Trong thế kỷ 15, Dòng Cát Minh đã xin phép Toà Thánh để sửa đổi bản Luật của mình do được cho là quá khắt khe, đặc biệt liên quan đến sự cô tịch và luật kiêng thịt triệt để. Yêu cầu thay đổi này được đưa ra trong kỳ Tổng Tu Nghị năm 1430. Sự khắt khe của bản Luật nảy sinh hai vấn đề; làm nản lòng các ơn gọi tiềm năng và dẫn đến sự buông thả trong số các thành viên.
Đức Giáo hoàng Eugene IV đã đáp lại yêu cầu này vào năm 1432 bằng cách cho phép các tu sĩ Cát Minh được ăn thịt ba ngày một tuần, và cho phép họ đi lại trong nhà thờ, hành lang tu viện và các khu vực lân cận vào những thời điểm thích hợp. Việc nới lỏng này nhằm điều chỉnh bản Luật phù hợp với lối sống thực tế được thực hành bởi Dòng Cát Minh, đã phát triển theo thời đại và vượt khỏi những thực hành của các ẩn sĩ nghiêm ngặt trước đây.
Tuy nhiên, việc nới lỏng này gặp phải sự kháng cự từ những tu sĩ trong Dòng ủng hộ việc trở về nguồn. Năm 1440, Tổng Tu Nghị áp đặt bản Luật nới lỏng, và quyết định này có thể đã góp phần vào việc thiết lập cải tổ Cát Minh ở Mantua thành tu đoàn riêng biệt vào năm 1442. Tuy nhiên việc sửa đổi bản Luật là việc hết sức cần thiết, phản ánh các động thái cải tổ và thích ứng rộng lớn hơn trong Dòng Cát Minh trong thời kỳ này.