Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria
Cuộc đối thoại mang đến đời sống mới
Ga 4:5-42
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Với ánh sáng của Lời Chúa trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã được mặc khải như là nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, của công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa để mở bài Tin Mừng:
Đoạn Tin Mừng mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria. Đó là một cuộc đối thoại rất nhân bản, trong đó cho thấy làm cách nào Chúa Giêsu đã liên kết với loài người và bằng cách nào mà Người đã tự học hỏi và trở nên phong phú khi nói chuyện với người khác. Trong khi đọc đoạn Tin Mừng, bạn hãy cố gắng để ý xem điều gì đã làm bạn ngạc nhiên nhất về thái độ của Chúa Giêsu lẫn của người phụ nữ.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho việc đọc kỹ càng:
Ga 4:5-6: Quang cảnh nơi cuộc đối thoại diễn ra
Ga 4:7-26: Mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà
7-15: Về nước và khát
16-18: Về chồng con và gia đình
19-25: Về tôn giáo và nơi thờ phượng
Ga 4:27-28: Mô tả tầm ảnh hưởng của cuộc đối thoại về phía người phụ nữ
Ga 4:31-38: Mô tả sự ảnh hưởng của cuộc đối thoại về phía Chúa Giêsu
Ga 4:39-42: Mô tả tầm ảnh hưởng về sứ vụ của Chúa Giêsu tại xứ Samaria
c) Phúc Âm:
5-6: Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar, thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse. Ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
7-15: Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước. Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho Tôi uống nước.” Lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn. Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do Thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” Vì người Do Thái không giao thiệp gì với người Samaria. Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà : ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người và Người sẽ cho bà nước hằng sống.” Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu; vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát; nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa; vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.” Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa.”
16-18: Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây.” Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng.” Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải; vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó.”
19-26: Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem.” Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do Thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý.” Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Mêssia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây.”
27-30: Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Người nói chuyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám thưa: “Thầy hỏi bà ta điều gì?” hoặc “Tại sao Thầy nói chuyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Người, trong khi các môn đệ giục Người mà rằng: “Xin mời Thầy ăn.” Nhưng Người đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết.” Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của ăn Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài, các con chẳng nói: ‘còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt’ đó ư?’ Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: ‘Kẻ này gieo, người kia gặt.’ Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ.”
39-42: Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm.” Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ; và Người đã ở lại đó hai ngày. Và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn. Họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể lại mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và cầu nguyện.
a) Điều gì đã thu hút sự chú ý của bạn nhất trong thái độ của Chúa Giêsu đối với người đàn bà trong cuộc đối thoại? Chúa Giêsu đã xử dụng phương pháp gì để giúp người đàn bà nhận thức được về một khía cạnh sâu xa hơn của đời sống?
b) Điều gì đã thu hút sự chú ý của bạn nhất về thái độ của người đàn bà Samaria trong cuộc đối thoại với Chúa Giêsu? Bà ta đã ảnh hưởng đến Chúa Giêsu bằng cách nào?
c) Chỗ nào trong phần Cựu Ước, nước được xem như có liên hệ với ân sủng của đời sống và ân sủng của Chúa Thánh Thần?
d) Thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc trò chuyện nêu vấn đề với tôi hoặc đụng chạm tới điều gì đó trong tâm hồn tôi hay sửa đổi tôi như thế nào?
e) Người đàn bà Samaria đã lái câu chuyện hướng về đề tài tôn giáo. Nếu bạn có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu giữa đàng và trò chuyện với Người, thì bạn muốn nói về chuyện gì? Tại sao?
f) Tôi có tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý không hay là tôi chỉ đi tìm sự an toàn cho bản thân trong các nghi thức và luật lệ?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
a) Biểu tượng của nước:
* Chúa Giêsu dùng chữ nước theo hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên chỉ về vật chất, ý nghĩa thông thường của nước là một trong những thức uống; ý nghĩa thứ hai là sự biểu tượng cho nguồn mạch sự sống và ân sủng của Chúa Thánh Linh. Chúa Giêsu xử dựng một ngôn ngữ mà người ta có thể hiểu được, và đồng thời, thức tỉnh trong lòng họ ước muốn đào sâu và khám phá ra ý nghĩa sâu sắc hơn của đời sống.
* Ý nghĩa biểu tượng của nước có nguồn gốc từ trong Cựu Ước, nơi mà nước thường là biểu tượng cho tác động của Chúa Thánh Thần trong người ta. Ví dụ, tiên tri Giêrêmia so sánh mạch nước với nước trong bể chứa (Gr 2:13). Nước trong bể chứa càng được lấy ra, thì bể càng có ít nước đi; nước càng được lấy từ suối nước hằng sống, thì suối càng có nhiều nước hơn. Các bảnvăn khác từ Cựu Ước: Is 12:3; 49:10; 55:1;Êd47:1-3. Chúa Giêsu biết rõ cácphong tục tập quán của dân tộc mình và Người đã dùng những truyền thống nàytrong cuộc đối thoại của Chúa với người đàn bà Samaria. Đề nghị dùng ý nghĩa biểu tượng của nước, Chúa đã đề nghị với người đàn bà ấy (và với các độc giả) một số các đoạn và từ ngữ khác nhau trích từ Cựu Ước.
b) Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà:
* Chúa Giêsu gặp người đàn bà tại giếng nước, một nơi mà theo tục lệ dành cho các cuộc gặp gỡ và trò chuyện (St 24:10-27; 29:1-14). Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện từ nhu cầu thực sự riêng của Người bởi vì Người đang khát. Người làm điều này trong một cách mà người đàn bà cảm thấy Chúa đang cần nhờ vả đến bà và bà ấy đã múc nước cho Người. Chúa Giêsu đã khiến bà ta chú ý đến nhu cầu của Người. Từ câu hỏi của Chúa, Người tạo cơ hội cho người đàn bà nhận thức rằng Chúa đang trông nhờ vào bà cho Người ít nước để uống. Chúa Giêsu đã thức tỉnh trong bà ấy lòng mong muốn giúp đỡ và phục vụ.
* Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà có hai mức độ:
(i) Mức độ bên ngoài, trong ý nghĩa vật chất của nước là làm giảm cơn khát của một người nào đó, và trong ý nghĩa thông thường về một người chồng như là người cha của gia đình. Ở mức độ này, cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng, khó hiểu và không suông sẻ. Người đàn bà Samaria chiếm lợi thế hơn. Lúc đầu, Chúa Giêsu cố gắng để bắt chuyện với bà ta bằng cách nói về công việc hằng ngày (lấy nước), nhưng Người không thành công. Sau đó, Người cố chuyển qua về chuyện gia cảnh (hãy đi gọi chồng bà), và vẫn không có kết quả. Cuối cùng, người đàn bà nói về chuyện tôn giáo (nơi thờ phượng). Chúa Giêsu sau đó đã vào được tâm hồn bà ấy thông qua cánh cửa mà chính bà ấy đã mở.
(ii) Mức độ sâu hơn, trong ý nghĩa biểu tượng của nước là hình ảnh của cuộc sống mới được Chúa Giêsu mang lại và biểu tượng người chồng là biểu tượng của sự hợp nhất của Thiên Chúa với người ta. Ở mức độ này, cuộc trò chuyện trôi chảy hoàn hảo. Sau khi mặc khải cho biết rằng chính Người là Đấng ban cho nước của đời sống mới, Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Trong quá khứ, người dân Samaria có năm đời chồng, hoặc năm tượng thần, thuộc năm nhóm người đã bị đi đày bởi vua Assyria (2V 17:30-31). Người chồng thứ sáu, là người đàn ông mà người phụ nữ đang chung sống, cũng không hẳn là chồng bà ta: “Người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà” (Ga 4:18). Những gì dân chúng đã không đáp trả theo lòng mong muốn sâu thẳm nhất của họ: kết hiệp với Thiên Chúa, như người chồng kết hiệp với người phối ngẫu của mình (Is 62:5; 54:5). Người chồng thật sự, người thứ bảy, là Chúa Giêsu, như đã được hứa bởi ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2:21-22). Chúa Giêsu là chàng rể đã đến (Mc 2:19) mang lại cuộc sống mới cho người phụ nữ đã đi tìm kiếm nó trong suốt cả cuộc đời, và cho đến bây giờ, chưa bao giờ tìm thấy. Nếu người ta chấp nhận Chúa Giêsu như “người chồng”, họ sẽ đến được với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào, cả trong tinh thần và trong chân lý (các câu 23-24).
* Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria là Chúa khát nhưng Người lại không uống nước. Đây là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nói về sự khát nước tượng trưng, có liên hệ đến sứ vụ của Người: nỗi khao khát thực hiện ý của Chúa Cha (Ga 4:34). Nỗi khao khát này luôn hiện diện trong Chúa Giêsu và tồn tại với Người cho đến khi chết. Trước lúc sinh thì, Người nói: “Ta khát” (Ga 19:28). Chúa nói về cái khát của mình lần cuối cùng và để cho Người có thể nói: “Thế là đã hoàn tất.” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19:30). Sứ vụ của Người đã được hoàn thành.
c) Sự quan trọng của người phụ nữ trong Tin Mừng của thánh Gioan:
* Trong Phúc Âm của thánh Gioan, điểm đặc trưng của người phụ nữ được nổi bật bảy lần, là sự dứt khoát cho việc truyền bá Tin Mừng. Các người phụ nữ được giao cho những chức năng và nhiệm vụ, mà một số trong đó theo các sách Tin Mừng khác, được thuộc về nam giới:
– Tại tiệc cưới ở Cana, thân mẫu của Chúa Giêsu nhận ra các giới hạn của Cựu Ước và những sự khẳng định lề luật của Tin Mừng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:1-11).
– Người phụ nữ Samaria là người đầu tiên đã được mặc khải bởi Chúa Giêsu về điều bí mật lớn, rằng Người là Đấng Mêssia. “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây” (Ga 4:26). Bà ấy sau đó đã trở thành người loan báo Tin Mừng của xứ Samaria (Ga 4:28-30; 39-42).
– Người phụ nữ, kẻ bị gọi là người ngoại tình, tại thời điểm nhận được sự tha thứ của Chúa Giêsu, đã trở nên vị thẩm phán của một xã hội phụ hệ (hoặc của quyền lực nam giới) đã tìm cách lên án bà ta (Ga 8:1-11).
– Trong các sách Tin Mừng khác, chính thánh Phêrô là người đã tuyên xưng long trọng đức tin vào Chúa Giêsu (Mt 16:16; Mc 8:29; Lc 9:20). Trong Tin Mừng của thánh Gioan, bà Máctha, chị của Maria và Lazarô, là người tuyên xưng đức tin (Ga 11:27).
– Bà Maria, em gái của bà Máctha, xức dầu thơm vào chân Chúa Giêsu là có ý dành cho ngày mai táng Người (Ga 12:7). Vào thời Chúa Giêsu, người đã chết trên thập giá không được chôn cất hay được tẩm liệm. Bà Maria đã dự tính việc xức dầu của thi thể Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là bà đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia – Người Tôi Tớ Đau Khổ, người đã phải chết trên thập giá. Ông Phêrô đã không chấp nhận điều này (Ga 13:8) và đã tìm cách can ngăn Chúa Giêsu không đi vào con đường này (Mt 16:22). Bằng cách này, bà Maria được trình bày như là một mẫu mực cho các môn đệ khác.
– Dưới chân cây thập giá, Chúa Giêsu nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà; và đây là mẹ của con” (Ga 19:25-27). Giáo Hội được sinh ra tại chân thập giá. Đức Maria là mẫu mực cho cộng đoàn Kitô hữu.
– Bà Maria Mađalêna phải đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ (Ga 20:11-18). Bà nhận lãnh một mệnh lệnh mà nếu không có mệnh lệnh này thì tất cả các mệnh lệnh khác được trao cho các tông đồ sẽ không có hiệu lực hoặc giá trị nào.
* Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, xuất hiện hai lần trong Tin Mừng của thánh Gioan: vào lúc bắt đầu, tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1-5), và vào lúc cuối, dưới chân cây thập giá (Ga 19:25-27). Trong cả hai trường hợp, Bà đại diện cho Cựu Ước đang chờ đợi sự xuất hiện của Tân Ước, và trong cả hai lần, đều hỗ trợ cho sự xuất hiện. Đức Maria kết hợp những gì đã đi trước với những gì sẽ đến sau đó. Tại Cana, chính Bà, thân mẫu Chúa Giêsu, biểu tượng của Cựu Ước, người đã nhận thấy những giới hạn của nó nên đã tiến hành những bước để cho Tân Ước sẽ đến. Vào giờ lâm chung của Chúa Giêsu, chính thân mẫu của Chúa Giêsu đã đón nhận “người Môn Đệ Chúa Yêu”. Trong trường hợp này Người Môn Đệ Chúa Yêu là cộng đoàn mới, đã phát triển chung quanh Chúa Giêsu. Đó là người con đã được sinh ra từ Cựu Ước. Để đáp lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu, người con, Tân Ước, đón Người Mẹ, Cựu Ước, vào nhà mình. Cả hai phải cùng đồng hành với nhau. Tân Ước không thể được hiểu thấu nếu không có Cựu Ước. Nó giống như một tòa nhà không có nền móng. Cựu Ước mà không có Tân Ước thì sẽ thiếu sót. Nó giống như cái cây mà không có trái.
6. Thánh Vịnh 19 (18):
Thiên Chúa nói với chúng ta qua thiên nhiên và qua Kinh Thánh
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó,
thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.
Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.