Điều răn trọng nhất: tình yêu Thiên Chúa và tha nhân
Mc 12:28-34
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này nói về các Luật Sĩ, những người có trách nhiệm giảng dạy giáo lý, muốn biết từ Chúa Giêsu, giới răn nào trọng nhất. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người muốn biết điều gì quan trọng nhất trong tôn giáo. Một số người nói rằng đó là phép rửa tội, người khác nói là tham dự Thánh Lễ hay một nghi thức Phụng Vụ Chúa Nhật khác, có người cho là tình yêu tha nhân! Có một số người chỉ lo lắng về bề ngoài hoặc các địa vị trong Giáo Hội. Trước khi đọc câu trả lời của Chúa Giêsu, bạn hãy cố gắng nhìn vào bản thân và tự hỏi: “Đối với tôi, điều gì quan trọng nhất trong tôn giáo và trong cuộc sống?”
Văn bản cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và vị Luật Sĩ. Đang khi đọc, bạn hãy cố gắng tập trung vào những điều sau đây: “Chúa Giêsu khen vị Luật Sĩ về điểm nào và chỉ trích họ về điều gì?”
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 12:28: Câu hỏi của vị Luật Sĩ liên quan đến giới răn trọng nhất
Mc 12:29-31: Câu trả lời của Chúa Giêsu
Mc 12:32-33: Vị Luật Sĩ tán thành câu trả lời của Chúa Giêsu
Mc 12:34: Chúa Giêsu xác định với vị Luật Sĩ
c) Tin Mừng:
28 Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” 29 Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30 và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. 31 Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. 32 Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. 33 Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. 34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào trong bài Tin Mừng này làm bạn chú ý nhất? Tại sao?
b) Chúa Giêsu chỉ trích vị Luật sĩ điều gì và khen Luật Sĩ về điều gì?
c) Theo như các câu 29 và 30, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa phải như thế nào? Những chữ sau đây trong các câu Tin Mừng có ý nghĩa gì: tâm hồn, trí khôn, sức lực? Tất cả những chữ này có hướng về cùng một điều không?
d) Mối quan hệ giữa điều răn thứ nhất và điều răn thứ hai là gì? Tại sao?
e) Ngày nay chúng ta gần hơn hay là xa hơn với Vương quốc Thiên Chúa so với vị luật sĩ mà Chúa Giêsu khen ngợi? Bạn nghĩ gì?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh:
i) Khi Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động công việc truyền giáo của Người, các luật sĩ ở Giêrusalem thậm chí đã đến miền Galilêa để quan sát Người (Mc 3:22; 7:1). Họ lúng túng vì lời rao giảng của Chúa Giêsu và đã xuôi theo lời vu khống nói rằng Chúa đã bị quỷ ám (Mc 3:22). Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ bắt đầu tranh cãi với Chúa Giêsu.
ii) Vào thập niên 70, khi Máccô biên soạn sách Tin Mừng của ông, đã có nhiều sự thay đổi và bách hại, và vì vậy, đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu thật bấp bênh. Vào thời điểm của những đổi thay và bất trắc luôn có nguy cơ hoặc sự cám dỗ để tìm kiếm sự an lành, không tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa đối với chúng ta, nhưng trong việc chấp hành nghiêm ngặt Luật Môisen. Đối diện với kiểu suy nghĩ này, Chúa Giêsu khẳng định việc thực hành luật yêu thương để làm dịu đi việc tuân giữ Luật Môisen và cho nó ý nghĩa thực sự.
b) Lời bình luận về văn bản:
Mc 12:28: Câu hỏi của vị Luật Sĩ
Ngay trước khi vị Luật Sĩ đặt câu hỏi với Đức Giêsu, Chúa đã có một cuộc thảo luận với nhóm người Sađốc về vấn đề niềm tin vào sự sống lại (Mc 12:18-27). Vị Luật Sĩ, người đã có mặt trong cuộc thảo luận, hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu, và nhận ra rằng đây là một người rất thông minh, cho nên ông ta tạo cơ hội và đưa ra câu hỏi của mình để làm sáng tỏ: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Vào thời ấy, người Do Thái đã có rất nhiều luật lệ để quy định việc tuân giữ Mười Điều Răn về Lề Luật của Thiên Chúa. Có người nói: “Tất cả những luật lệ này đều quan trọng như nhau, vì chúng được Thiên Chúa ban ra. Chúng ta không có quyền phân biệt về những việc của Thiên Chúa”. Người khác đáp lại: “Không! Một số lề luật thì quan trọng hơn những luật khác và do đó có nhiều ràng buộc hơn!” Vị luật sĩ muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu: “Giới răn nào trọng nhất trong tất cả các giới răn?” Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi vào thời bấy giờ.
Mc 12:29-31: Câu trả lời của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Kinh Thánh, nói rằng điều răn thứ nhất là “ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi!” (Đnl 6:4-5). Những lời này là một phần của lời cầu nguyện được gọi là Shemá (Hãy nghe). Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái đọc lời cầu nguyện này hai lần mỗi ngày: vào buổi sáng và buổi tối. Lời cầu nguyện này cũng phổ quát như Kinh Lạy Cha đối với chúng ta ngày nay. Sau đó, Chúa Giêsu thêm vào, vẫn còn trích dẫn lời Kinh Thánh: “Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’ (Lv 19:18). Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Một câu trả lời ngắn gọn và rất sâu sắc! Đó là bản tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu đã giáo huấn về Thiên Chúa và đời sống (Mt 7:12)
Mc 12:32-33: Câu trả lời của vị Luật sĩ
Vị luật sĩ đồng ý với Chúa Giêsu và đưa ra kết luận: “Thưa Thầy, đúng lắm! Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Nói cách khác, giới răn yêu thương thì quan trọng hơn tất cả các giới răn phải giữ về thờ phượng hoặc các hy tế trong Đền Thờ. Lời tuyên bố này phát xuất từ các tiên tri trong Cựu Ước (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv 51:16-17). Ngày nay chúng ta sẽ nói rằng: thực hành giới răn yêu thương thì quan trọng hơn là các tuần cửu nhật, lời khấn hứa, Thánh Lễ, cầu nguyện và rước kiệu. Hay nói đúng hơn, các tuần cửu nhật, lời khấn hứa, Thánh Lễ, lời cầu nguyện và cuộc rước kiệu phải là kết quả của việc thực hành giới răn yêu thương và phải dẫn đến sự yêu thương.
Mc 12:34: Bài tóm tắt về Nước Trời
Chúa Giêsu xác định câu kết luận đưa ra bởi vị luật sĩ và nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!” Thật vậy, Nước Thiên Chúa bao gồm trong việc nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là điều quan trọng nhất. Và nếu Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em và chúng ta phải bày tỏ điều này trong thực hành bằng cách sống trong cộng đoàn. “Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy!” (Mt 22:40) Môn đệ của Chúa Giêsu phải ghi khắc điều luật tuyệt vời này vào trong trí nhớ của họ, trí tuệ và tâm hồn của họ: chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đạt được Thiên Chúa trong món quà tận hiến chính mình cho tha nhân!
Mc 12:35-37: Chúa Giêsu chỉ trích lề lối giảng dạy của các luật sĩ về Lề Luật Đấng Mêssia
Lời tuyên truyền chính thức của nhà cầm quyền và các luật sĩ nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến như Con vua Đavít. Điều này có ý để giảng dạy rằng Đấng Cứu Thế sẽ là một vì vua thống trị, dũng mãnh và vinh hiển. Đây là những gì đám đông dân chúng reo hò vang dậy vào ngày Lễ Lá: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta!” (Mc 11:10). Người mù thành Giêricô cũng kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Thế mà ở đây Chúa Giêsu lại đặt vấn đề về lời giảng dạy này của các luật sĩ. Người trích dẫn bài Thánh Vịnh của vua Đavít: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: ‘Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con!’” (Tv 110:1) Sau đó Chúa Giêsu tiếp tục: “Nếu vua Đavít gọi Đấng Cứu Thế là Chúa Thượng, thì Đấng Cứu Thế lại là con vua ấy thế nào được?” Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đã không đồng ý với ý tưởng về một Đấng Mêssia vua vinh hiển, Đấng sẽ đến để thống trị và áp đặt triều đại của Người trên tất cả địch thù. Chúa Giêsu ưa thích là Đấng Mêssia tôi tớ được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9). Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).
Mc 12:38-40: Chúa Giêsu lên án các luật sĩ
Sau đó Chúa Giêsu tạo sự chú ý của các môn đệ về thái độ thiên vị và đạo đức giả của một số các luật sĩ. Những người này ưa đi dạo quanh quảng trường, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để lấy tiền! Và rồi Chúa Giêsu kết thúc bằng câu nói: “Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn những gì họ nhận được!” Chúng ta cũng nên dựa vào văn bản này làm một việc tự vấn lương tâm để liệu xem chúng ta có thể thấy chính mình phản chiếu trong đó không!
c) Phần phụ chú:
Giới răn trọng nhất
Giới răn trọng nhất và trước nhất là và mãi mãi sẽ là “ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và với hết sức lực ngươi” (Mc 12:30). Qua hằng thế kỷ, vào những lúc dân riêng của Thiên Chúa đã đào sâu hơn sự hiểu biết của họ và đặt tầm quan trọng cho lòng yêu mến Thiên Chúa, rồi thì họ đã nhận thức được rằng tình yêu Thiên Chúa chỉ thực sự khi nó trở thành cụ thể trong tình yêu tha nhân. Đó là lý do tại sao điều răn thứ hai yêu thương tha nhân, cũng tương tự như điều răn thứ nhất yêu mến Thiên Chúa (Mt 22:39; Mc 12:31). “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1 Ga 4:20). “Tất cả Luật Môisen và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Thoạt đầu, những chi tiết về tình yêu tha nhân thì không được rõ ràng cho lắm. Liên quan đến điểm này, đã có một sự tiến hóa trong ba giai đoạn lịch sử của dân riêng Thiên Chúa:
Giai đoạn thứ nhất: “Người lân cận” là quan hệ thân thích đồng chủng tộc
Cựu Ước đã dạy về nhiệm vụ “phải yêu thương người đồng loại như chính mình!” (Lv 19:18). Vào thời xa xưa, chữ người lân cận thì đồng nghĩa với bà con thân thích. Họ cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người thân thuộc trong cùng một gia đình, bộ lạc, chi tộc và cùng dân tộc. Đối với người ngoại chủng, đó là, những người không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói rằng: “Người nước ngoài, anh em có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người bà con của anh em, thì phải tha không đòi (bà con, người lân cận)!” (Đnl 15:3).
Giai đoạn thứ hai: “Người lân cận” là bất cứ ai tôi tiếp cận hoặc họ tiếp cận tôi
Dần dà, khái niệm về người lân cận phát triển. Do đó, trong thời Chúa Giêsu đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về “ai là người lân cận của tôi?” Một số luật sĩ nói rằng khái niệm về người lân cận đã được triển khai vượt khỏi giới hạn của chủng tộc. Tuy nhiên, những kẻ khác sẽ không đồng ý với điều này. Đó là lý do tại sao một người luật sĩ tìm đến Chúa Giêsu với câu hỏi đầy tranh cãi: “Ai là người lân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành (Lc 10:29-37), khi người lân cận chẳng phải là một thân nhân, cũng chẳng là một người bạn, hay một nhà quý tộc, mà là một người tiếp cận với bạn, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới tính hoặc ngôn ngữ. Bạn phải yêu mến người ấy!
Giai đoạn thứ ba: Sự đo lường tình yêu thương của chúng ta đối với “người lân cận” là yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta
Chúa Giêsu đã nói với vị luật sĩ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!” (Mc 12:34). Vị luật sĩ đã gần kề với Nước Trời bởi vì thật ra Nước Trời bao gồm trong sự hiệp nhất tình yêu Thiên Chúa với lòng yêu mến tha nhân, như vị luật sĩ đã dõng dạc tuyên bố trước sự hiện diện của Chúa Giêsu (Mc 12:33). Nhưng để vào được Nước Trời, ông ta vẫn còn cần thêm bước nữa. Chuẩn mực để yêu thương tha nhân được dạy trong Cựu Ước là “yêu như chính thân mình”. Chúa Giêsu nới rộng tiêu chuẩn này và nói rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em! Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình!” (Ga 15:12-13). Chuẩn mực trong Tân Ước sau đó là: “Hãy yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta!” Chúa Giêsu đã ban cho lời giải thích thực sự Lời của Chúa và cho thấy cách chắc chắn để đạt được một lối sống huynh đệ và công chính hơn.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 46 (45)
Thiên Chúa, được mặc khải trong Đức Giêsu, là sức mạnh của ta!
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.