Thứ Hai Tuần III Mùa Chay
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa thánh thiện và công chính,
Là Chúa Cha yêu thương của chúng con
Chúa đã ban cho chúng con tình bạn từ bàn tay của Chúa
Và Chúa đã sai Con Một Chúa là Đức Giêsu
Để đi với chúng con trên con đường vâng phục và trung tín.
Lạy Chúa, chúng con thường làm tổn thương tình bằng hữu này,
Chúng con hành xử như thể chúng con không phải là con cái Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn đến dáng vẻ xấu hổ trên mặt chúng con.
Xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con, vì chúng con trông cậy vào Chúa.
Xin Chúa hãy nhận tâm tình tri ân của chúng con
Vì Chúa tiếp tục đón nhận những bất toàn của chúng con
Và yêu thương chúng con cho dù chúng con tội lỗi.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Luca 4:24-30
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nagiarét,) Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình.
Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Êlia có nhiều bà góa ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Êlia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà góa ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.
Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 4:24-30) là một phần của câu chuyện ghi lại việc rao giảng của Chúa (Lc 4:14-32). Đức Giêsu đã trình bày chương trình của Người trong hội đường tại Nagiarét, trích lời từ sách tiên tri Isaia nói về người nghèo, các tù nhân, người mù và những kẻ bị áp bức (Is 61:1-2) phản ảnh tình trạng người dân miền Galilê vào thời Chúa Giêsu. Nhân danh Thiên Chúa, Đức Giêsu cho biết lập trường và xác định sứ vụ của Người: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem lại ánh sáng cho người mù, trả lại tự do cho kẻ bị áp bức. Sau khi đọc xong, Chúa đã thêm vào văn bản và nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe!” (Lc 4:21). Tất cả những người có mặt ở đó đã tán thành và thán phục (Lc 4: 16, 22a). Nhưng ngay lập tức sau đó đã có phản ứng nghi ngờ. Những người trong Hội Đường đã cảm thấy chướng tai gai mắt và không muốn biết gì về Chúa Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4:22b). Tại sao họ lại cảm thấy chướng tai gai mắt? Đâu là lý do cho phản ứng bất ngờ này?
– Bởi vì Chúa Giêsu đã chỉ trích dẫn lời của tiên tri Isaia cho đến phần nói rằng: “công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”, và Người bỏ qua phần cuối của câu ấy rằng: “công bố một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Is 61:2). Người dân làng Nagiarét ngạc nhiên bởi vì Chúa Giêsu bỏ qua chữ ngày báo phục. Họ muốn Tin Mừng trả lại tự do cho những kẻ bị áp bức phải là một hành động trả thù của Thiên Chúa đối với những kẻ đi áp bức. Trong trường hợp này, Nước Thiên Chúa sắp đến sẽ chỉ là một thay đổi bề ngoài, và không là một thay đổi hoặc chuyển đổi của guồng máy. Chúa Giêsu không chấp nhận cách suy nghĩ này. Kinh nghiệm của Đức Giêsu về Chúa Cha giúp cho Người hiểu rõ hơn ý nghĩa của những lời tiên tri. Chúa cất đi sự trả thù. Dân làng Nagiarét không chấp nhận lời đề nghị đó và thẩm quyền của Chúa Giêsu bắt đầu suy giảm: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”
– Lc 4:24: Chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Người dân làng Nagiarét ghen tỵ vì những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm tại Cápernaum, bởi vì Người đã không làm cho họ ở Nagiarét. Chúa Giêsu trả lời: “Chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình!” Thật ra, họ không chấp nhận hình ảnh mới về Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã truyền đạt cho họ thông qua cách giải thích mới và uyển chuyển hơn về lời của tiên tri Isaia. Sứ điệp về Thiên Chúa của Đức Giêsu đã vượt quá lằn ranh của dân tộc Do Thái và đã mở ra để tiếp đón những người bị loại trừ và toàn thể nhân loại.
– Lc 4:25-27: Hai câu chuyện của Cựu Ước. Để giúp cho cộng đoàn vượt qua được lời gièm pha và hiểu được tính phổ quát của Thiên Chúa, Đức Giêsu dùng hai câu chuyện nổi tiếng của Cựu Ước: một của tiên tri Êlia và một của tiên tri Êlisêô. Qua những câu chuyện này, Người phê phán dân làng Nagiarét là những kẻ đã sống khép kín cho riêng mình. Tiên tri Êlia đã được sai đến với một bà góa thuộc dân ngoại tại Sarépta (1V 17:7-16). Tiên tri Êlisêô đã được sai đến để chăm sóc cho dân ngoại ở Syria (2V 5:14).
– Lc 4:28-30: Họ định xô Người xuống vực, nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi. Những điều Chúa Giêsu nói ra đã không trấn tĩnh được dân làng. Trái lại là đàng khác! Việc dùng hai đoạn Kinh Thánh này cũng đã làm cớ cho họ lại càng tức giận hơn. Người dân làng Nagiarét đã đạt đến điểm muốn giết Đức Giêsu. Và do đó, vào tại thời điểm mà Người trình bày dự án của mình là đón nhận những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, thì chính Chúa Giêsu lại bị loại trừ! Nhưng Người vẫn giữ bình tĩnh! Sự tức giận của những người khác đã không làm cho Chúa thay đổi ý định của mình. Theo cách này, thánh Luca chỉ ra rằng thật khó mà vượt qua được tâm lý được đặc quyền đã khiến cho người ta chỉ sống cho riêng mình. Và ông đã cho thấy rằng thái độ luận chiến của Dân Ngoại đã hiện hữu vào thời Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã có những khó khăn tương tự mà cộng đoàn người Do Thái đã gặp trong thời của thánh Luca.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Chương trình của Chúa Giêsu cũng có là chương trình của tôi, của chúng ta không? Thái độ của tôi thì giống như Chúa Giêsu hay giống như dân làng Nagiarét?
– Ai là những kẻ bị loại trừ mà chúng ta nên đón nhận vào trong cộng đoàn chúng ta?
5. Lời nguyện kết
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
Mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
Những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.
(Tv 84:2)