Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Vọng (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Vọng (B)

Date: Chủ Nhật 10 Tháng 12, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Lời công bố của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc

Mc 1:1-8

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Tính thuần nhất văn chương của đoạn Phúc Âm Máccô 1:1-13 mà trong đó có bài Tin Mừng của chúng ta (Mc 1:1-8) là một lời giới thiệu ngắn để công bố Tin Mừng của Thiên Chúa.  Có ba điểm chính:  (i)  Tin Mừng được chuẩn bị bởi các sự kiện của Gioan Tẩy Giả (Mc 1:2-8);  (ii) Nó được công bố nhân dịp Đức Giêsu chịu phép rửa (Mc 1:9-11);  (iii) Nó bị thử thách tại thời điểm Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (Mc 1:12-13).

Vào những năm thuộc thập niên 70, thời gian khi thánh Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, các cộng đoàn đang trải qua những thời điểm khó khăn.  Họ đang bị bách hại từ bên ngoài bởi đế chế La Mã.  Từ bên trong, họ đã sống với những nghi ngờ và căng thẳng.  Có nhóm cho rằng Gioan Tẩy Giả thì ngang hàng với Đức Giêsu (Cv 18:26; 19:3).  Những người khác muốn biết làm cách nào để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu.  Trong một ít câu này, thánh Máccô bắt đầu trả lời bằng cách nói với họ về Tin Mừng của Chúa mà Đức Giêsu đã công bố được bắt đầu như thế nào, và Gioan Tẩy Giả giữ địa vị nào trong chương trình của Thiên Chúa.  Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng để ý tới Tin Mừng thấm nhập vào trong cuộc sống của người ta bằng cách nào.  

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 1:1:  Lời tựa và câu mở đầu của Tin Mừng Máccô

Mt 1:2-3:  Trích lời của các tiên tri Malakhi và Isaia

Mt 1:4-5:  Nội dung lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và tiếng vang vọng của lời ấy

Mt 1:6-8:  Ý nghĩa lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả

c)  Phúc Âm:  

1 Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.  2 Như có lời tiên tri Isaia chép rằng:  Đây, Ta sai thiên thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.  3 Có tiếng kêu trong hoang địa rằng:  “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.”  4 Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội.  5 Dân các miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.  6 Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.  7 Người rao giảng rằng:  “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người.  8 Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.”     

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng này bạn thích nhất và phần nào đánh động bạn nhất? 

b)  Đoạn Tin Mừng nói gì về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả?            

c)  Tại sao Phúc Âm trích dẫn lời của hai tiên tri trong Cựu Ước?

d)  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết gì về con người của Đức Giêsu và sứ vụ của Người?

e)  Giáo lý ấy dạy cho chúng ta điều gì ngày nay?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề 

a)  Bối cảnh thời ấy và ngày nay:

Tin Mừng theo Máccô bắt đầu như thế này:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa! (Mc 1:1).  Tất cả mọi việc đều có một khởi đầu, ngay cả Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu truyền đạt lại cho chúng ta.  Đoạn Tin Mừng được đề nghị cho việc suy gẫm cho chúng ta thấy thánh Máccô đã có lời mở đầu như thế nào.  Ông đã trích dẫn lời của các tiên tri Isaia và Malakhi và đề cập đến Gioan Tẩy Giả, người đã dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu.  Vì thế Máccô cho chúng ta biết rằng Tin Mừng của Thiên Chúa, được mạc khải bởi Đức Giêsu, không phải bất ngờ từ trên trời rơi xuống, nhưng đã đến từ lâu lắm rồi, qua lịch sử.  Và nó có người dọn đường, một ai đó đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu.   

Đối với chúng ta cũng vậy, Tin Mừng xuất hiện qua dân chúng và các sự kiện quy hướng về Đức Giêsu.  Đó là lý do tại sao trong khi suy gẫm Tin Mừng viết bởi Máccô, tốt hơn là chúng ta không nên quên câu hỏi này:  “Trong câu chuyện cuộc đời của tôi, ai đã chỉ cho tôi con đường đến với Chúa Giêsu?”  Lần nữa thêm một câu hỏi khác:  “Tôi đã có giúp ai khám phá ra Tin Mừng của Thiên Chúa trong đời của họ chưa?  Tôi có đã là kẻ dọn đường cho người nào đó chưa?”       

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mc 1:1:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa

Trong câu đầu của sách Tin Mừng, Máccô viết rằng:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa! (Mc 1:1).  Tại phần cuối của sách Phúc Âm, khi Chúa Giêsu đang sinh thì, một người lính đã kêu lên:  Quả thật người này là Con Thiên Chúa (Mc 15:39).  Tại lúc khởi đầu và kết thúc, chúng ta đều bắt gặp danh xưng này, Con Thiên Chúa.  Giữa đoạn đầu và đoạn kết, qua các trang của Phúc Âm, thánh Máccô đã giải thích về chân lý chủ yếu này của đức tin chúng ta, rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, phải được thấu hiểu và được công bố.    

Mc 1:2-3:  Hạt giống Tin Mừng được ẩn dấu trong niềm hy vọng của dân chúng 

Hướng về điểm bắt đầu sách Tin Mừng, Máccô trích dẫn lời các tiên tri Malakhi và Isaia.  Trong lời của hai tiên tri này, chúng ta thấy niềm hy vọng chất chứa trong lòng người ta vào thời Chúa Giêsu.  Người ta hy vọng rằng vị sứ giả, được công bố bởi tiên tri Malakhi, sẽ đến để chuẩn bị dọn đường cho Thiên Chúa (Ml 3:1), như đã được công bố bởi tiên tri Isaia:  Có tiếng kêu rằng:  ‘Hãy dọn đường cho Đức Chúa trong hoang địa.  Hãy sửa đường ngay thẳng cho Thiên Chúa chúng ta’ (Is 40:3).  Đối với Máccô, hạt giống Tin Mừng là niềm hy vọng được nuôi dưỡng trong dân chúng bởi những lời hứa tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã nói trong quá khứ qua hai ngôn sứ.  Cho đến ngày nay, niềm hy vọng của người ta là cái móc mà Tin Mừng của Chúa treo lên.  Để biết cách bắt đầu công bố Tin Mừng, điều quan trọng là khám phá ra niềm hy vọng mà người ta có trong lòng của họ.  Hy vọng là điều tồn tại đến phút cuối!

Mc 1:4-5:  Phong trào đại chúng được khởi đầu bởi Gioan Tẩy Giả làm tăng niềm hy vọng của người ta

Thánh Máccô làm những gì mà chúng ta vẫn còn làm ngày nay.  Ông xử dụng Kinh Thánh để làm sáng tỏ các sự kiện của đời sống.  Gioan Tẩy Giả đã bắt đầu một phong trào rất đại chúng.  Tất cả dân miền Giuđêa và dân thành Giêrusalem tuôn đến với Gioan!  Máccô đã dùng lời trong sách của tiên tri Malakhi và Isaia để làm sáng tỏ về phong trào đại chúng này được phát động bởi Gioan Tẩy Giả.  Ông cho thấy rằng với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, niềm hy vọng của dân chúng bắt đầu đi tìm câu trả lời, được thực hiện.  Hạt giống của Tin Mừng bắt đầu nẩy mầm và phát triển.    

Mc 1:6-8:  Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ Êlia được người ta mong đợi

Người ta nói về ngôn sứ Êlia rằng ông sẽ đến để dọn đường cho Đấng Mêssia:  “Ông sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3:24; Lc 1:17), nói cách khác, họ đã hy vọng rằng ngôn sứ Êlia sẽ đến để xây dựng lại đời sống cộng đoàn.  Ngôn sứ Êlia đã được biết đến như “người mặc áo choàng lông… và thắt lưng da thú” (2V 1:8).  Máccô nói rằng Gioan đã mặc áo lông lạc đà.  Ông đang nói một cách rõ ràng rằng Gioan Tẩy Giả đã đến để thi hành sứ vụ của Ngôn Sứ Êlia (Mc 9:11-13).

Trong những năm của thập niên 70, thời gian lúc thánh Máccô đang viết quyển Tin Mừng, nhiều người đã nghĩ rằng Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêssia (xem Cv 19:1-3).  Để cho họ nhận thức, Máccô viết lại chính những lời của Gioan Tẩy Giả:  Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người.  Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi; còn Người, Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.  Máccô nói rằng Gioan chỉ ra con đường để đến với Đức Giêsu.  Ông nói với cộng đoàn rằng Gioan Tẩy Giả không phải là Đấng Thiên Sai, mà là người dọn đường cho Đấng ấy.

c)  Tài liệu phụ:

*  Bối cảnh rộng lớn hơn về phần mở đầu Phúc Âm theo Máccô (Mc 1:1-13)

Lời công bố trang trọng về Tin Mừng (Mc 1:9-11).

Người ta đã nghĩ rằng phép rửa của Gioan là do Thiên Chúa! (Mc 11:32).  Giống như mọi người, Đức Giêsu cũng thấy rằng Thiên Chúa đã tự thể hiện trong lời rao truyền của Gioan.  Đó là lý do tại sao Người đã rời Nagiarét, đến bờ sông Giođan và xếp hàng để được lãnh phép rửa.  Đang khi Người sắp được lãnh phép rửa, Chúa Giêsu đã có một trải nghiệm sâu xa về Thiên Chúa.  Người đã thấy tầng trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha nói rằng:  Con là Con Yêu Dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.  Những lời ngắn ngủi này bao gồm ba điểm rất quan trọng sau đây:

i)  Đức Giêsu có trải nghiệm Thiên Chúa là Cha và Người là Con.  Ở đây có một tính chất tuyệt vời mà Đức Giêsu thông tri với chúng ta:  Thiên Chúa là Cha.  Thiên Chúa là Đấng cao vời như Chúa Tể Tối Cao, tiến đến gần chúng ta như Chúa Cha, thật gần gũi như Abba, nghĩa là Cha.  Đây là tâm điểm của Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta.

ii)  Có một câu nói mà Đức Giêsu đã nghe từ Chúa Cha và từ ngôn sứ Isaia:  Đấng Thiên Sai được loan báo như Người Tôi Trung của Thiên Chúa và của muôn dân (Is 42:1).  Chúa Cha tuyên bố với Đức Giêsu về sứ vụ của Người như là Đấng Thiên Sai Tôi Tớ, và không phải như là một vị Vua vinh hiển.  Đức Giêsu nhận lãnh sứ vụ phục vụ này và đã trung thành cho đến chết, và chết trên thập giá  (xem Pl 2:7-8).  Người đã nói:  “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ!” (Mc 10:45).

iii)  Đức Giêsu đã nhìn thấy các tầng trời mở ra và Chúa Thánh Thần, như chim bồ câu, ngự xuống trên Người.  Đây chính là lúc Đức Giêsu khám phá ra sứ vụ của Ngài là Đấng Mêssia Cứu Thế mà Người nhận lãnh Chúa Thánh Thần để có thể trợ lực cho Người hoàn thành sứ vụ.  Ân sủng của Chúa Thánh Thần đã được hứa bởi các ngôn sứ (Is 11:1-9; 61:1-3; Ge 3:1).  Lời giao ước bắt đầu xảy ra một cách long trọng khi Chúa Cha tuyên bố Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Người    

Tin Mừng bị thử thách và được xác nhận trong hoang địa (Mc 1:12-13).

Sau khi chịu phép rửa, Thần Khí Thiên Chúa liền đẩy Đức Giêsu vào hoang địa, nơi đó Người chuẩn bị cho sứ vụ của mình (Mc 1:12 và các câu kế tiếp).  Máccô nói rằng Chúa Giêsu ở trong hoang địa bốn mươi ngày và đã chịu ma quỷ, Satan, cám dỗ.  Mátthêu 4:1-11 nói về những cám dỗ một cách rõ ràng:  Cám dỗ tấn công người ta trong hoang địa sau khi dân Do Thái rời khỏi đất Ai Cập: cám dỗ của cơm bánh, cám dỗ của vinh hoa lợi lộc, cám dỗ của quyền lực (Đnl 8:3; 6:16; 6:13).  Cám dỗ là bất cứ điều gì tấn công người nào đó trên con đường đi đến với Thiên Chúa.  Bằng cách để cho Lời Chúa hướng dẫn Người, Chúa Giêsu đối diện với những cám dỗ và sẽ không cho phép mình bị cám dỗ lấn áp (Mt 4:4, 7, 10).  Trong tất cả mọi việc, Người đều giống chúng ta, ngay cả trong vấn đề cám dỗ, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4:15).  Sống giữa những người nghèo khó và nên một với Chúa Cha qua lời cầu nguyện, Người đã quyết tâm và theo con đường của Đấng-Mêssia-Tôi-Tớ, con đường của việc phục vụ Thiên Chúa và muôn người (Mt 20:28).

*  Khởi đầu Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngày hôm nay!  Hạt giống Phúc Âm ở giữa chúng ta.

Thánh Máccô bắt đầu quyển Phúc Âm của mình bằng cách mô tả sự khởi đầu của việc công bố Tin Mừng Thiên Chúa.  Chúng ta có thể mong chờ một ngày chính xác.  Nhưng những gì chúng ta có trong tay thì dường như là một câu trả lời mơ hồ.  Máccô trích dẫn lời các ngôn sứ Isaia và Malakhi (Mc 1:2-3), nói về Gioan Tẩy Giả (Mc 1:4-5), ám chỉ đến tiên tri Êlia (Mc 1:4), đề cập đến lời tiên tri liên quan đến Người Tôi Tớ của Đức Chúa (Mc 1:11) và kêu gọi sự chú ý của chúng ta về những cám dỗ của dân Do Thái trong sa mạc sau khi rời khỏi đất Ai Cập (Mc 1:13).  Và chúng ta thắc mắc:  “Nhưng mà thánh Máccô, khi nào là thời điểm chính xác của sự khởi đầu:  tại lúc rời bỏ đất Ai Cập, hay là lúc với các ông Môisen, Isaia, Malakhi, Gioan Tẩy Giả?  Khi nào?”  Lúc khởi đầu, hạt giống, có thể là tất cả những điều này cùng một lúc.  Điều mà thánh Máccô muốn đề nghị là chúng ta phải học cách đọc lịch sử của chúng ta từ một góc cạnh khác.  Lúc khởi đầu, hạt giống Tin Mừng của Chúa được ẩn dấu trong đời sống chúng ta, trong quá khứ của chúng ta, trong quá trình mà chúng ta sống.  Những người của Kinh Thánh đã tin chắc rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta và trong lịch sử chúng ta.  Đó là lý do tại sao họ vẫn tiếp tục nhắc lại các dữ kiện và nhân vật trong quá khứ.  Bất cứ ai quên mất đi căn tính của mình, thì không biết mình xuất xứ từ đâu hoặc mình sẽ đi về đâu.  Những người của Kinh Thánh đọc về lịch sử của quá khứ để tìm hiểu cách thức đọc lịch sử của hiện tại và khám phá ra ở đó các dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đây là những gì Máccô đã ứng dụng vào lúc khởi đầu quyển Phúc Âm của ông.  Ông cố gắng khám phá ra các dữ kiện và tập trung vào chủ đề hy vọng đến từ cuộc xuất hành của dân Do Thái, từ ông Môisen, qua các ngôn sứ Êlia, Isaia và Malakhi, đến thời ông Gioan Tẩy Giả là kẻ trông thấy trong con người Đức Giêsu là Đấng hoàn thành niềm hy vọng của muôn dân.

Thấp hèn như chúng ta, chủ đề hy vọng còn hiện hữu hôm nay trong lịch sử của chúng ta để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và công bằng hơn là gì?  Sau đây là một số những gợi ý:  (1) sức đề kháng và sự nhận thức chung trong thế giới của các dân tộc bị áp bức đi tìm cuộc sống và phẩm giá cho tất cả mọi người;  (2) một ý thức mới mẻ như thế trong nhiều người cho thấy những khía cạnh mới trong đời sống đã không được nhận thức trước đây;  (3) một tri giác sinh thái mới được triển nở khắp nơi, hơn hết cả là trong giới trẻ và thiếu niên;  (4) một nhận thức ngày càng tăng về quyền công dân tìm kiếm các hình thức mới về dân chủ;  (5) cuộc bàn cãi và tranh luận về các vấn đề xã hội tạo nên sự mong muốn tham dự vào việc cải đổi đến một điều gì đẹp đẽ hơn ngay cả trong số những người đang bận rộn với công việc và chuyện học hành mà vẫn còn dành được thì giờ tình nguyện phục vụ người khác;  (6) sự tìm kiếm cho những mối quan hệ êm ái và sự tôn trọng giữa người ta và các dân tộc ngày càng gia tăng;  (7) sự phẫn nộ ngày càng gia tăng đối với sự thối nát và quá khích.  Nói tóm lại, có một cái gì đó mới mẻ đang phát triển và không cho phép sự thờ ơ trước các lạm dụng về chính trị, xã hội, văn hóa, giai cấp và giới tính.  Có một niềm hy vọng mới, một niềm mơ ước mới, một ước muốn cho sự thay đổi!  Việc loan báo Phúc Âm sẽ thật sự là Tin Mừng nếu nó mang đến sự mới mẻ đang bắt đầu phát triển trong người dân.  Trợ giúp người ta mở mắt để thấy sự mới mẻ này, ủy thác cộng đoàn đức tin để tìm kiếm lý tưởng ấy, có nghĩa là công nhận sự hiện diện giải thoát và hoán cải của Thiên Chúa đang tác động trong các việc hằng ngày của đời sống chúng ta.           

6.  Thánh Vịnh 72 (71)                                                                                              

Niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai ở trong tim mọi người

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!

Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.

Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Israel,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
Amen. Amen.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …