Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật II Phục Sinh (B) – Kính Lòng Thương Xót Chúa

Lectio Divina: Chúa Nhật II Phục Sinh (B) – Kính Lòng Thương Xót Chúa

Date: Chủ Nhật 7 Tháng Tư, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Sứ vụ của các môn đệ và

Lời chứng của Tông Đồ Tôma

Ga 20:19-31 

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha, Đấng trong ngày của Chúa đã tề tựu con cái Người để ca tụng Đấng Trước Hết và là Sau Hết, Đấng hằng sống đã chiến thắng sự chết, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng đã chế ngự được sự dữ, để làm trầm tĩnh các sự lo lắng và do dự của chúng con, xin cho chúng con có thể mạnh dạn đáp trả với sự vâng lời và lòng yêu mến, để ngự trị trong vinh quang với Đức Kitô.

Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Chúng ta đang đọc ở trong quyển được gọi là “sách của sự sống lại”, trong đó chúng ta được cho biết, không hẳn theo một thứ tự hợp lý, một số sự việc liên quan đến việc Đức Kitô Phục Sinh và các sự thật chứng minh điều đó. Theo sách Tin Mừng thứ tư, những sự việc đã được xảy ra vào buổi sáng (20:1-18) và buổi tối ngày đầu tiên sau ngày thứ bảy, và tám ngày sau đó, tại cùng một địa điểm và cùng ngày trong tuần. Chúng ta đang đứng trước một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử loài người, một biến cố thách đố từng bản thân chúng ta. Thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì việc rao truyền của chúng ta trở thành vô ích và đức tin của chúng ta cũng nên vô dụng … và chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi” (1Cr 15:14, 17), vị tông đồ đã không biết Đức Giêsu trước khi Người phục sinh, nhưng lại là người sau này đã đi rao giảng một cách thiết tha trọn cả quãng đời của ông. Chúa Giêsu được sai đi bởi Chúa Cha. Và Chúa cũng sai chúng ta đi. Sự sốt sắng của chúng ta để “đi” xuất phát từ chiều sâu đức tin của chúng ta vào Đấng Đã Sống Lại. Chúng ta có sẵn sàng để nhận lãnh “sự ủy thác” của Người và dâng hiến cuộc đời chúng ta cho Nước Trời của Người chưa? Đoạn Tin Mừng này không chỉ nói về đức tin của những kẻ chưa thấy (lời chứng của Tôma), nhưng nó còn nói về sứ vụ được ủy thác cho Giáo Hội bởi Đức Kitô.

 b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Ga 20:19-20: Chúa hiện ra với các môn đệ và cho các ông xem những vết thương

Ga 20:21-23: Ân sủng Chúa Thánh Thần ban cho sứ vụ

Ga 20:24-26: Chúa hiện ra đặc biệt với ông Tôma tám ngày sau đó

Ga 20:27-29: Cuộc đối thoại của Chúa với Tôma

Ga 20:30-31: Mục đích của bài Phúc Âm theo thánh Gioan

c) Phúc Âm:

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. 20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. 21 Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. 22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. 27 Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. 28 Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” 29 Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31 nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để cho Lời Chúa được thấm nhập vào tâm hồn chúng ta

4.  Suy Niệm

a) Một vài câu hỏi gợi ý để giúp cho sự suy niệm của chúng ta:

Người nào hoặc điều gì trong bài Tin Mừng đã tạo sự chú ý và thích thú cho tôi? Có thể nào một người tự nhận là Kitô hữu mà lại chưa tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu được chăng? Việc tin vào sự phục sinh thật là quan trọng đến mức như thế ư? Điều gì sẽ bị thay đổi nếu chúng ta không còn rao giảng Lời Chúa và không tiếp tục làm chứng nhân của cuộc sống? Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho sứ vụ có ý nghĩa gì đối với tôi? Sứ vụ của Đức Giêsu trên thế gian được tiếp tục như thế nào sau khi Chúa Phục Sinh? Nội dung của bản công bố sứ vụ truyền giáo là gì? Việc làm chứng của ông Tôma mang một giá trị gì đối với tôi? Tôi có sự nghi ngờ nào về tín lý không? Nếu có, đó là những điều gì? Tôi sẽ giải quyết và vượt qua những nghi ngại ấy bằng cách nào? Tôi có khả năng biện minh cho đức tin của tôi không?

b) Dẫn giải:

Vào buổi chiều cùng ngày, ngày thứ nhất trong tuần: Các môn đệ đang trải qua một ngày đặc biệt. Đối với cộng đoàn, vào lúc quyển Tin Mừng thứ tư được viết, ngày sau ngày Sabbát đã là “ngày của Chúa” (Kh 1:10), Chúa Nhật (Dies Domini), và nó còn quan trọng hơn cả ngày Sabbát trong truyền thống của người Do Thái.

Những cửa nhà các môn đệ đều đóng kín: Một chi tiết cho thấy rằng thân thể của Đức Giêsu phục sinh, dù rằng vẫn có thể nhận ra, đã không bị chi phối bởi các điều kiện vật lý như người phàm.

Bình an cho các con: Đây không phải là một lời ước nguyện, nhưng đó chính là sự bình an thực sự đã được hứa hẹn với các ông khi các ông buồn rầu vì cái chết của Chúa (Ga 14:27; 2Tx 3:16; Rm 5:3), sự bình an cứu chuộc, sự viên mãn những lời hứa bởi Thiên Chúa, giải thoát khỏi tất cả mọi sợ hãi, chiến thắng tội lỗi và cõi chết, giao hòa với Thiên Chúa, hoa trái cuộc khổ nạn của Người, tặng phẩm cho không từ Thiên Chúa. Sự bình an này được lặp lại ba lần trong đoạn Kinh Thánh này cũng như trong phần dẫn nhập (20:19) và tiếp theo sau đó (20:26) trong cùng một thể cách.

Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người: Chúa Giêsu cho thấy bằng chứng hiển nhiên và rõ ràng rằng chính Người là kẻ đã bị đóng đinh vào thập giá. Chỉ có Gioan đã ghi lại chi tiết về vết thương nơi cạnh sườn Người là do ngọn giáo của một tên lính La-mã đâm vào, trong khi ấy Phúc Âm của Luca lại nhắc đến vết thương nơi chân (Lc 24:39). Khi cho các môn đệ xem các vết thương, Chúa Giêsu muốn nói rằng sự bình an mà Người ban tặng cho các ông đến từ cây thập giá (2Tm 2:1-13). Những vết thương này là một phần căn tính của Người như Đấng Đã Sống Lại Từ Cõi Chết (Kh 5:6).

Các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa: Niềm vui mừng này giống như niềm vui mừng được diễn tả bởi tiên tri Isaia khi ông diễn tả về bữa tiệc thiêng liêng (Is 25:8-9), nỗi vui ngày tận thế đã được báo trước trong lời từ biệt và rằng không ai có thể cất đi được (Ga 16:22, 20:27). (Xin xem thêm Lc 24:39-40; Mt 28:8; Lc 24:41).

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Chúa Giêsu là người truyền giáo đầu tiên, “chúng tôi xác nhận là tông đồ và vị linh mục thượng tế của đức tin” (Kh 3:1). Sau khi trải qua kinh nghiệm của thập giá và sự phục sinh, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cùng Chúa Cha đã trở thành sự thật (Ga 13:20; 17:18; 21:15, 17). Đây không phải là một sứ vụ mới, nhưng đó là sứ vụ của Đức Giêsu mở rộng đến những người là môn đệ của Chúa, gắn liền với Người như các cành nho gắn liền với cây nho (15:9), vì thế các môn đệ cũng gắn liền với Giáo Hội của Người (Mt 28:18-20; Mc 16:15-18; Lc 24:47-49). Con Thiên Chúa hằng sống đã được sai đến thế gian để “thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17) và tất cả sự hiện diện của Người trên thế gian, được gắn bó với ý định cứu chuộc của Chúa Cha, là sự hiện diện liên tục của thánh ý Chúa để cho tất cả được cứu rỗi. Người lưu lại như một di sản cuộc cứu chuộc lịch sử này cho toàn thể Giáo Hội và, nhất là những người đã được tuyển chọn trong Giáo Hội.

Người thổi hơi vào các môn đệ: Cử chỉ này gợi nhớ lại việc Thiên Chúa đã thổi hơi ban sức sống vào con người (St 2:7), việc này đã không thấy nhắc đến một nơi nào khác trong Tân Ước. Nó đánh dấu cho sự khởi đầu của một cuộc tác tạo mới.

Hãy nhận lấy Thánh Thần: Sau khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, Thần Khí Chúa sẽ được trao ban (Ga 7:39). Ở đây Thần Khí được truyền đến cho một sứ vụ đặc biệt, trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2) Chúa Thánh Linh hiện xuống trên toàn thể dân Thiên Chúa.

Các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại: Chúng ta cũng có thể tìm thấy quyền năng của việc tha tội hoặc không tha tội trong Phúc Âm của thánh Mátthêu dưới một hình thức có vẻ pháp lý hơn (Mt 16:19; 18:18). Theo những người Luật Sĩ và Biệt Phái (Mc 2:7), và theo truyền thống (Is 43:25), chỉ có Thiên Chúa là đấng có quyền tha tội. Chúa Giêsu có quyền này (Lc 5:24) và Người truyền lại cho Giáo Hội Người. Trong lúc suy niệm, tốt hơn hết là chúng ta không nên vướng bận với lời văn của sự phát triển về thần học trong truyền thống giáo hội và những cuộc tranh cãi về thần học sau đó. Trong quyển Tin Mừng thứ tư, sự diễn đạt có thể được hiểu theo một ý nghĩa rộng. Ở đây nó là vấn đề về quyền tha tội trong Giáo Hội như là cộng đoàn cứu rỗi và một cách đặc biệt cho những ai đã được tuyển chọn với quyền năng này là những người chia sẻ trong các đặc sủng qua sự thừa kế và sứ vụ tông đồ. Trong quyền năng tổng quát này được bao gồm cả quyền tha tội sau khi đã rửa tội, mà chúng ta gọi là “bí tích hòa giải” được nhắc đến qua nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội.

Bấy giờ trong nhóm Mười Hai tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô: Ông Tôma là một trong những nhân vật chính trong quyển Phúc Âm thứ tư và đặc tính đa nghi của ông, dễ bị hoang mang nản lòng, đã được làm nổi bật (11:16; 14:5). “Một môn đệ trong Nhóm Mười Hai” vào bấy giờ là một lời nói khuôn sáo (6:71), bởi vì thật ra họ chỉ còn lại mười một người. “Điđymô” có nghĩa là “Sinh Đôi”, và chúng ta có thể cũng là “anh em song sinh” của ông bởi vì sự cứng lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và đã sống lại.

Chúng tôi đã xem thấy Chúa! Khi các ông Anrê, Gioan, và Philípphê đã gặp được Đấng Cứu Thế, họ liền chạy đi loan báo cho các người khác (Ga 1:41-45). Bây giờ lại có lời tuyên bố chính thức bởi những người chứng tận mắt (Ga 20:18).

Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin: Ông Tôma không tin lời những người chứng. Ông muốn chính mình chứng kiến tận mắt. Quyển Tin Mừng thứ tư ý thức về sự khó khăn rằng có một số người có thể có lòng hoài nghi về việc Chúa Phục Sinh (Lc 24:34-40; Mc 16:11; 1Cr 15:5-8), nhất là những kẻ chưa được gặp Đấng Đã Sống Lại. Tôma là người diễn đạt cho họ (và cho cả chúng ta). Ông đã sẵn sàng để tin, nhưng ông muốn làm sáng tỏ tất cả những hoài nghi riêng trong lòng, vì lo rằng sẽ bị sai lầm. Chúa Giêsu đã không nhìn Tôma như một người theo chủ nghĩa hoài nghi, mà xem ông như một người muốn đi tìm sự thật và mong muốn được đáp ứng trọn vẹn. Tuy nhiên, đây là một dịp để thể hiện một sự cảm kích các tín hữu tương lai (Câu 29).

Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin! Chúa Giêsu lặp lại những lời của Tôma và bắt đầu cuộc đối thoại với ông. Người hiểu lòng hoài nghi và các ước muốn của Tôma nên giúp ông. Chúa Giêsu biết rằng Tôma yêu mến Chúa và vì vậy Người động lòng trắc ẩn vì Tôma chưa tận hưởng được sự bình an đến từ đức tin. Chúa Giêsu giúp ông lớn lên trong đức tin. Để đi sâu hơn vào trong chủ đề này, chúng ta có thể đọc thêm: 1Ga 1-2; Tv 78:38; 103:13-14; Rm 5:20; 1Tm 1:14-16.

Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!: Đây là lời tuyên xưng đức tin vào Đấng Đã Sống Lại và vào thiên tính của Người như đã được công bố ở chương đầu của Phúc Âm theo thánh Gioan (1:1). Trong Cựu Ước, những chữ “Chúa” và “Thiên Chúa” được tương ứng với các chữ “Giavê” và “Elohim” (Tv 35:23-24; Kh 4:11). Đây là lời tuyên xưng đức tin vào bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh một cách đầy đủ và trực tiếp nhất. Đối với những người Do Thái, các từ ngữ này mang một ý nghĩa giá trị hơn vì họ đã dùng trong các văn bản về Chúa Giêsu liên quan đến bản tính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã không chỉnh sửa những lời của Tôma như Người đã hiệu chỉnh những lời mà các người Do Thái đã dùng để buộc tội Người là đã mong muốn được “bằng Thiên Chúa” (Ga 5:18 và các câu tiếp theo); do đó Chúa đã xác nhận việc mang bản tính Thiên Chúa của Người.

Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin! Chúa Giêsu không thể tha thứ cho những kẻ chỉ biết đi tìm những dấu lạ và điềm thiêng để mà tin (Ga 4:48) và Người đã dùng ông Tôma để chỉnh đốn việc ấy. Ở đây chúng ta nên nhớ đến một đoạn Phúc Âm khác nói về một đức tin chân chính hơn, một “phương cách hoàn hảo” hướng về một đức tin mà chúng ta phải khao khát nhưng không có các điều đòi hỏi của Tôma, một đức tin được nhận lãnh như một món quà tặng và như là một hành động của lòng tin, giống như gương đức tin của cha ông chúng ta (Kh 11) và của Đức Maria (Lc 1:45). Chúng ta, những người sống sau Chúa Giêsu hai ngàn năm, đã được bảo cho biết về Người, dù rằng chúng ta chưa hề gặp Người, nhưng chúng ta vẫn có thể yêu mến và tin tưởng vào Người để chúng ta có thể chan chứa với “một niềm vui vinh quang và rực rỡ khôn tả” (1Pr 1:8).

Các điều đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người: Sách Phúc Âm thứ tư, cũng như các sách Phúc Âm khác, không là phương tiện để viết một cuốn tiểu sử đầy đủ về Chúa Giêsu, nhưng chỉ để cho chúng ta biết là Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng Mêssia đang được mong đợi, Đấng Giải Thoát, và Người chính là Con Thiên Chúa. Tin tưởng vào Người có nghĩa là chúng ta có sự sống đời đời. Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì đức tin của chúng ta trở nên vô ích!

5.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 118 (117)

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ;
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Israel hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Nhà Aaron hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Chúng xô đẩy tôi, xô cho tôi ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.
Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi;
chính Người cứu độ tôi.
Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân:

Tảng đá mà người thợ xây loại bỏ
lại trở nên tảng đá chính góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa;
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa!
Ôi lạy Chúa, xin thương giúp thành công.

6.  Chiêm Niệm

 Lời nguyện kết

 Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa, Chúa là Chúa của con và là Thiên Chúa của con, Chúa đã yêu thương con và đã cất tiếng gọi con, Người đã cất nhắc con trở thành môn đệ Chúa. Chúa đã ban cho con Thần Khí Chúa, Đấng được sai đến, để con ra đi công bố và làm chứng cho sự phục sinh của Chúa, về lòng từ ái của Chúa Cha, để cho mọi người trên thế giới được nhận lãnh ơn cứu độ. Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa là ánh bình minh không bao giờ xế tà, là vầng thái dương của công lý và hòa bình. Xin Chúa hãy ban cho con được cư ngụ trong tình yêu của Chúa, xin ràng buộc con vào Chúa như cành nho gắn liền với cây nho. Xin Chúa hãy ban cho con sự bình an của Chúa để con có thể khắc phục được những yếu đuối của con, đối diện với những nghi ngại của con và mạnh dạn bước theo ơn gọi của Chúa và để con sống trọn vẹn với nhiệm vụ Chúa đã giao phó cho con, ca tụng Chúa đến muôn đời. Chúa là đấng hằng sống, hằng trị muôn đời. Amen.

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …