Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu
Ga 12:20-33
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, xin nghe lời cầu nguyện của chúng con: chúng con cầu xin Cha gửi Thần Khí Cha xuống dồi dào trên chúng con, để chúng con có thể học lắng nghe tiếng Cha được công bố về sự vinh hiển của Con Cha, Đấng đã hiến thân mình cho sự cứu rỗi của chúng con. Nguyện xin cho sự lắng nghe chăm chú và sốt sắng này được nảy mầm trong chúng con một niềm hy vọng mới để chúng con có thể hết lòng hết dạ đi theo Thầy và là Đấng Cứu Chuộc của chúng con, ngay cả trong những giây phút khó khăn và đen tối. Chúa là Đấng hằng sống và hằng trị muôn đời.
2. Bài Đọc
a) Bối cảnh:
Chúng ta đã đến phần cuối của “quyển sách các dấu chỉ”, là chìa khóa giải thích mà Gioan đã xử dụng trong sách Tin Mừng của ông và đã báo hiệu trước cuộc xung đột một mất một còn giữa tầng lớp thống trị và Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng này giống như một bản lề ở giữa điều mà Gioan đã cho chúng ta biết đến bây giờ và kết thúc với sự xuất hiện của “dân chúng” (được đánh dấu bởi chữ “người Hy Lạp”), và đó là những gì sắp xảy ra. Thánh Gioan phân chia các sự kiện tiếp theo ra làm hai phần. Phần đầu là cuộc đối thoại riêng với các môn đệ, trong bối cảnh của bữa tiệc lễ vượt qua (các câu 13-17); phần thứ hai sẽ là cảnh công khai của cuộc thương khó và sự hiện ra như Đấng Phục Sinh (các 18-21).
Đoạn Tin Mừng này có thể không hoàn toàn có thực. Nó muốn chỉ ra rằng việc mở ra cho các dân tộc đã bắt đầu với chính Chúa Giêsu. Đó không phải là một câu hỏi cho người ta để thuyết phục họ điều gì đó, mà hơn hết cả là chào đón việc tìm kiếm của họ và mang nó đến sự trưởng thành. Loại trưởng thành này không tự nó xảy ra nhưng đòi hỏi sự cộng tác của những người khác và cuộc đối thoại với Chúa Giêsu. Gioan không cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã nói chuyện với người Hy Lạp hay không. Văn bản dường như tóm tắt câu chuyện khi nó ngay lập tức chỉ về “bản tính của Chúa Giêsu” những ai đi tìm kiếm Người phải đi. Đó là Chúa Giêsu, Đấng thí mạng sống mình, mang lại hoa trái qua cái chết của Người. Do đó, Đức Giêsu không phải là một “triết gia” hay “bậc khôn ngoan”, mà hơn hết cả Người là Đấng không tiếc sự sống mình và đã ban bố mạng sống mình và đã tự đặt mình làm kẻ phục vụ cho cuộc sống của mọi người khác.
Các câu 27-33, trong đó cho thấy linh hồn của Chúa Giêsu chịu đau khổ và bối rối khi phải đối mặt với cái chết sắp xảy ra cho mình, còn được gọi là “vườn Giệtsêmani của Tin Mừng Thứ Tư”, song song với các sách Tin Mừng Nhất Lãm nói về buổi cầu nguyện đầy đau thương của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani. Điều mà xảy ra cho hạt lúa mì, đó là, chỉ khi nó vỡ ra và thối đi để nó có thể giải gỡ tất cả sức sống của nó, cũng thật đúng với trường hợp của Chúa Giêsu và của mỗi môn đệ là những người ước ao được phụng sự Chúa và sống trong Người.
ii) Phúc Âm:
20 Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-Lạp. 21 Họ đến gặp Philípphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. 22 Philípphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philípphê đến thưa Chúa Giêsu. 23 Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. 24 Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. 25 Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. 26 Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó.
27 Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. 28 Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. 29 Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. 30 Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. 31 Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ; 32 và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. 33 Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để đọc lại Lời Chúa với trái tim của chúng ta và để nhận ra trong những lời và sự kết cấu, có sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để thấy những điểm quan trọng trong văn bản và bắt đầu nghiền ngẫm chúng.
a) Lý do tại sao chính Philípphê và Anrê là những người được tìm gặp?
b) Những “người Hy Lạp” đang thực sự tìm kiếm điều gì?
c) Có khi nào chúng ta bị hỏi về những câu hỏi tương tự liên quan đến đức tin, Giáo Hội, đời sống Kitô hữu chưa?
d) Chúa Giêsu có vẻ như chưa từng gặp những “người Hy Lạp”, nhưng Người lại nhắc tới “giờ” sắp đến của Người. Tại sao?
e) Chúa Giêsu đã có mong đợi họ trả lời theo như mẫu hỏi đáp không? Hay là qua việc làm chứng tá của họ?
5. Đào sâu vào bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
“Thưa Ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”
Đây là lời yêu cầu của một số “người Hy Lạp” đạt đệ lên Philípphê. Tục truyền rằng họ “đã đi đến thờ phượng tại buổi lễ”. Có thể họ là “những người kính sợ Thiên Chúa” mà Tân Ước thường xuyên nói tới, những người cảm thông với Do Thái giáo, mặc dù họ không phải là người Do Thái. Họ có thể đã là những “người gốc Phênixi thuộc xứ Syri”, như Máccô đã cho chúng ta biết (Mc 7:26), khi ông nói về người phụ nữ đã cầu xin việc chữa lành cho con gái bà. Bằng vào lời yêu cầu của họ, chúng ta có thể nghĩ rằng những “người Hy Lạp” này chỉ là hiếu kỳ muốn gặp một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người nói đến.
Nhưng bối cảnh mà trong đó Gioan đặt lời yêu cầu này cho thấy rằng họ thực sự tìm kiếm Đức Giêsu với tất cả tấm lòng của họ. Đặc biệt là bởi vì họ đến ngay lập tức sau khi đã được viết: “Hết thảy thiên hạ đã đi theo ông ấy” (Ga 12:19). Sau đó, Chúa Giêsu công bố với câu nói “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Sự kiện mà họ đã đến gặp Philípphê, và sau đó Philípphê đến tìm Anrê, là vì lẽ cả hai đã đến từ vùng Bêsaiđa, một thành phố nơi mọi người đến từ những bối cảnh khác nhau và người ta cần phải hiểu một số ngôn ngữ. Hai người đại diện cho hai khuynh hướng: Philípphê thì thuộc về khuynh hướng truyền thống hơn (chúng ta có thể thấy từ lối nói của ông khi gặp Chúa Giêsu (Ga 1:45)); trong khi đó Anrê thì đã tham gia trong phong trào của Gioan Tẩy Giả và cởi mở hơn với những điều mới mẻ (xem Ga 1:41). Điều này để cho thấy rằng cộng đoàn tự mở ra cho dân ngoại, chào đón lời yêu cầu của những người tìm kiếm với lòng hiếu kỳ, được đón tiếp bởi một cộng đoàn sống trong những khuynh hướng khác nhau.
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà…”
Câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ như ít quan tâm đến những người Hy Lạp là những kẻ muốn tìm gặp Người, và có vẻ như muốn nói với tất cả mọi người, các môn đệ cũng như những người Hy Lạp. Chúa trông thấy các biên giới mở cửa, Người nghe thấy tiếng huyên náo theo sau các dân tộc, nhưng Người muốn chỉ cho thấy rằng sự nổi tiếng này mà đã thu hút họ, “vinh quang” này mà họ muốn biết rõ hơn, thì hoàn toàn khác với lòng mong đợi của họ. Cuộc sống của Người là một cuộc sống sắp bị phá hủy, “lời” sắp sửa bị im tiếng, bị chà đạp cho đến chết, bị chôn vùi trong lòng hận thù và trong trái đất để làm cho nó biến mất đi. Vì vậy, thay vì nhìn thấy sự vinh quang trong hình thể loài người, họ đang đứng trước một “vinh quang” tự mặc khải thông qua sự đau khổ và cái chết.
Điều này đúng cho họ, nhưng nó cũng đúng cho tất cả cộng đoàn Kitô hữu muốn mở vòng tay đến những “người Hy Lạp”. Một cộng đoàn như thế phải “tham vấn” với Thiên Chúa, có nghĩa là, nó phải giữ liên lạc với khía cạnh này, cái chết vì sự sống này, phải cống hiến sự chiêm niệm riêng của mình về mầu nhiệm này và không chỉ cung cấp những ý tưởng. Nó phải sống hoàn toàn từ bỏ khỏi sự yên ổn và hài lòng của loài người, để nó có thể phụng sự Chúa và, nó cũng được nhận danh dự từ Chúa Cha. Yêu mến sự sống đời này và sự khôn ngoan của thế gian – và trong thế giới người Hy Lạp đây là những giá trị quan trọng – là trở ngại lớn lao cho một “kiến thức thật sự về Chúa Giêsu”. Để phụng sự Danh Thánh Chúa, đón chào lời yêu cầu của những kẻ “đi tìm kiếm Người”, đem những người đi tìm này đến với Chúa Giêsu, mà không sống theo Chúa, hơn hết cả mà không làm chứng tá để chia sẻ sự chọn lựa cuộc sống của người ấy, món quà tặng đời sống của người ấy, thì thật là vô ích.
“Linh hồn Ta xao xuyến xiết bao”
Điều “băn khoăn” này của Chúa Giêsu là một yếu tố rất thú vị khác. Không phải là dễ dàng mà chịu đau khổ, xác thịt chống lại, xu hướng tự nhiên là trốn chạy khỏi sự đau khổ. Chúa Giêsu cũng cảm thấy sự mâu thuẫn này, đã có cùng sự kinh hoàng trước một cái chết mà hứa hẹn là sẽ đau đớn và nhục nhã. Thắc mắc của Người là: “Và Ta phải nói gì đây?” tỏ cho thấy sự giao động này, nỗi sợ hãi này, cơn cám dỗ này để tránh né một cái chết như thế. Gioan đã đặt thời khắc khó khăn này trước bữa tiệc ly; tuy nhiên, các sách Tin Mừng Nhất Lãm đặt nó vào lúc cầu nguyện trong vườn Giệtsêmani (Mc 14:32-42; Mt 26:36-46; Lc 22:39-46). Dù sao chăng nữa, tất cả đều đồng ý về việc giao động và xao xuyến này, cho thấy Người cũng giống như chúng ta, mỏng dòn và sợ hãi.
Nhưng Chúa Giêsu đối diện với nỗi thống khổ này bằng cách “phó thác bản thân mình” vào tay Chúa Cha, tự mình nhắc nhở rằng đây là kế hoạch của Chúa Cha, rằng toàn bộ đời sống của Người được hướng dẫn chính xác cho đến giây phút này, rằng ngay tại thời khắc này Người mặc khải chính mình và làm cho có ý nghĩa. Chúng ta biết rõ rằng chủ đề của giờ khắc rất là quan trọng đối với Gioan: lần đề cập đầu tiên tại tiệc cưới Cana (Ga 2:4) và sau đó một cách thường xuyên (Ga 4:21; 7:6,8,30; 8:20; 11:9; 13:1; 17:1). Đó không hẳn là vấn đề về thời gian chính xác như của trường hợp dứt khoát hướng về tất cả mọi việc đang chỉ đến.
“Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”
Được trông thấy từ xa sự thảm sát của kẻ cảm thấy bị đe dọa, việc treo trên cây thập tự giá trở thành việc đưa lên cao thực sự, đó là, việc trưng bày Người là Đấng cứu rỗi và chúc lành cho tất cả mọi người. Từ việc bạo lực muốn chèn ép và loại bỏ, chúng ta tiến tới lực hướng tâm thực hiện bằng biểu tượng được nâng cao đó. Đây là một sự “thu hút” được tạo ra bởi tính hiếu kỳ, nhưng mà qua tình yêu sẽ trở nên nguồn mạch của tình môn sinh, của lòng trung thành trong tất cả những ai có thể tiến xa hơn khỏi sự kiện vật lý và nhìn thấy trong Người món quà tặng ban cho không của tất cả bản thân Người.
Nó sẽ không còn bị xem như là cái chết ô nhục tạo ra khoảng cách, mà là nguồn mạch của sự lôi cuốn nhiệm mầu, một phương cách ban tặng với ý nghĩa mới cho sự sống. Một sự sống được cho đi lại nảy sinh sự sống; một sự sống bị chết đi lại tạo ra niềm hy vọng và sự đoàn kết mới, hiệp thông mới, sự tự do mới.
6. Thánh Vịnh 125 (126)
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
“Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! ”
Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nguyện xin Chúa hãy gìn giữ các môn đệ của Con Một Chúa xa khỏi các phương cách nổi tiếng dễ dàng, của sự vinh quang giả tạo, và hướng dẫn họ đến lối đi của những người nghèo khổ và bị áp bức của thế gian, để họ có thể nhận ra trong khuôn mặt của những người ấy là khuôn mặt của Thầy Chí Thánh và Đấng Cứu Chuộc. Xin hãy ban cho họ đôi mắt để nhìn thấy những phương cách có thể mang lại hòa bình và đoàn kết; có đôi tai để thấy những lời thỉnh cầu ý thức và cứu rỗi của rất nhiều người đi tìm kiếm bằng cảm giác; xin hãy làm phong phú tâm hồn của họ với lòng trung thành quảng đại, một ý thức và hiểu biết để họ có thể đi trọn con đường, là chứng nhân đích thực và chân thành cho sự vinh quang tỏa sáng trong Đấng bị đóng đinh đã phục sinh và vinh quang, Đấng hằng sống hằng trị vinh hiển với Chúa là Cha của chúng con đến muôn thuở muôn đời. Amen.