Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật III Mùa Chay (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật III Mùa Chay (B)

Date: Chủ Nhật 3 Tháng Ba, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Việc thanh tẩy đền thờ

Chúa Giêsu, đền thờ mới                                  

Ga 2:13-15

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thánh Thần của chân lý, được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh. Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa. Xin giúp chúng con nên giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong đời sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.

2.  Bài Đọc

i) Bối cảnh và cấu trúc:

Đoạn Tin Mừng của chúng ta tiếp theo ngay sau phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm tại Cana miền Galilêa (2:1-12). Một số các câu diễn đạt và từ ngữ được lặp lại trong cả hai trường hợp và khiến cho chúng ta nghĩ rằng tác giả muốn trình bày sự tương phản của hai câu chuyện. Tại Cana, một làng quê miền Galilêa, trong một tiệc cưới, một người phụ nữ Do Thái, thân mẫu của Đức Giêsu, bày tỏ niềm tin vô điều kiện của bà nơi Chúa Giêsu và kêu gọi người khác chấp nhận lời Người (2:3-5). Mặt khác, “người Do Thái”, trong dịp lễ Vượt Qua tại thành Giêrusalem, từ chối tin vào Đức Giêsu và không chấp nhận lời Người. Tại Cana, Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên của Người (2:11) và ở đây những người Do Thái đòi hỏi một dấu lạ (câu 18) nhưng rồi sau đó không chấp nhận dấu lạ Chúa Giêsu đã ban cho họ (2:20).

Diễn biến câu chuyện nhỏ bé của chúng ta khá là đơn giản.   Câu 13 đặt trong khuôn khổ một bối cảnh của không gian và thời gian rất chính xác và có ý nghĩa: Chúa Giêsu đi đến Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua. Câu 14 giới thiệu cảnh gây ra phản ứng mạnh mẽ về phần Chúa Giêsu. Cử chỉ của Chúa Giêsu được mô tả trong câu 15 và gây ra bởi Chúa Giêsu trong câu 16. Việc làm và lời nói của Chúa Giêsu lần lượt gây ra hai phản ứng. Thứ nhất, về phía các môn đệ, một sự ngưỡng mộ (câu 17); thứ hai, về phía “người Do Thái”, một sự bất đồng và phẫn nộ (câu 18). Họ muốn có một lời giải thích từ Chúa Giêsu (câu 19) nhưng họ đã không mở lòng ra để nhận lấy nó (câu 20). Tại thời điểm này, người kể chuyện chêm vào để giải thích lời của Chúa Giêsu một cách xác thực (câu 21). “Người Do Thái” không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của lời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các môn đệ là những người ngưỡng mộ Chúa như một ngôn sứ đầy lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, cũng không thể nắm bắt được ý nghĩa lúc bấy giờ. Chỉ sau khi việc đã xảy ra thì họ mới tin vào lời Chúa Giêsu đã nói (câu 22). Cuối cùng, người kể cho chúng ta một biết một đoạn ngắn gọn về việc đám đông tiếp rước Chúa Giêsu tại thành Giêrusalem (các câu 23-25). Tuy nhiên, lòng tin này, chỉ được dựa trên các phép lạ của Người, đã không làm Chúa Giêsu phấn khởi cho lắm.

ii) Phúc Âm:

13 Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. 14 Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, 15 người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ 16 và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. 17 Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. 18 Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. 19 Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. 20 Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” 21 Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. 22 Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

23 Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. 24 Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, 25 vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

i) Tôi có thể tin tưởng đặt mình hoàn toàn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như một cử chỉ của đức tin không, hay là tôi đòi hỏi phải có những dấu chỉ?

ii) Thiên Chúa đã cho tôi nhiều dấu chỉ về sự hiện diện của Người trong đời sống của tôi. Tôi có khả năng nhìn thấy và chấp nhận chúng không?

iii) Tôi có tự mãn với sự thờ phượng bên ngoài không hay là tôi cố gắng dâng lên Chúa sự thờ phượng bằng đức vâng phục trong đời sống thường nhật của tôi?

iv) Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Tôi có nhận thức được rằng chỉ trong Người và nhờ Người mà tôi mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa không?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

“Người Do Thái”

 Tin Mừng Gioan được đặc trưng bởi cuộc tranh luận dài về căn tính của Chúa Giêsu. Trong lập luận về Kitô học này, một bên chúng ta có Chúa Giêsu và bên kia là “người Do Thái”. Nhưng cuộc tranh luận này, thay vì phản ảnh tình hình lịch sử vào thời Chúa Giêsu, thì lại phản ảnh tình hình được phát triển hướng tới thập niên 80 của thế kỷ thứ nhất giữa những người theo Chúa Giêsu và các người Do Thái không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Chắc chắn rằng cuộc xung đột đã bắt đầu vào thời Chúa Giêsu, nhưng khoảng cách giữa hai nhóm, cả hai đều là những người Do Thái, đã hiện hữu khi những kẻ không chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế và đã lên án Người là kẻ ăn nói báng bổ, trục xuất các môn đệ Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, có nghĩa là, ra khỏi cộng đoàn các tín hữu Do Thái (xem Ga 9:22; 12:42; 16:2).

Do đó, “người Do Thái” mà chúng ta thường gặp trong quyển Tin Mừng thứ tư, không đại diện cho dân tộc Do Thái. Họ chính là những nhân vật trong cuộc tranh luận về Kitô học suy ra trong sách Tin Mừng này. Họ không đại diện cho một dân tộc, mà là đại diện cho những kẻ đã có quan niệm rõ ràng là tuyệt đối phủ nhận Chúa Giêsu. Trong bất kỳ bài đọc Tin Mừng, “người Do Thái” là tất cả những kẻ từ chối Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc về chủng tộc gì hay thời đại nào.

Các dấu chỉ

Việc chữa lành và các hoạt động phi thường khác của Chúa Giêsu mà các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Máccô, Mátthêu và Luca) gọi là phép lạ hay việc thần kỳ, Gioan gọi là các dấu chỉ. Là các dấu chỉ, chúng cho thấy có một điều gì đó vượt ra ngoài các hành động trông thấy rõ rệt. Chúng mặc khải mầu nhiệm về Chúa Giêsu. Vì thế, lấy ví dụ, việc chữa lành người mù từ thuở sơ sinh mặc khải Chúa là ánh sáng thế gian (Ga 8:12; 9:1-41), việc sống lại của Lagiarô từ cõi chết mặc khải Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống (xem Ga 11:1-45).

Trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, “người Do Thái” yêu cầu được xem thấy một dấu chỉ trong ý nghĩa của một bằng chứng xác thực lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Nhưng trong sách Tin mừng thứ tư, Chúa Giêsu không làm các dấu lạ như là bằng chứng bảo đảm cho đức tin. Một đức tin được xây dựng trên các dấu lạ thì không đủ. Đó chỉ là một đức tin khởi đầu để có thể dẫn đến đức tin thật sự (xem Ga 20:30-31), nhưng cũng có thể không phải là như vậy (xem Ga 6:26).

Tin mừng của Gioan đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn các dấu lạ, đừng dừng lại ở việc ngoạn mục, mà hãy nhìn vào ý nghĩa sâu sắc nhất trong sự mặc khải mà các dấu lạ chỉ ra.

Chúa Giêsu, Đền Thờ mới

Đền thờ tại Giêrusalem là nơi hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân chúng. Tuy nhiên, các tiên tri liên tục nhấn mạnh rằng nếu chỉ việc đi đến đền thờ và dâng hy lễ ở đó thì chưa đủ để được Thiên Chúa chấp nhận (xem Is 1:10-17; Gr 7:1-28; Am 4:4-5, 5:21-27). Thiên Chúa muốn sự vâng phục và một cuộc sống đạo đức chính trực và công bằng. Nếu sự tôn sùng bề ngoài xuông không thể hiện được thái độ quan trọng như thế, thì nó chỉ là trống rỗng (xem 1Sm 15:22). Chúa Giêsu tự xen mình trong truyền thống tiên tri về việc thanh tẩy của sự sùng bái (xem Dcr 14:23 và Mi 3:1 về hoạt động của “Đấng Cứu Thế” sắp đến trong bối cảnh này). Các môn đệ ngưỡng mộ Người về điều này và lập tức nghĩ rằng vì thái độ này, Người sẽ phải đích thân trả giá giống như tiên tri Giêrêmia (xem Gr 26:1-15) và các tiên tri khác. Nhưng trong Tin Mừng Gioan, hành động của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa hơn là một cử chỉ tiên tri của lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu tiên báo và công bố dấu chỉ cao cả về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Nó mang ý nghĩa hơn chỉ là một sự thanh tẩy, điều mà Đức Giêsu làm là phá bỏ đền thờ và sự sùng bái thờ lạy ở đó, bởi vì từ bây giờ nơi hiện diện của Thiên Chúa chính là thân xác vinh hiển của Đức Giêsu (xem Ga 1:51; 4:23).

6.  Thánh Vịnh 50

Sùng bái theo ý muốn của Thiên Chúa

ĐỨC CHÚA, Thượng Đế
chí tôn, nay Người lên tiếng,
từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.
Tại Xi-on, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh,
Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng.
Hàng tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt,
quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.

Chúa hạ lệnh đòi trời cao đất thấp
phải ra phiên toà nghe Chúa xử dân Người.
Rằng: “Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu,
những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ.”
Các tầng trời tuyên bố Chúa công minh,
vì chính Người sẽ đứng ra xét xử.
“Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy,
này Ít-ra-en, Ta dẫn chứng tố ngươi.
Ta là Thượng Đế, là Chúa ngươi thờ,
“Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ;
lễ toàn thiêu của ngươi
hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
“Bò của ngươi, Ta nào có thiết;
chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham!

Vì thú rừng là của Ta hết thảy,
cả ngàn muôn loài vật núi đồi.
Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ,
động vật nơi hoang dã thuộc về Ta.
Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay,
vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ.

Thịt bò há là thức Ta ăn?
Máu chiên há là đồ Ta uống?
“Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ,
giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao.
Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn,
Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển danh Ta.”

Với kẻ gian ác, Thiên Chúa phán bảo rằng:
“Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?
“Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng.

Gặp tên trộm đạo, ngươi hùa theo nó,
với bọn gian dâm, cũng lại thông đồng.
Miệng tha hồ nói năng ác độc,
ba tấc lưỡi đặt điều xảo trá;

hễ ngồi lê là bới xấu anh em
và bêu diếu cả người ruột thịt.
“Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng,
ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao?
Này đây Ta khiển trách,
những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem.

“Hỡi những người lãng quên Thượng Đế,
gắng mà hiểu cho tường,
kẻo rồi Ta xé nát, chẳng còn ai cứu thoát được đâu!
“Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Ta.
Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.”

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Cha, Cha đã ủy nhiệm Con Cha, Chúa Giêsu, là đền thờ mới của sự gắn bó mới và trường cửu, được xây dựng không do bàn tay loài người mà bởi Chúa Thánh Thần. Do đó, khi chúng con đón nhận Lời Chúa trong đức tin, xin hãy cho chúng con có thể được ở trong Người và do đó thờ phượng Cha trong thần khí và trong chân lý. Xin Cha hãy mở mắt chúng con ra cho các nhu cầu của anh chị em chúng con là những thành viên của thân thể Đức Kitô, để mà trong sự phục vụ họ, chúng con có thể dâng lên Cha sự tôn thờ mà Cha mong muốn từ chúng con. Chúng con cầu xin Cha điều này qua Đức Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …