Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật III Thường Niên (C)

Lectio Divina: Chúa Nhật III Thường Niên (C)

Date: Chủ Nhật 23 Tháng Một, 2022
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm C

Chúa Giêsu trình bày chương trình sứ vụ của mình

Tại cộng đoàn Nagiarét

Lc 1:1-4; 4:14-21

 

1.  Lời nguyện mở đầu

 Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,

Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.

Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,

để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con. 

Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.

Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,

Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,

Xin hãy mang đến cho chúng con,

Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối

Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

2.  Bài Đọc

 a)  Tin Mừng:

 1 Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

14 Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. 15 Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng.

16 Người đến Nagiarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. 17 Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: 18“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, 19 công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. 20 Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

b)  Lời chú giải:

Một lời giới thiệu tóm tắt ngắn gọn trình bày hoạt động của Chúa Giêsu, thân thế của Người, và khung cảnh của bài Tin Mừng (Lc 4:14-21) xảy ra trong hội đường ở Nagiarét vào một ngày Thứ Bảy.  Việc Chúa Giêsu trở lại nơi mà danh tiếng của Người đã lan rộng khắp nơi trong vùng Galilêa và Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các bước đi của Người, có một lý do đặc biệt.  Nói một cách chính xác, Luca cố gắng đưa ra lời diễn giải cứu độ cho các sự kiện bằng cách làm sáng tỏ các khía cạnh nổi bật.  Sự kiện Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường biểu thị nguồn gốc người Do Thái của Chúa và lòng mong muốn dự phần vào việc phụng tự để nhấn mạnh vai trò quan trọng của lề luật mà Thiên Chúa đã giao phó cho dân của Người và để hiến thân mình như lời ứng nghiệm và niềm hy vọng của dân Israel.

Đối với câu hỏi ngụ ý trong câu chuyện:  Chúa Giêsu có phải là một ngôn sứ không?  Câu trả lời trở nên rõ ràng hơn dựa theo các tiêu chuẩn nhận định được dân Do Thái sử dụng để xác định xem một người có phải là ngôn sứ được sai đến bởi Đấng Gia-Vê hay không:  lời giảng dạy của người ấy có phù hợp với giáo lý của lề luật Môisen không, công việc của người ấy có tương ứng với các điều răn của Thiên Chúa không, lời tiên tri của người ấy có liên quan đến sự thật sắp xảy ra trong tương lai không.  Tại Nagiarét, Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ – thực ra, Người so sánh mình với các ngôn sứ Êlia và Êlisa – dù rằng Người không tự nhận mình như thế để cho phù hợp với tập quán hầu tránh được bất kỳ nỗ lực tự xưng của mình.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

3.  Suy Gẫm

a)  Một vài câu hỏi gợi ý: 

–  Nghiên cứu cách chính xác trong mọi hoàn cảnh:  chúng ta có luôn vội vã trong ngày không?  Chúng ta có thực sự muốn truy cứu một cách chính xác việc gì đã xảy ra cho chúng ta không?

–  Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó:  Tôi có luôn nghĩ đến người nghèo khó như những người khác trong khi tôi thuộc về những người giàu có và hiểu biết, và do đó tôi không cần đến bất cứ ai không?

–  Hôm nay lời Kinh Thánh này đã được ứng nghiệm:  lời Kinh Thánh nào mà chúng ta biết rõ đến nỗi như công nhận nó là hóa thân trong thời đại chúng ta? 

b)  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng: 

Cảnh huống lịch sử

 Đoạn văn về hội đường tại Nagiarét là một phần góc cạnh được thiết kế để sau này sẽ hình thành chìa khóa của bài đọc về những gì xảy ra tiếp theo trong sách Phúc Âm của Luca.  Việc đối chiếu lời ngôn sứ Isaia là việc căn bản bởi vì trong đó được mặc khải sự liên tục lịch sử nhân loại của Thiên Chúa.  Cử chỉ của Chúa Giêsu, được đặt song song:  “Người đã đứng dậy và mở sách ra” (câu 17), “Người gấp sách lại và ngồi xuống” (câu 20), cho thấy câu chuyện về một nhân vật phụng vụ theo lệ thường nhưng lại mới mẻ.

Sự mới mẻ xảy ra trong bài giảng nói về món quà tặng báo trước.  Ngày nay, một từ ngữ quan trọng trong Tin Mừng Luca, thể hiện việc ứng nghiệm trong mục đích của Chúa Kitô.  Những phản ứng tức khắc đối với chữ ngày nay là sự ngạc nhiên và không tin tưởng, là kỳ diệu và tai tiếng thậm chí việc chối bỏ đã được tìm thấy trong câu hỏi theo sau lời công bố của Chúa Giêsu, một câu hỏi lơ lửng mà không có câu trả lời:  “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (câu 22).  Sự tương phản với Lời Chúa được công bố về một người được trao ban bởi thần khí Chúa, được thánh hiến bởi việc xức dầu, được sai đi vào một sứ vụ đặc biệt mang tính cách thiên sai:  để đem tin mừng, để tha thứ, để công bố… tạo ra một cuộc xung đột về căn tính.

Cảnh huống văn học

 Đoạn văn này không có những điểm tương đồng chính xác trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.  Chuyến viếng thăm của Đức Giêsu tại làng Nagiarét trong Tin Mừng Mátthêu 13:53-58 và trong Máccô 6:1-6a giới hạn trong câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của Chúa Giêsu và sự từ chối của Người.  Không có một lời mô tả nào về nghi thức trong hội đường, cũng không có một ghi chép nào về những lời được công bố bởi Đức Giêsu và về sự giải thích việc hôm nay ứng nghiệm Lời Chúa.  Sự phù hợp duy nhất, ngoài sự đa dạng của bối cảnh, là việc từ chối Đức Giêsu bởi dân làng Nagiarét.

Qua bài giảng của Chúa Giêsu tại Nagiarét, Luca muốn giới thiệu và làm sáng tỏ toàn bộ mầu nhiệm công khai của Chúa Giêsu.  Sách tiên tri Isaia các câu 61:1-2 chứa một tổng hợp về các chủ đề lớn mô tả đặc điểm Tin Mừng của Luca và những việc thân quý nhất đối với ông:  Chúa Thánh Thần, việc xức dầu Đấng Thiên Sai, sự giải thoát cánh chung, niềm vui thiên sai, sự can thiệp của Thiên Chúa để giúp đỡ người nghèo khó và kẻ bị áp bức, việc công bố năm hồng ân.  Chương trình được mở đầu trong sách Tin Mừng của Máccô với lời công bố:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:14-15) và sách Tin Mừng Mátthêu trong bài giảng trên núi (Mt 5:1-48), xuất hiện trong sách Tin Mừng của Luca tại trung tâm thờ phượng của người Do Thái:  việc được ứng nghiệm không phải là thời gian mà là lời Kinh Thánh.  Độc giả được mời gọi để nhìn thấy việc cần thiết phải “cùng đi” với Chúa Kitô và bắt chước Người trên con đường tuân theo ý muốn của Chúa Cha.  Thành Giêrusalem, chỗ kết thúc của một cuộc hành trình dài (Lc 9:51-18:14) đã đưa Chúa Giêsu đến thời điểm quyết định cuộc đời của Người, cùng là điểm cuối cùng của sứ vụ nơi trần gian của Người (Lc 24) và bắt đầu đời sống của Giáo Hội sơ sinh (Cv 1-2).

 Thể loại văn học

Trong đoạn văn này, chúng ta có thể thấy một chút thống nhất về văn học.  Sự can thiệp biên soạn của Luca bắt đầu từ những dữ kiện truyền thống, theo sau mục đích riêng của nó.  Sự thiết kế nhất thể của cả hai phần cho thấy sự phân định nội tại rõ ràng và đối ngoại chính xác.  Đối với Luca, hai lĩnh vực của vấn đề thì không thể tách rời:  Đức Giêsu là ai? Và Việc làm của Người nhắm vào ai?  Mối tương quan giữa lời nói và hành động thì rất mật thiết, hành động mạnh mẽ của việc công bố xảy ra trong đời sống.  Đoạn văn này muốn giới thiệu mầu nhiệm công khai của Chúa Giêsu, hầu như giúp cho Người có thể hành động trong sự hạn chế vì Người thuộc về dân Do Thái.  Thần Khí Chúa được ban dồi dào trên Đức Giêsu:  lúc Người được sinh ra (1:36); lúc Người chịu phép rửa (3:22), trong lúc bị cám dỗ (4:1), vào lúc bắt đầu sứ vụ của Người (4:14), là Thần Khí được nói đến trong sách tiên tri Isaia (câu 18) là Đấng làm cho hoạt động của Thiên Chúa nên rõ ràng.  Một hoạt động không có những giới hạn chủng tộc và không tìm kiếm danh vọng, mà  thiên về những ai cần đến ơn cứu độ:  người nghèo khó, những kẻ bị giam cầm, kẻ mù lòa, người bị áp bức, và để bắt đầu thời gian ân sủng của Thiên Chúa.  Vị ngôn sứ được sai đến bởi Thiên Chúa thì được miễn trừ khỏi tất cả mọi giới hạn và cớ ràng buộc.  Chúng ta vượt qua từ một việc phụng tự trong hội đường không có khả năng đón nhận Lời Chúa xưa được ứng nghiệm trong ngày hôm nay, đến một sự phụng vụ dọc theo những con đường của thế giới.  Chúa Giêsu ra đi, Người đi theo con đường của mình mà từ Giêrusalem sẽ đưa Người đến tận cùng trái đất thông qua những kẻ theo Người.

Phân tích chi tiết về văn bản

Một phân tích tỉ mỉ về những câu trong đoạn Tin Mừng này sẽ tiết lộ những đặc thù quan trọng, mà trong khuôn khổ lịch sử, cung cấp cảnh tượng trong hội đường một sự tổng hợp Tin Mừng về nội dung và các sự kiện.

Câu 16:  Dường như hội đường là nơi mà Chúa Giêsu thường xuyên lui tới.  Chính nơi này từ thời niên thiếu, Người đã được nghe Lời Chúa và đã hiểu nó theo truyền thống sinh sống của người dân.  Thật là ý nghĩa Chúa Giêsu tìm đến các trung tâm phụng vụ.  Những người Do Thái trưởng thành có thể đọc được chữ, thông thường các nhà lãnh đạo của hội đường được ủy thác nhiệm vụ này, là những người thông thạo về Kinh Thánh.  Sự kiện mà Chúa Giêsu đứng lên đọc cho thấy rằng Người làm thế theo lệ thường cũng như Người có thói quen đến tham dự ở hội đường.  Những chữ:  “theo thói quen của Người” làm tăng thêm sự hữu hiệu cho câu gần như là người đọc và nói không phải là bất cứ một ai khác, mà là một người thuộc dòng dõi Israel thông thạo về việc đọc và giải thích kinh Ngũ Thư và các sáchTiên Tri.  Lúc ấy đức tin Kitô hữu được khai sinh từ những người đại diện trung thành của con cái Israel, những người mà thời gian chờ đợi của họ đã đến lúc ứng nghiệm.  Tất cả các nhân vật chính trong Tin Mừng Luca là những người dân Israel thật sự:  ông Giacaria, bà Isave và ông Gioan Tiền Hô, Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu, các tông đồ và sau đó Công Vụ Tông Đồ, Phaolô.  Đây là “một thói quen” mang theo nó một cái gì đó mới mẻ.  Hội đường là nơi từ đó sự công bố bắt đầu và lan tỏa đến các thành phố miền Giuđa và Galilêa, và toàn cõi Israel thậm chí đến tận cùng bờ cõi trái đất.

Các câu 17-19:  Chúa Giêsu mở sách gặp ngay đoạn trong sách tiên tri Isaia 61:1-2 mà có lẽ đề cập đến việc thánh hiến một tiên tri (xem 1V 19:16).  Luca bỏ qua lời trích dẫn đoạn kết răn đe từ sách Isaia bởi vì nó không dính líu đến mục đích của mình: ông nhấn mạnh rằng giáo huấn của Đức Giêsu có nguồn cội từ Kinh Thánh (17-19; 25-27) và làm cho nó hiện diện trong chính Con Người của Chúa.  Những lời của ngôn sứ Isaia trên môi miệng Người đạt được đầy đủ ý nghĩa của chúng và tóm tắt sứ vụ của Người (xem 4:1), tràn đầy Chúa Thánh Thần, được xức dầu bởi Thiên Chúa, được sai đến để công bố Tin Mừng cho người nghèo khó, đem lại sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và người bị áp bức, cho người mù được thấy và rao giảng thời gian ân sủng của Thiên Chúa.

Câu 20:  Lời mô tả chi tiết các cử chỉ báo hiệu cho những gì sẽ đến.  Chúa Giêsu nói chuyện trong khi đang ngồi, vị thế điển hình của người giảng dạy.  Ánh mắt của dân chúng hướng về Người chuẩn bị cho chúng ta tầm quan trọng về những điều Người sắp nói.  Bài giảng của Người ngắn gọn nhưng gây lo âu.  Những cử động cho thấy các đặc tính của Luca từ đoạn Tin Mừng này.  Chúa Giêsu đến, Người bước vào, Chúa đứng dậy, Người ngồi xuống, Người băng qua giữa họ, Người đi khỏi.  Dân chúng Nagiarét cũng đứng dậy nhưng mà để lôi Người ra khỏi hội đường.  Sự tương phản rõ ràng.  Chúa Giêsu đứng dậy để đọc sách, người ta đứng dậy để đuổi Người đi.  Sự chờ đợi được mô tả trong câu này:  “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” thoái hóa thành sự từ chối.  Vấn đề không ở lời rao giảng, đã rất nổi tiếng và là nguồn gốc của sự hy vọng cho những người dân Israel mộ đạo, mà là người công bố nó và làm cho nó trở nên của riêng mình.

Câu 21:  Chúa Giêsu không đưa ra bất kỳ một ý kiến nào về lời của ngôn sứ Isaia, mà Người làm cho chúng trở thành thực tại.  Lời của Người là một sự kiện từ ngữ – phán ra (rhêma) – (Cv 10:37), một lời mà bây giờ là sự cứu rỗi.  Lời tiên tri trở nên sống động và đang diễn ra.  Lời giải thích của Chúa Giêsu vượt hẳn mọi sự mong đợi.  Trong Lời Chúa, hôm nay là thì hiện tại, ngày hôm nay là đặc trưng của Thánh Sử và đó là ngày hôm nay của ơn cứu độ, ngày hôm nay của việc ứng nghiệm đến từ sự lắng nghe (xem Rm 10:17).  Điều cần thiết đối với Luca là sự lắng nghe.  Việc thực hiện những lời cam kết từ ngàn xưa được lặp đi lặp lại trong toàn bộ các tác phẩm của Luca (Lc 9:51; Cv 2:1; 19:21) là dành cho những người lắng nghe:  kẻ cùng khốn (anawim), người nghèo khó, kẻ bị áp bức, những người được Đấng Gia-Vê thương mến (Is 11:4; 29:19) và bây giờ những người được Chúa Giêsu yêu thương (Mt 11:28).

c)  Suy niệm:                                                                                                              

Lời chú giải Thánh Kinh của Chúa Giêsu về sách Tiên Tri Isaia chương 61 là một ví dụ của việc hiện thực hóa cho thấy sự hiện diện của Đấng Thiên Sai và sự trông cậy vào các đoạn Kinh Thánh để làm sáng tỏ tình trạng hiện tại.  Đức Kitô là Đấng thẩm quyền sáng tạo đòi hỏi người ta phải thích ứng đời sống của họ với sứ điệp, chấp nhận Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa và từ bỏ giả định hạ thấp Người xuống ngang hàng với họ.  Quan điểm thực tiễn này là chìa khóa cho việc hiện thực hóa trong mọi thời đại:  ơn cứu độ của ngày hôm nay vang vọng đến bất cứ nơi nào có lời rao giảng, cùng là sự chào đón và dấn thân.

Trong hội đường ở Nagiarét, chúng ta thấy các câu trả lời căn bản của loài người, những kẻ sống trong kỳ vọng gặp gỡ với ơn cứu rỗi.  Chúa Giêsu được sai đến bởi Thiên Chúa và được duy trì bởi Chúa Thánh Thần.  Việc xức dầu nói rằng Người là Đấng Cứu Thế.  Trong Người, lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.  Người là Thiên Chúa của ngày hôm nay, Đấng làm ứng nghiệm lịch sử trong quá khứ, bây giờ đến sự viên mãn trong Đức Giêsu và sẽ trở thành ngày hôm nay hằng ngày cho tương lai đó là thời kỳ của Giáo Hội, nó cũng gửi đi như Lời báo trước của Chúa, được duy trì bởi Chúa Thánh Thần.  Sứ điệp chính được tìm thấy trong đoạn văn này của Luca là lời Kinh Thánh.  Kinh Thánh chứa đựng toàn bộ sự bí ẩn của Thiên Chúa, Đấng hằng sống đời đời và trở thành người như chúng ta.

4.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 2:6-9

“Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Si-on, núi thánh của Ta.”

Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.

Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.

Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm.”

5.  Chiêm Niệm

Hôm nay:  đây là chữ quan trọng trong đời sống hằng ngày của con.  Trong ngày hôm nay lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.  Trong ngày hôm nay Đức Kitô đi vào trong hội đường của sự nhận thức của con để công bố Tin Mừng cho sự nghèo nàn của ý nghĩ con, cho những cảm giác của con là những kẻ bị giam cầm bởi lòng ham muốn được xây dựng trên những hoang tàn của những ngày đen tối trải dài từ giờ này sang giờ kia, cho tầm mắt của con đã bị che khuất bởi tất cả những sự thiển cận của con.  Năm của ân sủng, của hoán cải, của phúc lành.  Lạy Chúa, nguyện xin cho ngày hôm nay của con là của Chúa để không một lời nào của Chúa phải trở thành vô ích trong đời sống của con, mà để cho Lời của Chúa có thể được ứng nghiệm như hạt thóc trong luống cày băng giá của quá khứ, có thể nảy chồi đâm lộc vào lúc những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân xuất hiện.

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …