Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Cha chúng con và là Đấng bảo vệ chúng con,
Không có Cha thì chẳng có gì là thánh thiện,
Chẳng có gì là giá trị.
Xin Cha hướng dẫn chúng con đến sự sống muôn đời
Bằng cách giúp đỡ chúng con xử dụng cách khôn ngoan
Những ân sủng mà Cha đã ban cho thế gian.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,
Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Luca 10:38-42
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với.” Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.”
3. Suy Niệm
– Tính năng động của câu chuyện. Tình trạng của Chúa Giêsu là người đi rao giảng đây đó giúp cho bà Martha có cơ hội được đón rước Chúa vào nhà mình. Câu chuyện trình bày thái độ của hai chị em: bà Maria ngồi bên chân Chúa chăm chú lắng nghe Lời Chúa; bà Martha thì trái lại, hoàn toàn bận rộn với việc thết đãi và bà đến gần Chúa Giêsu để phàn nàn về thái độ của em bà. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và bà Martha chiếm phần lớn trong câu chuyện (các câu 40b-42): Bà Martha bắt đầu với một cây hỏi hoa mỹ: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?”; rồi bà cầu xin sự can thiệp của Chúa Giêsu để Người có thế gọi em bà trở lại với công việc nhà mà bà ấy đã lãng quên: “Xin Thầy bảo em con giúp con với.” Chúa Giêsu đáp lại bằng giọng trìu mến; đây là ý nghĩa của việc lặp lại tên bà: “Martha, Martha”. Người nhắc nhở Martha rằng bà đang lo lắng về “nhiều thứ”, và trong thực tế, bà cần “chỉ một điều” và Chúa kết luận bằng cách gợi lại việc người em đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất. Thánh Luca đã xây dựng câu chuyện này trên sự tương phản: hai cá tính khác biệt giữa bà Martha và bà Maria; người thứ nhất thì lo lắng bối rối về “nhiều chuyện”, còn người thứ hai thì không làm gì cả, bà chăm chú lắng nghe lời Chúa. Mục đích của sự tương phản này là để nhấn mạnh đến thái độ của bà Maria, người đã toàn tâm toàn ý lắng nghe trọn vẹn lời Chúa, do đó trở thành mẫu mực cho mọi tín hữu.
– Con người của bà Martha. Bà là người chủ động đứng ra đón rước Chúa Giêsu vào nhà mình. Vì hết lòng đón tiếp Chúa, bà đầy lo lắng bởi có quá nhiều việc phải sửa soạn và bối rối khi thấy chỉ có mình bà phải làm tất cả. Bà bận rộn tất bật vì quá nhiều việc, bà lo lắng và cảm thấy thật bối rối. Vì thế, bà Martha “đến cùng Chúa Giêsu” và thưa với Người một câu hỏi chính đáng để xin giúp đỡ: tại sao bà lại bị người em để bà lo việc một mình? Chúa Giêsu đáp lại khi thấy rằng bà chỉ có lo lắng, bà bị phân tâm giữa việc muốn thết đãi Chúa Giêsu một bữa ăn xứng đáng với con người của Ngài và lòng ước ao được toàn tâm lắng nghe Chúa. Do đó, Chúa Giêsu không trách cứ về việc phục vụ của bà Martha, nhưng không hài lòng vì bà lo lắng nhiều quá. Trước đây, Chúa Giêsu đã giải thích trong dụ ngôn người gieo giống với hạt rơi vào bụi gai để nhắc nhớ lại tình trạng của những người nghe Lời Chúa, nhưng đã để cho bản thân mình bị chi phối bởi những mối lo lắng khác (Lc 8:14). Vì thế, Chúa Giêsu không bác bỏ công việc của bà Martha, giá trị của việc tiếp đón và thết đãi Người, nhưng Chúa cảnh báo bà về những nguy cơ mà bà có thể bị sa vào: lo lắng và bối rối. Chúa Giêsu đã có lần nói về những nguy cơ này: “Trước tiên, hãy tìm kiếm Nước Trời, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12:31).
– Con người của bà Maria. Bà là người chấp nhận Lời Chúa: bà được mô tả với hình thức không hoàn hảo: “bà đang lắng nghe”, một hành đông liên tục trong việc lắng nghe Lời Chúa Giêsu. Thái độ của bà Maria thì trái người với thái độ lo lắng và bối rối của chị bà. Chúa Giêsu nói rằng bà Maria đã chọn “phần tốt nhất” để tương ứng với việc lắng nghe Lời Ngài. Bằng vào lời Chúa Giêsu, người đọc biết rằng không có hai phần trong đó một phần có phẩm chất tốt hơn phần kia, mà chỉ có một phần tốt: đón nhận Lời Chúa. Thái độ này không tán thành việc trốn tránh công việc hay trách nhiệm hằng ngày của một người, mà chỉ có sự nhận biết rằng lắng nghe Lời Chúa chiếm ưu tiên hơn mọi công việc, mọi hoạt động.
– Sự quân bình giữa hoạt động và chiêm niệm. Thánh Luca đặc biệt chú ý liên kết việc lắng nghe Lời Chúa với mối quan hệ với Chúa. Vấn đề không phải là phân chia ngày giờ dành cho cầu nguyện và các công việc khác, mà là sự chú ý đến Lời Chúa phải chiếm ưu tiên và đi đôi với việc làm. Mong muốn lắng nghe Chúa không thể được thay thế bằng một hoạt động khác: cần phải dành thời giờ và địa điểm nhất định để tìm kiếm Chúa. Cam kết tu luyện lắng nghe lời Chúa xuất phát từ sự chú ý đến Chúa: mọi thứ đều có thể góp phần: môi trường của địa điểm, thời gian. Tuy nhiên, lòng ước ao gặp gỡ Thiên Chúa phải xuất phát từ con tim người ta. Không có yếu tố kỹ thuật nào tự động dẫn người ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là vấn đề của tình yêu: cần phải lắng nghe Chúa Giêsu, được ở với Người, và sau đó ân sủng được truyền đạt, và tình yêu bắt đầu. Sự quân bình giữa việc lắng nghe và phục vụ liên quan đến tất cả các tín hữu, trong đời sống gia đình cũng như trong đời sống nghề nghiệp và xã hội: Chúng ta có thể làm gì để những người đã lãnh Bí Tích Rửa Tội kiên trì và đạt được sự trưởng thành của đức tin? Chúng ta nên rèn luyện bản thân để lắng nghe Lời Chúa. Đây là cách khó khăn nhất nhưng lại chắc chắn nhất để đạt được sự trưởng thành của đức tin.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Tôi có biết cách để tạo ra trong đời tôi những tình huống cho con đường lắng nghe không? Tôi có giới hạn bản thân mình chỉ nghe Lời Chúa trong nhà thờ, hay đúng hơn, tôi có dành trọn bản thân mình cho việc lắng nghe cách riêng tư và sâu lắng không, tôi có tìm kiếm thời gian và địa điểm thích hợp không?
– Bạn có giới hạn bản thân mình trong việc xử dụng Lời Chúa cách riêng tư hay bạn công bố lời ấy để trở thành ánh sáng cho người khác, và không là một ngọn đèn chỉ thắp sáng cho riêng một người không?
– Giáo hội có một lịch sử dài về các Giáo Phụ và Tiến Sĩ của Hội Thánh để giúp hiểu được cách lắng nghe Lời Chúa. Bạn có đã đọc và học hỏi từ kho tàng của Giáo Hội để có thể lắng nghe cách sâu sắc hơn chưa?
5. Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
Được ở trên núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
Bụng nghĩ sao nói vậy.
(Tv 15:1-2)