Home / Event / Lectio Divina: 23 tháng 12

Lectio Divina: 23 tháng 12

Date: Thứ Bảy 23 Tháng Mười Hai, 2017
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Tuần thứ ba Mùa Vọng                                     

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, Thiên Chúa yêu thương và quyền năng
Chúa đã hoàn thành những lời hứa của Chúa để cứu rỗi chúng con
Khi Chúa Giêsu, Con Một Chúa, đã trở nên người phàm như chúng con.
Chúng con không còn ở trong bóng tối,
Vì Chúa đã để cho ánh sáng của Chúa tỏa sáng trên chúng con.
Giờ đây, xin hãy mang lại ơn cứu độ của Chúa,
Xin hãy giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi,
Để chúng con trở nên con người hoàn toàn với Chúa Giêsu
Và cùng đi với Người trong đường lối yêu thương và hòa bình của Chúa.
Xin hãy để cho Người là sức mạnh của chúng con,
Là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng con trên đường,
Để nhờ Người và tăng trưởng trong nhân tính của Người,
Để cho chúng con có thể là các con cái yêu dấu của Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

  1. Phúc Âm – Luca 1:57-66

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabéth sinh hạ một con trai.  Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.

Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria là tên của cha nó mà đặt cho nó.  Nhưng bà mẹ đáp lại rằng:  “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan.”  Họ bảo bà rằng:  “Không ai trong họ hàng bà có tên đó.”  Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì.  Ông xin một tấm bảng và viết:  “Tên nó là Gioan.”  Và mọi người đều bỡ ngỡ.  Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi.  Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó.  Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng:  “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?  Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó.”

  1. Suy Niệm

  Trong các chương một và hai của sách Tin Mừng theo thánh Luca, tác giả mô tả việc loan báo sự ra đời của hai trẻ nhỏ, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, những người sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa khởi công trong Cựu Ước, bắt đầu được thực hiện thông qua hai trẻ này.  Đây là lý do tại sao, trong hai chương này, Luca trình bày hoặc gợi nhớ lại nhiều dữ kiện và các nhân vật của Cựu Ước và thậm chí thành công trong việc bắt chước phong cách của Cựu Ước.  Và tất cả điều này để cho thấy rằng với sự chào đời của hai bé trai, lịch sử thực hiện một vòng quay 180 độ và thời điểm của việc thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa bắt đầu qua Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, và với sự cộng tác của cha mẹ họ, bà Êlisabéth với ông Giacaria và Đức Maria với thánh Giuse.

  Có một sự song song giữa việc loan báo và sự chào đời của cả hai trẻ:

  1. a) Việc loan báo về sự ra đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:5-25) và của Đức Giêsu (Lc 1:26-38)
  2. b) Hai bà mẹ đang lúc mang thai gặp nhau và trải qua kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa (Lc 1:27-56)
  3. c) Sự chào đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:57-28) và của Chúa Giêsu (Lc 2:1-20)
  4. d) Phép chịu cắt bì trong cộng đồng của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:59-66) và của Chúa Giêsu (Lc 2:21-28)
  5. e) Bài ca vịnh của ông Giacaria (Lc 1:67-79) và bài ca vịnh của ông cụ Simêôn với nữ ngôn sứ Anna (Lc 2:29-32)
  6. f) Cuộc sống ẩn dật của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:80) và của Chúa Giêsu (Lc 2:39-52)

–  Lc 1:57-58:  Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả.  “Khi đến ngày sinh, bà Êlisabéth sinh hạ một con trai.  Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.”  Giống như rất nhiều phụ nữ trong Cựu Ước, bà Êlisabéth hiếm muộn con cái:  Cũng giống như Thiên Chúa đã thương hại bà Sarah (St 16:1; 17:17; 18:12), bà Rakhên (St 29:31) và bà Anna (1Sm 1:2,6,11) chuyển đổi việc hiếm muộn thành mắn con, trong cùng một cách, Người đã thương xót bà Êlisabéth và bà đã thụ thai một con trai.  Bà Êlisabéth đã ẩn mình trong năm tháng.  Khi mà sau năm tháng, mọi người có thể nhìn thấy sự nhân hậu của Thiên Chúa đối với bà Êlisabéth trong lòng bà, mọi người đến chúc mừng bà.  Môi trường cộng đồng này, trong đó Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu được sinh ra, đã lớn lên và nhận được sự hình thành của họ.  Một môi trường như thế đánh dấu cá tính của một người trong suốt cuộc đời; và ngày nay, điều mà chúng ta thiếu vắng nhất chính là môi trường cộng đồng này.

–  Lc 1:59:  Đặt tên cho con trẻ vào ngày thứ tám.  “Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria là tên của cha nó mà đặt cho nó.”  Sự tham gia của cộng đồng trong đời sống gia đình của ông Giacaria, bà Êlisabéth và Gioan Tẩy Giả đến nỗi mà bà con và láng giềng còn muốn can thiệp vào việc đặt tên cho con trẻ.  Họ muốn lấy tên của cha nó mà đặt cho nó:  “Giacaria!”  Giacaria có nghĩa là:  Thiên Chúa đã ghi nhớ.  Có lẽ họ muốn bày tỏ lòng biết ơn của họ với Thiên Chúa vì Người đã nhớ đến vợ chồng bà Êlisabéth và ông Giacaria và đã ban cho họ một con trai trong lúc tuổi già bóng xế.

–  Lc 1:60-63:  Tên nó là Gioan!  Bà Êlisabéth ngăn cản và bà không cho phép người thân lo liệu việc đặt tên.  Nhớ lại lời loan báo về tên đã được đặt bởi thiên thần Chúa với ông Giacaria (Lc 1:13), bà Êlisabéth nói rằng:  “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan.”  Ở một nơi rất nhỏ như làng Ain Karem, trong xứ Giuđêa, sự kiểm soát của xã hội rất là chặt chẽ.  Và khi mà một người vượt quá vị trí bình thường hằng ngày, thì người ấy sẽ bị chỉ trích.  Bà Êlisabéth đã không theo vị trí bình thường mà lại chọn một tên ngoài tục lệ thông thường.  Đây là lý do mà những người bà con và láng giềng phàn nàn rằng:  “Không ai trong họ hàng bà có tên đó!”  Những người bà con không dễ dàng bỏ cuộc và làm hiệu cho cha của con trẻ để biết xem ông muốn đặt tên cho con trai mình là gì.  Ông Giacaria xin một tấm bảng và viết:  “Tên nó là Gioan.”  Mọi người đều bỡ ngỡ vì hai ông bà chắc đã phải cảm nhận được một điều gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa xung quanh việc chào đời của đứa trẻ.

Và nhận thức này mà người ta có về mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong các sự kiện thông thường của đời sống, thánh Luca muốn thông tri điều ấy với chúng ta, các độc giả của ông.  Trong cách mô tả các sự kiện của mình, thánh Luca không giống như một nhiếp ảnh gia, là người ghi lại những gì mắt có thể thấy.  Ông giống như một chuyên viên dùng quang tuyến-X ghi lại những gì mà mắt người trần không thể trông thấy.  Luca đọc các sự kiện với quang tuyến-X của đức tin trong đó mặc khải những gì mà con mắt phàm trần không thể cảm nhận được.

–  Lc 1:64-66:  Tin tức về đứa trẻ được loan truyền ra.  “Mọi người lân cận đều kinh hãi.  Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó.  Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng:  “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?  Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó.”  Cách mà Luca mô tả các sự kiện gợi nhớ lại hoàn cảnh ra đời của những nhân vật trong Cựu Ước, những người đã có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án của Thiên Chúa mà tuổi thơ của họ dường như đã được đánh dấu bởi số phận đặc quyền mà họ sẽ có:  ông Môisen (Xh 2:1-10), Samson (Tl 13:1-4 và 13:24-25), Samuen (1Sm 1:13-28 và 2:11).

  Trong các tác phẩm của Luca, chúng ta thấy nhiều lần nhắc đến phần Cựu Ước.  Trong thực tế, hai chương đầu tiên của sách Tin Mừng của ông không phải là những câu chuyện theo ý nghĩa mà ngày nay chúng ta gán cho câu chuyện.  Đúng ra, chúng là tấm gương để giúp người đọc khám phá ra rằng ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu đã đến để làm trọn những lời tiên tri của Cựu Ước.  Thánh Luca muốn cho thấy rằng Tân Ước nhận ra được những gì Cựu Ước đã hình dung trước.  Mặt khác, nó cho thấy rằng Tân Ước vượt quá Cựu Ước và không tương ứng với tất cả mọi thứ mà những gì người dân của Cựu Ước đã tưởng tượng và mong đợi.  Trong thái độ của bà Êlisabéth và ông Giacaria, của Đức Maria và thánh Giuse, Luca tiêu biểu cho một kiểu mẫu về cách tự cải đổi chính mình để tin vào Tân Ước đang được tiếp cận.

  1. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  Điều gì đã đánh động bạn nhất trong cách thức mà thánh Luca mô tả các sự kiện của đời sống?

  Tôi đọc các sự kiện của đời sống như thế nào?  Giống như nhìn một bức ảnh chụp hay nhìn một tấm hình chụp bằng quang tuyến-X?

  1. Lời nguyện kết

Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín

Đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.

Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa

Và cho họ biết giao ước của Người.

(Tv 25:10,14)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …