Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật IV Phục Sinh (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật IV Phục Sinh (B)

Date: Chủ Nhật 21 Tháng Tư, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành

“Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào!”

Ga 10:11-18

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh cho chúng ta thấy dụ ngôn của người Mục Tử Nhân Lành. Đây là lý do tại sao thỉnh thoảng nó được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Trong một số giáo xứ, ngày lễ mừng các linh mục Triều được cử hành vào ngày này, vị mục tử của đàn chiên. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận mình là Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã đến “để cho chúng được sống và được sống dồi dào” (Ga 10:10). Vào thời gian ấy, người mục tử là hình ảnh của nhà lãnh đạo. Chúa Giêsu nói rằng nhiều kẻ tự nhận mình là kẻ chăn chiên nhưng thực ra chúng chỉ là “những kẻ trộm cướp”. Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay. Có những người tự xưng là nhà lãnh đạo, nhưng trong thực tế, thay vì phục vụ, họ chỉ mưu tìm lợi ích riêng cho họ. Có một số kẻ trong bọn họ miệng thì nói lời hiền lành, và tuyên truyền khôn khéo rằng họ thành công trong việc lừa gạt người khác. Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm bị lừa gạt chưa? Đâu là những tiêu chuẩn để đánh giá khả năng lãnh đạo dù ở cấp cộng đoàn hay tại lãnh vực quốc gia? Thế nào là người mục tử nhân lành và người mục tử nhân lành phải như thế nào? Hãy giữ trong trí những câu hỏi này, chúng ta hãy cố gắng suy niệm về đoạn Tin Mừng hôm nay. Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng chú ý đến hình ảnh mà Chúa Giêsu đã dùng để tự giới thiệu mình với dân chúng như là một vị Mục Tử tốt lành và chân thật.

b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Ga 10:11: Chúa Giêsu tự nhận mình là vị Mục Tử Nhân Lành Đấng thí mạng sống vì chiên của mình

Ga 10:12-13: Chúa Giêsu xác định thái độ của kẻ chăn thuê

Ga 10:14-15: Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình

Ga 10:16: Chúa Giêsu xác định mục tiêu cần đạt đến: chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên

Ga 10:17-18: Chúa Giêsu và Chúa Cha

c) Phúc Âm:

11 “Ta là mục tử tốt lành: Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. 12 Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. 13 Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. 14 Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. 15 Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. 16 Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên. 17 Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. 18 Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

 Để giúp chúng ta trong phần suy niệm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất? Tại sao?

b)  Chúa Giêsu dùng hình ảnh gì để ứng dụng cho chính Người? Chúa đã làm điều ấy như thế nào và ý nghĩa của chúng là gì?

c) Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng chữ mạng sống bao nhiêu lần và Người đã xác định điều gì về mạng sống?

d) Đoạn Tin Mừng đã nói gì về đàn chiên là chúng ta? Đâu là những phẩm chất và nhiệm vụ của đàn chiên?

e)  Mục Tử (Chủ Chiên) – Mục Vụ. Các công việc mục vụ của chúng ta có tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu-Mục Tử không?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a) Bối cảnh Tin Mừng:

i) Bài giảng của Chúa Giêsu về vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10:1-18) giống như một viên gạch được lát vào trong một bức tường đã có. Với viên gạch này, bức tường sẽ mạnh mẽ hơn và đẹp đẽ hơn. Ngay trước đoạn này, trong Ga 9:40-41, Tin Mừng đã nói về việc chữa lành một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9:1-38) và cuộc thảo luận của Chúa Giêsu với người Biệt Phái về sự mù lòa (Ga 9:39-41). Ngay sau đó, trong đoạn Ga 10:19-21, Gioan đưa ra lời kết cho cuộc thảo luận của Chúa Giêsu với các người Biệt Phái về sự mù lòa. Người Biệt Phái tự nhận mình trước dân chúng là những nhà lãnh đạo và tin rằng họ có thể nhận thức và giảng dạy những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong thực tế, họ là những kẻ mù lòa (Ga 9:40-41) và họ xem thường ý kiến dân chúng được đại diện bởi người mù bẩm sinh đã được Chúa Giêsu chữa lành (Ga 9:34). Bài giảng về người Mục Tử Nhân Lành đã được lồng vào đây với mục đích cung cấp một số tiêu chuẩn để biết làm cách nào phân biệt ai là người lãnh đạo, vị mục tử đáng được tin cậy. Bài dụ ngôn làm tròn lời mà Chúa Giêsu đã vừa nói với người Biệt Phái: “Ta đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39).

ii) Bài giảng của Chúa Giêsu về “Người Mục Tử Nhân Lành” trình bày ba sự so sánh, liên kết với nhau bằng hình ảnh của đàn chiên, đưa ra những tiêu chuẩn để phân biệt ai là người mục tử đích thật:

So sánh thứ nhất (Ga 10:1-5): “Qua cửa mà vào”. Chúa Giêsu phân biệt giữa người chăn chiên và kẻ trèo vào lối khác để trộm cướp chúng. Điều đó cho thấy ai là kẻ qua cửa mà vào thì là kẻ chăn chiên. Kẻ trộm cướp thì trèo vào lối khác.

So sánh thứ hai (Ga 10:6-10): “Ta là cửa”. Vào bằng cửa có nghĩa là hành động như Chúa Giêsu, mối quan tâm lớn nhất là cuộc sống đầy đủ của đàn chiên. Điều mà người mục tử cho thấy là bảo vệ mạng sống của đàn chiên.

So sánh thứ ba (Ga 10:11-18): “Ta là mục tử tốt lành”. Chúa Giêsu không những chỉ là người mục tử, mà Người là vị Mục Tử Tốt Lành. Điều đó cho thấy người Mục Tử Tốt Lành là (1) sự nhận biết lẫn nhau giữa đàn chiên và người chăn chiên và (2) thí mạng sống mình vì đàn chiên.

iii) Bài dụ ngôn về người Mục Tử Tốt Lành có thể cất đi sự mù lòa và mở mắt người ta trong cách nào? Vào thời ấy, hình ảnh người mục tử là biểu tượng của người lãnh đạo. Nhưng không phải vì thực tế đơn giản là bất cứ ai chăm sóc đàn chiên là có thể được định nghĩa là người mục tử. Những kẻ chăn thuê cũng được kể đến và các người Biệt Phái cũng là những người lãnh đạo. Thế nhưng họ có phải là những người mục tử không? Như chúng ta sẽ thấy, theo lời dụ ngôn, để phân biệt ai là người mục tử và ai là kẻ chăn thuê, thật là cần thiết phải chú ý đến hai điều: (a) Thái độ của đàn chiên trước người mục tử chăn dắt chúng, để thấy xem chúng có nhận ra tiếng nói của người ấy không; (b) Thái độ của người chăn chiên trước đàn chiên để thấy xem anh ta có tha thiết gì đến đời sống của đàn chiên và anh ta có khả năng thí mạng mình cho chúng không (Ga 10:11-18).

iv) Văn bản của Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh (Ga 10:11-18) là phần cuối của bài giảng về người Mục Tử Tốt Lành (Ga 10:1-18). Đây là lý do tại sao chúng ta muốn nhận xét về toàn bộ văn bản. Chúng ta quan sát chặt chẽ các hình ảnh đa dạng mà Chúa Giêsu đã dùng để tự giới thiệu với chúng ta Người là Đấng Mục Tử Tốt Lành và đích thực.

b) Lời chú giải về văn bản:

i) Ga 10:1-5: Hình ảnh đầu tiên: người mục tử “qua cửa mà vào”

Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng với sự so sánh về cái cửa: “Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp! Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên!” Để hiểu được sự so sánh này, chúng ta nên nhớ những điều sau đây. Vào thời ấy, những người mục tử chăm sóc đàn chiên ban ngày. Đêm đến, họ đem đàn chiên vào trong một cái chuồng lớn hay một khu vực chung, được bảo vệ cẩn mật khỏi kẻ trộm và chó sói. Tất cả những người chăn chiên trong vùng đem đàn chiên của họ đến đó. Có người canh gác chăm sóc đàn chiên qua đêm. Vào sáng sớm hôm sau, người chăn chiên đến, gõ vào cửa và người gác sẽ mở. Khi đó người chăn chiên sẽ gọi đích danh từng con chiên của mình. Đàn chiên nhận ra tiếng người chăn chiên của chúng và chúng sẽ đứng dậy và theo người chăn chiên ra đồng. Các con chiên của những người chăn chiên khác sẽ nghe tiếng, nhưng chúng sẽ ở tại chỗ, bởi vì đó là tiếng kêu xa lạ đối với chúng. Đàn chiên nhận ra tiếng của người chăn của chúng. Thỉnh thoảng có những nguy cơ bị trộm cướp. Để bắt trộm các con chiên, kẻ trộm cướp đi vào chuồng chiên qua lỗ hổng bằng cách lăn đi các tảng đá từ các bức tường vây quanh hoặc phá hủy bức tường chắn làm bằng các cục đá chồng chất lên nhau. Các kẻ trộm không qua cửa mà vào, vì có người canh gác đang trông chừng ở đó.

ii) Ga 10:6-10: Hình ảnh thứ hai: Người giải thích ý nghĩa “qua cửa mà vào”: Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên

Những người Biệt Phái đang lắng nghe Chúa Giêsu, (xem Ga 9:40-41), đã không thể hiểu được sự so sánh này. Sau đó, Chúa Giêsu giải thích: “Ta là cửa chuồng chiên! Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp.” Những lời gay gắt này Chúa Giêsu muốn dùng để nói đến những người nào? Có lẽ Người đang muốn nói về những kẻ lãnh đạo tôn giáo đã lôi kéo dân chúng đi theo họ, nhưng không thực hiện đầy đủ những mong đợi của người dân. Họ đã lừa dối người dân, để cho dân sống khổ sở hơn trước. Họ đã không quan tâm đến phúc lợi của dân chúng, mà họ chỉ chú ý đến bổng lộc và lợi ích cho riêng họ. Chúa Giêsu giải thích rằng tiêu chuẩn căn bản để phân biệt rõ ràng giữa người mục tử và kẻ trộm cướp là lòng quan tâm đến mạng sống của đàn chiên. Người đòi hỏi mọi người không nên đi theo những kẻ tự xưng là mục tử, mà lại không tha thiết gì đến cuộc sống của người dân. Chính tại đây Chúa Giêsu đã công bố một câu mà chúng ta còn cao rao cho đến ngày nay: “Ta đến để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!” Đây là tiêu chuẩn thứ nhất.

iii) Ga 10:11-16: Hình ảnh thứ ba: Người giải thích ý nghĩa câu “Ta đến để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!” (Văn bản Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh bắt đầu ở đây.)

* Ga 10:11: Chúa Giêsu giới thiệu mình là người Mục Tử Tốt Lành đã thí mạng sống mình vì đàn chiên.

Chúa Giêsu thay đổi sự so sánh. Đầu tiên, Người ví mình là cửa chuồng chiên, bây giờ Người là mục tử của đàn chiên. Và không chỉ là một mục tử thông thường, mà: “Ta là người Mục Tử Tốt Lành!” Hình ảnh người chăn chiên tốt lành phát xuất từ Cựu Ước. Mọi người đều biết kẻ chăn chiên ra sao, anh ta sống và làm việc như thế nào. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người là vị Mục Tử Tốt Lành, Chúa đang giới thiệu mình là Đấng đến để làm viên mãn những lời hứa của các tiên tri và niềm hy vọng của dân chúng. Chúa nhấn mạnh về hai điểm: (a) Trong việc bảo vệ mạng sống các con chiên của mình, người mục tử tốt lành thí mạng sống mình (Ga 10:11,15,17,18); (b) Trong sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và đàn chiên, người Mục Tử biết chiên của mình và các chiên biết người mục tử của chúng (Ga 10:4,14,16).

* Ga 10:12-13: Chúa Giêsu xác định thái độ của kẻ chăn thuê không phải là người mục tử.

“Kẻ chăn thuê không phải là người mục tử”. Nhìn từ bên ngoài, những khác biệt giữa kẻ chăn thuê và người mục tử không được nhận thấy. Cả hai đều bận rộn với đàn chiên. Ngày nay có nhiều người chăm sóc các người khác trong bệnh viện, trong cộng đồng, trong các nhà hưu dưỡng, trong trường học, trong các dịch vụ công cộng, trong giáo xứ. Có người làm điều này vì tình yêu thương, có những kẻ khác, hầu như chỉ vì đồng lương, để mưu sinh. Những người này không quan tâm đến các kẻ khác. Thái độ của họ là vì công việc, thái độ của một người làm công ăn lương, của một kẻ chăn thuê. Trong lúc nguy nan, họ không quan tâm đến, bởi vì “đàn chiên không phải là của họ”, các trẻ nhỏ không phải là của họ, các học sinh không phải là của họ, khu xóm không phải là của họ, những tín hữu không phải là của họ, các bệnh nhân không phải là của họ, các thành viên của cộng đoàn không phải là của họ.

Bây giờ, thay vì phê phán hành vi của người khác, chúng ta hãy đặt mình trước lương tâm của chúng ta và chúng ta hãy tự hỏi: “Trong mối tương quan của tôi với những người khác, tôi là kẻ chăn thuê hay là người mục tử?” Kìa xem, Chúa Giêsu không lên án bạn bởi vì người làm công thì đáng được trả công (Lc 10:7), nhưng Người đòi hỏi bạn hãy tiến thêm một bước và trở thành một mục tử.

* Ga 10:14-15: Chúa Giêsu giới thiệu mình là Mục Tử Tốt Lành, Đấng biết chiên của mình.

Hai điều đặc trưng vị Mục Tử Tốt Lành: a) Người biết các chiên của Người và các chiên Người biết Người. Trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu, “biết” không phải là một vấn đề về biết tên hay biết mặt của một người, mà là trong mối tương quan với người ấy như một người bạn, và với niềm thương mến; b) thí mạng sống vì đàn chiên. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng hy sinh thân mình vì tình yêu thương. Đàn chiên cảm thấy và nhận thức được khi một người bảo vệ và che chở cho chúng. Điều này có giá trị cho tất cả chúng ta: đối với các linh mục trông coi giáo xứ và cho những ai có một số trách nhiệm đối với người khác. Để biết xem một linh mục trông coi giáo xứ có là một vị mục tử tốt lành hay không, mà chỉ dựa vào việc được gọi là linh mục trông coi giáo xứ và tuân theo các lề luật Giáo Hội thì chưa đủ. Người ấy còn cần được công nhận như một người mục tử tốt lành bởi đàn chiên. Đôi khi điều này bị lãng quên trong các mối quan hệ bè phái ngày nay trong Giáo Hội. Chúa Giêsu phán rằng không những chỉ người mục tử biết đàn chiên, nhưng mà đàn chiên cũng biết người mục tử của chúng. Đàn chiên có nguyên tắc cho việc này. Bởi vì nếu chúng không nhận ra người mục tử, dù rằng khi người ấy có danh phận theo Giáo Luật, người ấy chẳng phải là người mục tử xét theo tinh thần Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không những chỉ các chiên phải vâng lời người hướng dẫn chúng, mà người hướng dẫn cũng phải rất quan tâm chú ý tới phản ứng của đàn chiên để biết người ấy đang hành động có giống như người mục tử không hay là giống như kẻ chăn thuê.

* Ga 10:16: Mục đích của Chúa Giêsu: một đàn chiên và một chủ chiên

Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn và nói rằng Người những con chiên khác không thuộc đàn này. Chúng chưa nghe thấy tiếng Chúa Giêsu, nhưng khi chúng nghe thấy tiếng Người, thì chúng sẽ nhận ra rằng Người là vị Mục Tử và sẽ đi theo Người. Ai sẽ làm việc này, và khi nào thì nó sẽ xảy ra? Chúng ta là những người ấy, bắt chước tất cả mọi cách cư xử của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành!

* Ga 10:17-18: Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Trong hai câu cuối cùng này, Chúa Giêsu tỏ mình ra và khiến cho chúng ta hiểu được có điều gì đó trong nơi sâu thẳm nhất của trái tim Người: mối tương quan của Người với Chúa Cha. Ở đây, sự thật tất cả những gì Người đã nói trong những lúc khác được nhận biết: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Chúa Giêsu đối với chúng ta là một cuốn sách mở.

c) Tài liệu mở rộng:

Hình ảnh người Mục Tử trong Cựu Ước được thấy rõ trong Chúa Giêsu:

i) Tại xứ Palestine, phần lớn người ta dựa vào việc chăn nuôi chiên cừu và dê để mưu sinh. Hình ảnh người mục tử dắt đàn chiên đến đồng cỏ là hình ảnh thông thường cho tất cả mọi người, cũng giống như ngày hôm nay tất cả chúng ta đều biết hình ảnh người tài xế xe bus. Người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để minh họa nhiệm vụ của một người cai trị và hướng dẫn dân chúng. Các ngôn sứ đã chỉ trích các vị vua vì họ là những kẻ chăn chiên đã không chăm sóc đến đàn chiên và đã không dẫn các chiên đến đồng cỏ (Gr 2:8; 10:21; 23:1-2). Lời chỉ trích về các kẻ chăn chiên xấu xa như vậy đã tăng lên và đạt đến đỉnh của nó khi dân chúng bị lưu đày vì tội lỗi của các vua chúa (Ed 34:1-10; Dcr 11:4-17).

ii) Trong khi đối diện với sự thất vọng mà họ đã phải chịu đau khổ vì lối hành động của những kẻ chăn chiên xấu, một ước muốn có Thiên Chúa như một vị mục tử đã phát sinh. Một điều mong ước đã được bày tỏ rõ ràng trong Thánh Vịnh: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi sẽ không thiếu thốn chi! (Tv 23:1-6; St 48:15). Các ngôn sứ hy vọng rằng, trong tương lai, chính Thiên Chúa sẽ đến để dẫn dắt đàn chiên của Người, giống như một mục tử (Is 40:11; Ed 34:11-16). Họ cũng hy vọng rằng vào lúc ấy, người ta sẽ biết cách nhận ra tiếng người chăn chiên của họ: “Ước chi hôm nay anh em nghe tiếng Người!” (Tv 95:7). Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đến như một Đấng Phán Xét để xét xử các con chiên trong đàn (Ed 34:17). Họ ước mong và hy vọng rằng có một ngày Thiên Chúa sẽ ngợi khen những mục tử tốt lành và Đấng Cứu Thế sẽ là vị mục tử tốt lành cho Dân của Thiên Chúa (Gr 3:15; 23:4).

iii) Chúa Giêsu làm viên mãn niềm hy vọng này và Người tỏ ra là một Mục Tử Tốt Lành, khác hẳn với những kẻ trộm cướp trước đó đã bóc lột người dân. Chúa cũng giới thiệu mình như một vị Quan Tòa của các dân, vào ngày tận thế, sẽ phán xét như một mục tử tách biệt chiên với dê (Mt 25:31-46). Trong Chúa Giêsu, lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria được viên mãn; ông nói rằng người mục tử tốt lành sẽ bị bách hại bởi những kẻ chăn chiên gian ác, là những kẻ khó chịu bởi lời sấm ngôn của ông: “Ta sẽ đánh mục tử để đàn chiên bị tan tác!” (Dcr 13:7).

iv) Tại đoạn kết của Tin Mừng Gioan, hình ảnh được trải rộng và Chúa Giêsu cuối cùng nắm giữ mọi vai trò cùng một lúc: cửa chuồng chiên (Ga 10:7), mục tử (Ga 10:11), Chiên Thiên Chúa và là con chiên (Ga 1:36)!

Chìa khóa cho Tin Mừng của Gioan

Mọi người đều cảm nhận sự khác biệt hiện diện giữa Tin Mừng Gioan và ba Tin Mừng kia của Mátthêu, Máccô và Luca. Có người định nghĩa nó như sau: Ba quyển Tin Mừng kia tạo nên một bức ảnh chụp, trong khi ấy Tin Mừng Gioan tạo nên một bức hình quang tuyến X. Đó là, Gioan đã giúp độc giả của mình khám phá ra chiều kích sâu xa nhất hiện diện trong những gì Chúa Giêsu nói và làm. Ông cho thấy những điều ẩn dấu mà chỉ có tia quang tuyến X của đức tin mới có thể khám phá và tỏ lộ. Gioan chỉ dạy cách đọc các quyển Tin Mừng khác với cái nhìn của đức tin và khám phá ra ý nghĩa sâu sắc nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người sẽ gửi ân sủng của Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể hiểu tất cả sự viên mãn của Lời Chúa (Ga 14:24-25; 16:12-13). Các Giáo Phụ xa xưa của Giáo Hội đã nói: Tin Mừng của Gioan thì thuộc về “tâm linh” và “thần học”.

Một số ví dụ: (a) Chúa Giêsu mở mắt cho người mù bẩm sinh (Ga 9:6-7). Đối với Gioan, phép lạ này có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Nó mặc khải rằng Chúa Giêsu là ánh sáng của Thế Gian, Đấng đã làm cho chúng ta hiểu được và suy ngắm tốt hơn về những gì thuộc về Thiên Chúa trong cuộc sống (Ga 9:39). (b) Chúa Giêsu cho Lagiarô sống lại từ cõi chết (Ga 11:43-44) không những chỉ giúp Lagiarô và an ủi hai người chị của ông, các bà Máctha và Maria, mà còn mặc khải rằng Người là sự Sống Lại và là sự Sống (Ga 11:25-26). (c) Chúa Giêsu hóa 600 lít nước lã thành rượu tại tiệc cưới Cana (Ga 2:1-13). Và Người làm điều này không chỉ để giữ trọn niềm vui của tiệc cưới, mà hơn hết cả, để mặc khải rằng Lề Luật mới của Tin Mừng giống như rượu so với nước lã của Lề Luật cũ. Và Người thực hiện điều này với sự phong phú tuyệt hảo (600 lít), một cách chính xác để biểu thị rằng không để cho ai bị thiếu, cho đến cả ngày nay! (d) Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều và nuôi những người đang đói (Ga 6:11) không những chỉ để làm no dạ cho cơn đói của những người nghèo khó đã theo Người vào hoang địa, mà cũng để mặc khải rằng chính Người là bánh hằng sống nuôi dưỡng tất cả mọi người cả đời (Ga 6:34-58). (e) Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ Samaria về nước (Ga 4:7-10), nhưng Người muốn chị ta sau đó có thể khám phá ra rằng nước của món quà Thiên Chúa mà chị đã có trong người (Ga 4:11-14). Một cách tóm gọn, chính Thần Khí Chúa Giêsu ban sự sống (Ga 6:63). Xương thịt hoặc chỉ chữ viết thì không đủ và thậm chí có thể giết chết ý nghĩa và cuộc sống (2Cr 3:6).

6.  Cầu nguyện Thánh Vịnh 23 (22)

Chúa là Đấng chăn nuôi tôi

Chúa chăn nuôi tôi,

Tôi chẳng thiếu thốn chi.

Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.

Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi,

Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính,

Sở dĩ vì uy danh Người.

Dù bước đi trong thung lũng tối,

Tôi không lo mắc nạn,

Vì Chúa ở cùng tôi.

Cây roi và cây trượng của Người là điều an ủi lòng tôi.

Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ,

Ngay trước mặt những kẻ đối phương;

Đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm;

Chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi,

Hết mọi ngày trong đời sống;

Và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư

Cho tới thời gian rất ư lâu dài.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …