Home / Event / Lectio Divina: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (B)

Lectio Divina: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (B)

Date: Chủ Nhật 2 Tháng Sáu, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Việc thành lập Bí Tích Thánh Thể

Quyền năng tối thượng của tình yêu đến cùng  

Mc 14:12-16, 22-26

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Hôm nay, ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội đặt trước chúng ta cảnh của bữa Tiệc Ly, cuộc họp mặt cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đây là cuộc họp mặt căng thẳng, đầy mâu thuẫn. Giuđa đã quyết định phản bội Chúa Giêsu (Mc 14:10). Phêrô đã phản đối rằng ông sẽ không chối Chúa (Mc 14:30). Chúa Giêsu biết tất cả những điều này. Nhưng Người đã không làm mất sự bình tĩnh của mình hoặc cảm nghiệm về tình bằng hữu. Thay vào đó, tại chính bữa Tiệc Ly này, Chúa thành lập Phép Thánh Thể và thực hiện dấu chỉ tình yêu đến cùng của Người cho các ông (Ga 13:1).

Bốn câu Tin Mừng mô tả Phép Thánh Thể (Mc 14:22-25) là một phần của bối cảnh lớn hơn (Mc 14:1-31). Các câu này đứng trước và sau Phép Thánh Thể, giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu rõ hơn ý nghĩa việc làm của Chúa Giêsu. Trước khi thành lập Phép Thánh Thể, Máccô nói về quyết định giết Chúa Giêsu của những kẻ có thẩm quyền (Mc 11:1-2), về hành động trung thành của người phụ nữ vô danh đã xức dầu cho Chúa Giêsu trong dự đoán sẽ mai táng Người (Mc 14:3-9), về thỏa ước phản bội của Giuđa (Mc 14:10-11), về việc chuẩn bị cho lễ Vượt Qua (Mc 14:12-16) và dấu hiệu của kẻ phản bội (Mc 14:17-21). Sau khi lập Phép Thánh Thể, tiếp theo là lời tiên báo tất cả mọi người sẽ vấp ngã (Mc 14:26-28) và lời công bố rằng ông Phêrô sẽ chối Chúa (Mc 14:29-31).

Phần Phụng Vụ hôm nay cắt văn bản ra làm nhiều mảnh, nhưng giữ lại các yếu tố thiết yếu của câu chuyện thành lập Phép Thánh Thể (Mc 14:12-16, 22-26). Trong văn bản của chúng ta, chúng tôi giữ lại các câu 17-21 và 27-31, là những câu được bỏ qua trong văn bản của Thánh Lễ. Trong phần bình giải, chúng ta có thể giới hạn mình với văn bản được đưa ra trong phần Phụng Vụ của ngày. Khi đọc, chúng ta hãy hình dung mình đang ở với Chúa Giêsu và các môn đệ trong phòng, tham dự vào bữa Tiệc Ly, và chúng ta hãy tìm cách chú ý đến những gì đánh động chúng ta nhất và những gì làm trái tim chúng ta cảm động nhất.

b) Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:

Mc 14:12: Các môn đệ muốn biết sẽ cử hành lễ Vượt Qua ở đâu

Mc 14:13-15: Chúa Giêsu nói với các ông nơi và cách chuẩn bị cho lễ Vượt Qua

Mc 14:16: Các môn đệ đi và làm như lời Chúa Giêsu dặn bảo

Mc 14:17-21: Lời loan báo về sự phản bội của Giuđa

Mc 14:22-24: Chúa Giêsu đưa ra một ý nghĩa mới cho bánh và rượu

Mc 14:25-26: Những lời cuối

Mc 14:27-31: Lời loan báo về sự tan tác của tất cả các ông và việc Phêrô chối Chúa

c) Phúc Âm:

12 Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh Không Men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” 13 Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. 14 Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ 15 Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”.

16 Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

17 Chiều đến, Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai cùng tới. 18 Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật các con, có người trong các con sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.” 19 Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: “Chẳng lẽ con sao?” 20 Người đáp: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy. 21 Đã hẳn, Con Người ra đi như theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

22 Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. 23 Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. 24 Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. 25 Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”.

26 Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. 27 Và Chúa Giêsu nói với các ông: “Tất cả các con sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. 28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilêa trước các con.” 29 Ông Phêrô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” 30 Chúa Giêsu nói với ông: “Thầy bảo thật con: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính con, con đã chối Thầy đến ba lần.” 31 Nhưng ông Phêrô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a) Điều gì trong đoạn Tin Mừng đã đánh động bạn nhất? Tại sao?

b) Hãy nêu ra từng sự kiện mà văn bản mô tả.

c) Thái độ của Chúa Giêsu đối với Giuđa, kẻ bán Chúa, và đối với Phêrô, kẻ chối Thầy, như thế nào?

d) Cử chỉ của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì khi Người bẻ bánh và nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn! Này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con!” Văn bản này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Bí Tích Thánh Thể ra sao?

e) Hãy nhìn vào tấm gương của văn bản, hãy bước vào trái tim bạn và tự vấn: “Liệu tôi có giống ông Phêrô chối Chúa không? Tôi có giống Giuđa bán Thầy không? Tôi có giống Nhóm Mười Hai bỏ trốn không? Hay là tôi giống người phụ nữ vô danh kia vẫn trung thành với Chúa (Mc 14:3-9)?”

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

a) Bối cảnh:

Chúng ta đang ở trong căn phòng của Bữa Tiệc Ly. Những gì đã xảy ra trong vài ngày qua đã làm tăng sự căng thẳng giữa Chúa Giêsu và nhà cầm quyền. Cuộc tiến vào thành Giêrusalem cách long trọng của Chúa Giêsu (Mc 11:1-11), việc xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (Mc 11:12-26), cuộc tranh luận với những tư tế, Luật Sĩ và kỳ lão (Mc 11:27 – 12:12), với những người Biệt Phái và nhóm Hêrôđê (Mc 12:13-17), với những người phái Sađốc (Mc 12:18-27), với các kinh sư (Mc 12:28-40), những nhận xét của Người về việc dâng cúng của người giàu và người nghèo (Mc 12:41-44), lời công bố của Người liên quan đến việc Đền Thờ bị phá hủy (Mc 13:1-3) và bài giảng của Người về ngày phán xét sau hết (Mc 13:4-37): tất cả những điều này đã làm tăng thêm sự chống đối dữ dội với Chúa Giêsu. Một mặt, chúng ta có một người phụ nữ vô danh, một môn đệ trung thành đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và bị đóng đinh (Mc 14:2-9), mặt khác, chúng ta có các môn đệ là những người không thể hiểu được và thậm chí còn không chấp nhận cây Thập Giá, và là những người muốn trốn chạy, từ chối và phản bội (Mc 14:17-21, 27-31). Và ở giữa khung cảnh căng thẳng và đe dọa này chúng ta có cử chỉ yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình hoàn toàn đang khi bẻ bánh cho các môn đệ Người.

Vào những năm của thập niên 70, trong thời kỳ của thánh Máccô, nhiều Kitô hữu vì sợ hãi đã chối bỏ, phủ nhận hoặc phản bội đức tin của họ. Và giờ đây họ đang tự hỏi: “Chúng ta đã phá vỡ mối quan hệ với Chúa Giêsu sao? Có thể nào Chúa đã cắt đứt mối quan hệ của Người với chúng ta sao? Chúng ta có thể nào được trở lại không?” Không có câu trả lời rõ ràng. Chúa Giêsu đã không ghi lại bất cứ điều gì. Đó chỉ là phản ánh về những gì đã xảy ra và hồi tưởng lại tình yêu của Chúa Giêsu mà các Kitô hữu dần dần khám phá ra câu trả lời. Như chúng ta sẽ thấy trong phần bình luận, qua cách thánh Máccô mô tả lại bữa Tiệc Ly, ông thông tri lại câu trả lời mà ông đã khám phá ra cho những câu hỏi này của cộng đoàn, đó là, việc đón nhận và tình yêu của Chúa Giêsu thì cao cả hơn so với sự thất bại và làm hỏng việc của các môn đệ. Việc trở lại luôn luôn là có thể được!

b) Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

* Mc 14:12-16: Sự chuẩn bị cho tiệc lễ Vượt Qua.

Trái ngược hoàn toàn với người môn đệ vô danh xức dầu cho Chúa Giêsu, Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, quyết định phản bội Chúa Giêsu và thông đồng với kẻ thù là những kẻ đã hứa thưởng tiền cho anh ta (Mc 14:10-12). Chúa Giêsu biết rằng mình sẽ bị phản bội. Tuy nhiên, Người vẫn tìm cách thân thiện với các môn đệ như tình anh em tại bữa Tiệc Ly. Họ chắc phải chi một số tiền lớn để thuê “một căn phòng rộng rãi trên lầu với đầy đủ vật dụng và ghế, tất cả đã sẵn sàng” (Mc 14:15). Khi ấy, đó là đêm trước lễ Vượt Qua, thành phố đông nghẹt với những du khách. Dân số thường tăng lên gấp ba lần. Rất khó mà có thể tìm được một căn phòng để hội họp nhau.

Trong đêm lễ Vượt Qua, các gia đình đến từ khắp miền đất nước, đem theo với họ những con chiên để hiến tế trong Đền Thờ, và ngay sau khi đó, mỗi gia đình cử hành trong sự thân mật gia đình bữa Tiệc Lễ Vượt Qua và cùng ăn thịt chiên. Việc cử hành tiệc lễ Vượt Qua được chủ tọa bởi người gia trưởng trong gia đình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu chủ tọa việc cử hành và đứng ra cử hành lễ Vượt Qua với các môn đệ, “gia đình” mới của Người (xem Mc 3:33-35).

“Căn phòng rộng rãi trên lầu” ấy đã in sâu trong trí nhớ của các Kitô hữu tiên khởi như là nơi Phép Thánh Thể được cử hành đầu tiên. Họ đã trú ngụ ở đó sau khi Chúa Giêsu Về Trời (Cv 1:13); họ đã ở đó khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2:1). Đó có lẽ cũng là căn phòng mà họ đã tụ tập nhau để cầu nguyện khi họ bị đàn áp (Cv 4:23-31) và là nơi ông Phêrô gặp gỡ họ sau khi ông được thả ra (Cv 12:12). Kỷ niệm cụ thể, được nối kết với thời gian và những nơi chốn của cuộc đời.

* Mc 14:22-26: Phép Thánh Thể là việc làm của tình yêu tối thượng.

Lần họp mặt cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ diễn ra trong bầu không khí trang trọng của buổi cử hành lễ Vượt Qua theo truyền thống. Sự mâu thuẫn rất rõ ràng. Một mặt chúng ta có các môn đệ cảm thấy bất an và không hiểu những gì đang xảy ra. Mặt khác, chúng ta có Chúa Giêsu, bình thản và làm chủ tình hình, chủ tọa bữa tiệc và làm công việc bẻ bánh, mời các bạn hữu của Người dự phần vào thịt và máu của mình. Người làm những gì mà Người luôn cầu nguyện: dâng hiến mạng sống mình để bạn hữu của Người có thể được sống. Đây là ý nghĩa sâu xa của Phép Thánh Thể: học hỏi từ Chúa Giêsu chia sẻ chính mình, dâng hiến chính mình, mà không sợ các thế lực đang đe dọa mạng sống. Sự sống thì mạnh hơn cái chết. Lòng tin vào sự sống lại vô hiệu hóa quyền lực của cái chết.

Sau bữa ăn tối, Chúa Giêsu đi vào Vườn Cây Dầu với các bạn của Người và nói với mọi người rằng tất cả sẽ từ bỏ Người: Họ sẽ trốn chạy hoặc bị tản mác! Nhưng Người đã nói với họ: “Sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến Galilêa trước các con!” Các ông phá vỡ mối quan hệ với Chúa Giêsu, nhưng Người không làm như thế với các ông! Người tiếp tục chờ đợi họ ở Galilêa, nơi mà ba năm trước đây Người đã gọi các ông lần đầu tiên. Đó là, sự hiện diện chắc chắn của Chúa Giêsu trong đời sống người môn đệ thì mạnh hơn sự từ bỏ hoặc tháo chạy! Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi. Người luôn luôn kêu gọi! Luôn luôn có thể trở về! Đây là sứ điệp của thánh Máccô gửi cho các Kitô hữu của những năm thập niên 70 và cho tất cả chúng ta.

Cách mà Máccô mô tả Phép Thánh Thể cho thấy nhấn mạnh nhiều hơn về sự tương phản giữa cử chỉ của Chúa Giêsu và thái độ của các môn đệ. Trước cử chỉ yêu thương của Người, Chúa Giêsu nói về việc phản bội của Giuđa (Mc 14:17-21) và, sau cử chỉ yêu thương, Người nói về việc chối Thầy của Phêrô và sự trốn chạy của các môn đệ (Mc 14:26-31). Vì thế, Máccô chú trọng đến tình yêu vô điều kiện của Chúa Giêsu, Đấng vượt qua khỏi sự phản bội, chối từ và tháo chạy của các bạn mình. Đó là sự mặc khải tình yêu nhưng không của Chúa Cha! Bất cứ ai có kinh nghiệm điều này sẽ nói: “trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta!” (Rm 8:39).

c) Tài liệu phụ thêm:

* Việc cử hành lễ Vượt Qua vào thời Chúa Giêsu

Lễ Vượt Qua là lễ hội chính của người Do Thái. Trong ngày lễ này, họ kỷ niệm việc giải thoát của họ khỏi đất Ai-Cập, đó là nguồn gốc của dân riêng Thiên Chúa. Nhưng nó không chỉ là một gợi nhắc lại đơn giản sự rời khỏi đất Ai-cập. Lễ Vượt Qua là cánh cửa mở ra một lần nữa mỗi năm để cho các thế hệ có thể có lối vào cùng một hành động giải thoát của Thiên Chúa là Đấng trong quá khứ đã vực dậy dân riêng của Người. Bằng vào việc cử hành lễ Vượt Qua, mỗi thế hệ, mỗi người lấy nước cùng ngọn suối mà cha ông họ trong quá khứ đã uống khi họ được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Việc cử hành giống như sự tái sinh hằng năm.

Vào thời Chúa Giêsu, việc cử hành lễ Vượt Qua như thể những người tham gia có thể cùng tham dự chuyến hành trình mà dân Do Thái đã đi qua sau khi họ được giải thoát khỏi đất Ai Cập. Vì lý do này, lễ kỷ niệm đã diễn ra với các biểu tượng: rau đắng, thịt chiên quay dở dang, bánh không men, chén rượu, và các biểu tượng khác. Trong khi cử hành lễ, người con trai út phải hỏi người cha: “Thưa cha, tại sao đêm nay lại khác hơn tất cả những đêm khác? Tại sao chúng ta ăn rau đắng? Tại sao thịt chiên quay chưa chín? Tại sao lại bánh không men?” Và người cha sẽ trả lời với việc kể lại chuyện các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ: “Rau đắng cho chúng ta kinh nghiệm của sự khó khăn và cay đắng của ách nô lệ. Thịt trừu nướng chưa chín để gợi nhớ lại sự chóng vánh của việc giải thoát của Thiên Chúa. Bánh không men cho thấy sự cần thiết phải canh tân và thay đổi liên tục. Nó cũng gợi lại việc không đủ thì giờ để chuẩn bị mọi thứ bởi vì tốc độ hành động của Thiên Chúa”. Cách cử hành lễ Vượt Qua này, chủ tọa bởi người cha trong gia đình, đã cho người chủ sự tự do và sáng tạo trong việc ông tiến hành lễ kỷ niệm.

* Phép Thánh Thể: Lễ Vượt Qua được cử hành bởi Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly

Để cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu, trong đêm trước cái chết của Người, đã gặp gỡ các môn đệ. Đó là cuộc họp mặt cuối cùng với các ông. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi là “Bữa Tiệc Ly” (Mk 14:22-26; Mt 26:26-29; Lc 22:14-20). Nhiều khía cạnh về lễ Vượt Qua của người Do Thái tiếp tục có giá trị cho việc cử hành lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu và tạo nên bối cảnh của nó. Chúng giúp chúng ta hiểu được toàn bộ ý nghĩa của Phép Thánh Thể.

Tận dụng lợi thế của tự do mà nghi thức đã dành cho Người, Chúa Giêsu đã ban cho ý nghĩa mới mẻ về những biểu tượng của bánh và rượu. Khi Chúa chia sẻ bánh, Người nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con!” Khi Chúa chia sẻ chén rượu, Người nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.” Cuối cùng, nhận thức được rằng đây là buổi họp mặt cuối cùng, “Bữa tiệc ly”, Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14:25). Vậy là Người đã hiệp nhất với lời cam kết của mình, được biểu tượng bằng việc bẻ bánh và chia sẻ, với điều kiện lý tưởng của Nước Trời.

Phép Thánh Thể có ý nghĩa để tưởng nhớ kỷ niệm về Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống của Người vì chúng ta, để cho chúng ta có thể sống trong Thiên Chúa và có dịp đến gần với Chúa Cha. Đây là ý nghĩa sâu xa của Phép Thánh Thể: để tạo sự hiện diện ở giữa chúng ta, và trải nghiệm trong đời sống chúng ta, kinh nghiệm của Chúa Giêsu Đấng đã hiến mạng sống mình trong cái chết và sự sống lại của Người.

* Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể trong số các Kitô hữu tiên khởi

Các Kitô hữu không phải luôn luôn thành công trong việc duy trì lý tưởng của Phép Thánh Thể. Trong những năm của thập niên 50, thánh Phaolô chỉ trích cộng đoàn tín hữu ở Côrintô rằng, trong việc cử hành bữa tiệc của Chúa, đã làm ngược hẳn lại bởi vì mỗi người trong anh em lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say (1Cr 11:20-22). Cử hành Bí Tích Thánh Thể như một sự tưởng nhớ đến Đức Giêsu có nghĩa là tham gia vào trong chương trình của Chúa Giêsu. Nó có nghĩa là đồng hóa đời sống chia sẻ của Người, hoàn toàn phục vụ cho đời sống người nghèo.

Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Tin Mừng của Gioan, thay vì mô tả nghi thức Bí Tích Thánh Thể, lại mô tả Chúa Giêsu quỳ xuống để làm công việc phục dịch thấp hèn nhất thời bấy giờ: rửa chân. Sau khi làm công việc này, Chúa Giêsu không nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (như được nói tại lúc thành lập Phép Thánh Thể trong sách Tin Mừng Luca 22:19; 1Cr 11:24), nhưng Người nói rằng: “Các con hãy làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13:15). Thay vì sắp đặt một sự lặp lại của nghi thức, Tin Mừng của Gioan yêu cầu thái độ của đời sống phải được duy trì kỷ niệm món quà mà Chúa Giêsu đã trao ban chính mình vô hạn. Các Kitô hữu trong cộng đoàn của Gioan đã cảm thấy họ cần phải nhấn mạnh vào ý nghĩa của Phép Thánh Thể như là một sự phục vụ hơn là một nghi thức.

* Phần tóm tắt

Quên đi sự phong phú lễ Vượt Qua của người Do Thái khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể thì cũng giống như phá đổ bức tường nơi mà bức tranh được treo. Sự phong phú của việc cử hành lễ Vượt Qua, như nó được cử hành trong Cựu Ước và trong thời của Chúa Giêsu, giúp cho chúng ta đào sâu ý nghĩa của Phép Thánh Thể và tránh được cảm giác theo thói quen tầm thường hóa tất cả mọi thứ. Tóm lược lại những gì chúng tôi đã nói, đây là một số điểm có thể làm phong phú việc cử hành của chúng ta:

  • Hãy nhận biết sự đàn áp mà chúng ta đang sống ngày nay – nhai rau đắng
  • Hãy nhớ đến việc giải thoát khỏi sự áp bức – câu trả lời của người cha cho các câu hỏi của người con trai út
  • Hãy kinh nghiệm tốc độ quyền lực giải thoát của Thiên Chúa – thịt nướng chưa chín và bánh không men
  • Hãy cử hành Giao Ước; hãy dấn thân một lần nữa – chúng ta cam kết trong việc ăn bánh mà Chúa Giêsu trao ban
  • Hãy biết ơn vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa làm cho chúng ta – hành động tôn vinh
  • Hãy thắp lại đức tin, đức cậy và đức mến – khuyến khích lẫn nhau
  • Hãy nhớ đến những gì đã thành đạt và những gì còn phải làm – hãy nhớ đến những điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta
  • Hãy tái tạo cùng món quà mà chính Chúa Giêsu đã làm – rửa chân
  • Hãy sống với cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại – về mầu nhiệm liên tục của đời sống
  • Hãy thực hành sự hiệp thông, nguồn gốc của tình huynh đệ – các hoạt động hòa bình và giúp đỡ

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh: Thánh Vịnh 16 (15)

Chúa là phần gia nghiệp của con

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? ”
Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm!

Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

  1. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 

 

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …