Home / Event / Lectio Divina: Lễ Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh

Lectio Divina: Lễ Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh

Date: Thứ Ba 16 Tháng Bảy, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thưa Bà, đây là con của Bà!

Đây là mẹ của anh!

Ga 19:25-27

 

1. Chúng ta hãy lắng đọng trong Cầu Nguyện – Statio

 Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, xin hãy đổ đầy tâm trí chúng con với ánh sáng của Chúa để chúng con có thể hiểu được ý nghĩathực sự của Lời Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, xin hãy nhen nhóm trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa để bùng cháy lên đức tin của chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, xin hãy đổ đầy thân xác chúng con với sức mạnh của Chúa để tăng sức cho những yếu đuối trong chúng con, trong việc phục vụ của chúng con dành cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến, với ân sủng của sự khôn ngoan để kiểm soát lòng nhiệt thành của chúng con ngăn trở chúng con khỏi tình yêuThiên Chúa và tha nhân.

2. Đọc và cầu nguyện Lời Chúa – Lectio

Trích sách Tin Mừng theo thánh Gioan 19:25-27

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mađalêna.  Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng:  “Thưa Bà, đây là con của Bà.”  Rồi Người nói với môn đệ:  “Đây là mẹ của anh.”  Kể từ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

3. Suy gẫm Lời Chúa – Meditatio

3.1 Để hiểu biết Bài Đọc

  Với tinh thần đi lên đồi Canvê của bạn để đến với Thập Giá của Chúa Giêsu và hãy cố gắng tìm hiểu những gì đang xảy ra.

 Từ đoạn Tin Mừng mà bạn vừa đọc, hãy tự hỏi điều gì đã động chạm bạn nhất và tại sao.

 Đoạn Tin Mừng ngắn này đã dấy lên trong bạn những cảm xúc nào?

 3.2  Chìa khóa dẫn đến Bài Đọc

Chúa Giêsu nắm giữ số phận của mình trong tay Người

Chúng ta đang ở giữa chương 19 của sách Tin Mừng Gioan trong đó bắt đầu bằng roi đòn, Chúa Giêsu được tấn phong với một mão gai, Chúa Giêsu bị quan Philatô điệu ra trước đám đông:  “Đây là Người” (Ga 19:5), bị kết án tử hình trên thập giá, Đường của Thập Giá và đóng đinh.  Trong câu chuyện cuộc Thương Khó theo thánh Gioan, Chúa Giêsunắm giữ số phận của mình trong tay Người và tất cả mọi việc đang xảy ra chung quanh Người.  Và vì lý do này, lấy ví dụ, chúng ta thấy những câu như:  “Vậy, Đức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ” (Câu 5), hoặc những lời của Chúa nói với Philatô:  “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.” (Câu 11).

Văn bản được trình bày trong phần Phụng Vụ hằng ngày cũng cho thấy rằng Chúa Giêsu không những chỉ có quyền kiểm soát tất cho những gì đang xảy ra với mình mà cũng còn kiểm soát được những gì đang xảy ra xung quanh Người.  Điều mà tác giả Tin Mừng mô tả thì rất là quan trọng:  “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói…” (câu 26).  Những lời của Chúa Giêsu trong sự đơn giản của chúng là những lời mặc khải, những lời mà Chúa muốn bày tỏ ý muốn của Người:  “Đây là con của Bà” (câu 26), “Đây là mẹ của anh” (câu 27).  Những lời này của Chúa Giêsu gợi nhớ lại câu nói của Philatô khi ông ta điệu Chúa Giêsu ra trước đám đông và nói:  “Đây là Người” (câu 5).  Chúa Giêsu từ trên ngai của mình, cây Thập Giá, với Lời của Người không những chỉ nói lên ý muốn của Chúa, mà đó cũng chính thực là tình yêu của Người dành cho chúng ta và là kết quả của tình yêu này.  Người là Chiên Thiên Chúa, Vị Mục Tử, Đấng đã hiến mạng sống mình để gom các con chiên vào trong một đàn, trong Giáo Hội.                                                                                                       

Gần Thập Giá

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta cũng tìm thấy một chữ rất quan trọng được lặp lại hai lần khi Thánh Sử nói về Mẹ của Chúa Giêsu và người Môn Đệ Chúa Yêu.  Tác giả Tin Mừng nói rằng mẹ của Chúa Giêsu đứng “gần Thập Giá” (câu 25) và người Môn Đệ Chúa Yêu “đang đứng bên cạnh bà” (câu 26).  Chi tiết quan trọng này có một ý nghĩa Kinh Thánh rất sâu xa.  Chỉ có tác giả sách Tin Mừng thứ tư nói rằng Mẹ của Chúa Giêsu ở gần bên thập giá.  Các Thánh Sử khác không nói về điều này.  Thánh Luca nói rằng “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu; cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê và các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23:49).  Thánh Mátthêu viết rằng:  “Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa.  Các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người.  Trong số đó, có bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và Giuse, và bà mẹ các con của ông Giêbêđê” (Mt 27:55-56).  Thánh Máccô nói rằng:  “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn trong đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ các ông Giacôbê trẻ và Giôsết, cùng bà Salômê.  Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê.  Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mc 15:40-41).  Do đó, chỉ có thánh sử Gioan nhấn mạnh rằng Mẹ Chúa Giêsu đã có mặt ở đó, không đứng nhìn Người từ đàng xa, mà gần bên Thập Giá cùng với những người phụ nữ khác.  Đứng đó, giống như người phụ nữ can trường tiếp tục tin tưởng, hy vọng và trông cậy vào Thiên Chúa, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.  Mẹ của Chúa Giêsu hiện diện trong thời điểm quan trọng, khi mà “Mọi việc đã hoàn tất” (câu 30) trong sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngoài ra, Thánh Sử còn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu từ lúc bắt đầu sứ vụ của Người, tại tiệc cưới Cana, nơi thánh Gioan dùng cùng một câu nói:  “có mặt Thân mẫu Đức Giêsu” (Ga 2:1)

Người Phụ Nữ và người Môn Đệ

Tại tiệc cưới Cana và trên Thập Giá, Chúa Giêsu cho thấy vinh quang của mình và Mẹ Người đã có mặt một cách chủ động.  Trong tiệc cưới Cana, điều này đã được tỏ rõ, theo phương cách tượng trưng, đã diễn ra trên cây thập giá.  Trong tiệc cưới, Chúa Giêsu đã biến đổi nước ở trong sáu chum (Ga 2:6).  Con số sáu tượng trưng cho việc bất toàn.  Số bảy là con số hoàn hảo.  Vì lý do này, Chúa Giêsu trả lời với Mẹ mình:  “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2:4).  Giờ mà lúc Chúa Giêsu đã canh tân mọi sự, chính là giờ trên thập giá.  Các Môn Đệ đã hỏi Chúa:  “Lạy Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục lại vương quốc Israel không?” (Cv 1:6).  Trên thập giá, cùng với nước và máu, Chúa Giêsu đã sinh ra Giáo Hội và đồng thời Giáo Hội trở thành hiền thê của Người.  Đó là sự khởi đầu của thời đại mới.  Cả hai đều có mặt tại tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã không gọi mẹ mình với tên riêng của bà, mà gọi với một danh hiệu xinh đẹp “Thưa Bà” (Ga 2:4; 19:26).  Trên thập giá, Chúa đã không thưa chuyện với Mẹ của Người chỉ với bằng một tình cảm tự nhiên, của một người con nói với mẹ mình.  Danh hiệu “Bà” là một bằng chứng mà tại thời điểm ấy Chúa Giêsu đang mở tấm lòng của Mẹ Người với việc cưu mang tinh thần của các môn đệ mình, được đại diện bởi người Môn Đệ Chúa Yêu, người luôn gần bên Chúa Giêsu, người Môn Đệ mà tại bữa Tiệc Ly đã tựa đầu vào lòng Chúa Giêsu (Ga 13:23-26), người Môn Đệ đã hiểu được mầu nhiệm của Chúa Giêsu và vẫn luôn trung thành với Thầy của mình cho đến thời điểm Người bị đóng đinh, và sau đó đã là người môn đệ đầu tiên tin rằng Đức Kitô đã sống lại khi nhìn thấy ngôi mộ trống và vải liệm trên mặt đất (Ga 20:4-8), trong khi bà Maria Mađalêna thì lại nghĩ rằng người ta đã đánh cắp xác của Chúa Giêsu (Ga 20:2).  Vậy thì, người Môn Đệ Chúa Giêsu yêu mến là người đã tin tưởng và vẫn luôn trung thành với Thầy mình trong mọi thử thách của cuộc đời.  Người Môn Đệ mà Chúa Giêsu yêu mến không có tên, bởi vì người ấy đại diện cho bạn và cho tôi, và cho tất cả những ai là môn đệ đích thực của Người.  Người Phụ Nữ trở thành mẹ của người Môn Đệ.  Người Phụ Nữ không bao giờ được Thánh Sử gọi đích danh tên của bà, Bà không những chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, mà bà cũng còn là mẹ của Giáo Hội.  Thánh Sử Gioan ưa gọi Giáo Hội là “Người Phụ Nữ” hay “Bà”.  Danh hiệu này được tìm thấy trong thư thứ hai của thánh Gioan (2Ga 1:5) và trong sách Khải Huyền:  “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời:  một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.  Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.” (Kh 12:1-2).  Do đó, người phụ nữ là hình ảnh của Giáo Hội Mẹ trong lúc đang chuyển dạ để sinh ra những người con mới cho Thiên Chúa.

Mẹ của Chúa Giêsu là hình ảnh hoàn hảo của Giáo Hội, hiền thê của Đức Kitô, Đấng đang đau bụng chuyển dạ để sinh ra những người con mới cho người phối ngẫu của bà là Chúa Giêsu.

Các Môn Đệ rước bà về nhà mình

Nếu Chúa Giêsu đã trao các Môn Đệ của mình trong tay của Người Phụ Nữ (Mẹ Ngài và Giáo Hội) được đại diện bởi người Môn Đệ yêu dấu, trong cùng một cách, Chúa cũng đã trao cho các môn đệ của mình, người Phụ Nữ (Mẹ Ngài và Giáo Hội).  Tác giả Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu trông thấy người môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh Mẹ mình, Người nói với ông:  “Này là Mẹ của anh!” (câu 27).

Thánh Sử tiếp tục viết:  “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (câu 27).  Điều đó có nghĩa là người Môn Đệ đã coi người phụ nữ như một người rất thân thiết và đáng kính trọng.  Điều này, một lần nữa nhắc nhở tất cả chúng ta trong thư của thánh Gioan tông đồ khi ông tự gọi mình là Trưởng Lão, người thực sự quý mến Bà (2Ga 1), và cầu nguyện cho Bà (2Ga 5) để ông chăm sóc và bảo vệ Bà khỏi những kẻ Phản Kitô, đó là những ai không biết Đức Kitô và tìm cách gây khó khăn cho con cái Giáo Hội, là các môn đệ của Chúa Giêsu (2Ga 7, 10).

Những lời của câu 27:  “Kề từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”, nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta cũng tìm thấy ở phần khởi đầu Tin Mừng của Mátthêu.  Thánh sự mở đầu câu chuyện của mình về thị kiến thiên thần hiện ra với ông Giuse, bạn đời Đức Maria, đã có trong giấc mơ của ông.  Trong thị kiến này, thiên thần nói với ông Giuse:  “Hỡi ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20).  Thánh Mátthêu mở đầu sách Tin Mừng của mình với sự ủy thác Đức Maria và Chúa Giêsu nơi ông Giuse, trong khi thánh Gioan kết luận câu chuyện của mình với việc Chúa Giêsu ủy thác Mẹ Ngài và Giáo Hội trong tay người Môn Đệ yêu quý của mình!

3.3  Một vài câu hỏi để quy hướng việc suy gẫm và đem nó vào trong thực hành

–  Trong đoạn Tin Mừng này và trong bài suy gẫm, điều gì đã đánh động bạn nhất?

  Trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta tất cả mọi thứ:  Mạng sống Người và Mẹ Người.  Còn bạn, bạn có sẵn sàng dâng cho Chúa điều gì đó chưa?  Bạn có đủ khả năng để từ bỏ của cải, những điều bạn yêu thích, ước vọng, v.v. để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân chưa?

  “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”  Bạn có tin rằng các gia đình ngày nay vẫn tiếp tục theo gương của người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến không?  Những lời này có ý nghĩa gì cho đời sống Kitô hữu của bạn?

4. Cầu Nguyện – Oratio

Bài ca của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc: Lc 1:46-55

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi:

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới

Từ nay, hết mọi đời

Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,

— Như đã hứa cùng cha ông chúng ta —

Vì Người nhớ lại lòng thương xót

Dành cho tổ phụ Ápraham

Và cho con cháu đến muôn đời.”

5. Chiêm Niệm – Contemplatio

Chúng ta hãy cùng nhau tôn sùng sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ của chúng ta, và chúng ta hãy lặp lại trong thinh lặng:

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần,

Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có và đời đời chẳng cùng.  Amen.

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …