Home / Event / Lectio Divina: Thánh Gioan Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Sử

Lectio Divina: Thánh Gioan Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Sử

Date: Thứ Sáu 27 Tháng Mười Hai, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Tuần Bát Nhật Giáng Sinh                                

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa chính là tình yêu.

Chúng con biết rằng Chúa yêu thương chúng con trước, trước cả khi chúng con có thể yêu thương Chúa.

Xin hãy để cho kinh nghiệm không thể quên này của “người tông đồ Chúa yêu” Gioan cũng trở thành kinh nghiệm sâu sắc và lâu dài của chúng con.

Nguyện xin cho tình yêu mà Chúa đã cho chúng con thấy trong Con của Chúa, Đức Giêsu Kitô, khiến cho chúng con đáp trả lại tình yêu Chúa một cách thiết tha và đổ tràn đầy trên tất cả những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Gioan 20:2-8 

Ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời con tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.  Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.  Bà nói:  “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ.  Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông.  Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào.

Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi.  Ông vào thẳng trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che đầu Đức Giêsu.  Khăn này không để lẫn với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn lại, xếp riêng ra một chỗ.

Bấy giờ người môn đệ kia, đã đến mộ trước, cũng đi vào; ông đã thấy và đã tin.

3.  Suy Niệm

  Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một đoạn văn từ sách Tin Mừng Gioan nói về Người Môn Đệ Chúa Yêu.  Có lẽ, văn bản này đã được lựa chọn để đọc và suy niệm vào ngày hôm nay, lễ kính thánh Gioan Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Sử, để xác định ngay rằng, tất cả chúng ta đều là người môn đệ Chúa yêu cùng với thánh Tông Đồ Gioan.  Nhưng điều lạ là trong sách Tin Mừng Gioan không có một đoạn văn nào nói rằng người môn đệ Chúa yêu là Gioan.  Nhưng sau đó, từ thời Giáo Hội sơ khai, nó đã luôn được khẳng định trong việc xác định cả hai người.  Đây là lý do tại sao trong khi nhấn mạnh vào sự tương đồng giữa hai người, chúng ta có rủi ro làm mất đi một khía cạnh rất quan trọng của sứ điệp Tin Mừng liên quan đến người môn đệ Chúa yêu.

  Trong Tin Mừng Gioan, người môn đệ Chúa yêu đại diện cho cộng đoàn mới được thành lập chung quanh Chúa Giêsu.  Chúng ta thấy Người Môn Đệ Chúa Yêu đứng dưới chân Thánh Giá, cùng với Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu (Ga 19:26).  Đức Maria đại diện cho Dân Chúa của Cựu Ước.  Vào cuối thế kỷ thứ nhất, khi mà việc soạn thảo cuối cùng của Tin Mừng Gioan được biên soạn, đã có cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Hội Đường Do Thái giáo và Giáo Hội.  Một số Kitô hữu đã muốn từ bỏ Cựu Ước và chỉ duy trì hay giữ lại phần Tân Ước.  Dưới chân Thánh Giá, Chúa Giêsu nói với Đức Maria:  “Thưa Bà, đây là con Bà!” và nói với Người Môn Đệ Yêu Dấu:  “Này anh, đây là mẹ của anh!”  Và cả hai phải đi cùng với nhau như mẹ và con.  Tách rời Cựu Ước ra khỏi Tân Ước, vào thời bấy giờ mà ngày nay chúng ta gọi là tách rời đức tin (Tân Ước) và sự sống (Cựu Ước).

  Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô và Người Môn Đệ Chúa Yêu, được thông báo bởi lời chứng của bà Maria Mađalêna, cùng nhau chạy ra Mộ Thánh.  Người thanh niên thì chạy nhanh hơn người già và đến mộ trước.  Ông nhìn vào ngôi mộ, quan sát mọi việc, nhưng không bước vào.  Ông để cho ông Phêrô vào trước.  Điều này chỉ ra rằng cách mà Tin Mừng mô tả phản ứng của hai môn đệ trước những gì mà cả hai người cùng nhìn thấy:  “Ông vào thẳng trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che đầu Đức Giêsu.  Khăn này không để lẫn với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn lại, xếp riêng ra một chỗ.  Bấy giờ người môn đệ kia, đã đến mộ trước, cũng đi vào; ông đã thấy và đã tin.”  Cả hai ông đều đã nhìn thấy cùng một sự việc, nhưng Tin Mừng lại chỉ nói về Người Môn Đệ Chúa Yêu rằng ông đã tin:  “Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.”  Tại sao vậy?  Chẳng lẽ ông Phêrô đã không tin?

  Người Môn Đệ Chúa Yêu nhìn, thấy theo một cách khác, ông cảm nhận nhiều hơn những người khác.  Ông có một cái nhìn yêu thương cảm nhận được sự hiện diện mới lạ của Chúa Giêsu. Buổi sáng sau một đêm làm việc, lưới cá và, rồi thì việc lưới được cá cách kỳ diệu, chính ông, người môn đệ Chúa yêu đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu và nói rằng:  “Chính Chúa đó!” (Ga 21:7).  Nhân dịp đó, ông Phêrô được thông báo bằng lời khẳng định của Người Môn Đệ Chúa Yêu, cũng nhận ra được và bắt đầu hiểu.  Phêrô học được từ Người Môn Đệ Chúa Yêu.  Sau đó, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần:  “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:15,16,17).  Cả ba lần Phêrô đều trả lời rằng:  “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy!”  Sau lần thứ ba, Chúa Giêsu giao phó đoàn chiên cho ông Phêrô chăm sóc, và trong giây phút đó, ông Phêrô cũng trở thành “Người Môn Đệ Chúa Yêu”.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  Tất cả chúng ta hôm nay, những người tin vào Chúa Giêsu, là Các Môn Đệ Chúa Yêu.  Tôi có cùng cái nhìn yêu thương để cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và tin vào sự Phục Sinh của Người không?

–  Tách rời Cựu Ước ra khỏi Tân Ước thì cũng giống như tách rời Đức Tin và Sự Sống.  Tôi hành động và sống điều này như thế nào hôm nay?

5.  Lời nguyện kết

Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan

vị Chúa Tể toàn cầu.

Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,

hết mọi dân được thấy vinh quang Người.

(Tv 97:5-6) 

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …