Bài giảng của Chúa Giêsu về ngày sau hết
Lc 21:5-19
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Chúa là Đấng đã tạo nên bầu trời, đất và biển khơi, cùng tất cả muôn loài trong đó; chính Chúa là Đấng đã nói qua Chúa Thánh Thần và nói qua tổ phụ Đavít của chúng con, người tôi tá của Chúa rằng:
Sao chư dân lại ồn ào náo động?
Sao vạn quốc dám bày kế viễn vông?
Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,
Vương hầu khanh tướng rập mưu đồ,
chống lại ĐỨC CHÚA,
Chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.”
… xin Chúa hãy giơ tay chữa lành, và thực hành những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu (Cv 4:24-25, 30). Xin hãy đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con như khi xưa Chúa đã ban cho các thánh Tông Đồ sau lời nguyện này, trong thời gian thử thách, để chúng con cũng có thể công bố Lời Chúa một cách công khai và làm chứng như ngôn sứ của niềm hy vọng.
2. Bài Đọc
a) Bối cảnh:
Đoạn Tin Mừng liên quan đến phần bắt đầu bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế. Các câu của chương 21:5-36 là cả một đơn vị văn học. Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem, tại cổng vào của Đền Thờ, Cuộc Thương Khó đã gần kề. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm (xem Mt 24; Mc 13) có chương gọi là bài giảng về “thời cánh chung” dẫn trước đoạn kể về Cuộc Khổ Nạn, cái Chết và Sự Sống Lại. Những sự kiện này sẽ được đọc trong dịp Lễ Vượt Qua. Ngôn ngữ là ngôn ngữ “khải huyền”. Chúng ta không nên chú ý vào từng chữ riêng rẽ, mà nên để ý đến lời loan báo về việc quang lâm. Cộng đoàn của thánh Luca đã biết về sự kiện liên quan đến việc đền thờ Giêrusalem bị phá hủy. Phúc Âm Thánh Sử đã phổ quát hóa thông điệp và cho thấy rõ thời kỳ trung gian mà Giáo Hội đang chờ đợi ngày quang lâm của Chúa trong vinh quang. Thánh Luca cũng đề cập đến ngày tận thế trong các chương khác (Lc 12:35-48; 17:20; 18:18).
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 21:5-7: Lời giới thiệu
Lc 21:8-9: Lời cảnh báo đầu tiên
Lc 21:10-11: Các dấu lạ
Lc 21:12-17: Các môn đệ bị thử thách
Lc 21:18-19: Sự bảo vệ và tín thác
c) Tin Mừng:
5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: 6 “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” 7 Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?”
8 Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần.” Anh em chớ có theo họ. 9 Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” 10 Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.” 12 Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.” 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
3. Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
– Những cảm xúc nào đang chiếm ngự trong tôi: đau khổ, sợ hãi, tín thác, hy vọng, nghi ngờ …?
– Tin Mừng trong bài giảng này ở đâu?
– Chúng ta có hài lòng với những gì chúng ta mong đợi và chúng có thích nghi với những nhu cầu của bản thân không?
– Tôi phản ứng ra sao trước các thử thách trong đời sống đức tin của tôi?
– Tôi có thể làm một sự liên kết với những sự kiện lịch sử hiện nay không?
– Chúa Giêsu có vị trí nào trong lịch sử ngày nay?
5. Suy gẫm
a) Ý chính của bài Phúc Âm:
Hãy đừng để cho chúng ta bị dao động bởi những biến động bên ngoài, điển hình là ngôn ngữ ngày tận thế, mà bởi những việc bên trong nội tâm thì thật cần thiết, là lời báo trước và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Ngay cả khi biết rằng ngày nay, ở các nơi khác nhau trên thế giới tình trạng “ngày tận thế” đang xảy ra, nó có thể trở nên một bài đọc cá nhân, chắc chắn không phải là một sự lẩn tránh để đổi hướng sự chú ý sang trách nhiệm cá nhân. Thánh Luca, với cương vị Phúc Âm Thánh Sử, nhấn mạnh rằng ngày sau hết chưa xảy đến, do đó thật là cần thiết để sống trong chờ đợi với sự cam kết. Chúng ta hãy tỉnh thức về những thảm kịch của thời đại chúng ta, đừng trở thành tiên tri về sự bất hạnh, mà là ngôn sứ cam đảm của một trật tự mới dựa trên công lý và hòa bình.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
[5] “Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng”, nên Chúa Giêsu bảo: Có lẽ Chúa Giêsu đang ở bên trong cổng Đền Thờ, được coi là nơi mua bán các đồ dâng cúng. Thánh Luca không xác định rõ những người đang lắng nghe là ai, nó có vẻ nhắm vào tất cả mọi người, ông đã phổ quát hóa bài giảng ngày cánh chung. Bài giảng này có thể nói về ngày cánh chung, nhưng cũng chỉ về ngày sau hết của riêng mỗi người chúng ta. Nói chung, có một gặp gỡ dứt khoát với Chúa Phục Sinh.
[6] “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Chúa Giêsu dùng những từ ngữ bất hạnh (17:22; 19:43) và lặp lại những lời nhắc nhở của các tiên tri liên quan đến Đền Thờ (Mk 3:12; Gr 7:1-15; 26:1-19). Đây cũng là một sự nghiệm xét về tính chất hay hư nát của loài người, dù cho có kỳ diệu phi thường đến bực nào. Cộng đoàn của Luca đã biết về việc đền thờ Giêrusalem bị phá hủy (vào năm 70). Chúng ta hãy nghiệm xét thái độ của chúng ta về những việc kết thúc với thời gian.
[7] Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” Những người đang nghe quan tâm đến các biến động bên ngoài đặc trưng cho sự kiện này. Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng vào câu hỏi này. Chữ “bao giờ” được dùng bởi thánh Luca trong mối quan hệ với sự phá hủy của đền thờ Giêrusalem. Chúa nhấn mạnh rằng ngày tận thế “sẽ không xảy ra ngay lập tức” (câu 9) và “nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra …” (câu 12) có những việc khác sẽ xảy ra. Người hỏi chúng ta về mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử và việc thực hiện lịch sử ơn cứu độ. Thời điểm của nhân loại và thời điểm của Thiên Chúa.
[8] Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần.” Anh em chớ có theo họ. Đối với các tác giả Phúc Âm khác, thánh Luca cho biết thêm về mấu chốt của thời gian. Cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi đang vượt qua giai đoạn ngày Chúa tái thế sắp tới và chuẩn bị bản thân trong thời kỳ trung gian của Giáo Hội. Chúa Giêsu khuyến cáo không nên để cho mình bị lừa gạt hoặc là tệ hại hơn, bị thuyết phục bởi những kẻ mạo danh. Có hai loại tiên tri giả: những kẻ giả danh Chúa Giêsu mà tự xưng “Chính ta đây” và những kẻ khẳng định rằng thời điểm đã gần kề, ngày đó đã được biết (10:11; 19:11).
[9] Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Cho dù những sự kiện chiến tranh, và ngày nay chúng ta có thể nói rằng các hành vi khủng bố, cũng chưa phải là bắt đầu ngày tận thế. Tất cả những điều này xảy ra nhưng đó không phải là dấu hiệu cho ngày tận thế (Đn 3:28). Thánh Luca muốn cảnh báo họ về ảo ảnh ngày tận thế sắp xảy ra với hậu quả bị vỡ mộng và từ bỏ đức tin.
[10] Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.
[11] Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.” Những chữ “và bấy giờ Người nói tiếp” là một sự lặp lại của bài giảng sau những lời cảnh báo ban đầu. Đây là ngôn ngữ khải huyền hoàn toàn, có ý nghĩa mặc khải (Is 19:2; 2Cr 15:6) và đồng thời có sự ẩn dấu. Hình ảnh truyền thống được dùng để mô tả những thay đổi nhanh chóng của lịch sử (Is 24:19-20; Dcr 14:4-5; Ed 6:11-12; v.v.) Ảo giác thảm họa giống như một bức màn che giấu cảnh đẹp đằng sau đó: ngày Chúa tái thế trong vinh quang (câu 27).
[12] “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. ”
[13] “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. ” Người Kitô hữu được mời gọi để phục tùng theo Chúa Kitô. Họ đã tra tay hành hạ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Luca gợi nhớ lại cảnh thánh Phaolô bị điệu ra trước mặt vua Agrippa và quan tổng trấn Phétô (Cv 25:23-26, 32). Kìa xem, thời gian của thử thách. Không nhất thiết phải theo dưới hình thức ức hiếp bắt bớ. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chịu thử thách trong 18 tháng, sự vắng mặt của Thiên Chúa, khi ngài phát hiện ra căn bệnh của mình. Một thời gian thanh luyện để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ. Đây là tình trạng bình thường của người Kitô hữu, đó là sống trong sự căng thẳng lành mạnh mà không phải là thất vọng. Người Kitô hữu được mời gọi để làm chứng cho niềm hy vọng đã làm họ sinh động.
[14] “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.
[15] Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.” Đã đến lúc để chúng ta đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa là quá đủ. Đó cũng là sự khôn ngoan mà thánh Stêphanô đã làm bối rối kẻ thù của mình (Cv 6:10). Người tín hữu được bảo đảm có khả năng chống lại sự bức hại.
[16] “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. ”
[17] “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Nguyên lý căn bản để bước theo Chúa Kitô cũng bao hàm ý nghĩa sự khắc phục các mối liên hệ thân thích, những người mà chúng ta, theo cảm xúc, tin là an toàn hơn. Có cơ nguy phải tiến bước trong lẻ loi, giống như Đức Giêsu trong cuộc Thương Khó của Người.
[18] “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” Thánh Luca lặp lại câu trước (12:7) để nhắc nhở chúng ta về sự bảo vệ của Thiên Chúa được đoan chắc trong cơn thử thách. Vì người tín hữu cũng được bảo đảm cho sự chăm sóc về sự vẹn toàn thể chất của mình.
[19] “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” Sự kiên trì (các câu Cv 11:23; 13:43; 14:22) thì không thể thiếu được để sinh hoa kết quả (Lc 8:15), trong những lúc thử thách hằng ngày và trong những lúc bị bắt bớ. Điều đó có cùng nghĩa với “ở lại” trong Chúa Kitô của thánh Gioan. Vinh quang cuối cùng thì chắc chắn: Triều đại Thiên Quốc sẽ được thiết lập bởi Con Người. Vì thế, cần phải có sự kiên trì, thận trọng và trong lời cầu nguyện (câu 36 và 12:35-38). Phong cách sống của người Kitô hữu phải là một dấu chỉ cho tương lai sẽ đến.
6. Cầu Nguyện: Thánh Vịnh 98
Hãy hát lên chúc tụng Thiên Chúa một bài ca mới
Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
địa cầu với toàn thể dân cư!
Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào,
đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA.
Vì Người ngự đến xét xử trần gian,
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo lẽ công bình.
7. Chiêm niệm
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Nước Trời của Chúa toàn là tình yêu và hòa bình, chính Chúa đã tạo dựng trong tâm hồn chúng con sự thinh lặng cần thiết để Chúa hiệp thông với chúng con.
Hành động hòa hoãn, ước ao mà không đam mê, nhiệt thành mà không kích động: tất cả chỉ có thể đến từ Chúa, Đấng Khôn Ngoan Vĩnh Cửu, toàn năng, thư thái không đổi dời, nguyên tắc và mô thức của sự bình an thực sự.
Chúa đã hứa với chúng con qua các ngôn sứ của Chúa về sự bình an này; Chúa đã ban cho chúng con điều này qua Đức Giêsu Kitô; Chúa đã ban cho chúng con lời bảo đảm với sự dạt dào Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa đừng để cho sự ghen ghét của kẻ thù, những khắc khoải của các đam mê, những ngại ngùng của lương tâm làm cho chúng con đánh mất ân huệ từ trời, đó là sự cam kết tình yêu của Chúa, chứng tích những lời hứa của Chúa, phần thưởng của Máu Con Thiên Chúa. Amen (Thánh Têrêsa thành Avila, 38:9-10).