Hãy đến và bạn sẽ thấy
Lời mời gọi các Môn Đệ đầu tiên
Ga 1:35-42
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Đấng Mục Tử Nhân Lành, lạy Cha của con, hôm nay Cha cũng xuống từ miền núi vĩnh cửu, mang theo đàn chiên của Cha và dẫn dắt chúng về phía đồng cỏ xanh rì, có cỏ non suối mát. Hôm nay, Cha sai con chiên yêu quý và thân yêu nhất của Cha đi trước, Con Chiên mà Cha yêu mến với tình yêu khôn ví; Cha đã ban cho chúng con Đức Giêsu Con Cha, Đấng Mêssia. Này đây, Ngài đang ở đây! Con nài xin Cha, xin giúp con nhận ra được Người, để con dõi mắt về Người, lòng ước ao của con, sự mong đợi của con được hướng về Người. Xin hãy khiến con đi theo Người, xin đừng để con rời xa Người, để cho con tiến vào nhà Người và ở lại đó luôn mãi. Nhà của Người, ôi lạy Cha, là chính Cha. Con muốn được vào trong Cha, con muốn sống trong ấy. Nguyện xin cho thần khí của Chúa Thánh Thần thu hút con, hỗ trợ con và hợp nhất con trong tình yêu với Cha và với Con Cha, là Chúa của con, hôm nay và đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Tin Mừng
a) Đặt đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó:
Đoạn Tin Mừng này giới thiệu với chúng ta vào chương khởi đầu của sách Phúc Âm theo Gioan, cho thấy rõ ràng sự nối tiếp ngày nọ qua ngày kia của cả một tuần lễ. Ở đây chúng ta đã ở vào ngày thứ ba kể từ khi Gioan Tẩy Giả bắt đầu làm chứng cho Chúa Giêsu, đã đến lúc viên mãn, với lời mời đến các môn đệ đi theo Chúa, cũng là Chiên Thiên Chúa. Sứ vụ của Đức Giêsu bắt đầu trong những ngày này, Ngôi Lời của Chúa Cha, Đấng đã xuống ở giữa loài người để gặp gỡ họ, nói với họ và sống cùng với họ.
Nơi này là Bêtania, xa khỏi bờ sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa: ở đây cuộc gặp gỡ với Lời của Thiên Chúa xảy ra và một đời sống mới bắt đầu.
b) Để giúp cho việc đọc đoạn Tin Mừng:
Các câu 35-36: Gioan Tẩy Giả trải qua một kinh nghiệm sống rất mạnh mẽ của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Thật ra, chính ngay lúc này đây, vào ngày thứ ba, ông hoàn toàn nhận ra Người, ông tuyên xưng Người với toàn sức lực của ông và cho biết Người là con đường thật để đi theo, như cuộc sống để được sống. Tại đây ông Gioan tự rút lui đến gần như biến mất và trở thành chứng tá cho ánh sáng.
Các câu 37-39: Sau khi chấp nhận việc làm chứng tá của thày mình, các môn đệ của Gioan bắt đầu đi theo Chúa Giêsu; sau khi lắng nghe lời Người, họ gặp được Ngôi Lời và họ chấp nhận được thử thách. Đức Giêsu nhìn họ, Người biết họ và bắt đầu cuộc đối thoại với họ. Chúa đem họ đi với Người, đem họ đến nơi ở của Chúa và giữ họ lại với Người. Tác giả Phúc Âm cho biết chính xác giờ khắc của cuộc gặp gỡ mặt đối mặt này, cuộc trao đổi đời sống giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên.
Các câu 40-42: Ngay lập tức, sự chứng tá lóe lên và lan ra; Anrê không thể giữ im lặng những gì ông đã thấy và đã nghe, những gì ông đã trải nghiệm và sống qua và lập tức trở thành một người truyền giáo, đi gọi anh mình là ông Phêrô đến để gặp Chúa Giêsu. Chúa nhìn ông, gọi ông và biến đổi cuộc đời ông: ông tên là Simon, bây giờ ông sẽ trở thành Phêrô.
c) Phúc Âm:
35 Hôm sau, khi Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu. 38 Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi” – nghĩa là thưa Thầy – “Thầy ở đâu?” 39 Người đáp: “Hãy đến mà xem.” Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. 40 Một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu là Anrê, em ông Simon Phêrô. 41 Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia” – nghĩa là Đấng Kitô – 42 Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha” — nghĩa là Đá.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi vẫn còn trong thinh lặng và để cho những lời đơn sơ nhưng đầy quyền năng này vây phủ lấy tôi, chiếm hữu cuộc đời tôi. Tôi để cho Chúa Giêsu, Đấng sắp đến, nhìn tôi, và rồi tôi để cho Chúa hỏi tôi, giống như Người đã hỏi họ: “Ngươi tìm gì?” và tôi để cho Người dẫn tôi đi, về nhà Người. Vâng, bởi vì tôi muốn ở bên Người…
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Bây giờ, tôi số gắng lắng nghe chăm chú hơn đoạn Tin Mừng này, tiếp nhận mỗi lời, mỗi chữ, chăm chú theo dõi đến từng động tác, đến ánh mắt nhìn. Tôi thực sự cố gắng để gặp gỡ Chúa trong trang Phúc Âm này, cho phép chính mình được kiếm tìm và nhận biết bởi Người.
a) “Hôm sau, khi Gioan đang đứng đó”:
Trong những lời này, tôi cảm thấy sự khăng khăng của việc tìm kiếm, của chờ đợi; tôi cảm thấy đức tin của Gioan Tẩy Giả đã phát triển. Những ngày tháng trôi qua, kinh nghiệm của việc gặp gỡ Đức Kitô thì càng mãnh liệt; Gioan không muốn bỏ cuộc, không cảm thấy mệt mỏi, thay vào đó, ông càng trở nên được xác thực hơn, tin chắc hơn, được soi sáng hơn. Ông ở đó, ông vẫn đứng đó. Tôi đặt mình trong cuộc đối đầu với con người của Gioan Tẩy Giả: Tôi có sẽ là người ở đó không, ai sẽ là người đứng chờ? Hay là tôi sẽ rút lui, tôi cảm thấy mỏi mệt, trở nên yếu đuối và để cho đức tin của mình bị xóa nhòa đi? Tôi đứng đó hay là tôi sẽ ngồi xuống, tôi sẽ chờ đợi hay là tôi không còn chờ đợi được nữa?
b) “Dõi mắt nhìn về Chúa Giêsu”.
Đây là một động từ hoàn mỹ có nghĩa là “nhìn chăm chú”, “nhìn xoáy vào” và chữ này được lặp lại trong câu 42, đề cập đến Đức Giêsu, Chúa nhìn ông để thay đổi cuộc đời ông. Nhiều lần, trong các sách Tin Mừng, đã viết rằng Đức Giêsu nhìn thẳng vào các môn đệ mình (Mt 19:26), hoặc đưa mắt nhìn một người nào đó (Mc 10:21); đúng vậy, Người dùng ánh mắt của Người để yêu thương, để mời gọi, để soi sáng. Tia mắt nhìn của Chúa không bao giờ rời khỏi chúng ta, rời khỏi tôi. Tôi biết rằng tôi chỉ có thể tìm thấy bình an trong việc trao đổi mắt nhìn này. Làm sao mà tôi có thể giả vờ như không trông thấy? Tại sao tôi cứ tiếp tục đảo mắt nhìn của mình sang nơi này nơi nọ, trốn chạy khỏi tình yêu của Chúa đã được trao ban cho tôi và đã chọn tôi?
c) “Họ đã đi theo Chúa Giêsu”.
