giảng Tin Mừng được chia sẻ với tất cả mọi người. Khi ấy lời chúc tụng được tuôn ra một cách chân thành, bởi vì khi sống trong thánh ý của Thiên Chúa thì giống như được uống một loại rượu bổ dưỡng và say sưa của hạnh phúc.
c) Suy Niệm:
Chứng kiến lòng nhân đức trong đời sống của Giáo Hội thì không còn nghi ngờ gì vì đó là tấm gương rõ ràng nhất cho việc truyền bá Tin Mừng. Đó là một dụng cụ dùng để làm tơi đất ra để cho những hạt giống của Lời Chúa rơi xuống có thể kết tụ nhiều hoa trái. Tin Mừng không thể chọn cách nào khác hơn để đụng chạm đến trái tim người ta hơn là tình yêu thương lẫn nhau, một phương cách dẫn thẳng đến nguồn: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12). Chúng ta tìm thấy tất cả điều này trong thời Giáo Hội sơ khai: “Đây là bằng chứng tình yêu, đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3:16). Người môn đệ đã gặp gỡ và biết Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa yêu, biết rằng ông không thể nói về Chúa mà không đi theo con đường Chúa đã đi. “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”(Ga 14:6). Còn từ ngữ nào tốt đẹp hơn để có thể diễn tả con đường cao quý cho việc truyền bá Phúc Âm hơn là từ ngữ tình yêu nhưng không? Chúa Kitô là con đường của việc rao giảng Tin Mừng. Đức Kitô là sự thật để chuyển tải Tin Mừng. Chúa Kitô là đời sống Phúc Âm hóa. Và tình yêu mà Người đã yêu chúng ta là sự công bố Tin Mừng, một tình yêu cho đi không có điều kiện, tình yêu này sẽ không bao giờ bị lấy lại mà sẽ tiếp tục cho đến tận thế, một cách trung thành, ngay cả phải trả cái giá bằng cái chết nhục nhã trên thập giá, để hiển thị khuôn mặt của Chúa Cha là Chúa của Tình Yêu, một tình yêu tôn trọng quyền tự do của con người, ngay cả khi sự tự do này đồng nghĩa với chối bỏ, xúc phạm, phỉ báng và tử vong. “Tổ chức từ thiện của các Kitô hữu có một sức mạnh rao giảng Tin Mừng rất lớn. Đến mức mà việc bác ái được xem như là một dấu chỉ và cửa sổ của tình yêu Thiên Chúa, nó mở tâm trí và trái tim cho việc công bố Lời của Chân Lý. Như Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã nói: con người trong thời đại này đi tìm kiếm tính xác thực và sự cụ thể, coi trọng nhân chứng hơn là thày dạy, và tựu chung họ chỉ cho phép mình được hướng dẫn để khám phá ra chiều sâu và nhu cầu của tình yêu Thiên Chúa nếu họ cảm động bởi dấu hiệu hữu hình của việc từ thiện”. (CEI, Việc Rao Giảng Tin Mừng Và Nhân Chứng Của Việc Từ Thiện, trích trong Enchiridion CEI,Tập 1-5, EDB, Bologna 1996 n. 24). Mọi nỗ lực mục vụ mà muốn cho thấy mối liên hệ sâu xa giữa đức tin và việc bác ái trong ánh sáng của Tin Mừng, và nên lưu ý rằng đặc tính của tình yêu Kitô giáo là sự gần gũi và chăm sóc, có nhiệm vụ thúc đẩy và duy trì sự cởi mở với những người khác trong việc phục vụ. (xem Lc 10:34).
3. Cầu Nguyện
Thánh Vịnh 22:22-31
Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
Và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương:
“Hỡi những ai kinh sợ Đức Chúa,
hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Giacóp, nào ta hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả,
nào một dạ khiếp oai!”
Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
Chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
Cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
Nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.
Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng,
Ngày đại hội toàn dân.
Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn
trước mặt những ai kinh sợ Người.
Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thê,
Người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng,
“Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.”
Toàn thế giới, muôn người nhớ lại
Và trở về cùng Chúa,
Mọi dân tộc dưới trần
phủ phục trước Tôn Nhan.
Bởi vì Chúa nắm quyền vương đế,
Người thống trị chư dân!
Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất
sẽ đều bái lạy một mình Người,
Phàm những ai trở về cát bụi
sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan.
Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
Cho các thế hệ tương lai;
Và truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người:
Rằng: “Đức Chúa đã làm như vậy!”
4. Chiêm Niệm
Lạy Chúa, con biết rằng việc rao giảng Lời Chúa đòi hỏi một đời sống tâm linh sâu xa, chân thật và thánh thiện cho việc làm nhân chứng. Những người có đức tin trưởng thành, có thể sống hòa đồng một cách tốt đẹp để tạo cơ hội cho kinh nghiệm bản thân về đức tin, một nơi gặp gỡ và môi trường tăng trưởng cho việc tiếp xúc với tha nhân để từ đó xây dựng những mối liên hệ sâu xa hướng về Giáo Hội, thế giới và lịch sử. Nhưng thưa Chúa, con cảm thấy bất xứng. Trong một bối cảnh mà các hình ảnh, chữ nghĩa, dự án, kế hoạch và tài liệu nối tiếp nhau một cách hàng loạt và không thứ tự, gần như làm hỗn loạn các ý nghĩ và cảm giác. Làm chứng tá là một chữ đặc biệt dành cho giây phút suy tư, cho thời khắc ngẫm nghĩ lại. Nhưng con có phải là người đã bị lôi cuốn bởi các hình ảnh, chữ nghĩa và kế hoạch không? Có một điều con chắc chắn, và điều này an ủi con. Ngay cả người chứng tốt đẹp nhất, trong một thời gian dài sẽ trở thành không có khả năng, nếu người ấy chưa thông suốt, thiếu biện minh, chưa xác nhận bằng lời công bố rõ ràng minh bạch về Chúa Giêsu. Tin Mừng, được công bố bởi một nhân chứng sống, chẳng chóng thì chầy cần phải được công bố bởi lời của đời sống. Con sẽ biện minh cho sự hy vọng của con bằng cách công bố tên của Chúa, lời giáo huấn của Chúa, cuộc đời của Chúa, lời hứa của Chúa, mầu nhiệm của Chúa là Giêsu Nagiarét chính là Con Thiên Chúa. Điều này dường như đối với con là cách đơn giản nhất để khơi dậy sự chú ý đi tìm hiểu và gặp gỡ Chúa, thưa Thầy và thưa Chúa, Đấng đã sống như Con Thiên Chúa để cho chúng con được thấy thiên nhan của Chúa Cha. Mọi nỗ lực mục vụ ngày hôm nay cho thấy là nó gắn liền với đức tin, lạy Chúa, để chúng con sẽ có thể khẩn cầu cùng Chúa, xin cho cánh cổng rao giảng được mở lại để chúng con công bố mầu nhiệm của Chúa Kitô, loại rao giảng mà Lời của Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi những ai có lòng tin.