Mùa Giáng Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Người là ánh sáng cho mọi dân tộc,
Xin hãy ban cho chúng con niềm vui mừng của nền hòa bình lâu dài,
Và xin đổ đầy chúng con với sự rạng ngời của Chúa
Như Chúa đã đổ đầy trái tim của cha ông chúng con.
Chúng cầu xin nhờ Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
Đấng hằng sống và hằng trị với Chúa và Chúa Thánh Thần,
trong sự hiệp nhất, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Máccô 6:45-52
Sau khi năm ngàn người đã được ăn no, Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsaiđa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ.” Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn các ông lại càng sửng sốt hơn, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
3. Suy Niệm
– Sau phép lạ bánh hóa ra nhiều (bài Tin Mừng hôm qua), Chúa Giêsu giục cho các môn đệ xuống thuyền. Tại sao vậy? Thánh Máccô không giải thích điều này. Sách Tin Mừng theo Gioan nói như sau. Theo như kỳ vọng của người ta lúc bấy giờ, Đấng Mêssia sẽ lặp lại cử chỉ của ông Môisen và sẽ nuôi sống vô số người trong sa mạc. Đây là lý do mà trước sự kiện bánh hóa ra nhiều, người ta kết luận rằng Chúa Giêsu phải là Đấng Mêssia được mong đợi, được loan báo bởi ông Môisen (xem Đnl 18:15-18) và họ muốn biến Người trở thành vua (xem Ga 6:14-15). Quyết định này của dân chúng là một cám dỗ đối với Chúa Giêsu cũng như đối với các môn đệ. Vì lý do này, Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền và rời đi. Người muốn tránh cho các ông nguy cơ bị hư hỏng bởi ý thức thống trị, bởi vì “men Pharisêu và men Hêrôđê” đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ (Mc 8:15). Chính Chúa Giêsu cũng phải đối mặt với sự cám dỗ qua lời cầu nguyện.
– Thánh Máccô mô tả các sự kiện với nghệ thuật tuyệt vời. Một mặt, Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện. Mặt khác, các môn đệ đi về phía biển hồ và xuống thuyền. Nó gần giống như một bức tranh biểu tượng báo trước cho tương lai: như thể Chúa Giêsu lên Trời, để lại các môn đệ bơ vơ ở giữa những mâu thuẫn của đời sống, trong con thuyền mong manh của cộng đoàn. Lúc đó là ban đêm. Họ đang ở trên biển, tất cả cùng nhau trong một chiếc thuyền nhỏ bé, cố gắng tiến tới, khó nhọc chèo chống, nhưng gió rất mạnh và ngược với hướng thuyền. Các ông đã mệt mỏi. Lúc ấy là đêm, vào khoảng từ ba đến sáu giờ sáng. Các cộng đoàn thời thánh Máccô cũng giống như các môn đệ. Trong đêm tối! Ngược gió! Các ông không lưới được con cá nào, dù rằng đã ra công gắng sức! Chúa Giêsu dương như vắng bóng! Điều này rất tượng trưng cho mọi thời đại. Nhưng Chúa đã hiện diện và đến gần với các ông, và các ông, cũng giống như các môn đệ trên đường Emmau, đã không nhận ra Người (Lc 24:16).
– Vào thời của thánh Máccô, khoảng năm 70, con thuyền nhỏ của các cộng đoàn đã phải đối mặt với cơn gió trái chiều từ một số người Do Thái cải đạo, những người muốn làm giảm bớt mầu nhiệm về Chúa Giêsu từ những lời tiên tri và các nhân vật trong Cựu Ước, cũng như một số dân ngoại cải đạo, những người nghĩ rằng có thể có một liên minh nhất định giữa đức tin vào Chúa Giêsu và với đế chế. Thánh Máccô cố gắng giúp các Kitô hữu kính trọng mầu nhiệm về Chúa Giêsu và không muốn làm hạ thấp Chúa Giêsu theo mong muốn và ý tưởng riêng của họ.
– Chúa Giêsu đi trên mặt biển của sự sống mà đến. Các ông la hoảng lên, sợ hãi, vì các ông nghĩ rằng đó là ma. Tương tự như đã xảy ra trong đoạn Tin Mừng về các môn đệ trên đường đi Emmau, Chúa Giêsu giả vờ như Người định đi tiếp (Lc 24:28). Vì các ông hoảng hốt la lên đã khiến Người đổi hướng đi. Người tiến đến gần các ông và nói: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ!” Tại đây một lần nữa, đối với những ai biết câu chuyện trong Cựu Ước, điều này gợi lại một số sự kiện rất quan trọng: (a) Nên nhớ rằng dân chúng, được Thiên Chúa bảo vệ, đã vượt qua Biển Đỏ không sợ hãi; (b) Nên nhớ rằng Thiên Chúa, nói với ông Môisen, công bố danh tánh của Người nhiều lần, nói rằng: “Đó là danh Ta!” (xem Is 42:8; 43:5,11,13; 44:6,25; 45:5-7). Điều gợi nhớ lại Cựu Ước này, dùng Kinh Thánh, đã giúp các cộng đoàn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu và trong các sự kiện của đời sống. Đừng sợ!
– Chúa Giêsu lên thuyền và gió ngừng thổi. Nhưng nỗi lo sợ của các môn đệ, thay vì biến mất, thì lại gia tăng. Thánh sử Máccô trách cứ họ và nói rằng: “Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!” (6:52). Lời khẳng định rằng lòng trí các ông còn ngu muội khiến chúng ta nhớ lại việc lòng trí của Pharaô đã ngu muội (Xh 7:3,13,22) và lòng của dân chúng trong sa mạc (Tv 95:8), những kẻ không muốn nghe theo lời ông Môisen và chỉ nghĩ đến việc quay trở lại đất Ai Cập (Ds 20:2-10), nơi mà có đầy bánh và thịt ăn thỏa thê (Xh 16:3).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Đêm tối, bão biển, ngược gió… Bạn đã có bao giờ cảm thấy như thế này chưa? Bạn đã làm gì để vượt qua những điều ấy?
– Có bao giờ bạn đã sợ hãi rất nhiều lần vì đã không biết cách nhận ra Chúa Giêsu hiện diện và làm việc trong cuộc sống của bạn không?
– Đoạn Tin Mừng này áp dụng cho cá nhân tôi theo cách nào? Với tất cả các vấn nạn và thách đố của thế giới, nó áp dụng cho Giáo Hội ngày nay như thế nào?
5. Lời nguyện kết
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo,
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
Từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
(Tv 72:13-14)