Chúa Giêsu trả lời cho các người Sađốc
Là những kẻ chế nhạo niềm tin vào Sự Sống Lại
Lc 20:27-40
Lời nguyện mở đầu
Thân lạy Đấng Mầu Nhiệm Hằng Sống,
Chúng con chỉ là hư không
Và chúng con vẫn có thể ngợi ca danh Người
Với chính tiếng nói của Lời Chúa
Đấng đã trở thành tiếng nói của toàn thể nhân loại chúng con.
Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi của con, con chẳng là gì trong Chúa
Nhưng Chúa lại hiện diện hoàn toàn trong con
Và thế là sự hư vô của con là Sự Sống … đó là sự sống đời đời.
Nt. Maria Evangelista, Thiên Chúa Ba Ngôi, dòng Cát Minh
1. Bài Đọc
27 Có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chủ trương không có sự sống lại, đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: 28 “Thưa Thầy, Môisen đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ góa đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. 29 Vậy, có bảy anh em; người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ góa đó, rồi cũng chết không con. 31 Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. 32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. 33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? Vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ.” 34Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không chết nữa : vì họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại: họ là con cái Thiên Chúa. 37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp. 38 Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.” 39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.
2. Suy Gẫm
a) Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:
- Bối cảnh:
Chúng ta có thể nói rằng đoạn Phúc Âm đề ra cho chúng ta sự phản ảnh của chúng ta là một phần chính của văn bản trong sách Tin Mừng Luca từ câu 20:20 đến câu 22:4, trong đó đề cập đến các cuộc thảo luận với các thày thượng tế của dân chúng. Ngay ở đầu chương 20, Luca trình bày cho chúng ta một số các mâu thuẫn phát sinh giữa Chúa Giêsu với các thày cả và các kinh sư (các câu 1–19). Tại đây, Chúa Giêsu thấy mình đối diện trước một số xung đột với trường phái triết lý của nhóm Sađốc, những người thuộc dòng dõi của Gia-đốc, tư tế của vua Đavít (2Sm 8:17). Họ chỉ chấp nhận sự mặc khải trong những tác phẩm viết về ông Môisen (câu 28) và phủ nhận việc phát triển từ từ của sự mặc khải trong Kinh Thánh. Trong ý nghĩa này, người ta có thể hiểu rõ hơn về câu nói: “Môisen đã ra lệnh cho chúng tôi” được lặp đi lặp lại bởi những người Sađốc trong cuộc tranh luận đầy ác ý này mà họ đã dùng như một cái bẫy để gài Chúa Giêsu và “để mong bắt quả tang Chúa Giêsu lỡ lời” (xem Lc 20:2; 20:20). Trường phái triết học này đã biến mất cùng thời với việc phá hủy Đền Thờ.
- Luật về anh em chồng
Những người thuộc phái Sađốc nhất quyết từ chối không tin vào sự sống lại từ cõi chết bởi vì, theo họ, tín lý này không thuộc về phần mặc khải được truyền lại cho họ từ ông Môisen. Điều tương tự cũng có thể được nói tới liên quan đến niềm tin vào sự hiện hữu của các thiên thần. Tại Israel, niềm tin vào sự sống lại của người chết được thấy trong sách Đanien được viết vào năm 605 – 530 trước Chúa Giáng Sinh (Đn 12:2-3). Chúng ta cũng tìm thấy nó trong sách tiên tri Mácabê, 2Mcb 7:9, 11, 14, 23. Để giễu cợt niềm tin vào sự sống lại của người chết, các người Sađốc trích dẫn luật Môisen về anh em chồng (Đnl 25:5), liên quan đến lề luật cổ xưa của chủng tộc Do-Thái (gồm cả người Do-Thái), theo luật này, người anh em hay người thân cận của một người đàn ông cưới vợ mà chết đi không có con trai, thì phải kết hôn với người vợ góa để: a) bảo đảm người chết có kẻ nối giòng (các người con trai sẽ được chính thức thừa nhận như con của người đàn ông quá cố), và b) một người chồng cho người góa phụ, bởi vì người phụ nữ phụ thuộc vào người đàn ông cho việc sinh kế của họ. Các trường hợp loại này được nhắc đến trong Cựu Ước trong sách Sáng Thế Ký và sách bà Rút.
Trong sách Sáng Thế Ký (38:6-26) chép lại việc “Giuđa đã cưới vợ cho người con trai trưởng Er, có tên là Tamar. Nhưng Er, người con trưởng của Giuđa, làm mất lòng Đức Chúa, nên Đức Chúa khiến cậu chết. Ông Giuđa bảo Ônan: “Con hãy ăn ở với chị dâu con, hãy chu toàn nhiệm vụ của một người em chồng, và làm cho anh con có người nối dõi” (St 38:6-8). Nhưng Ônan cũng làm mất lòng Đức Chúa và bị chết (St 38:10), bởi vì Ônan biết rằng giòng dõi sinh ra sẽ không được coi như là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu thì cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi (St 38:9). Giuđa thấy vậy nên nói với Tamar, con dâu ông, về ở góa bên nhà cha nàng, để khỏi phải cho Shêla, con trai thứ ba của ông, làm chồng Tamar (St 38:10-11). Tamar sau đó cải trang thành một cô gái điếm, ngủ với Giuđa và có song thai với ông. Giuđa khi khám phá ra sự thật, đã công nhận “Tamar là người công chính và tôi đã sai” (St 38:26).
Trong sách của bà Rút, một câu chuyện tương tự được kể về chính bà, bà Rút là người Mô-áp, người vẫn ở góa sau khi lấy chồng là con của ông Êli-me-léc. Cùng với mẹ chồng là bà Naomi, đã buộc phải đi ăn xin để sống qua ngày và đi mót lúa đằng sau thợ gặt, cho đến khi bà kết hôn với ông Bô-át, một thân nhân bên họ người chồng quá cố của mình.
Trường hợp mà những người Sađốc đề nghị với Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về câu chuyện của ông Tôbia, con trai ông Tôbít, kết hôn với bà Sa-ra, con gái của ông Ra-guên, góa phụ có bảy đời chồng, tất cả đều bị giết bởi Át-mốt, con quỷ của nhục dục, ngay trong đêm động phòng. Tôbia có quyền kết hôn với cô ấy vì cô thuộc về dòng dõi gia tộc của ông (Tb 7:9).
Chúa Giêsu nhắc cho các người Sađốc biết rằng mục đích của hôn nhân là sinh sản, và do đó nó cần thiết cho tương lai của loài người, vì không ai trong số “các con trai của thế gian này” (câu 34) là vĩnh cửu. Song “những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau” (câu 35) thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không chết nữa” (câu 35-36), họ sống trong Thiên Chúa: “họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại, họ là con cái của Thiên Chúa” (câu 36). Trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, các thiên thần được gọi là con cái của Thiên Chúa (xem ví dụ, St 6:2; Tv 29:1; Lc 10:6; 16:8). Những Lời này của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, trong đó được viết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa vì sự Phục Sinh của Người, Người là Trưởng Tử sống lại từ cõi chết và, nhờ Thánh Thần, Người được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng (Rm1:4). Ở đây, chúng ta cũng có thể trích dẫn các bản văn của thánh Phaolô về sự Phục Sinh từ cõi chết như là một sự kiện ơn cứu rỗi của một bản chất tâm linh (1Cr 15:35-50).
- Ta là: Thiên Chúa của Kẻ Sống
Chúa Giêsu tiếp tục xác nhận thực tế của sự sống lại bằng cách trích dẫn một đoạn khác lấy từ sách Xuất Hành, lần này bắt đầu từ sự mặc khải của Thiên Chúa cho ông Môisen trong bụi gai bốc cháy. Những người Sađốc làm rõ quan điểm của họ bằng cách trích dẫn lời của Môisen: Chúa Giêsu, đồng thời, bác bỏ lập luận của họ cũng bằng cách trích dẫn lời của Môisen: “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác và Thiên Chúa của Giacóp” (câu 37). Trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môisen với những lời này: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6). Thiên Chúa sau đó tiếp tục mặc khải cho Môisen Danh Thánh Chúa: “Ta là” (Xh 3:14). Chữ ehjej trong tiếng Do-Thái, từ gốc chữ Hei-Yod-Hei, được dùng để chỉ Danh Hiệu Thiên Chúa trong sách Xuất Hành chương 3:14, có nghĩa là chính Ta là Đấng Hiện Hữu. Gốc chữ cũng có thể có nghĩa là sự sống, sự hiện hữu. Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể kết luận: “Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống” (câu 38). Trong cùng một câu, Chúa Giêsu xác định rằng “tất cả sống vì Người [Thiên Chúa]”. Điều này cũng có nghĩa là “tất cả sống trong Người”. Suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu, trong thư gửi cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết rằng: “Bằng cái chết, Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6:10).
Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu, một lần nữa, làm cho các người Sađốc thấy lòng trung tín của Thiên Chúa, đối với dân của Người, hay đối với một cá nhân, thì chẳng dựa trên sự tồn tại hay không của một vương quốc chính trị (trong trường hợp lòng trung tín của Thiên Chúa đối với Dân của Người), nó cũng chẳng dựa trên sự thịnh vượng và có con cháu trong đời này hay không. Hy vọng của người tín hữu thật sự không căn cứ vào vật chất của đời này, mà là căn cứ vào Thiên Chúa Hằng Sống. Đây là lý do tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để sống như con cái của sự sống lại, nghĩa là, con cái của sự sống trong Thiên Chúa, là Thầy và là Chúa của họ, “đã được tái sinh không phải do hạt giống dễ hư nát mà do hạt giống bất diệt, đó là, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1Pr 1:23).
b) Một vài câu hỏi giúp cho việc suy gẫm:
- Điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Tin Mừng này? Những chữ nào? Thái độ đặc biệt nào?
- Bạn hãy thử đọc lại bài Phúc Âm trong bối cảnh của các đoạn Kinh Thánh được trích dẫn trong phần chìa khóa dẫn đến bài đọc. Bạn cũng sẽ tìm thấy những điều khác lạ.
- Bạn giải thích ra sao về sự mâu thuẫn phát sinh giữa các thượng tế dân chúng và các người phái Sađốc với Chúa Giêsu?
- Hãy dừng lại và hãy suy nghĩ về cách thức Chúa Giêsu đối diện với cuộc xung đột. Bạn đã học được những gì từ cách cư xử của Chúa?
- Bạn nghĩ đâu là trọng điểm của cuộc thảo luận?
- Sự sống lại từ cõi chết có ý nghĩa gì đối với bạn?
- Bạn có cảm thấy mình là con cái của sự sống lại không?
- Sống trong sự sống lại bắt đầu ngay từ bây giờ, ở thời điểm hiện tại, mang ý nghĩa gì đối với bạn?
3. Cầu Nguyện
Từ Thánh Vịnh 17:
Lạy Chúa, chúng con sẽ được no thỏa, bằng cách chiêm ngưỡng Thánh Nhan Ngài
Lạy CHÚA, xin nghe con giải bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái.
Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa,
Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài
Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan
4. Chiêm Niệm
Trích từ nhật ký mầu nhiệm của
Nữ tu Maria Evangelista của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, dòng Cát Minh
Cuộc sống trần thế này đầy tràn tình yêu, với ân sủng của “sự thật”, các quà tặng ẩn dấu và đồng thời, mặc khải bởi dấu chỉ…. Con cảm thấy một sự biết ơn to lớn cho mỗi một giá trị của con người. Sống trong sự hiệp thông với Đấng Tạo Hóa, trong tình bằng hữu với các anh em, trong sự mở lòng ra đối với công việc của Thiên Chúa và công việc của loài người, trong một kinh nghiệm liên tục của món quà của đời sống, ngay cả trong lúc đau khổ, thậm chí đơn giản khi được làm người, đó là một hồng ân liên tục, một món quà liên tục.