Ông Gioan Tẩy Giả chỉ cho biết Đức Giêsu là Đấng Kitô
Lòng khiêm tốn là biết được vị trí của mình trong căn tính đúng của mình
Gioan 1: 6-8, 19-28
- Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
- Bài Đọc
a) Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Phần Phụng Vụ của Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng trình bày cho chúng ta hình ảnh của Gioan Tẩy Giả và mô tả địa vị ông nắm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, nó sẽ giúp tìm ra vị trí của chúng ta và chuẩn bị cho lễ Chúa Giáng Sinh. Gioan Tẩy Giả là một vĩ nhân, một đại vĩ nhân. Ông là ngôn sứ có rất nhiều môn đệ và là một nhân vật chủ đạo nổi tiếng. Đức Giêsu đã mô tả ông như là người cao trọng nhất trong số những phàm nhân đã được sinh ra bởi người nữ. Tuy nhiên, theo lời Chúa Giêsu, kẻ nhỏ bé nhất trong Nước Trời vẫn còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả (Mt 11:11). Gioan biết điều này. Ông đã được ca ngợi bởi những người khác, nhưng ông đã không khen ngợi chính mình. Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng về Nước Trời, Gioan đã nhường bước cho Chúa. Tuy nhiên, các môn đệ của ông không có tinh thần khoan dung này. Họ ghen tị. Gioan đã giúp họ vượt qua khó khăn này. Thực ra, không phải là dễ dàng để nhường lại vị trí và vai trò lãnh đạo của mình cho những người khác và cộng tác với họ trong việc thực hiện sứ vụ của họ.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 1:6-8: Địa vị của Gioan trong kế hoạch của Thiên Chúa: làm chứng cho sự sáng.
Ga 1:19-21: Lời chứng tiêu cực của Gioan liên quan đến chính ông: ông không phải là đấng mà người ta tưởng.
Ga 1:22-24: Lời chứng tích cực của Gioan về chính mình: ông dọn đường cho Chúa.
Ga 1:25-28: Ý nghĩa phép rửa của Gioan: ông chuẩn bị cho một Đấng cao trọng hơn, Đấng sẽ đến sau ông.
c) Phúc Âm:
6-8: Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân, để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng.
19-21: Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối nhưng tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Êlia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Êlia.” “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải.”
22-24: Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo.”
25-28: Và có những người thuộc nhóm Biệt Phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không phải là Êlia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người.” Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
- Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
- Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Khía cạnh nào của thái độ ông Gioan Tẩy Giả làm tôi chú ý đến nhất và điều nào làm tôi hài lòng nhất?
b) Ba lần ông Gioan xác định căn cước của mình một cách tiêu cực: Tôi không phải là Đấng Thiên Sai, tôi không phải là Êlia, tôi không phải là một vị tiên tri. Ba lần phủ nhận này cho chúng ta biết gì về con người của Gioan?
c) Dùng một câu nói trong Cựu Ước, Gioan chuyển hướng sự chú ý từ ông sang Chúa Giêsu. Điều này cho chúng ta biết gì về Gioan và về Đức Giêsu?
d) Ông Gioan nói gì về phép rửa? Sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu là gì?
e) Tại sao Chúa Giêsu nói rằng Gioan là người cao trọng nhất nhưng kẻ bé mọn nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông?
f) Làm thế nào tất cả những điều này có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho lễ Chúa Giáng Sinh?
- Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
- Bối cảnh sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng theo thánh Gioan
* Tin Mừng của Gioan được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất. Trong những ngày ấy, bất cứ nơi nào có các cộng đoàn người Do Thái tại Palestine và ở Tiểu Á, thì cũng có những người đã đến tiếp xúc gặp gỡ với Gioan Tẩy Giả hoặc đã chịu phép rửa của ông (Cv 19:3). Bề ngoài, hoạt động của Gioan rất gần giống như của Chúa Giêsu. Cả hai đều rao giảng về Nước Trời (Mt 3:1-2) và cả hai đều kêu gọi ăn năn sám hối (Mt 4:17). Nhất định đã có sự cạnh tranh nào đó giữa những người theo ông Gioan và những người theo Chúa Giêsu. Vì thế, câu trả lời của Gioan liên quan đến Đức Giêsu không chỉ dành cho những người được sai đến bởi các vị tư tế và Biệt Phái trong thời ông Gioan, mà cũng còn cho các cộng đoàn Kitô hữu của cuối thế kỷ thứ nhất. Thật ra, cả bốn sách Tin Mừng đã cẩn thận trích dẫn lời của Gioan Tẩy Giả khi ông nói rằng ông không phải là Đấng Mêssia (Mt 3:3,11; Mc 1:2,7; Lc 3:4,16; Ga 1:10-23, 30; 3:28-30)
- Lời bình giải về lời chứng của Gioan:
* Ga 1:6-8: Địa vị của Gioan trong kế hoạch của Thiên Chúa: làm chứng cho sự sáng.
Lời mở đầu của sách Tin Mừng thứ tư nói rằng Lời Hằng Sống của Chúa được hiện diện trong tất cả mọi việc và tỏa sáng như ánh sáng trong bóng tối cho mỗi người. Bóng tối cố gắng dập tắt sự sáng, nhưng không thành công (Ga 1:15). Không ai có thể che đậy được sự sáng ấy, bởi vì chúng ta không thể sống mà thiếu vắng Thiên Chúa. Việc tìm kiếm Thiên Chúa được tái phát sinh không biết bao nhiêu lần trong tâm khảm loài người. Gioan Tẩy Giả đã đến để giúp người ta khám phá ra sự hiện diện chói lọi này của Lời Chúa trong cuộc sống. Sự làm chứng của ông rất là quan trọng, nhiều người nghĩ rằng ông là Đức Kitô (Mêssia)! (Cv 19:3; Ga 1:20). Vì thế Lời Mở Đầu giải thích rằng: “Gioan không phải là sự sáng! Ông đến để làm chứng về sự sáng!”
* Ga 1:19-21: Lời chứng tiêu cực của Gioan liên quan đến chính ông: ông không phải là đấng mà người ta tưởng.
Những người Do Thái sai các vị tư tế và Biệt Phái để tìm hiểu ông Gioan này làm phép rửa người ta trong sa mạc và thu hút rất nhiều người từ khắp mọi nơi là ai. Vì thế, họ đã phái người đến để chất vấn: “Ông là ai?” Câu trả lời của Gioan thật lạ lùng. Thay vì trả lời ông là ai, thì ông lại nói ông không phải là ai: “Tôi không phải là Đấng Kitô!” Rồi ông lại thêm vào hai câu trả lời phủ định nữa: Ông không phải là Êlia cũng không là một đấng Tiên Tri. Đây là những khía cạnh khác nhau của cùng một niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai. Trong thời kỳ thiên sai, ông Êlia sẽ trở lại để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và tâm hồn con cháu trở về với cha ông. Nói cách khác, ông sẽ trở lại tái lập tình đoàn kết của con người (Mt 5:23-24; Hc 48:10). Vị Tiên Tri đã được nói tới, trong thời gian sắp tới, sẽ khiến cho công việc đã bắt đầu bởi Môisen được hoàn thành mỹ mãn, người được thiên hạ xem như là Đấng Thiên Sai đang mong chờ (Đnl 18:15). Gioan từ chối những danh xưng này bởi vì ông không phải là Đấng Thiên Sai.
Tuy nhiên, sau đó chính Chúa Giêsu nói rằng Gioan Tẩy Giả là ông Êlia (Mt 17:12-13). Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được lời tuyên bố này? Sự thật là đã có những lời giải thích khác nhau về sứ vụ của ông Êlia. Có người cho rằng Đấng Mêssia sẽ giống như một ông Êlia mới. Theo nghĩa này, Gioan không phải là ông Êlia. Người khác nói rằng sứ vụ của ông Êlia là dọn đường cho Đấng Mêssia sắp đến. Theo nghĩa này, Gioan là ông Êlia. Trong cuộc đối thoại giữa Gioan và các người Biệt Phái và tư tế, chúng ta nhìn thấy giáo lý của các cộng đoàn vào cuối thế kỷ thứ nhất. Các thắc mắc đặt ra bởi các vị tư tế và Biệt Phái về hiện tượng Gioan Tẩy Giả trong chương trình của Thiên Chúa cũng là những thắc mắc của các cộng đoàn. Như vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu như được ghi chép lại bởi Thánh Sử, cũng là để gửi đến các cộng đoàn.
* Ga 1:22-24: Lời chứng tích cực của Gioan về chính mình: ông dọn đường cho Chúa.
“Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Êlia hay một Tiên Tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Những người được các vị tư tế và Biệt Phái sai đến muốn có một câu trả lời rõ ràng, bởi vì họ đã nhận tiền của những kẻ đã sai họ đến thẩm vấn ông Gioan. Họ không hài lòng nếu chỉ biết Gioan không phải là ai. Họ muốn biết ông là ai và ông có vị thế gì trong kế hoạch của Thiên Chúa. Câu trả lời của Gioan là một câu nói trích từ sách tiên tri Isaia, một câu nói phổ biến, được ghi chép lại cả trong bốn sách Phúc Âm: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Mt 3:3; Mc 1:3; Lc 3:4; Ga 1:23). Trong lối xử dụng lời Cựu Ước này, chúng ta thấy sự mầu nhiệm làm sôi động việc đọc Kinh Thánh của những người Kitô hữu tiên khởi. Họ đi tìm trong những lời, không những chỉ là các lập luận để minh chứng một số lời trình bày, mà hơn nữa là để nói lên và giải thích cho chính họ và các người khác kinh nghiệm mới mẻ của họ về Thiên Chúa trong Đức Giêsu (xem 2Tm 3:15-17).
* Ga 1:25-28: Ý nghĩa phép rửa của Gioan và con người Gioan.
Trong các cộng đoàn Kitô hữu vào cuối thế kỷ thứ nhất, có những người chỉ biết đến phép rửa của Gioan (Cv 18:25; 19:3). Khi họ gặp các Kitô hữu khác là những người đã lãnh nhận phép rửa bởi Đức Giêsu, họ muốn biết phép rửa của Gioan có ý nghĩa gì. Trong những ngày ấy, có nhiều loại phép rửa. Phép rửa là một hình thức mà qua đó một người tự cam kết vào một thông điệp nào đó. Những người đã chấp nhận thông điệp được mời gọi xác tín quyết định của họ bằng cách qua phép rửa (phép rửa tội, thanh tẩy hay tắm). Ví dụ, qua phép rửa của Gioan, một người sẽ tự ràng buộc mình vào sứ điệp được công bố bởi Gioan. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, người ta tự ràng buộc mình vào sứ điệp của Chúa Giêsu đã trao ban cho họ nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần (Cv 10:44-48; 19:5-6).
Giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Lời công bố này của Gioan nói về Chúa Giêsu, hiện diện ở giữa đám đông. Khi Thánh Sử Gioan viết sách Tin Mừng của ông, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện trong cộng đoàn và trong mọi người, hơn hết cả là trong những người nghèo khó mà Người đã tự xác nhận. Ngày nay, Chúa ở giữa chúng ta bằng nhiều cách, và cũng chính ngày nay, rất thường xuyên chúng ta không nhận ra Người.
- Lời chú giải thêm về Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng của Gioan
* Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng của thánh Gioan
Gioan Tẩy Giả đã dấy lên một phong trào rất phổ biến rộng lớn. Chính Đức Giêsu đã tham gia vào phong trào của Gioan Tẩy Giả và chính Người đã lãnh phép rửa ở sông Giođan. Ngay cả sau khi đã chết, Gioan vẫn còn tiếp tục tạo sự thu hút và ảnh hưởng lớn trong những người Do Thái và trong số những Kitô hữu xuất phát từ Do Thái Giáo (Cv 19:1-7). Các tin tức liên quan đến Gioan Tẩy Giả được duy trì trong sách Tin Mừng thứ tư (Ga 1:6-8, 15, 19-36; Ga 3:22-30) như sau:
1) Gioan đã đến để làm chứng về sự sáng (Ga 1:6-8).
2) Chúa Giêsu đến sau Gioan và là môn đệ của Gioan. Tuy nhiên, Người lại cao trọng hơn Gioan, bởi vì Người là Đấng có trước Gioan: “Người là Đấng đến sau tôi nhưng vượt trội hơn tôi vì Người có trước tôi” (Ga 1:15, 30). Đức Giêsu là Ngôi Lời sáng tạo đứng bên cạnh Chúa Cha từ lúc vạn vật được tạo thành (Ga 1:1-3).
3) Gioan thú nhận một cách công khai: “Tôi không phải là Đấng Kitô. Tôi không phải là Êlia. Tôi không phải là một đấng tiên tri mà mọi người mong đợi. Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga 1:19-23).
4) Trước Đức Giêsu, Gioan tự nhận mình không xứng đáng cởi dây giày cho Người và nói: “Người phải nổi bật lên và tôi phải lu mờ đi” (Ga 1:27; 3:30).
5) Gioan tuyên bố với mọi người về Đức Giêsu: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1:32-33).
6) Gioan cho biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1:29, 36), Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1:34).
* Phòng trưng bày hình ảnh cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người ta trong Tin Mừng Gioan
Trong sách Tin Mừng của ông, Gioan thuật lại tỉ mỉ những cuộc gặp gỡ khác nhau mà Đức Giêsu đã có với người ta trong suốt cuộc sống rày đây mai đó của Người tại đất Palestine: Với những người môn đệ đầu tiên (Ga 1:35-51), với Nicôđêmô (Ga 3:1-13; 4:14; 7:50-52; 19:39), với Gioan Tẩy Giả (Ga 3:22-36), với người phụ nữ Samaritanô (Ga4:1-42), với người phụ nữ sắp bị ném đá (Ga 8:1-11), với các bà Máctha và Maria (Ga 11:17-37). Những cuộc gặp gỡ này và các lần khác được mô tả như thể chúng là những tấm hoạt cảnh được treo trên các bức tường của một phòng trưng bày nghệ thuật. Đối với những ai có con mắt quan sát và người có khả năng cảm thấy được những sự việc đằng sau các chi tiết, chúng tỏ lộ danh tính của Chúa Giêsu. Cùng một lúc chúng tiết lộ các đặc tính của cộng đoàn tin vào Chúa Giêsu và đã làm chứng cho sự hiện diện của Người. Chúng cũng là những tấm gương giúp chúng ta khám phá ra những gì xảy ra trong lòng chúng ta khi chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu. Sự phản chiếu cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả, mà chúng ta suy gẫm trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng này, giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong ngày lễ Giáng Sinh sắp đến.
- Thánh Vịnh 131
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
- Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.