Câu diễn tả này, nói về các môn đệ, không những chỉ có nghĩa là họ đã bắt đầu đi cùng một hướng với Đức Kitô, mà còn nhiều hơn thế nữa: họ đã thánh hiến chính họ cho Chúa, họ đã dâng cuộc đời họ với Người và vì Người. Chúa là người chủ động, tôi biết thế và Người nói với tôi: “Hãy theo Ta” giống như với người thanh niên giàu có (Mt 19:21), như với Phêrô (Ga 21:22); thế thì thật sự tôi đã trả lời với Chúa ra sao? Liệu tôi có đủ can đảm, yêu thương, nhiệt huyết, để thưa với Người: “Lạy Thầy, Thầy đi đến bất cứ nơi nào, con cũng sẽ đi theo Thầy!” (Mt 8:19), xác quyết những lời này với các việc làm không? Hay là tôi cũng nói giống như người kia ở trong Phúc Âm: “Thưa Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng trước hết xin cho phép tôi được…” (Lc 9:61)?
d) “Các ngươi tìm gì?”
Này đây, Chúa Giêsu loan báo những lời đầu tiên trong Tin Mừng của Gioan và, đó là một câu hỏi rất cụ thể, nói với các môn đệ là những người đang đi theo Chúa, nói với chúng ta, nói cho riêng tôi. Chúa đang nhìn chăm chú vào tôi và hỏi: “Con đang tìm gì?” Đây không phải là một câu hỏi có thể trả lời được một cách dễ dàng; tôi phải xét lòng mình thật kỹ và lắng nghe chính mình, tự đo lường, thẩm định. Tôi đang thật sự tìm kiếm điều gì? Sức lực của tôi, các mong ước, hoài bão của tôi, các việc đầu tư của tôi, chúng được dùng vào mục đích gì?
e) “Họ ở lại với Người”
Các môn đệ ở lại với Chúa Giêsu, họ bắt đầu sống với Người, ở cùng chung nhà với Người. Vì thế, có lẽ họ đã bắt đầu cảm nghiệm được rằng chính Chúa là ngôi nhà mới của họ. Động từ mà Gioan sử dụng ở đây, có thể chỉ đơn giản nghĩa là trú ngụ, ở lại, nhưng cũng có nghĩa ở trong, theo ý nghĩa mãnh liệt của một người ở trong một người khác. Chúa Giêsu ngự trị trong cung lòng của Chúa Cha và cũng ban cho chúng ta cơ hội ở trong Người và trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày nay, Người ban chính thân Người, tại đây, với tôi, sống chung với nhau kinh nghiệm tình yêu tuyệt vời và không thể diễn tả này. Vì thế, tôi quyết định ra sao đây? Tôi có sẽ dừng chân và ở lại với Người, trong Người, như các môn đệ đã làm không? Hay là tôi sẽ ra đi, từ chối tình yêu và chạy đi kiếm tìm một cái gì khác?
f) Và dẫn họ tới Chúa Giêsu”.
Anrê chạy đi gọi anh mình là Simon, bởi vì ông muốn chia sẻ với anh món quà vô giá mà ông đã nhận được. Ông công bố, loan báo Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ và có sức mạnh để lôi kéo anh mình đi với ông. Ông trở thành một người dẫn đường, trở thành ánh sáng, đường đi chắc chắn. Đây là đoạn rất quan trọng: Tôi không biết chắc tôi có đủ cởi mở và thông suốt để làm chứng tá cho Người, Đấng đã mặc khải chính Người cho tôi rất rõ ràng. Có lẽ là vì tôi lo sợ, tôi xấu hổ, tôi không có sức khỏe, tôi lười biếng, hay là tôi thờ ơ lãnh đạm chăng?
5. Chìa khóa cho bài đọc
a) Chiên Thiên Chúa:
Trong câu 36, Gioan Tẩy Giả công bố Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, lặp lại tiếng kêu mà ông đã làm trước đây, ngày hôm trước: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Việc đồng hóa Đức Giêsu với Con Chiên thì được đề cập tràn ngập trong Kinh Thánh, gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Con Chiên đã được nhắc đến trong Sách Sáng Thế, chương 22, tại thời điểm hiến tế ông Isaac; Thiên Chúa đã ban cho một chiên con, để dùng làm lễ sát tế thay vì người con. Con chiên xuống từ trời và chết thay cho con người; con chiên bị hy sinh, để cho người con có thể sống.
Trong Sách Xuất Hành, chương 12, Chiên Con của lễ Vượt Qua được hiến tế, một con chiên không tì vết, toàn vẹn, máu của nó sẽ được đổ ra để cứu các người con trai khỏi tay của Thần Tru Diệt, người đi từ nhà này sang nhà khác, trong ban đêm. Từ giây khắc ấy, tất cả các người con của Thiên Chúa sẽ vẫn được ký kết, đóng ấn, bởi máu cứu rỗi đó. Vì thế, con đường đã được mở đi đến sự tự do, con đường của di cư, để đi đến Thiên Chúa, để đi vào trong miền đất hứa của Người. Ở đây bắt đầu những việc sau đây để dẫn đưa đến Sách Khải Huyền, với thực tế của thiên đàng.
Yếu tố của sự hy sinh, của sát tế, của lễ vật toàn vẹn luôn luôn đi kèm với hình ảnh con chiên; các sách Lêvi và Dân Số liên tục giới thiệu với chúng ta sự hiện diện thiêng liêng của con chiên: Người hiến thân trong hy tế mỗi ngày, Người hy sinh cho tất cả những hy sinh chuộc tội, cho đền tạ, cho thánh hóa.
Các ngôn sứ cũng nói về một con chiên được chuẩn bị để đem đi làm vật hy sinh: một con cừu câm nín, bị xén lông mà chẳng mở miệng kêu ca, như một con cừu ngoan ngoãn và hiền lành bị dẫn đến lò sát sinh (Is 53:7; Gr 11:19). Chiên Con đã hy sinh trên bàn thờ mỗi ngày.
Trong Tin Mừng, chính Gioan Tiền Hô là người loan báo và biểu lộ Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh nhận lấy và xóa bỏ tội lỗi của nhân loại bằng đổ chính máu quý giá và tinh khiết của mình. Thật ra, Người là Con Chiên được hiến tế thay cho Isaac; Người là Con Chiên được toàn thiêu trên lửa trong đêm Lễ Vượt Qua. Con Chiên của sự giải thoát; Người là người đầy tớ chịu nhiều đau khổ, không phản kháng, không chống trả nhưng lại tự nộp mình, một cách câm nín, vì yêu thương chúng ta.
Thánh Phêrô đã nói điều này cách công khai: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên toàn vẹn, không tì vết”. (1 Pr 1:19)
Sách Khải Huyền công khai mặc khải tất cả những việc liên quan đến Con Chiên: Người là Đấng có thể mở ra các dấu ấn của lịch sử, cuộc đời của mỗi người, của tâm hồn ẩn dấu, của chân lý (Kh 7:1,3,5,7,9,12; 8:1); Người là Đấng đã đem lại sự chiến thắng vinh quang, ngự trên ngai (Kh 5:6); Người là vua, xứng đáng được danh dự, chúc tụng, vinh quang, tôn thờ (Kh 5:12); Người là Chàng Rể, Đấng đã đạt lời mời đến dự Tiệc Cưới của mình (Kh 19:7); Người là ngọn đèn chiếu soi (Kh 21:23), là Đền Thờ (Kh 21:22), nơi để cho chúng ta cư ngụ muôn đời; Người là vị Mục Tử (Kh 7:17), Đấng mà chúng ta sẽ đi theo đến bất cứ nơi nào Người đi (Kh 14:4).
b) Trông thấy:
Trong đoạn Tin Mừng này được lặp lại năm lần sự diễn đạt về sự trông thấy, cuộc gặp gỡ trong những cái nhìn. Người đầu tiên là Gioan Tẩy Giả, người đã có con mắt quen với việc nhìn thấy sâu xa và nhận ra Chúa đi đến và đi ngang qua; ông đã phải làm chứng cho ánh sáng và vì lý do này có đôi mắt được sáng tỏ từ bên trong. Thật ra, gần dòng sông Giođan, ông đã thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu (Mt 3:16); ông đã nhận ra rằng Người là Chiên Thiên Chúa (Ga 1:29) và đã tiếp tục hướng mắt dõi theo Người (câu 36) và nói cho các môn đệ của ông về Chúa. Và nếu Gioan Tiền Hô trông thấy theo cách này, nếu ông có khả năng nhìn thấu vào sự xuất hiện, thì ắt có nghĩa là trước đây ông đã được liên kết bởi cái nhìn yêu thương của Đức Giêsu, trước đây ông đã được mở mắt. Trong cùng một cách như chúng đang được như vậy. Ngay sau khi chứng nhân của cái nhìn mất đi, thì ánh sáng đôi mắt của Chúa Giêsu được hoàn thành. Trong câu 38, sách Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu trông thấy các môn đệ của Gioan đang đi theo mình và Tác Giả Phúc Âm sử dụng một động từ rất tuyệt mỹ, có nghĩa là “nhìn chăm chú một ai đó, nhìn cách xuyên thấu và mãnh liệt”. Chúa thực sự đang làm điều này với chúng ta: Người hướng về phía chúng ta, đến gần chúng ta, ghi lòng tạc dạ sự hiện diện của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, con đường đi theo Người của chúng ta, và Người nhìn chúng ta một lúc lâu, hơn hết cả, với tình yêu thương, nhưng cũng thật mãnh liệt, liên quan đến chính Người, với lòng quan tâm sâu xa. Ánh mắt nhìn của Người không bao giờ rời xa chúng ta. Đôi mắt Người dán chặt vào chúng ta, chúng được thiết kế trong chúng ta, như Thánh Gioan Thánh Giá đã hát trong bài Thánh Thi Thiêng Liêng của ông.
Và rồi sau đó đến lượt Chúa mời gọi chúng ta, hãy mở mắt ra, để bắt đầu trông thấy trong một cách thực sự; Người nói: “Hãy đến và xem”. Mỗi ngày Người lặp lại điều này với chúng ta, không mệt mỏi với lời mời gọi dịu dàng và mạnh mẽ này, tràn ngập với những lời hứa và quà tặng. “Họ đã xem thấy chỗ Người ở”, Gioan bằng vào cách sử dụng một động từ khác lạ, rất mạnh mẽ, để cho thấy một cách sâu sắc, vượt quá khỏi sự hời hợt và xã giao, mà đi vào trong sự hiểu biết, trong kiến thức và đức tin của những gì mà người ta trông thấy. Các môn đệ — và cả chúng ta qua các ông – đã trông thấy, buổi chiều hôm ấy, nơi Chúa Giêsu đang ở, đó là, họ đã hiểu và biết rằng đó chính là nơi Chúa ở, chứ không chỉ là một nơi chốn hay là một không gian…
Sau cùng, một lần nữa chúng có cùng một động từ như lúc bắt đầu. Chúa Giêsu nhìn ông Simon (câu 42) và với ánh mắt ấy, với cuộc gặp gỡ qua đôi mắt đó, của linh hồn, Người gọi ông bằng tên và thay đổi cuộc đời ông, khiến ông trở thành một con người mới. Đôi mắt của Chúa cũng đang mở nhìn chúng ta trong cùng một cách và chúng gột sạch chúng ta khỏi sự xấu xa của bóng tối, soi sáng chúng ta với tình yêu; với đôi mắt như thế Người đang gọi chúng ta, đang làm một sự tác tạo mới cho chúng ta, đang nói: “Hãy có ánh sáng”, và tức thì có ánh sáng.
c) Ở lại – Cư ngụ
Đây là một động từ rất quan trọng khác, rất mạnh mẽ, một hạt minh châu quý giá khác của Tin Mừng Gioan. Trong đoạn Phúc Âm của chúng ta, nó được lặp lại ba lần, với hai ý nghĩa khác nhau; cư ngụ và ở lại. Các môn đệ lập tức hỏi Chúa Giêsu xem Người ở đâu, nhà của Chúa ở đâu và Người đã mời các ông đi đến, vào xem, và ở lại: “Họ ở lại với Người ngày hôm ấy” (câu 39). Đó không phải là một việc ở lại bằng thể chất, tạm bợ; các môn đệ không phải chỉ là khách qua đường, dừng chân trong chốc lát. Không, Chúa đã dọn chỗ sẵn cho chúng ta trong nhà của Người; trong mối quan hệ của Người với Chúa Cha và ở đó Chúa đón nhận chúng ta mãi mãi; Thực ra, Chúa đã nói: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta … Con ở trong họ và Cha ở trong Con…” (Ga 17:21-23). Chúa cho phép chúng ta đi vào và Người cũng đi vào; Chúa cho phép gõ cửa và chính Người cũng gõ cửa; Chúa làm cho chúng ta ở lại trong Người và Người chọn nơi trú ngụ cùng với Chúa Cha trong chúng ta (Ga 14:23). Ơn gọi của chúng ta để được làm môn đệ của Chúa Kitô và loan báo cho anh chị em chúng ta về Người, có nguồn gốc của nó, nền tảng của nó, sức sống của nó ngay tại chính nơi đây, trong thực tại của việc định cư đối ứng của Chúa trong chúng ta và chúng ta trong Người. Niềm hạnh phúc đích thực và bền vững của chúng ta bắt nguồn từ nhận biết việc ở lại trong Chúa của chúng ta. Chúng ta đã trông thấy nơi Chúa ngự, chúng ta đã biết nơi Người hiện diện và chúng ta đã quyết định ở lại với Người, hôm nay và mãi mãi.
“Hãy ở lại trong Thầy và như Thầy ở lại trong anh em… Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái… Nếu anh em ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý… Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15:4,5,7,9).
Thân lạy Chúa, không, con sẽ không đi với bất kỳ một ai khác, con sẽ không đi đến bất cứ một nơi nào khác, con chỉ đi với Chúa mà thôi; Chúa là nơi con trú ngụ, chốn cứu rỗi của con! Xin hãy cho phép con mong ước rằng con có thể được ở lại nơi này, gần Chúa, và mãi mãi. Amen.
6. Giây phút cầu nguyện: Thánh Vịnh 34
Đáp ca: Lạy Chúa, con đã tìm kiếm thiên nhan Người, xin Chúa đừng giấu mặt với con
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.
CHÚA để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
7. Lời nguyện kết
Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha vì Cha đã ban cho con sự hiện diện của Chúa Giêsu, Con Cha, trong những lời tỏa sáng của Tin Mừng này; con xin cảm tạ Cha vì Cha đã cho con được cơ hội lắng nghe tiếng Chúa, vì đã mở mắt con để nhận biết Người; con xin cảm tạ Cha vì đã đặt để con trên con đường đi theo Người và tiến vào nhà Chúa. Con xin cảm tạ Cha bởi vì con có thể ở lại với Người và trong Người và bởi vì Người ở trong Cha, và Cha ở trong con. Con xin cảm tạ Cha vì một lần nữa Cha đã gọi con, làm cho cuộc sống con đổi mới. Lạy Cha, xin Cha hãy khiến con trở nên một khí cụ tình yêu của Cha; để con có thể loan báo không ngừng nghỉ về Đức Kitô đang đến; để con không cảm thấy hổ ngươi, để con không sống khép kín với chính mình, không buông xuôi, nhưng luôn luôn trở nên hạnh phúc hơn, để hướng về Người, hướng về Cha, hướng về các anh chị em mà Cha đã cho con gặp gỡ mỗi ngày. Amen.